Di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương nằm bên hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bửu Hòa, Tp.Biên Hòa. Trước đây là đình Mỹ Khánh thờ Thần Thành hoàng, sau khi danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, cảm phục trước tấm lòng trung quân, ái quốc của ông, người dân địa phương đã tạc tượng, rước linh vị ông vào thờ tại đình và đổi tên thành đền thờ Nguyễn Tri Phương. Di tích được Bộ VHTT-TT công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 21/01/1992.
Trong công cuộc trị an và chống xâm lược phương Tây thế kỷ XIX, Nguyễn Tri Phương là vị tướng tài, có mặt trên khắp các mặt trận từ Bắc chí Nam. Một con người xuất chúng đã kinh qua nhiều chức vụ cao qua ba triều: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông tên thật là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 09 tháng 09 năm 1800 (ngày 21 tháng 07 năm Canh Thân) trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học tại tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông sớm bộc lộ tài năng và chí lớn ngay khi còn niên thiếu, năm 20 tuổi ông làm thư lại tại huyện Phong Điền, sau đó ông được các quan đại thần tiến cử vào làm việc tại triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Tri Phương đã giữ nhiều trọng trách như: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Công, Bộ Binh, Hiếu điện Đại học sỹ – một chức hàm trong tứ trụ triều đình, đứng đầu hàng võ… Đặc biệt, từ năm 1841 trở về sau, sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Tri Phương gắn liền với những mặt trận chống ngoại xâm trên cả đất nước từ Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ.
Tháng 02 năm 1861 sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương dẫn quân về lập tuyến phòng thủ ở Biên Hòa. Công việc đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh phái ông đi trấn giữ thành Hà Nội. Trong một trận quyết chiến với quân Pháp, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, bọn Pháp cho người đến điều trị vết thương hòng mua chuộc nhưng ông kiên quyết cự tuyệt rồi mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (nhằm ngày 01 tháng 11 năm Ất Dậu).
Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc trên khu đất bằng phẳng có diện tích 2.500m2, gồm nhiều hạng mục kiến trúc như cổng đình, bình phong, cột cờ, nhà võ ca, tiền đình, chánh điện, nhà hội, nhà trù… được bố trí hợp lý. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đền thờ Nguyễn Tri Phương được xây thêm một số hạng mục kiến trúc mới như nhà bia, đúc tượng, nhà bao che… song vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm, cảnh quan và môi trường thiên nhiên được cải thiện. Hàng năm, vào ngày 16, 17 tháng 10 (âm lịch) tại đền diễn ra lễ Kỳ yên theo phong tục thờ Thần của người Việt rất long trọng, được đông đảo nhân dân đến thành kính dâng hương.
Ngoài lối kiến trúc cổ, di tích còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như bài vị, bao lam, liễn đối, hoành phi, các lễ tiết, văn cúng, trang phục… góp phần làm đa dạng di sản văn hóa Đồng Nai. Do vậy, bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Trong những năm qua công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương luôn được các cấp lãnh đạo, ban ngành liên quan và nhân dân địa phương quan tâm. Quá trình tôn tạo được thực hiện theo đúng pháp luật, dưới sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến quy mô và giá trị vốn có của di tích. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần chú trọng và thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ then chốt sau:
– Bảo vệ cảnh quan di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương: Di tích nằm gần sông nên khó tránh khỏi những rủi ro bị phá hủy bởi thiên tai như lũ lụt, sạt lở… Do vậy Nhà nước và người dân cần chung sức xây dựng hệ thống cây xanh tạo bóng mát vừa che chắn gió, bụi vừa giữ đất không bị sạt lở. Bên cạnh cần xây dựng hệ thống thoát nước tốt tránh việc nước không thoát được sau những trận mưa lớn hoặc ngập nước do thủy triều lên.
– Bảo tồn các hạng mục gốc của kiến trúc: Hầu hết các hạng mục kiến trúc của di tích được xây dựng khá lâu, từ sau khi di tích được công nhận di tích cấp quốc gia, di tích đã được trùng tu, tôn tạo vài lần nhưng về lâu dài cũng cần có dự án quy mô lớn nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi nguyên trạng các yếu tố di tích gốc theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân góp phần phát triển tuyến du lịch đường sông Đồng Nai.
– Di sản văn hóa phi vật thể đền thờ Nguyễn Tri Phương khá phong phú, độc đáo, đậm đà sắc thái dân gian và truyền thống dân tộc. Những di sản văn hóa ấy rất đặc trưng, hấp dẫn các nhà nghiên cứu và khách tham quan. Do vậy cần xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh, giá trị di tích đến với nhân dân trong và ngoài nước thông qua các ấn phẩm sách, báo, CD, phim tư liệu, mạng xã hội…
– Nhiệm vụ cấp thiết không kém phần quan trọng là đào tạo đội ngũ Ban Quý tế, học trò lễ – những người đảm nhiệm việc quản lý, thực hành lễ hội. Việc đào tạo này phải có tính kế thừa nên ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
– Đa dạng hóa các hoạt động trong việc tổ chức lễ hội, chú trọng yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống yêu nước. Gắn kết di tích với hệ thống các di tích khác trên địa bàn thành phố Biên Hòa và các vùng lân cận nhằm tạo sự xuyên suốt trong các tuyến điểm du lịch và cũng tạo mối quan hệ để các thành viên trong ban quý tế có thể trao đổi kinh nghiệm về quản lý cũng như bảo tồn di tích.
– Có chính sách hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, du lịch, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về cơ chế quản lý, chính sách đầu tư… nhằm tạo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động bảo tồn và khai thác di tích.
– Bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương không ai có thể làm tốt hơn chính chủ thể của di sản. Do đó cần phải tạo được ý thức bảo vệ di tích trong mỗi người dân, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích./.
Nguyễn Văn Dũng
Tài liệu tham khảo
Ban Quản lý Di tích – Danh thắng, 2013, Di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương, NXB Đồng Nai.