CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG – MÔ HÌNH
“NHÀ DÀI TÀ LÀI/ TALAI LONGHOUSE” Ở ĐỒNG NAI
ThS. Phan Đình Dũng*
ThS. Lương Như Ý*
1. Đặt vấn đề
Hiện nay,du lịch được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam1. Vùng Đông Nam Bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng có những lợi thế về khai thác du lịch với các mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), đem lại hiệu quả đối với người dân bởi những lợi thế về sự đa dạng môi trường sinh thái gắn với văn hóa tộc người bản địa. Tỉnh Đồng Nai quan tâm quy hoạch, phát triển du lịch dựa trên nhiều yếu tố mang tính chất độc đáo về văn hóa tộc người, tiềm năng và lợi thế về môi trường và những cơ sở sở chất lượng dịch vụ…2 . Để du lịch được phát huy mang tính chất bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, những mô hình DLCĐ cần đánh giá thực trạng một cách khách quan, gắn với chủ thể, khách thể và các đối tượng liên quan khác để xây dựng những tiêu chí nhằm hướng đến quy chuẩn chung. Nhìn từ góc độ của mô hình DLCĐ Nhà dài Tà Lài ( tiếng Anh: Ta Lai Longhouse) của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Đồng Nai, chúng tôi nêu lên một số ý kiến quan tâm về quy chuẩn đối với chất lượng dịch vụ trong khai thác du lịch.
2. Chất lượng dịch vụ trong khai thác du lịch tại Nhà dài Tà Lài
Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã hoạt động và đem lại những hiệu quả từ khi thành lập. Từ năm 2008, trong Chương trình Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam, dưới sự tài trợ của DANIDA, thông qua WWF Đan Mạch (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Đan Mạch) và WWF Việt Nam, Vườn Quốc gia Cát Tiên thực hiện dự án du lịch cộng đồng với tên gọi Nhà dài Tà Lài hướng đến việc đóng góp trực tiếp vào việc bảo tồn thiên nhiên cũng như phát triển văn hóa cộng đồng tại địa phương. Hiện nay, Công ty TNHH Chế biến Xuất khẩu Cà phê quản lý và Tổ Hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài thực hiện những kế hoạch khai thác du lịch tại địa phương với những loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng, thu hút mỗi năm hàng ngàn khách du lịch quốc tế. Hoạt động của điểm đến Nhà dài Tà Lài hiệu quả bởi nhiều yếu tố trong chính sách đầu tư, quản lý, điều hành và sử dụng lao động, khai thác các tuyến du lịch độc đáo của cảnh quan thiên nhiên cũng như nét văn hóa tộc người bản địa đối với du khách; đặc biệt khách quốc tế. Điều quan trọng là việc thực hiện các tiêu chuẩn trong chất lượng dịch vụ tại đây đối với khách du lịch trong các loại hình khai thác du lịch mạo hiểm, ẩm thực và lưu trú.
– Đảm bảo an toàn trong lưu trú, sinh hoạt
Cơ sở lưu trú trong DLCĐ ở vùng DTTS – chủ yếu ở địa bàn miền núi rất quan trọng vì phải đáp ứng yếu tố văn hóa tộc người và đảm bảo an toàn cho du khách. Khu vực lưu trú của khách du lịch tại đây được thiết kế trên khu nhà dài trên ngọn đồi giáp rừng, bao bọc bởi cây cối. Việc bảo đảm an toàn cho du khách luôn được quan tâm cao nhất với sự bảo đảm an ninh trong môi trường tự nhiên.
Khu nhà đón khách và lưu trú của điểm du lịch được làm bằng chất liệu cây rừng tại chỗ với lối kiến trúc mô phỏng nhà sàn dài của người Mạ tại địa phương. Tuy nhiên, không gian bên trong nhà dành cho khách lưu trú khá thoáng rộng để thuận lợi cho việc sinh hoạt chung của khách du lịch và đảm bảo vệ sinh an toàn. Nhìn thoáng bên ngoài, dễ làm cho du khách cảm giác hoang sơ giữa khung cảnh tự nhiên của rừng đồi núi, chỗ nghỉ ngơi chia theo khu vực trên sàn nhà đơn giản… nhưng đảm bảo sự hài lòng cho việc nghỉ ngơi và cả an toàn về sức khỏe cho khách tham quan. Vì vậy, nhiều đoàn khách quốc tế đã cho biết rất thích thú và hài lòng về chất lượng sinh hoạt nơi đây. Tất nhiên, khu vực chung của điểm đến mỗi khi đón đoàn đều được Tổ Hợp tác duy trì tình trạng vệ sinh an toàn cả khu vực đón, lưu trú cho khách tham quan để không giảm thiểu tối đa về sự tác động từ các loài thú, côn trùng của vùng rừng núi.
