Di chỉ Khảo cổ học Cái Vạn được biết đến vào loại sớm nhất ở miền Đông Nam bộ nhờ công bố của giáo sư E.T.Hamy ngày từ năm 1887. Đáng chú ý là những cuộc điều tra, khảo sát từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng do Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Đồng Nai.
Cuộc khai quật lần thứ nhất do Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kết hợp với Bảo tàng Đồng Nai có sự tham gia của cán bộ Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tiến hành vào tháng 4 năm 1978. Nhìn chung, hiện vật thu thập được ở các hố khai quật lần thứ nhất có số lượng không đáng kể và có mật độ tích tụ thấp.
Cuộc khai quật lần 2 diễn ra vào tháng 5 năm 1996 do Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Đồng Nai thực hiện. Trong đợt khai quật này, Giáo sư Trần Quốc Vượng (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) làm trưởng đoàn.
Cái Vạn còn được gọi và ghi chép dưới nhiều tên khác nhau như Cai Vạn, Cây Vạn, Xóm Cai… hiện thuộc địa phận ấp 3, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Địa điểm Cái Vạn có toạ độ 108042’ Bắc, 106058’ Đông, cách thành phố Biên Hoà khoảng 30km về phía Bắc – Tây Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km về phía Tây Bắc, nằm ven các bờ rạch Cai Vạn và Ông Hỷ – những nhánh phụ của rạch lớn Cây Khô đổ ra sông Thị Vải ở phía Đông – Đông Nam di tích.
Trong đợt khai quật lần 2 này, các nhà khảo cổ đã mở 4 hố khai quật với tổng diện tích là 118m2. Tổng số hiện vật thu thập được trong đợt khai quật là 51103 tiêu bản, trong đó có 149 hiện vật thu thập trên bề mặt di tích và 50954 tiêu bản trong 4 hố khai quật.
Cũng trong đợt khai quật này, đoàn khai quật đã gửi hai mẫu gỗ của di chỉ Cái Vạn đi phân tích bằng phương pháp Carbon phóng xạ C14 tại Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh và đã cho kết quả niên đại như sau:
TT | Ký hiệu mẫu | Ký hiệu mẫu gốc | Loại mẫu | Niên đại (năm Bp) |
01 | HCMV 17/96 | M1-CV96-H3L3E2 | Gỗ | 3360 +/- 80 |
02 | HCMV 18/96 | M2-CV96-H3C1-Cọc | Gỗ | 3195 +/- 70 |
Sau khi thám sát, khai quật, chỉnh lý và dựa trên căn cứ khoa học đã được phân tích bằng phương pháp Carbon phóng xạ C14, cũng như các kết quả đánh giá của đợt khai quật lần thứ nhất, các chuyên gia khảo cổ nhận định di chỉ khảo cổ Cái Vạn thuộc dạng “Di chỉ – Xưởng” (Workshop-site), hình thành ban đầu thuộc trung kỳ thời đại đồng thau. Đây được coi là Di chỉ cư trú trên nhà sàn với niên đại khoảng từ 3500 năm đến 2500 năm cách ngày nay, tương đương với các di chỉ ngặp mặn trong vùng như di chỉ Cái Lăng, Rạch Lá của văn hoá tiền sử ở Đồng Nai.
Hiện vật di chỉ khảo cổ Cái Vạn khai quật lần thứ 2 năm 1996 hiện được lưu giữ tại Kho của Bảo tàng Đồng Nai. Đầu năm 2020, cán bộ nghiệp vụ phòng Kiểm kê – Bảo quản và Trưng bày Tuyên truyền đã tiến hành chỉnh lý lại toàn bộ hiện vật của di chỉ này. Các bước để chỉnh lý hiện vật về cơ bản được tiến hành như sau:
– Nắm bắt tổng quan về di chỉ Cái Vạn (vị trí địa lý, địa điểm khai quật, đặc thù của di chỉ….)
– Phân loại cụ thể từng loại hình hiện vật (rìu, bôn, đục, phác vật công cụ, bàn mài, đá nguyên liệu, hiện vật gốm, gỗ….)
– Vệ sinh lại hiện vật (dùng phương pháp vật lý để vệ sinh các hiện vật như chổi cọ nhỏ, giẻ mềm, nước…)
– Quét nền, đánh số ký hiệu của Bảo tàng cho toàn bộ hiện vật (quét sơn trắng làm nền, dùng bút lông dầu màu đen để đánh số lên hiện vật).
– Khảo tả, đo kích thước, chụp ảnh hiện vật (tùy loại hiện vật để đo các kích thước khác nhau như dài, rộng, dày, đường kính….)
– Sắp xếp theo thứ tự ký hiệu mới đánh số, theo loại hình từng hiện vật vào hộp, tủ, kệ để bảo quản.
– Lập danh sách, chú thích vị trí các hiện vật trên kệ, hộc, ngăn để khi cần có thể tìm kiếm dễ dàng, thuận tiện.
– Lưu phần mềm dữ liệu của Kho để quản lý.
Sau khi chỉnh lý, thống kê lại toàn bộ hiện vật của di chỉ, số lượng các loại hình hiện vật được phân loại như sau:
Stt | Loại hình | Tổng số hv |
1 | Cuốc đá và phác vật cuốc | 38 |
2 | Rìu bôn | 296 |
3 | Đục và phác vật đục | 82 |
4 | Chày nghiền và phác vật chày | 14 |
5 | Công cụ cắt (dao, nạo) | 21 |
6 | Mảnh lưỡi công cụ | 459 |
7 | Vòng tay đá và lõi vòng | 7 |
8 | Mảnh tước | 154 |
9 | Đá nguyên liệu, phế liệu | 486 |
10 | Bàn mài | 232 |
11 | Khuôn đúc, mảnh khuôn | 10 |
12 | Rìu đồng | 01 |
13 | Giáo đồng | 01 |
14 | Dọi xe chỉ | 01 |
15 | Bi gốm | 70 |
16 | Mảnh gốm tròn | 28 |
17 | Núm và bàn xoa gốm | 32 |
18 | Mảnh cà ràng | 736 |
19 | Mảnh gốm vỡ | 45.953 |
20 | Hiện vật gỗ | 92 |
Trần Anh Thỉnh
Tài liệu tham khảo
- Viện KHXH tại TP.Hồ Chí Minh – Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học. “Báo cáo khai quật di chỉ Khảo cổ học Cái Vạn, tháng 5 năm 1996”.
- Đỗ Bá Nghiệp – Phạm Đức Mạnh. Những phát hiện Khảo cổ học mới nhất ở Đồng Nai, số 1/1983