Mộ hợp chất, còn có các thuật ngữ khác: “Mộ xác ướp”, “Mộ trong quan, ngoài quách”, “Mộ tam hợp”) là đối tượng nghiên cứu quan trọng của Khảo cổ học Lịch sử Việt Nam thời kỳ Lê – Nguyễn. Dạng di tích độc đáo này từ trước năm 1945 đã được người Pháp khai quật ở Ninh Giang (Hải Dương) (mộ Võ tướng thời Lê Đinh Văn Tả) và ở Sài Gòn (mộ Thượng thư thời Nguyễn Trần Văn Học) đến các cuộc đào của Khảo cổ học Việt Nam sau năm 1954 đến nay, chúng ta ghi nhận sự tồn tại mộ cổ dạng này là “Hiện tượng lịch sử” đặc sắc thời Lê – Nguyễn trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, với các loại hình di tích tôn giáo kết gắn với quá trình lập làng, khẩn ấp “mở cõi” Biên Hòa – Đồng Nai xưa như đình, chùa, miếu, võ, với không ít di sản từng được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và cả loại hình di tích khảo cổ học linh thiêng khác -những quần thể lăng tẩm, mộ táng tiên hiền, hậu hiềngắn kết với chính lịch sử hình thành và truyền thống văn hóa linh thiêng trên đất Biên Hòa – Đồng Nai từ thuở mà Đại học sĩ tác giả “Gia Định thành thông chí” Trịnh Hoài Đức từng chép rằng: “Ở Gia Định, vào tháng cuối năm thường lo chạp phần mộ tổ tiên, việc ấy là vâng theo quốc điển, vì cho rằng gần tiết Nguyên Đán, nhà cửa mọi người còn trang hoàng cho khang trang, huống chi cái lễ cho con cháu thờ người chết cũng như khi còn sống, chẳng lẽ ngồi xem cây cỏ rậm rạp, dơ dáy, mồ mả sụt lở mà không đắp sửa. Tuy đời xưa không có lễ tế mộ, nhưng lễ là do nghĩa mà ra, xem ở Trung Hoa có lễ thanh minh tảo mộ, thì nước ta làm lễ tảo mộ trong tháng chạp cũng là phải nghĩa hơn”.
1. Di sản mộ hợp chất Đồng Nai trong bình diện Nam Bộ
1.1. Số lượng và không gian phân bố
Về cơ bản, hơn 500 mộ hợp chất được biết trên toàn quốc thường phân bố trong những vùng đông dân cư, sầm uất nhất, xưa cũng như nay và bảo tồn khá đầy đủ đặc trưng truyền thống về cấu trúc loại hình từ nghĩa địa chung đến kết cấu mộ phần, chế tạo quan tài và các thủ pháp bảo tồn thi thể chính, phản ánh rất rõ “sự thống nhất chung trong tục lệ chôn cất, trong kỹ thuật kết cấu xây dựng, hay nói rộng ra trong văn hóa vật chất ở cả hai miền, mặc dầu trải qua 2 thế kỷ đất nước bị chia cắt bởi các thế lực phong kiến cát cứ” (Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật, 1977).
Trên Bản đồ Khảo cổ học Lịch sử Nam Bộ (Việt Nam), di sản văn hóa Mộ hợp chất độc đáo này liên ngành và đồng điệu với các nguồn liệu dã sử, văn hóa dân gian và nghệ thuật, tín ngưỡng hiển nhiên chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng gắn kết với từng cộng đồng lưu dân Việt và cả “Việt gốc Hoa” ở vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Trong thống kê chung của chúng tôi (2018), số lượng mộ hợp chất và mộ vữa hợp chất kết hợp cốt gạch, đá đương thời lớn nhất đất nước chính là vùng Nam Bộ (với 518 di tích, tỷ lệ 61,9%) và Nam Trung Bộ (257 di tích, tỷ lệ 30,7%); trong khi vùng khởi phát dạng mai táng đặc thù này là Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lại rất ít (62 di tích, tỷ lệ 7,4%).
Trong địa phận Nam Bộ, chất liệu xây cất mộ thuần hợp chất chỉ được ghi nhận 164 di tích (tỷ lệ 31,7%), dạng mộ kết hợp vữa hợp chất với cốt đá ong, gạch đinh và muộn hơn về sau còn được tôn tạo thêm đá phiến, đá tảng có khi thay vữa trát bằng cement chiếm chủ yếu (354 di tích, tỷ lệ 68,3%).Riêng địa phận Biên Hòa và Đồng Nai nay, với 71 di sản lăng tẩm và mộ hợp chất hiện biết (chiếm tỷ lệ 8,48%), đứng thứ ba trong khu vực Nam Bộ, sau thành phố Hồ Chí Minh (199 di tích, tỷ lệ 23,8%) và vùng Hà Tiên, Kiên Giang (82 di tích, tỷ lệ 9,8%).
Ngoài những đặc trưng chung của táng tục truyền thống kiểu này dành cho quý tộc triều đình Lê – Nguyễn từ nơi “khởi phát” dạng mộ độc đáo này ở “Đàng ngoài” (Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ); ở kinh thành Huế và miền Nam Trung bộ xứ “Đàng Trong”, mộ hợp chất xứ Đồng Nai đặc biệt gần gũi với mộ quý tộc Nguyễn ở miền Đông và cả miền Tây Nam bộ, dù cũng có những chi tiết khác biệt ở từng tiểu vùng, từ vật liệu và kỹ thuật xây dựng, quy mô và kết cấu công trình phần chìm,phần nổi, đến kỹ thuật làm quan, ướp xác và cả tùy táng phẩm chôn theo người mất.
