Đình làng ở Đồng Nai là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã, do những cư dân từ miền Bắc, miền Trung khởi dựng qua quá trình khai khẩn, lập nghiệp ở vùng đất mới. Đình là nơi thờ thần Thành Hoàng làng và các danh nhân có nhiều công đức được bá tánh ngưỡng vọng. Tỉnh Đồng Nai hiện có hàng trăm ngôi đình nằm ở các huyện, thành phố. Nhiều đình ở Đồng Nai có sắc phong[1] các triều đại: Minh Mệnh nhị niên (1822), Tự Đức ngũ niên (1852) và Khải Định nhị niên (1918). Các sắc phong là đại diện, biểu tượng của quyền lực làng xã. Với người dân Biên Hòa – Đồng Nai thì ngôi đình và văn hóa đình làng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Thành phố Biên Hòa đang trong bối cảnh đô thị hóa, cảnh quan đô thị được xây dựng, không gian các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo bị thu hẹp nhường chỗ cho các công trình hiện đại, đã kéo theo nhiều giá trị văn hóa nơi đây thay đổi. Tuy vậy, đình và lễ hội đình An Hòa vẫn diễn ra theo lệ thường niên, là hình thức sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu ấn tượng nhất của người dân nơi đây. Điều đó cũng chứng minh sức sống bền bỉ, vai trò, vị trí quan trọng của đình và lễ hội đình đối với đời sống người dân An Hòa.
1. Giá trị lễ hội đình An Hòa trong giáo dục đạo đức, lối sống
Đình An Hòa là thiết chế của một thời nông nghiệp, đình có những hoạt động hội lễ, có định kỳ, định chế minh bạch. Lễ hội tại đình suy tôn những lề thói xưa của dân gian, nên mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân địa phương. Những lễ nghi, trang phục, lễ vật dâng cúng thần chính là những sản phẩm văn hóa truyền thống quý báu cần được duy trì giáo dục, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau. Sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng sẽ điều chỉnh những hành vi của con người, giúp con người hướng thiện. Trong lễ Kỳ yên tại đình An Hòa đều gắn với việc thờ cúng thần Thành hoàng, Tiền hiền Hậu hiền, Tiên sư… Đây là những vị có công với dân làng như: lập làng, dạy nghề, dạy học, đánh giặc, cứu người… Cũng giống như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị trong đình vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xóm, đất nước. Đó là những triết lý nhân sinh, thể hiện ước muốn cao đẹp về một đất nước thanh bình, thịnh vượng, nhà nhà an yên, đồng thời cũng là thông điệp của các bậc tiền nhân truyền dạy đến hậu thế.
Nghi lễ thờ cúng Thành hoàng là bày tỏ lòng tôn kính đối với những công lao to lớn, đồng thời cũng làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người. Thông qua lễ hội kỳ yên, giá trị giáo dục, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện đậm nét đối với nhiều thế hệ cư dân An Hòa. Xã hội ngày càng hiện đại với nhịp sống đô thị hóa, các hoạt động của con người, máy móc, căng thẳng và đơn điệu, ồn ào, chật chội. Những chuyện “trò đời” nhờ “thần” chứng giám… một mặt thể hiện sự tôn kính đối với thần Thành hoàng và các vị thần khác được phối thờ, mặt khác còn là hình thức diễn xướng thu hút bá tánh, qua đó sẽ giáo dục truyền thống trung hiếu – nhân nghĩa ở đời.
2. Giá trị cố kết cộng đồng
Là một thiết chế tín ngưỡng dân gian, đình An Hòa đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân qua các thời kỳ lịch sử đầy biến động. Với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng gắn liền với nền nông nghiệp, đình An Hòa là một sự nối tiếp truyền thống tín ngưỡng của người Việt từ miền Trung, khẳng định một sức sống của cộng đồng cư dân trên vùng đất phương Nam. Trong đó lễ hội đình đã gắn kết cộng đồng một cách chặt chẽ của người Việt để họ cùng mở mang, xây dựng quê hương, đất nước.
Lễ Kỳ yên đình An Hòa diễn ra theo chu kỳ thời gian là dịp tập trung, gặp gỡ, giao hòa giữa con người với con người, sợi dây liên hệ về mặt tinh thần luôn luôn được bền chắc. Trong lễ hội đình làng thì giá trị cố kết cộng đồng là một giá trị hết sức cơ bản. Trong điều kiện xã hội hiện đại, khi mỗi con người đều có chung một nhận thức, một niềm tin, có cùng một tình cảm trước biểu tượng thiêng liêng thì điều đó tạo nên sự gắn bó, sức sống mạnh mẽ của tập thể. Mỗi lần lễ hội được diễn ra thành công, đó là niềm tự hào chung của cả cộng đồng.
