Dân tộc Kơho là một trong những dân tộc bản địa sống lâu đời tại Đồng Nai, tập trung ở các xã: Phú Trung, Phú Lâm, Phú Thanh, Phú Sơn, Tà Lài, Trà Cổ và nhiều nhất là Phú Bình của huyện Tân Phú. Ngoài ra còn một ít sống rải rác ở thành phố Long Khánh và các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.
Cũng như nhiều dân tộc khác ở Đồng Nai, dân tộc Kơho có truyền thống sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp với lối sống du canh du cư. Họ thường vào rừng khai khẩn đất hoang rồi trồng cây, sau vài năm khi đất hết màu mỡ lại di chuyển đến nơi khác tìm mảnh đất tốt hơn để làm ăn, sinh sống. Ngày nay, cuộc sống của đồng bào đã ổn định hơn, nhà nước tập trung họ thành khu cư trú không phải đi sâu vào rừng như trước kia. Hoạt động kinh tế của người dân là làm ruộng, làm rẫy, trồng tiêu, điều, khoai mì… ngoài ra còn đánh bắt thủy sản, hái lượm.
Họ sống gắn bó, hòa mình với thiên nhiên. Làng bản của đồng bào được bao quanh bởi rừng cây, vách núi. Nơi đây có rất nhiều cây tre, trúc, lồ ô, mây… nên họ tận dụng những sản vật từ thiên nhiên để phát triển nghề đan lát. Sản phẩm làm ra rất đa dạng từ đan vách nhà, kho lúa, đến các đồ dùng sản xuất, sinh hoạt trong gia đình như: gùi, giỏ đựng cơm, giỏ xúc lúa, nong, nia… Trong đó, gùi là vật dụng đan thủ công bằng lồ ô, mây rất phổ biến và đa năng, phản ánh sự sáng tạo trong lao động sản xuất cũng như thích ứng với môi trường sống của người dân ở địa hình đồi núi. Đây cũng được coi là sản phẩm điển hình cho kỹ thuật đan lát của dân tộc Kơho.
Cùng với con dao côi, chà gạc thì chiếc gùi như là một minh chứng cho tấm lòng mộc mạc của người Kơho, nó đã gắn bó với cuộc sống của người dân, góp phần để những ruộng lúa, nương ngô phủ xanh khắp núi đồi. Chiếc gùi không đơn thuần dừng lại ở vật dụng chuyên vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp mà nó còn gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của các chàng trai dành cho người bạn đời. Vì lẽ đó mà ngoài việc đi rừng, làm nương rẫy giỏi, người đàn ông còn phải biết đan lát để tạo ra những chiếc gùi đẹp, đây cũng là tiêu chí của các cô gái khi chọn chồng. Do công việc này cần sự siêng năng, khéo léo, đều đó chứng tỏ người biết đan lát sẽ là người có trách nhiệm với gia đình. Chỉ cần nhìn các ngón tay sẽ biết được thanh niên này đan lát giỏi hay không và các cô gái sẽ chọn “bắt chồng” là những chàng trai ngồi đan gùi trên nhà dài của làng.
Do điều kiện sinh sống ở địa hình rừng núi nên phương thức vận chuyển bằng gùi là sự lựa chọn sáng tạo của đồng bào. Gùi của dân tộc Kơho thân tròn, có hai quai mang trên vai để thuận tiện cho bà con đi nương rẫy, luồn lách trong rừng và di chuyển trên địa hình đồi dốc, nhiều sông suối. Khi mang gùi, đôi tay được giải phóng bớt phần nặng nhọc, họ dễ dàng cầm chà gạc để dọn vật cản trên lối đi, đồng thời tranh thủ hái lượm rau quả, măng rừng một cách thuận lợi.
Muốn đan được một chiếc gùi đẹp và bền, phải mất khá nhiều thời gian. Sau trận mưa đầu mùa, người đàn ông đi vào rừng chọn những cây mây, lồ ô thật thẳng, đẹp, không quá già cũng không quá non để làm nguyên vật liệu. Cũng tùy mục đích sử dụng mà người ta đan gùi cho phù hợp. Gùi thưa được đan nan ngang phần miệng và phần đáy, đan nan chéo phần giữa thân gùi, dùng để đựng và vận chuyển củi, rau, măng, nước… Còn gùi dày được làm với kiểu đan lóng đôi, tạo độ dày, kín để đựng lúa và các loại nông sản như đậu, bắp…
Về với buôn làng của đồng bào, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ cõng chiếc gùi trên lưng, hay những người già, trẻ nhỏ và đôi khi cả đàn ông cũng mang những chiếc gùi lên nương, xuống chợ. Nếu chà gạc thể hiện sự dũng mãnh của người đàn ông và là vật dụng không thể thiếu khi vào rừng, lên rẫy thì chiếc gùi lại gắn liền với cuộc đời của phụ nữ. Từ khi còn là đứa trẻ, các em gái đã mang gùi trên vai theo mẹ lên nương. Đến khi lấy chồng, sinh con, những đứa con của họ lại nằm trong gùi mẹ cõng lên rẫy, vào rừng. Những cô gái chưa chồng mang gùi như lời khẳng định với các chàng trai rằng mình là người lao động giỏi, biết thu vén gia đình. Người phụ nữ có chồng con mang gùi thể hiện sự đảm đang, chăm chỉ.
Chiếc gùi đã sẻ chia những cực nhọc của người phụ nữ Kơho. Khi đi nương rẫy, mang chiếc gùi trên lưng để đựng nắm cơm, bầu nước, hạt giống và công cụ lao động. Lúc trở về nhà, bên trong chiếc gùi sẽ chất đầy rau xanh, măng rừng, hay những bó củi, bắp ngô. Trên những nẻo đường xuống chợ, họ gùi mớ rau rừng, củ măng, con gà, ché rượu để bán, đến lúc chợ tan lại gùi những gói muối, cân đường mang về. Chiếc gùi còn được dùng để đựng lương thực, thực phẩm trong nhà, hay mang theo lúc đi thăm hỏi họ hàng và có mặt trong các nghi lễ quan trọng của đời người như đám cưới, tang ma. Ngoài ra, trong các ngày lễ hội gùi còn làm tăng thêm vẻ đẹp duyên dáng cho cô gái Kơho qua những lời ca điệu múa.
Trong bức tranh văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, nếu như có hình ảnh người phụ nữ Kinh với đôi quang gánh, thì chắc hẳn sẽ không thể thiếu người phụ nữ Kơho gắn liền với chiếc gùi thân thương. Người đàn ông đi trước mang chiếc chà gạc, còn người phụ nữ theo sau mang gùi đã là hình ảnh bình dị quá đổi thân quen của đồng bào vùng cao. Ngày nay, đời sống đã có nhiều thay đổi nhưng chiếc gùi vẫn là vật dụng quan trọng, gần gũi khó có thể thay thế của dân tộc Kơho. Tất cả những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc./.
Đỗ Thị Nga
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Nguyệt (2010), Văn hóa – văn vật Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
- Hồ sơ hiện vật – Bảo tàng Đồng Nai.