Điều chúng ta cần ghi nhớ là ngay từ thời nhóm di thần Minh Trần Thượng Xuyên được phép Chúa Nguyễn theo bể Cần Giờ “mở đất lập phố” xứ Bàn Lân – Biên Hòa đến thời Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh “chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên”, xứ Biên Hòa – Đồng Nai trùm hầu như trọn miền Đông Nam Bộ nay. Những dấu tích linh thiêng ghi chiến tích các bậc tiên hiền như cụ Trần Thượng Xuyên và các bậc hậu hiền “mở cõi” xứ Biên Hùng – Nông Nại rất đáng được tôn kính, ghi danh trong danh sách các di sản văn hóa đặc sắc này.
1.2. Kiểu thức mai táng
Trong các di tồn mộ hợp chất được khảo cứu kỹ lưỡng ở Đồng Nai (71 di tích) nói riêng và ở Nam Bộ nói chung (518 di tích), đa phần quần thể kiến tạo dành cho đơn táng (54/71 di tích ở Đồng Nai, tỷ lệ 76,1%; 402/501 di tích toàn Nam Bộ, tỷ lệ 80,3%). Các quần thể song táng ghi nhận ngay trên kiến trúc dương phần có ít hơn (17/71 di tích ở Đồng Nai, tỷ lệ 23,9%; 91/501 di tích toàn Nam Bộ, tỷ lệ 18,2%), trong đó có cả các mộ chung một nấm mui luyện nhưng dành cho song táng dưới âm phần. Ví như, các mộ ở Nhị Hòa, Tam Hòa thuộc phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ngoại trừ khu Lăng Hoàng Gia ở Gò Công và khu Lăng Mạc Gia ở núi Bình San – Hà Tiên, nơi các mộ đức ông thường tách biệt hẳn với các phu nhân; kiểu thức phối trí mộ song táng chiếm số lượng đáng kể ở Nam Bộ với đa phần mộ đức ông nằm bên chánh thất phu nhân. Đó là lăng song táng Thượng thư Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức và Lê chánh thất hoặc Lãnh cung Đoan Lượng và Trương Phước Cung nhân ở Biên Hòa – Đồng Nai; hoặc cả những nhân vật “danh gia vọng tộc” quyền uy bậc nhất xứ này (Tổng trấn Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phận ở Quận Bình Thạnh; Quận công Võ Di Nguy và Lê Thị Mười ở Quận Phú Nhuận – Tp. Hồ Chí Minh; Điều bát Nguyễn Văn Tồn và hiền thục phu nhân ở Trà Ôn – Vĩnh Long; Bá hộ Hạ Quang Quới và phu nhân, Bố chánh Huỳnh Văn Tú và hai phu nhân ở Thủ Dầu Một và Tân Uyên – Bình Dương…).Phu quân thường nằm cạnh 1-2 phu nhân, có khi còn chung nhà mồ kiểu “Thất hình” hay “Phương hình”, có khi còn viết chung bia cả “Nhị linh” hoặc “Tam linh” chính là đặc điểm riêng của mộ quý tộc Nam Bộ – điểm khác biệt mộ hợp chất Đàng Ngoài với tuyệt đại đa số kiến thiết cho đơn táng (53 di tích, tỷ lệ 96,4%).
1.3. Quy mô khuôn viên và kích cỡ thành tố kiến trúc
Ngoại trừ các quần thể Lăng Hoàng Gia – Gò Công (Tiền Giang), Lăng Thoại Ngọc Hầu cùng gia quyến và binh sĩ dưới chân núi Sam – Châu Đốc (An Giang) và Mạc Gia trên núi Bình San – Hà Tiên (Kiên Giang); những cương vực mật tập mộ cổ quan trọng bậc nhất Nam Bộ thuộc địa phận Quận 2; Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức và vùng ven (Tp. Hồ Chí Minh) (199 di tích); Biên Hòa, Cù Lao Phố, Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) (71 di tích); Châu Thành, Cái Bè (Tiền Giang) (24 di tích); Ba Tri, Giồng Trôm và Chợ Lách (Bến Tre) (18 di tích), Cù Lao Dài – Vũng Liêm, Trà Ôn và Tam Bình (Vĩnh Long) (24 di tích)…
Với 244 di tích kiến trúc mộ còn nguyên hoặc gần nguyên khuôn viên ở Nam Bộ được chúng tôi xác định quy mô (theo chiều dài) và tạm chia 3 cỡ: Lớn (dài >10-21,35m), trung bình (5-10m) và nhỏ (1,2-<5m).
Theo đó, đa phần các quần thể mộ ở Nam Bộ thuộc cỡ trung bình (110 di tích, tỷ lệ 45,1%). Các di tích cỡ lớn (63 di tích, tỷ lệ 25,8%) và cỡ nhỏ (71 di tích, tỷ lệ 29,1%) gần tương đương nhau, trong đó đa phần cỡ trung bình (79/110, tỷ lệ 71,8%) và cỡ nhỏ (59/71, tỷ lệ 83,1%) dành phối trí mộ đơn táng. Các quần thể khuôn viên cỡ lớn (dài trên 10-32,2m) dành cho cả mộ đa táng (33 di tích) lẫn mộ đơn táng (30 di tích). Riêng quy mô 296 di tồn mui luyện mộ hợp chất Nam Bộ còn đo được độ dài nhất, đa phần thuộc cỡ trung bình (2-3m) (157 di tích, tỷ lệ 53,0%) và cỡ lớn (dài >3-7m) (87 di tích, tỷ lệ 29,4%) và ít nhất thuộc cỡ nhỏ (<2m) (52 di tích, tỷ lệ 17,6%). Các thông số mui luyện Nam Bộ khá tương ứng với mộ Nam Trung bộ chủ yếu thuộc cỡ trung bình (15 di tích, tỷ lệ 48,4%) và cỡ lớn (9 di tích, tỷ lệ 29,0%); trong khi số đo mui luyện ở mộ hợp chất vùng Bắc Bộ – Bắc Trung bộ đa phần thuộc cỡ trung bình (20 di tích, tỷ lệ 80%), rất ít cỡ lớn (4 di tích, tỷ lệ 16%) và cỡ nhỏ (1 di tích, tỷ lệ 4%).
