Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai nói chung và di tích nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Trong những năm qua được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả của các Sở, ngành, địa phương, sự chỉ đạo thường xuyên, sát thực tiễn của lãnh đạo Sở VHTTDL; sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bước đầu đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong quá trình thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích được xem là một trong những công tác quan trọng nhất, đây được xem là tiền đề để thực hiện các khâu công tác tiếp theo như bảo quản, khai thác phát huy giá trị của di tích.
Đến tháng 12 năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã có 61 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp Quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Các di tích được xếp hạng ở địa bàn tỉnh Đồng Nai phong phú, đa dạng về loại hình như di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Di tích được xếp hạng nằm trải đều trên địa bàn các huyện, thành phố cụ thể: thành phố Biên Hòa có 27 di tích, thành phố Long Khánh có 05 di tích, các huyện: Tân Phú (02 di tích), Định Quán (02 di tích), Long Thành (03 di tích), Vĩnh Cửu (07 di tích), Nhơn Trạch (06 di tích), Thống Nhất (03 di tích), Xuân Lộc (03 di tích), Trảng Bom (02 di tích) và Cẩm Mỹ (01 di tích); bên cạnh đó đã kiểm kê hơn 1500 di tích phổ thông, 200 danh thắng, 400 ngôi nhà cổ, mộ cổ, bến nước, bến đò, làng cổ, di sản thiên nhiên….
Lập hồ sơ xếp hạng di tích là nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Vì vậy, năm 2010, Sở VHTTDL đã trình UBND tỉnh Đề án Quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020 với trên 50 di tích phổ thông được đưa vào lộ trình xếp hạng. Do một số khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong công tác vận động xã hội hóa, Sở VHTTDL đã đề nghị UBND tỉnh thay đổi, bổ sung lộ trình xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020.
Ngày 23/3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 855/QĐ-UBND về việc thay đổi, bổ sung danh mục lộ trình xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020; trong đó, giai đoạn 2016 – 2020, số lượng di tích nằm trong quy hoạch là 32 di tích; số lượng di tích được xếp hạng trong giai đoạn này là: 09 di tích (trong đó: 08 được xếp hạng cấp tỉnh; 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 0 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt); 04 di tích đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng. Số lượng di tích chưa được xếp hạng là: 23 di tích. Nguyên nhân các di tích chưa được xếp hạng đúng theo lộ trình quy hoạch là do không vận động được kinh phí đối với các di tích được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; một số di tích đã lập hồ sơ nhưng tạm dừng theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; một số di tích xảy ra vấn đề tranh chấp đất đai, chưa thống nhất được sự kiện lịch sử gắn với di tích; một số di tích trình thỏa thuận hồ sơ bước đầu nhưng không đủ tiêu chí để lập hồ sơ khoa học trình các cấp thẩm quyền ra quyết định xếp hạng; chủ sở hữu di tích và các địa phương xin rút khỏi quy hoạch xếp hạng di tích hoặc thay đổi ý định xếp hạng sau khi đã đưa vào danh mục quy hoạch xếp hạng.
Những năm gần đây, tiếp nhận xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên, các nhà địa chất Việt Nam đã bắt đầu có những hoạt động điều tra, nghiên cứu các di sản địa chất. Ban Quản lý Di tích tỉnh Đồng Nai (nay là Bảo tàng Đồng Nai tỉnh Đồng Nai) đã phối hợp với Phân Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam tiến hành nhiều đợt công tác thực địa điều tra về di sản địa chất của tỉnh. Mặc dù đây là một lĩnh vực tương đối mới, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở và tinh thần làm việc trách nhiệm cao, các cán bộ đã hoàn thành các báo cáo, xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học đối với hệ thống di sản địa chất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả đã thống kê được 7 khu vực biểu hiện thuộc nhiều kiểu di sản địa chất khác nhau với 25 điểm thực địa đã được nghiên cứu chi tiết như Khu vực hang động đá bazan (huyện Định Quán) với đặc trưng biểu hiện cho hoạt động dịch chuyển dòng dung nham phun trào cùng thành tạo thạch nhũ silic và khu vực 110 miệng núi lửa cổ (huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú) với đặc trưng họng núi lửa. Đánh giá chung cho thấy tỉnh Đồng Nai có đủ tiền đề thuận lợi để tiến hành công tác điều tra, nghiên cứu và bảo tồn tiềm năng di sản địa chất của tỉnh tiến tới thành lập công viên di sản địa chất tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Trong những năm qua, công tác kiểm kê di tích phổ thông và lập hồ sơ xếp hạng di tích đã được các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm, được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả khả quan. Những thành tựu đó đã đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Đồng Nai thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH và xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Để đạt được những thành tựu trên, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của các cán bộ phòng Nghiệp vụ Di tích, của đơn vị, của những người làm công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích ở Đồng Nai còn nhờ vào những thuận lợi nhất định:
– Được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa và UBND các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là cộng đồng dân cư, nơi có di tích lập hồ sơ xếp hạng.