Khu nhà dài trong khu du lịch nhìn đơn sơ và nơi nghỉ ngơi đảm bảo an toàn
Về nhà vệ sinh của điểm đến, có lẽ cũng là một trong những điều khiến cho khách tham quan ngạc nhiên. Một số đoàn khảo sát của địa phương về du lịch đánh giá khu nhà vệ sinh “cực sạch” tại đây với những quy định đối với nhân viên phục vụ và khách tham quan. Chính từ ý thức tự giác và quy định được tuân thủ chặt, những điều tưởng chừng như đơn giản lại đem lại sự hài lòng từ khách tham quan trong tổng thể chất lượng dịch vụ của “nơi ăn, chốn ở, vệ sinh” tạm thời của du khách. Chất lượng trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt, được vệ sinh thường xuyên, sạch sẽ, văn minh, thuận lợi… trong lối kiến trúc đơn giản, hài hòa với thiên nhiên lại được đánh giá cao. Chính từ những đoàn khách đã đến tham quan tại đây giới thiệu nhiều điều thú vị khác của điểm đến, trong đó có chất lượng dịch vụ lưu trú đã thu hút nhiều khách quốc tế tìm đến.
Chúng tôi đã khảo sát một số điểm đến khác về du lịch cộng đồng vùng đồng bào thiểu số gắn với môi trường sinh thái ở Đông Nam Bộ, một số nơi chưa quan tâm đầu tư khu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đáp ứng các tiêu chí tối thiểu (trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu, nước yếu, đèn chiếu sáng hỏng, cảnh quan, môi trường không được giữ sạch sẽ). Những nhu cầu cá nhân trong thời gian lưu trú không được đáp ứng khiến du khách không tìm đến dù các yếu tố thu hút khác có phần nổi trội. Vấn đề ở đây không phải là diện tích lớn, rộng vì đã có quy định cụ thể cho từng loại hình khai thác khách du lịch mà là tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng dịch vụ trong phục vụ lưu trú đối với khách cần được quan tâm. Nhiều điểm đến xem nhẹ chất lượng dịch vụ lưu trú, vệ sinh đối với khách tham quan đã dẫn đến việc duy trì hoạt động du lịch không hiệu quả.
Nhà vệ sinh luôn được giữ gìn sạch sẽ
– Đảm bảo chất lượng khai thác ẩm thực truyền thống của tộc người tại chỗ
Một trong những yếu tố thu hút du lịch cộng đồng là khai thác ẩm thực của tộc người bản địa. Các tộc người thiểu số tại chỗ vùng Đông Nam Bộ nói chung, khu vực Tà Lài với người Mạ nói riêng có các món ăn, thức uống độc đáo là cơm lam, rượu cần và các loại rau rừng. Khách tham quan trong thời gian lưu trú thường có yêu cầu được trải nghiệm cùng tham gia trải nghiệm trong việc chế biến thức ăn và thưởng thức món ăn dân dã này. Nhiều đoàn khách luôn đưa ra trước những yêu cầu ẩm thực khi đến tham quan. Tại điểm du lịch Tà Lài có thể phục vụ yêu cầu này của khách và liên kết các hộ gia đình chế biến. Điều quan trọng khi khai thác ẩm thực, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tập quán của khách du lịch – đặc biệt đối với khách nước ngoài, dù tham gia chế biến các công đoạn, khi thưởng thức cũng đặt trong yêu cầu vệ sinh an toàn về thực phẩm trong cách sử dụng và môi trường cảnh quan. Tại điểm đến du lịch Tà Lài, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm khi khai thác, chế biến thực phẩm và phục vụ luôn được quan tâm. Tập quán sử dụng từng phần ăn riêng, ăn chung được tôn trọng dù có sinh hoạt trải nghiệm với cộng đồng. Du khách hài lòng đối với vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ để lại ấn tượng tốt và cũng là đánh giá chất lượng dịch vụ tốt. Đây là điều thuận lợi trong phát triển, thu hút khách của điểm đến du lịch.
Thế nhưng, vẫn còn một số trường hợp trong khai thác, chế biến thức ăn các món truyền thống chưa đảm bảo ở một số điểm đến. Trong kinh nghiệm cùng đi với một số đoàn khách, khách tham quan hồ hởi tham gia các công đoạn hái rau rừng, nấu các món ăn, cơm lam… nhưng khi sử dụng thì họ không sử dụng thức ăn có chính mình tham gia. Một lý do chính khách tham quan cho biết: môi trường chế biến và những hộ dân tham gia không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh trong quá trình chế biến. Rau lá về bỏ ra trên nền đất, nước rửa rau và giã lá nấu canh với những dụng cụ không sạch sẽ vì lấy từ giàn bếp đầy khói bụi. Khu vực nấu cơm lam gần có những vũng nước bẩn, gần vách các khu vực nuôi nhốt gia cầm… Một số hộ dân tham gia liên kết trong khai thác ẩm thực phục vụ khách du lịch chưa quan tâm đến vấn đề môi trường chế biến. Thậm chí, có những món ăn và cách bày biện không hợp vệ sinh với tập quán ăn uống của du khách không được tôn trọng. Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần chú ý về chất lượng dịch vụ mà các hộ dân, điểm đến khai thác du lịch – dịch vụ ẩm thực nói chung cần lưu ý.