Về kích cỡ chi tiết các thành tố kiến trúc quan trọng nhất trong mộ cổ Nam Bộ, chúng ta có thể ghi nhận trong các di sản kiến trúc nguyên vẹn nhất chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, một số ở Bình Dương, Vĩnh Long, An Giang và Kiên Giang Kích cỡ lớn của cả bình đồ khuôn viên lẫn mui luyện, đặc biệt dạng nhà mồ liên kế với nhà bia và ban thờ cũng chính là một trong những đặc điểm “phá cách” của các quần thể mộ hợp chất Nam Bộ hiển thị xuyên suốt hai thế kỷ 18-19. Bởi lẽ, theo quy tắc của lễ giáo phong kiến: “Trên mọi phương diện phải tuân thủ quy định về Lượng, ví dụ quy mô to nhỏ, số lượng của cung điện, phòng ốc, đồ vật, độ dày của quan tài, độ to nhỏ của phần mộ đều phải được phân biệt theo đẳng cấp rõ ràng, những bậc càng tôn quý thì càng được quy mô vừa to vừa nhiều. Trong lăng tẩm, yếu tố quan trọng nhất thể hiện đẳng cấp chính là độ to nhỏ của mộ”. Thế nên, ngay từ danh xưng, theo các quy định chặt chẽ của Triều đình Huế, chỉ có mộ Hoàng Đế và Hoàng Hậu mới được gọi là “Lăng” (陵) hay “Sơn Lăng” (山陵); mộ của thân vương, phi, tần thì chỉ được gọi là “Tẩm” (寢); còn mộ thần dân không phân biệt giàu nghèo chỉ được gọi là “Mộ” (墓). Riêng Bộ Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ có hẳn quyển “Lăng Tẩm” (quyển 216) với 5 nội dung: “Quy chế”, “Lệnh cấm”, “Xây dựng”, “Quy thức viên tẩm và cây trồng” rất chặt chẽ (Phan Thanh Hải,2011). Cứ chiếu theo các quy định này thì rất nhiều quần thể mộ hợp chất Nam Bộ đương thời đều “phạm quy” và “bất tuân” luật lệ Triều đình Huế; Ví như, cách gọi dân gian Nam Bộ với không ít danh nhân xứ này đều là “Lăng”: “Lăng Ông Bà Chiểu”, “Lăng Ông”, “Lăng Ông Thượng”, thậm chí cho cả giáo sĩ Pháp “Lăng Cha Cả”… Hiện thực lịch sử điển hình vào đời Vua Minh Mạng, các quần thần Huế khép tội “khi Quân” cho cố Tổng trấn Gia Định Thành Tả Quân Lê Văn Duyệt vì ông dám gọi mộ mẹ mình là “Lăng” (Phan Thanh Hải,2011).
Nhưng quy hoạch lăng tẩm tầm cỡ “Quận Vương” Hoàng gia này còn thấy ở cả “Mộ chủ” Mạc Cửu núi Bình San – Hà Tiên (32,2 x 14,6m = 470,12m²) và “Mộ tam táng” Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân dưới chân Núi Sam – Châu Đốc (38,7 x 36,6m = 1416,42m²). Vẫn còn không ít mộ hợp chất Nam Bộ đạt thậm chí còn vượt không chỉ sơn phần Hoàng tử, Công chúa chết yểu mà còn cả Viên tẩm Quốc công, Quận công, Công chúa đã phong (ngang Tần) và Thân vương, Quận vương, Thân công (ngang Phi), đặc biệt về chiều cao của tường bao uynh thành, nữ tường và một số trường hợp kể cả bia đá. Đó là trường hợp các di tích “ngoại cỡ” ở Cù Lao Phố và Long Thành (Đồng Nai); tương đương với các di tích lớn ở Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cái Bè (Tiền Giang); ở Giồng Trôm và Chợ Lách (Bến Tre); với quy mô tường bao tương ứng 850-1660 x 460-1400 x 40-69 x 134-210cm và bia đá 45-92 x 24-37cm.
1.4. Phương hướng của mộ
Trong tổng số 71 mộ cổ Đồng Nai nói riêng và 393 di tích mộ cổ Nam Bộ đã khảo cứu, đa phần hướng cửa mộ nằm hướng Đông (20 mộ Đồng Nai, tỷ lệ 26% và 124 mộ Nam Bộ, tỷ lệ 31,6%, với 62 mộ có độ lệch Nam từ 10-40°; 47 mộ lệch Bắc 2-45°; 15 mộ hướng chính Đông) và hướng Nam (25 mộ Đồng Nai, tỷ lệ 32,5% và 103 mộ Nam Bộ, tỷ lệ 26,2%; với 42 mộ có độ lệch Đông từ 3-45°; 48 mộ lệch Tây 5-50°; 13 mộ hướng chính Nam).Số còn lại cửa hướng Bắc (16 mộ Đồng Nai, tỷ lệ 20,8% và 101 mộ Nam Bộ, tỷ lệ 25,69%; với 80 mộ có độ lệch Đông từ 5-45°; 18 mộ lệch Tây 6-54°; 3 mộ hướng chính Bắc) và cửa hướng Tây (16 mộ Đồng Nai, tỷ lệ 20,8% và 65 mộ Nam Bộ, tỷ lệ 16,53%; với 22 mộ có độ lệch Nam từ 7-20°; 34 mộ lệch Bắc 25-45°; 9 mộ hướng chính Tây).
