Bảo tồn và phát huy giá trị di sản trước xu thế toàn cầu hóa – thời cơ và thách thức.
Ts. Nguyễn Hồng Ân – Phó Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai
Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, hệ thống pháp luật qua các thời kỳ đều đề cập đến yêu cầu bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di sản văn hóa, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh đất nước.
Ngày 23/11/1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, dù còn bộn bề các công việc cấp bách cần giải quyết, nhưng với tầm nhìn minh triết của một vĩ nhân – danh nhân văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh xác định việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Điều 4 của Sắc lệnh nêu rõ cấm phá hủy đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác như cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Sắc lệnh này, ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực di sản văn hóa, động viên và thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33 (khóa XI) về Xây dựng Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Năm 2001, Luật Di sản văn hóa ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 – điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội và quốc tế… Nghị định 166/2018/NĐ-CP Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… là những cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Đặc biệt, để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các nghệ nhân trong việc truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 Quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) được xem là báu vật thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc, mà các thế hệ phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy cho các thế hệ tiếp theo. Một xã hội không thể tồn tại và phát triển nếu không dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hoá. Có những giá trị văn hóa đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một quốc gia, dân tộc và có ảnh hưởng toàn cầu – đó là di sản văn hóa thế giới, tài sản vô giá của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được coi là hai bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Chúng luôn gắn bó mật thiết, có tác động tương hỗ và tôn vinh lẫn nhau, nhưng vẫn có tính độc lập tương đối.
– Di sản văn hóa vật thể là cái hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại. Di sản văn hóa vật thể – những thực thể vật chất (tồn tại vật lý) được cấu thành bởi các loại vật liệu khác nhau nên không có khả năng trường tồn mãi mãi cùng nhân loại. Chúng ta, chỉ có thể bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại có trong tay kéo dài tuổi thọ, làm cho dạng vật chất đó ổn định, vững chắc (mang tính tạm thời). Đã là dạng vật chất thì tất yếu phải chịu tác động bởi quy luật tự hủy hoại của tự nhiên.
– Di sản văn hóa phi vật thể là cái vô hình, chỉ được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác. Phần lớn di sản văn hóa phi vật thể chỉ có thể biểu hiện các mặt giá trị thông qua các cử chỉ, hoạt động trình diễn của các nghệ nhân dân gian – những chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu các di sản. Di sản văn hóa phi vật thể, tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản. Trong những trường hợp cá biệt, chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản là một cộng đồng cư dân, thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ cũng có tác động không nhỏ đến sự tồn vong của di sản văn hóa phi vật thể. Và, chính họ là nhân tố quyết định những di sản văn hóa phi vật thể nào cần được bảo tồn, phương cách bảo tồn, sử dụng và khai thác chúng nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi xã hội mà văn hóa được xem là nền tảng. Việc phát huy các giá trị văn hoá sẽ có tác dụng làm tăng ý thức, trước hết là của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc và của bè bạn quốc tế đối với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa. Ngược lại việc bảo tồn sẽ là cơ sở và tạo ra cơ hội có được các giá trị văn hóa để tự hào, để giới thiệu với các dân tộc, các quốc gia trên thế giới và đem lại những giá trị kinh tế.
Toàn cầu hóa là tất yếu không thể chối bỏ, mà ngược lại, chúng ta phải chủ động hội nhập để tận dụng những cơ hội mà nó đưa lại nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia chỉ có thể xây dựng nguồn nội lực đủ mạnh trên cơ sở một nền tảng tinh thần thật vững chắc, đó là bản sắc văn hóa dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng văn hóa. Điều này càng khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di sản văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống chỉ đáp ứng nhu cầu của con người về mặt sinh học, tạo cho họ thể chất tốt, nhưng con người ta để sống, lao động sáng tạo và cống hiến vẫn rất cần được giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực sáng tạo, sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần. Đây chính là những nhân tố quyết định nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như tạo ra bản lĩnh cho cả dân tộc bước vào hội nhập quốc tế mà không sợ bị hòa tan.
Để hội nhập quốc tế mà không bị hòa tan, phát triển nhưng vẫn bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc, cần phải có phương pháp tiếp cận tổng thể và toàn diện về vấn đề phát triển. Nhận thức đúng đắn vấn đề phát triển, chính là tiền đề cho việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả, cần phải phân loại di sản để có những chính sách ưu tiên đối với những giá trị mang tầm cỡ quốc gia, dân tộc và khu vực, bởi không một nhà nước nào có đủ kinh phí để “bao cấp” cho việc bảo tồn tất cả những di sản văn hóa của đất nước. Hiện nay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta tác động mạnh đến chính sách văn hóa của nhà nước, một chính sách có xu hướng nói không với “bao cấp” kể cả bao cấp với văn hóa; vì vậy phải phát huy “vốn văn hóa” biến chúng thành “vốn kinh tế” – xu hướng này rất phổ biến và hiệu quả ở các nước phát triển. Việt nam cũng đang nhận thức và được thể hiện trong những quan điểm của Đảng và nhà nước như “Xã hội hóa”, “Công nghiệp văn hóa”.
Thực tiễn cũng đã cho thấy nhiều cộng đồng có di sản đã tự tìm cho mình phương thức riêng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản của mình trong bối cảnh hiện nay như: Lễ hội Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (Kiên Giang) Lễ hội Bà chúa Sứ ở Châu Đốc (An Giang) Lễ hội chùa Bà ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) Lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu ở Biên Hòa, Đồng Nai)… Ở những nơi này, di sản luôn gắn chặt với phát triển du lịch và luôn được khai thác như là những sản phẩm du lịch.
Quan điểm đối với di sản văn hóa phải “bảo tồn nguyên gốc” cần được xem xét lại và có thể thay thế bằng “bảo tồn – phát triển” và vai trò quyết định mang lại hiệu quả chính là cách làm và đồng thuận của cộng đồng cư dân sáng tạo và gìn giữ di sản. Các nhà quản lý văn hóa không cứng nhắc với một mô hình bảo tồn nào mà tùy vào tình hình, đặc điểm thực tế của di tích, di sản đó để để chọn mô hình tối ưu nhất.
Di sản văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa và xã hội hiện đại với nhiều cơ hội thuận lợi song cũng không ít thách thức, sự giao lưu văn hóa trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi di tích, di sản văn hóa phải đáp ứng yêu cầu khách du lịch cũng như công chúng quốc tế nói chung muốn trải nghiệm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, thực hành văn hóa là nhu cầu cấp thiết trước xu thế toàn cầu hóa, vừa đảm bảo đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng vẫn có tiếng nói chung để các dân tộc trện thế giới có thể hiểu và cảm nhận được cái bản sắc văn hóa đậm đà ấy. Bảo tồn và phát triển, hội nhập mà không hòa tan… không chỉ là vấn đề đặt ra đối với nhà quản lý mà đòi hỏi các nhà khoa học và cộng đồng sáng tạo, trao truyền di sản phải sáng tạo và linh động để tạo ra những bước đi vững chắc và hiệu quả./.