Khu vực nhà ăn đơn giản nhưng sạch sẽ
3. Những ý kiến về chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số
Khi viết về chất lượng dịch vụ trong du lịch cộng đồng,qua nhiều điểm đến khi khảo sát hoặc có điều kiện tiếp cận, chúng tôi chọn điểm Nhà dài Tà Lài để có góc nhìn mới – không có ý quảng cáo nhưng đặt ra những cách gợi mở về chất lượng của các dịch vụ khách tham quan. Bởi, đây là một mô hình du lịch cộng đồng được địa phương đánh giá hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư khai thác, cho cộng đồng tại chỗ và phát triển tốt. Bên cạnh chất lương dịch vụ tốt của nhiều điểm: an toàn trong du lịch mạo hiểm (chèo thuyền trên hồ nước giữa rừng, đạp xe thưởng ngoạn xuyên rừng, thể thao đường rừng…), thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên về địa hình, rừng núi, động thực vật rừng… trong đó có an toàn về điểm lưu trú, ẩm thực vừa phản ánh tính văn hóa tộc người và đảm bảo an toàn cho kách tham quan. Có nhiều quy định về kinh doanh, khai thác du lịch cộng đồng bắt buộc phải tuân thủ thì điểm đến Nhà dài Tà Lài đã đáp ứng một số những quy định theo điều 19 của Luật Du lịch 2017: Cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng; chủ trì xây dựng cam kết của cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh đối với khách du lịch; có trách nhiệm tôn trọng văn hóa, nếp sống và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng….
Chắc chắn, những mô hình du lịch tại các địa phương khác đem lại hiệu quả cho sự đầu tư kinh doanh, khai thác du lịch cộng đồng và đóng góp tích cực trên nhiều mặt trong phát triển kinh tế – xã hội của ngành, của địa phương nói riêng, của cả nước nói chung. Từ những mô hình phát triển mang tính chất hiệu quả, các nhà quản lý, các cấp chính quyền cần có sự đúc kết để xây dựng những quy tắc mang tính phổ quát về tiêu chuẩn trong du lịch nói chung, chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng nói riêng trong thời kỳ bùng phát du lịch toàn cầu – trong đó Việt Nam là điểm đến được đánh giá lựa chọn khá cao.
Vấn đề chất lượng dịch vụ trong du lịch cộng đồng – trong đó an toàn, thuận lợi về lưu trú cũng như khai thác ẩm thực truyền thống cần chú ý cả về tuyên truyền, tập huấn cho nguồn nhân lực tham gia, các hộ dân liên kết trong chuỗi khai thác chung. Dễ thường, người dân tại chỗ hay có suy nghĩ “ta sao thì người vậy” trong chế biến, tập quán ăn uống, chỉ nghĩ đến “điều chúng ta có”, đảm bảo tính nguyên vẹn của truyền thống tộc người chứ “không phải du khách cần” nên không hay chưa đáp ứng về chất lượng dịch vụ trong điều kiện an toàn trên nhiều mặt. Hiện nay, nhà nước đã ban hành nhiều quy định trong lĩnh vực du lịch nói chung và các lĩnh vực liên quan thiết yếu về cuộc sống nói riêng: an toàn thực phẩm, môi trường, nơi lưu trú từng loại hình du lịch, an toàn giao thông… Các nhà đầu tư, chủ cơ sở, hộ dân… phải đảm bảo tính pháp lý khi thực hiện kinh doanh du lịch theo luật định. Tuy nhiên, vấn đề an toàn và an ninh trong du lịch cũng chưa được quan tâm cao ở một số địa phương, điểm đến du lịch nói chung hay du lịch cộng đồng nói riêng bởi nhiều yếu tố. Một số điểm đến du lịch vẫn còn những trường hợp ngộ độc thức ăn, xảy ra tai nạn nghiêm trọng đến sức khỏe của khách tham quan mà thông tin đại chúng phản ánh.
*
Chúng tôi muốn nêu lên những vấn đề này từ một mô hình cụ thể đã thực hiện tốt trong an toàn thực phẩm và an ninh lưu trú trong khai thác du lịch cộng đồng. Vấn đề xây dựng tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng cần mang tính phổ quát, tôn trọng nét riêng văn hóa nhưng phải thuận lợi, kích ứng cho phát triển du lịch cộng đồng hiện nay đang phát triển tại Việt Nam./.
Chú thích:
[1] – Nghị quyết số 08-NQ-TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, ngày 16/01/2017 về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng ký.
– Quyết định số 2473/QĐ – TTG ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký.
2– Quyết định số 2351/QĐ – TTG ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch Tổng thể phát triển phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký.
– Quyết định số 2364/QĐ – UBND ngày 13/8/2015 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Trí ký.
- Nguồn ảnh: https://www.tripadvisor.com.vn/
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tài liệu khảo sát của nhóm tác giả tại Nhà dài Tà Lài (Tân Phú, Đồng Nai), Nhà cộng đồng X’tiêng (Bù Đăng, Bình Phước) năm 2018, 2019.
- Luật Du lịch (Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2017).
- https://www.tripadvisor.com.vn/Hotel_Review-g1673756-d3382477-Reviews-Ta_Lai_Longhouse-Cat_Tien_National_Park