Các quy hoạch “chuẩn” mộ cổ Đồng Nai và Nam Bộ luôn tuân thủ nghiêm ngặt thuật phong thủy trong chọn đất, định hướng có núi làm bình phong, có nước “tụ thủy” là yếu tố bắt buộc, với nguyên tắc gối đầu trên gò cao và hướng mặt xuống vùng trũng thấp, đặc biệt “Đông diện” và “Nam diện” đón hướng các dòng chảy huyết mạch của toàn vùng (Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang và các chi lưu); hoặc nợi “tụ thủy” có ao hồ thiên tạo hay nhân tạo. Đó là hiện tượng có thể quan sát rõ ở cả Biên Hòa – Gia Định và nhiều vùng khác.
Ngoại trừ quần thể dày đặc mộ hợp chất ở cả Nhất Hòa, Nhị Hòa, Tam Hòa nơi “Đại Phố Cù Lao” vùng Nông Nại với cả 3 “mặt tiền” đều hướng sông Đồng Nai; ngay trong nội đô Biên Hòa, quần thể mộ gia tộc lớn nhất của Đại học sĩ triều Minh Mạng Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) và quyến thuộc còn lưu giữ “tại chỗ” (in situ, in site) 9 di tích thuộc các kiếu thức đơn táng (6 di tích) và song táng (3 di tích).
Các mộ song táng thường phối trí theo cổ truyền “tả nam – hữu nữ” là mộ cụ ông và người vợ chính. Trong đó, 2 di tích song táng còn bia mộ ghi Quốc hiệu là mộ Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức và chánh thất phu nhân họ Lê (Quốc hiệu: “Hoàng Việt” thời Minh Mạng 1820 – 1840); mộ Trịnh Môn phối thất Đoan cung Hoàng phu nhân (Quốc hiệu “Hoàng Việt”);mộ Lãnh công bộ lang trung Trịnh phủ Đoan Lượng (1876) và chánh thất Trương Phúcthụy viết Cung nhân (1877) (Quốc hiệu: “Đại Nam” thời Tự Đức 1848 – 1883). Các mộ đơn táng còn bia đọc được đều thuộc Trịnh gia như: “Trịnh công thứ thất phu nhân họ Nguyễn”; Trịnh Xử Sĩ; Trịnh Hồi Đôn Hậu phủ quân và thứ thất Trần Thị, hình thành 3 tuyến chạy dài từ phần gò cao nhìn xuống mặt hồ Biên Hùng xanh biếc và đoán theo thứ tự sắp xếp họ tộc các mộ theo trục hướng tây có thể quan hệ cùng thời (thứ thất, thúc bá huynh đệ) và các mộ theo trục Đông Nam có thể thuộc thế hệ cháu chắt của Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức.
Toàn bộ di tích lăng tẩm Biên Hùng chỉ hình thành sau khi Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức mất (1825) và kiến thiết theo trục chính Tây Bắc – Đông Nam, đầu mộ hướng bắc nơi cao nhất, chân mộ đều hướng nam xuống thấp phía hồ Biên Hùng – đặc điểm nổi trội ghi nhận phong thủy âm phần và quan niệm hướng mộ cổ truyền trong nghĩa trang chung dòng họ, mà “Một lượng lớn các tư liệu dân tộc học cho thấy, hướng mộ có liên quan đến nơi sinh ra tổ tiên, hoặc là liên quan đến con đường di cư, di dân của tổ tiên. Nó biểu thị nơi mà người chết luôn hướng về hoặc là nơi mà linh hồn muốn trở lại” (Quách Phác, 2011).
Tuy nhiên, không như các bản vẽ hồ sơ di tích hiện hành ở Đồng Nai, mặt các mộ Trịnh gia có độ lệch về Tây khác nhau; từ độ lệch 10° (M9), đến 20° (M2, M3, M8a-b), 25° (M7a-b), 30° (M5, M6) và 50° (M4). Riêng mộ lớn nhất của Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức và chánh thất phu nhân họ Lê có độ lệch tây riêng – 37°; điều này hẳn còn liên hệ đến vị thế đón quan tinh, lộc tinh, đón cát tránh hung cần phân giải kỹ hơn.
Ngoài 9 mộ Trịnh gia trong quy hoạch hiện biết, ở ngoại vi Biên Hùng, chúng tôi còn ghi nhận còn 2 mộ hợp chất cổ (thuộc khu phố 2 và khu phố 3, phường Trung Dũng) rất có khả năng cùng chung dòng tộc này (mặt mộ đều hướng nam lệch tây 20-30°). Riêng ngôi mộ Biên Hùng cách mộ song táng ông bà Trịnh Hoài Đức 50m về phía nam đã bị đào mất dương phần, được khai quật bóc nốt bề mặt hợp chất (vôi, cát, mật mía, ít than hoạt tính) quy mô 5 x 6m = 30m² với kim tĩnh sâu 50cm quy mô 220 x 120cm nằm hướng bắc – nam, chỉ còn ít tóc trắng, than tro và 2 miếng kim loại tròn (d=2,5-3cm). Ở quanh mộ còn thấy 1 tiền đồng hình bàn tay khắc chữ Hán: 大嘉寶(Đại Gia bảo). Theo nhà khai quật Đỗ Đình Truật, đây có thể là dạng “mộ yểm” bảo vệ khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở phía Nam (?) (Phạm Đức Mạnh. Nguyễn Hồng Ân, 2011).