Vào dịp lễ hội Kỳ yên, đình An Hòa lại bước vào thời kỳ tham gia sinh hoạt sôi nổi của cộng đồng. Trong suốt quá trình diễn ra lễ Kỳ yên, đình thu hút đông đảo dân làng hội tụ về tế lễ, cúng thần Thành hoàng, nơi diễn ra lễ Thỉnh sắc, Tống phong, Hồi Sắc… Đặc biệt, trong lễ Thỉnh sắc, Hồi sắc của người dân An Hòa từ lâu đã trở thành một nghi lễ quan trọng trong lễ Kỳ yên, tạo nên sự phấn khích, tạo thành niềm cộng cảm không thể thiếu trong tế lễ của cộng đồng. Sau phần lễ là phần hội, đây là phần sôi động vui vẻ nhất trong lễ cúng Kỳ yên tại đình. Mọi người ăn mặc chỉnh tề đến tham gia lễ cúng đình, được hòa mình vào sinh hoạt của lễ hội như: biểu diễn múa lân, đờn ca tài tử, hát bội, xây chầu, và người dân trong làng có thể tham gia các trò chơi dân gian như đua thuyền… Các phần hội đã thu hút đông đảo người dân tham dự, trở thành ngày hội văn hóa có ý nghĩa nhất trong năm. Thông qua các trò diễn, trò chơi dân gian, xem đờn ca tài tử, mọi người có dịp trò chuyện, tham gia vui chơi cùng nhau, khiến cho sợi dây liên hệ giữa những người cùng địa phương trở nên gần gũi, gắn bó hơn.
Đình An Hòa cả năm im lìm thì trong dịp lễ hội Kỳ yên, lễ cúng Chạp miếu và các lễ cúng khác trong năm đã được sống dậy không gian thiêng của ngôi đình; cờ ngũ sắc tung bay, đèn, nến thắp sáng, chiêng trống được nổi lên, lòng người ai cũng náo nức, rộn rã hướng về không gian thiêng liêng đó. Ngày nay, vào ngày diễn ra lễ hội, đình được trang hoàng rực rỡ hơn so với trước kia. Các dịch vụ cho thuê phông rạp, bàn ghế, dịch vụ nấu ăn, cắm hoa, tạo hình rồng bằng trái cây,… làm cho khung cảnh ngôi đình trở nên nhộn nhịp hơn. Mỗi vị khách đến cúng đình trước khi ra về đều ngồi lại dùng bữa cơm cùng Ban Quý tế để hưởng lộc Thần, cùng chia sẻ những buồn vui, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, làm ăn kinh doanh buôn bán… Cho nên sinh hoạt tín ngưỡng ở đình làng An Hòa có vai trò quan trọng trong việc liên kết xã hội, tạo thêm sức mạnh cho mỗi cá nhân để có thể ứng phó trước chuyển biến của cuộc sống.
3. Giá trị tín ngưỡng tâm linh
Đình làng là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt. Lễ hội diễn ra tại đình An Hòa là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tỏ lòng thành kính đối với người có công bảo vệ xóm làng, thể hiện tinh thần nhớ về nguồn cội. Đặc biệt là cách thức giáo dục cho các thế hệ trẻ biết được những truyền thống văn hóa quan trọng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, tính liên kết cộng đồng, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc.
Tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng đóng vai trò liên kết cộng đồng làng xã, là nơi quy tụ tâm linh cho cư dân. Thần Thành hoàng chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc, độ trì cho những người tốt, trừng phạt những kẻ xấu. Mọi người trong cộng đồng luôn tuân thủ theo luật lệ, đạo đức vì họ luôn tâm niệm rằng Thần luôn giám sát những hoạt động của từng thành viên trong cộng đồng. Khi có tai ương, người ta thường đến lễ bái cầu xin thần che chở, cầu cho chuyện dữ hóa lành.
Lễ hội Kỳ yên đình An Hòa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhiều tầng lớp nhân dân địa phương. Mỗi người dân khi gặp chuyện gì không may trong cuộc sống của mình đều mong được “tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa”.
Tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng của người dân An Hòa mang tính kế tục lịch sử được duy trì bằng những giá trị tương đối ổn định như ngôn ngữ, tập quán, lễ nghi… Là chỗ dựa về mặt tinh thần đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, thiêng liêng. Yếu tố đó đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.