– Có hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn lập hồ sơ xếp hạng tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ xếp hạng.
– Số lượng di tích ở Đồng Nai phong phú, đa dạng, có giá trị xứng đáng để lập hồ sơ xếp hạng và có một nguồn sử liệu nhất định, ghi chép về các di tích để tra cứu trong quá trình lập hồ sơ.
– Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là các thế hệ đi trước, có tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, luôn trau dồi, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng cho các thế hệ sau tiếp nối, để hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc, kịp thời nhiệm vụ lập hồ sơ xếp hạng di tích.
– Các bậc cao niên, bô lão, các bậc lão thành cách mạng là những người nắm vững thông tin, tư liệu về các di tích nơi mình sinh sống, cung cấp nguồn thông tin tư liệu chính xác, nhiệt tình cho cán bộ nghiên cứu lập hồ sơ.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích ở Đồng Nai còn tồn tại nhiều bất cập:
– Quá trình hiện đại hóa và tốc độ đô thị hóa cao đã trực tiếp tác động đến không gian, cảnh quan thiên nhiên, yếu tố gốc của các di tích, làm thay đổi, mất đi giá trị của di tích để lập hồ sơ xếp hạng.
– Hiện tượng phục cổ cứng nhắc, pha tạp, lai căng đang tạo ra những phản ứng tiêu cực trong việc phục dựng, tu sửa các di tích phổ thông, làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
– Các di tích danh thắng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số di tích còn có sự tranh chấp dẫn đến việc lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ gặp không ít những khó khăn.
– Các di tích nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông còn khó khăn. Mặt khác trải qua thời gian dưới tác động của con người, thiên nhiên, các di tích phổ thông nhất là các di tích nằm trong đề án quy hoạch lộ trình bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc mất đi.
– Nhận thức về công tác quản lý di sản văn hóa và lập hồ sơ xếp hạng di tích ở một số cấp, ngành và nhân dân địa phương, đặc biệt là chủ sở hữu di tích còn hạn chế dẫn đến không nhất quán trong quá trình thực hiện.
– Việc phối kết hợp giữa đơn vị với các ngành chức năng, các địa phương ở cơ sở không đồng bộ, gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý di sản văn hóa và lập hồ sơ xếp hạng di tích.
– Đội ngũ cán bộ chuyên môn còn mỏng, còn hạn chế về trình độ nghiên cứu khoa học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, lạc hậu; công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, hiệu quả chưa cao.
– Kinh phí còn hạn chế, mỗi năm chỉ xếp hạng được từ 1 đến 2 di tích nên không hoàn thành việc xếp hạng đúng theo Đề án quy hoạch lộ trình đã được phê duyệt, nhiều di tích có giá trị không có kinh phí để lập hồ sơ xếp hạng dẫn đến công tác quản lý di sản văn hóa gặp nhiều khó khăn nên bị xuống cấp nghiêm trọng.
– Vấn đề vận động kinh phí xã hội hóa cho việc lập hồ sơ xếp hạng di tích gặp nhiều khó khăn, dẫn đến một số di tích chỉ lập hồ sơ bước đầu và những mục của hồ sơ khoa học bằng nguồn kinh phí ngân sách; còn nguồn kinh phí xã hội hóa không có nên không hoàn thành hồ sơ xếp hạng.
Chính vì vậy, để khắc phục và giảm bớt những thách thức trong công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, thiết nghĩ rất cần một tổng thể những giải pháp điều chỉnh để giữ được sự cân bằng giữa bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng Nai; cụ thể: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất với Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp các ngành, các địa phương cần quan tâm tạo điều kiện về mặt chủ trương, kinh phí. Trước mắt là tranh thủ, khẩn trương xếp hạng các di tích có giá trị; tiếp tục ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể cho công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích. Trong đó, cụ thể hóa trách nhiệm cho các ngành liên quan, thực hiện tốt việc rà soát, quy hoạch sử dụng đất cho các di tích nằm trong đề án quy hoạch lộ trình xếp hạng. Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư sở hữu di tích; chú trọng, đẩy mạnh, phát huy hơn nữa công tác vận động xã hội hóa trong việc lập hồ sơ xếp hạng di tích. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ./.
Vũ Hồng Hương