1.5. Những loại hình cơ bản
Vì dị biệt lớn nhất của mộ cổ Đồng Nai và Nam Bộ là thiết kế khuôn viên với dương phần “lộ thiên” chứ không bé như mộ hợp chất ở Đàng Ngoài, nghiên cứu loại hình mộ hợp chất (kể cả dạng kết hợp: hợp chất + đá ong; hợp chất + gạch đinh; hợp chất + gạch định + đá ong; đá ong hay đá xanh + vữa hợp chất) theo bình đồ uynh thành và nữ tường khuôn viên có thể ghi nhận 9 loại hình chính và các phụ kiểu liên quan:
– Loại 1: Tường bao chánh mộ hình vuông hoặc gần vuông: Các di tích tiêu biểu cho thể loại thiết kế bình đồ này (còn gọi chung là: “phương hình”), quy tụ trong Cù Lao Phố (Biên Hòa) và 1 di tích ở Long Thành.
– Loại 2: Tường bao chánh mộ hình chữ nhật dài: mộ song táng ở cù lao Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai) với 2 nấm mồ hình “mã liệt” (ngựa nằm) và “mu rùa”, kim tĩnh quy mô 280 x 50-90cm, sâu 115cm, với các niên đại C14 mẫu gỗ quan tài kết quả: 180 ± 40 BP và < 100 BP) (Nguyễn Thị Hoài Hương, Phạm Quang Sơn, 2011).
– Loại 3: Tường bao khuôn viên 2 hình chữ nhật ghép thẳng chánh mộ và tiền sảnh (sân thờ): ở Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai).
– Loại 4: Tường bao khuôn viên 2-3 hình chữ nhật ghép chánh mộ (ngang hẹp) và tiền sảnh (sân thờ) (ngang rộng), cặp tường chấn cổng khép góc hẹp vào: 9 di tích chủ yếu phân bố ở Cù Lao Phố, Biên Hòa, đa phần dành cho đơn táng. Riêng di tích tương truyền là song thân cụ Đào Trí Phú ở Hiệp Phước (Nhơn Trạch), có thiết kế nấm kiểu “thất hình” rất bề thế; quy mô nhà mồ gắn nhà bia tới 356 x 310cm, cao 220cm; đặc biệt có cả bức bình phong tiền lớn trang trí Thần Hổ thường chỉ thấy ở đình chùa Việt Nam Bộ, với cặp tượng hổ chầu đối xứng hai bên, cùng dải tường có trụ biểu chấn rất dài phía trước dường như khuôn viên khu lăng tẩm của riêng dòng họ Đào ở quê nhà, với nhiều trang trí hình họa và phù điêu cầu kỳ và sinh động.
– Loại 5: Tường bao chánh mộ gần vuông với 2 cạnh góc đáy vát thẳng hay cong tròn: mộ voi phục đôi huyền táng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thiết kế trong khuôn viên (880 x 660cm) ở Nhị Hòa, Hiệp Hòa, Biên Hòa (Đồng Nai).
– Loại 6: Tường bao khuôn viên 2 hình vuông – chữ nhật góc vát – cong ghép thẳng chánh mộ – tiền sảnh (sân thờ): 2 di tích ở Biên Hòa và Long Thành (Đồng Nai): Mộ Bà đã khai quật ở Cầu Xéo (Long Thành) với nhiều điểm lạ trong thiết kế mộ nữ Quý tộc Nam Bộ như mui luyện hình voi phục lớn (300 x 150cm, cao 136-150cm), cặp ban thờ “Hậu Thổ” lại đặt trên bờ bao có cặp tượng nghê chầu bên hông (72 x 54 x 74cm), bình phong tiền và hậu chẩm (200-140 x 53cm, cao 135-154cm), trang trí ngoài phong cảnh (cặp nai dưới gốc đa, tứ linh: long – lân – quy – phụng) còn có cả cặp phù điêu “lưỡng long triều dương”, bia sa thạch có khắc cả chữ “Hoàng”….
– Loại 7: Tường bao khuôn viên 2 hình vuông – chữ nhật góc vát – cong ghép chánh mộ (ngang hẹp) – tiền sảnh (sân thờ) (ngang rộng), với cặp tường chấn cổng mở thẳng rộng: có 7 di tích ở Cù Lao Phố, Biên Hòa (5 di tích: mộ song táng Trịnh Hoài Đức và phu nhân).
Thiết kế mui luyện phổ biến hình voi phục đôi (360-400 x 150-180cm, cao 135-178cm) (có khi hình voi khắc chạm hình giống bông sen nở) (Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) và Chánh thất phu nhân họ Lê có bia khắc Quốc hiệu “Hoàng Việt”; Lãnh Công Bộ Lang Trung thụy Đoan Lượng mất 11/1876 và Trương Cung Nhân tên Phước, 5/1877, có bia khắc Quốc hiệu “Đại Nam”). Nhà bia (140-170 x 70-75 x 110-146cm) gắn bệ thờ (125-140 x 50-54 x 50-55cm). Có khi mui luyện thiết kế song táng giống hình hộp chữ nhật (350-375 x 90-160cm), hay hình vuông (360 x 360cm) hoặc hình tháp bát giác 3 tầng (360-400 x 360cm).
– Loại 8: Tường bao chánh mộ hình bàu dục (bán cầu, hoặc “lá đề”) ghép tiền sảnh (sân thờ) hình 1-2 chữ nhật (bán cầu, bàu dục): 5 di tích ở Biên Hòa, Cù Lao Phố thiết kế khuôn viên (433-550 x 151-480cm, cao 85-102cm) có tường bao (dày 63cm, cao 110cm) chấn từng cặp trụ sen và trụ chữ Kim (dày 50-60cm, cao 114cm), có hậu chẩm (319 x 74cm, cao 110cm) chắn vành sau, mui luyện voi phục đơn hay đôi (260 x 200cm), gắn nhà bia (157 x 80cm, cao 115cm), bệ thờ (86 x 50cm, cao 25cm), hướng nam (lệch tây 25°), hoặc hướng đông (lệch bắc 45°). Riêng mộ song táng Đoan Cung Hoàng Phu nhân, có bia khắc Quốc hiệu “Hoàng Việt” (Quý Dậu, 5/1877).