4. Giá trị lễ hội đình An Hòa trong đời sống tinh thần
Đình An Hòa được xây dựng khi quá trình khai làng, lập ấp ở nơi đây cơ bản đã được hoàn thành, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng. Trong suốt chặng đường lịch sử mở đất của cư dân Biên Hòa – Đồng Nai, ngôi đình luôn giữ vị trí hàng đầu trong tâm thức của những người con xa xứ. Ngày nay, vào dịp lễ hội Kỳ yên số lượng khách đến tham dự rất đông. Đặc biệt trong đêm 15/8 âm lịch tại đình diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa lân, xiếc, đờn ca tài tử, hát bội đã thu hút hơn 1000 lượt người từ trẻ em, thanh niên, trung niên, cho đến những vị lớn tuổi ở các địa phương lân cận đến tham dự và thắp hương cúng Thần. Điều đó đã chứng minh rằng lễ hội đình ngày nay vẫn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân An Hòa và các vùng phụ cận. Đồng hành với những bước đổi thay, phát triển của làng xã, đình và lễ hội đình còn gìn giữ, bảo lưu di sản văn hóa quý giá, mang giá trị giáo dục lịch sử sâu sắc.
Lễ hội đình An Hòa không chỉ tạo thành một mạch liền trong vòng quay của thời tiết trong một năm, mà còn là mạch nối giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa trần thế và tâm linh. Sinh hoạt văn hóa truyền thống ở An Hòa phải kể đến đoàn hát bội do ông Nguyễn Văn Làm (Bầu Làm) thành lập, góp phần quan trọng trong đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giải trí của người dân địa phương và du khách. Hiện nay, đoàn hát bội phường An Hòa vẫn còn duy trì, biểu diễn trong những đêm tổ chức lễ hội Kỳ yên và được người dân ủng hộ tích cực. Các vở tuồng hát bội, không chỉ có những người lớn tuổi mà cả thanh niên và trẻ em cũng bị thu hút bởi sự đặc sắc của nó. An Hòa còn tổ chức được đội múa lân ngay từ những năm đầu đất nước thống nhất. Duy trì sinh hoạt này là một nét độc đáo của một vùng quê có bề dày văn hóa của An Hòa. Vì vậy, có thể thấy rằng chính cư dân An Hòa đã sáng tạo ra văn hóa và hưởng thụ giá trị di sản văn hóa đó qua các thời kỳ lịch sử.
Kết luận
Cuộc sống ngày càng thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những giá trị văn hóa truyền thống như nhạt dần thì lễ hội cúng đình An Hòa với những nghi thức cúng tế, lễ vật, trang phục, văn cúng và những trò diễn dân gian (múa lân, hát bội, ca cổ,… ) vẫn được bảo lưu và truyền thừa qua thời gian. Qua lễ hội, lòng yêu quê hương đất nước, ý thức gìn giữ di sản văn hóa địa phương như được sống dậy, sẽ là sợi dây liên kết giữa truyền thống và hiện đại.
Tính bền vững của lễ hội đình An Hòa phải được nhìn nhận như là một nhu cầu tâm linh, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của cư dân địa phương. Lễ hội đình An Hòa không chỉ mang bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc của vùng đất này mà còn lưu giữ được nhiều nội dung cổ truyền có giá trị đạo đức, thẩm mỹ… Tổ chức tốt lễ hội Kỳ yên sẽ để lại ấn tượng, hiệu quả không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa mà còn góp phần phát triển du lịch mang lại nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương./.
Trương Thị Nguyên Hiền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Tường – Nguyễn Hữu Thế (2005), Đình ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ Tp. Hồ Chí Minh.
- Lê Trí Dũng (Chủ biên) (2011), Di tích Đình An Hòa, Công ty TNHH MTV In Kinh Tế, Tp. Hồ Chí Minh.
- Lý Việt Dũng (2008), Thông chí xã An Hòa (Làng Bến Gỗ), Chuyên khảo đánh máy lưu tại Bảo tàng Đồng Nai.
- Trương Thị Nguyên Hiền, tài liệu điền dã phỏng vấn năm 2019, 2020.
[1]Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, Đồng Nai hiện nay có 37 đạo sắc phong, gồm: 02 đạo sắc triều vua Minh Mệnh (01 đạo sắc Minh Mệnh nhị niên 1822 và 01 đạo sắc Minh Mệnh tam niên 1823), 01 đạo sắc triều Thiệu Trị tam niên (1844), 25 đạo sắc triều vua Tự Đức ngũ niên (1852) và 09 đạo sắc triều vua Khải Định nhị niên (1918).