– Loại 9: còn mui luyện hợp chất hình hộp chữ nhật hoặc hình thú. 10 di tích còn nấm hình hộp chữ nhật hình hộp chữ nhật (260-540 x 100-280cm, cao 95-148cm), gắn nhà hay khung bia (150-158 x 66-69cm, cao 120-160cm) và hương án trước (100 x 40-45cm, cao 50cm), với hậu chẩm chắn sau (160 x 60cm, cao 120cm), cửa hướng nam (lệch tây 20°), hướng đông (lệch nam 15-45°), hướng bắc (lệch tây 15° hoặc lệch đông 35°), hoặc hướng chính tây. 6 di tích còn mui luyện hình bán noãn (mu rùa), voi phục hoặc danh gọi dân gian là “ngưu miên” (trâu ngủ) hay “mã lạp” (ngựa nằm): ở nội đô Biên Hòa, Cù Lao Phố và Long Thành. Các mộ thường xây bằng đá ong vữa hợp chất còn nấm hình mu rùa hay voi phục đơn hoặc đôi (150-380 x 80-430cm, cao 50-290cm), gắn nhà hay khung bia (142-174 x 40-95cm, cao 110-130cm) và hương án trước (40 x 78cm, cao 25cm), cửa hướng Đông Tây hay Đông Nam, hướng Nam (lệch Tây 10-50°), hướng Tây (lệch Nam 15°) hoặc hướng Bắc (lệch Tây 15°). Có mộ còn hậu chẩm gắn sau, bờ bao còn 2 trụ sen, nhà Bia có 2 cuốn thứ đỡ bên, trang trí văn rồng dây ôm bia đá xanh Biên Hòa, trán hình nậm rượu.
Ngoài 9 loại hình chính trên, ở Biên Hòa và Đồng Nai chưa thấy một số thiết kế có tường bao chánh mộ hình chữ nhật góc vát – cong ghép tiền sảnh (sân thờ) hình gần tròn (bầu dục) (Loại 8); tường bao chánh mộ hình tròn (bán cầu, bàu dục, trái tim) ghép tiền sảnh (sân thờ) kiểu “viên hình”, “khúc hình”, “cung hình” (Loại 9); tường bao chánh mộ gần tròn (bán cầu hoặc bầu dục) – “viên – bán viên hình”.
2. Giá trị phục sử vàtiềm năng phát triển du lịch
Ngoài ý nghĩa phản ánh tư duy mai táng truyền thống Việt (và cả “Việt gốc Hoa”) sùng kính thờ cúng tổ tiên và quan niệm cổ truyền chăm sóc người đã khuất ở “thế giới bên kia” giống như tục “chia của” và nuôi ăn uống thường nhật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trước lễ bỏ mả duy trì đến tận nay, các sưu tập tùy táng phẩm chính là “nguồn tư liệu gốc” phẩn ánh chân xác và đa chiều về đời sống vật chất, tinh thần xã hội đương thời.
Điều thú vị là không ít đồ tùy táng trong các mộ hợp chất Đồng Nai ở hai thế kỷ 18-19 đã tìm thấy đúng “nguyên mẫu”, ví nhưcác mão quan và đai lưng tìm thấy trong mộ hợp chất thống chế ở Tân Phong (Biên Hòa – Đồng Nai), đồ khâm liệm gấm vóc lụa là, đoàn thể, hài hia thêu chỉ vàng được tang quyến gửi sang “thế giới bên kia” cho thân phận mộ chủ quý tộc Nam Bộ là thống chế đã ghi nhận qua bia chí khi khai quật chỉ còn vết tích, vẫn có thể “nhận dạng nguyên bộ” qua nhiều hình ảnh quan lại Triều Nguyễn (Nguyễn Bá Lăng, 1967).Hàng loạt di vật quý hiển thị các phong tục kỳ bí nhưng thiết yếu trong tư duy mai táng cổ truyền Việt không còn nguyên hình đến tay nhà khai quật, nhất là đồ tre làm khung quạt xếp, bút lông; mực nho làm tùy táng hay đồ vải và giấy làm minh tinh phủ nắp các quan tài hoặc bó và đậy kín khối khâm (mộ Cầu Xéo ở Long Thành – Đồng Nai). Đặc biệt, vết tích của trầu cau thường tùy táng bên các cụ bà nhuộm răng đen đi kèm theo đồ phụ kiện (bình vôi, dao bổ cau, ống nhổ…) hiển thị qua các hình ảnh vườn cau, hái cau, bổ cau phơi, têm trầu cau, dọc lá trầu không, sàng phơi cau, dao cau, kéo kẹp hạt cau, bán trầu cau, nghiền trầu và tập ăn trầu, cúng thờ cau và lá trầu giấy…, đi kèm theo nhiều nghề làm đồ phụ kiện như thợ làm và bán tráp đựng trầu cau (hộp thiếc, cơi đồng), bình vôi, ống vôi, ống nhổ…, đến nhu cầu cạo răng, nhuộm răng đen, bán thuốc nhuộm răng…; không chỉ ghi nhận các nhu cầu thiết yếu trong đời sống đã đi vào tâm thức dân gian Việt Nam qua nhiều thành ngữ và truyện kể sống động nghĩa tình (Trầu cau, Bình vôi, “Miếng trầu là đầu câu chuyện”).
Riêng nhóm cổ vật vô cơ và kim loại khác, nhất là đồ đá quý, đá bán quý và vàng bạc, đồ pháp lam và antimoan, có điều kiện bảo tồn tốt hơn và hiển thị nhu cầu cần chúng trong đời sống đương thời cả cõi dương lẫn cõi âm, cũng chứa đựng nhiều thông tin thú vị về tình hình xã hội, điều kiện kinh tế đối nội và đối ngoại, năng lực thủ công và nhu cầu thẩm mỹ. Ngoài các vật dụng phục vụ cho đời sống thường nhật như lao động sản xuất, nấu nướng, ăn uống, đi lại, mắc màn chống muỗi, chữa bệnh, học vấn, hội hè và tang ma, tế lễ thần phật…; một số di vật độc đáo minh định các nhu cầu ẩm thực và thưởng ngoạn rất riêng ở xứ này. Ví như, các cách thức cài tóc bằng lược, chải lược xuống sữa, thói quen hút thuốc (cắt lá và bán thuốc, hút bằng tẩu), uống trà (đun nước pha trà, bộ đồ trà, lọ gỗ chứa trà…), nhậu rượu (bình chứa, bình chuyên), đốt đèn nến và dầu thực vật, chế biến và thưởng thức món “lẩu” (bếp nấu “cù lao”), trang sức làm đẹp với các “mẫu mã” thịnh hành thuở đó và thất truyền về sau (hoa tai hình con đỉa hay hình dấu hỏi với cuống phình rộng không cần khóa, trâm cài đầu, nhẫn vàng hình mặt trăng, tràng hạt); kính lão 1 mắt hay các cặp kính lão làm tại chỗ hoặc nhập khẩu từ phương Tây (kính thuốc, kính gấp gọng, kính trang trí con dơi)… Một loạt hiện vật khác minh định sự phát đạt của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam thời này, từ thợ đấu, làm gạch, tôi vôi, xây dựng, điêu khắc đá và trang trí nhà cửa, lăng tẩm và chùa chiền, khai thác và chế biến lâm sản – làm mộc, nghề gốm và đúc đồng, rèn sắt, nghề làm kim hoàn – thợ bạc và nấu thủy tinh, nghề làm giấy, làm lược và bán buôn bán lẻ; nghề dệt vải se sợi và may thêu, có nghề rất hiếm – nghề “giặt là (ủi đồ, đốt và thổi nóng bàn là)” và nghề “lấy ráy tai”. Ngoài các họa khắc về toàn cảnh bốn nghề dân gian và bốn giai cấp quan trọng: “Sĩ, Nông, Công, Thương”,
Ngoài ra, không ít di vật tìm thấy là những “bằng chứng sống” xác thực về một nền kinh tế hàng hóa, tiền tệ phát đạt ở một trong những cương vực kinh tài “mở” vùng cực Nam đất nước thời Trung và Cận đạivăn minh định rõ về nền kinh tế hàng hóa, tiền tệ nội thương và ngoại thương ở chính vùng biên xứ “Đại Nam” vốn có truyền thống từ các “Đại Phố” trên Cù lao vùng Biên Hòa, cảng thị Sài Gòn Gia Định (Chợ Lớn), Mỹ Tho, Hà Tiên… Đó còn là những “Con đường gốm sứ” – “Đường Thiên Lý” từ phía bắc ở kinh thành Huế (1790) về tận cùng “Đại Nam nhất thống” và từ sau thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt vâng lệnh Vua Gia Long đắp “đường sứ” từ phía tây (1815) đã hình thành thêm các con đường huyết mạch nối Biên Hòa – Gia Định với Nam Vang – Xiêm La, với các đoàn sứ thần và thương nhân qua lại bằng xe trâu, xe bò, ngựa thồ nhộn nhịp. Sự hiện diện nhiều đồ gốm sứ dân dụng “ngoại nhập” từ Thailand, Campuchia và các lò tỉnh Nam Trung Hoa tới xứ Biên Hòa góp thêm bằng chứng về hoạt động thông thương nội ngoại vùng của cộng đồng cư dân bản địa, đặc biệt sôi nổi khi xứ này có Cù Lao Phố, Sài Gòn, Mỹ Tho đô hội thời Trung và Cận đại. Và ngược lại, cũng từ đây các “đặc sản” Biên Hùng, có cả những đoàn thuyền chở nặng “Gốm Biên Hòa” về mọi hướng, có cả “Đá ong Biên Hòa” cho kiến thiết công trình nhà cửa, mộ táng và cả Thành bát quái làm nơi ở Hoàng tộc Nguyễn ở “Kinh Gia Định”.
Để tìm lời giải đáp chân xác cho những “câu đố lịch sử” về niên đại và chủ nhân từng di sản mộ hợp chất Nam Bộ là công việc vất vả nan giải. Trước hết, số lượng mộ được nhà khảo cổ học trực tiếp khai quật còn quá ít, mới chỉ có khoảng 37 mộ được khai quật (chiếm tỷ lệ khoảng 11,5% trong số 322 mộ được thống kê ở toàn Nam Bộ), với 17 mộ được khai quật ở Tp. Hồ Chí Minh và chỉ khoảng 20 mộ khai quật ở các tỉnh, thành Nam Bộ khác. Nghiên cứu thực địa trên dương phần tại các quần thể mộ hợp chất chưa khai quật, nhà khảo cổ gặp ngay khó khăn vì rất ít mộ còn bảo tồn nguyên vẹn bia chí đương thời, đa phần di sản mộ cổ nằm trong danh mục “vô chủ”; các quần thể được xếp hạng di tích cấp quốc gia hay cấp tỉnh, thành phố lại thường bị tôn tạo làm biến dạng không chỉ kiến trúc mà còn thay bia mới …
Một số di tích mộ hợp chất ở thành phố Biên Hòa đã khai quật như: Mộ Cây Chàm (phường Thanh Bình), mộ Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa), mộ An Bình và 4 ngôi mộ tại nghĩa trang phường An Bình và mộ Biên Hùng (phường Trung Dũng) là những cứ liệu khoa học cần thiết và thật sự bổ ích để tiếp cận, nghiên cứu về quần thể mộ hợp chất ở Biên Hòa – Đồng Nai cũng như nghiên cứu về văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân Đồng Nai trong tiến trình khẩn hoang lập làng, xây dựng vùng kinh tế văn hóa trọng điểm có truyền thống giao lưu, hội nhập từ thời Tiền – Sơ sử… Nhưng việc xác định tên, tuổi chủ nhân và niên đại các ngôi mộ phụ thuộc rất nhiều vào bia mộ và hiện vật chôn theo. Nhưng hầu hết các bia mộ không còn lại một chữ nào, nên thông tin về chủ nhân và niên đại ngôi mộ không thể xác định được. Các ngôi mộ đã được khai quật trên đất Biên Hòa – Đồng Nai, hầu hết đều không còn bia ký: Mộ Cây Chàm có bia đá thì bị đục bỏ tên; mộ Hiệp Hòa bia bị xóa trắng; mộ An Bình, phần đặt bia nằm sâu trong nhà mồ, tránh được mưa gió nhưng cũng không còn một chữ, trong khi các họa tiết khắc chạm lộ thiên vẫn còn rõ chi tiết. Điều đó lý giải, trong bối cảnh đất nước loạn lạc triền miên, xã hội có nhiều biến động, nên con cháu của người chết đã xóa bỏ bia ký vì sợ bị trả thù, người chết không được mồ yên mả đẹp. Quần thể mộ hợp chất ở Biên Hòa – Đồng Nai có thể tồn tại khoảng đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, thuộc thế hệ những người mở đường khai khẩn và phát triển vùng đất Đồng Nai, xây dựng thương cảng Cù Lao Phố trở thành trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa sầm uất một thời ở Nam Bộ.
Các nhà khảo cổ đã phân tích chi tiết các đặc trưng của mộ từ nguyên vật liệu đến kỹ thuật kiến trúc công trình, các di vật mẫu vật thu được nhất là tiền đồng … để nhận thức rằng: “Loại hình mộ ô dước” kiểu này khá phổ biến trong khoảng từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, với nguyên liệu xây mộ được thấy đồng dạng và phổ biến với các quy trình và công đoạn chế tạo ra hợp chất ô dước để kiến thiết công trình đạt trình độ kỹ thuật rất cao và nhuần nhuyễn.
Việc lần tìm thông điệp từ di sản tùy táng mộ chủ đặt trong khung cảnh lịch sử toàn Nam Bộ đương thời là cách làm đúng và cũng cần coi đó mới là “cứu cánh” giải đáp cho câu hỏi về niên đại mộ chủ, là cơ sở để kiểm chứng lại chính kết quả C14 chứ không phải là ngược lại. Các nhận định về khung niên đại xây dựng mộ hợp chất ở Biên Hòa – Đồng Nai căn cứtrên một số quần thể mộ hiện hữu ở đất Nông Nai – Biên Hùng như các mộ “Thiên Vương Thống chế” và “Tiền chi” có bia ghi quốc hiệu “Nam Việt” do GS Nguyễn Bá Lăng khai quật trước đây; các ngôi mộ song táng Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức và Chánh thất phu nhận họ Lê, mộ Đoàn cung nhân Hoàng phu nhân (có các bia mang quốc hiệu “Hoàng Việt”) và mộ Lãnh công Bộ Lang Trung thụy Đoan Lượng cùng Trương Cung nhân húy Phước (có các bia mang quốc hiệu “Đại Nam”) ở chính Trung Dũng. Nhưng chính Biên Hòa – Đồng Nai còn có các mộ xưa hơn, xây cất từ thế kỷ 18, như mộ Phạm Sâm ở Phường An Bình, đặc biệt nhiều mộ ở Cù Lao Phố như mộ bà Hồ Nhuận chánh thất Nguyễn Gia, các vợ quan họ Lê, Đồ Tổ Hán, mộ Trương Tài… với các bia đá còn Quốc hiệu “Việt Cố” và “Hoàng Việt” ở Nhất Hòa, Nhị Hòa,Tam Hòatrên Cù Lao Phố… khai quật mộ Bà ở Cầu Xéo, Long Thành, niên đại C14 của mẫu gỗ quách mộ này cho kết quả xưa nhất hiện biết ở Nam Bộ: vào nửa cuối thế kỷ 17, đặt ra các yêu cầu phân tích tổng thể di sản tùy táng và kiến trúc để kiểm chứng một cách thấu đáo nhất.
Về căn bản, điêu khắc và trang trí trên la thành, ô hộc, bình phong, hậu chẩm, cửa – cổng, trụ biểu và mộ chí của lăng tẩm hợp chất quý tộc Nam Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nghệ nhân miền Nam Trung bộ ngay thời Chúa Nguyễn (thế kỷ 16 – 18) ở những đề tài chủ đạo và phổ biến nhất (Tứ linh (long, ly, quy, phụng); Tứ thời (mai, sen, cúc, trúc), Tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), Tứ bửu, Bát bửu (Nho, Phật, Lão) tả thực hay cách điệu kiểu giao hóa, long hóa, các motif song phụng, “lưỡng long triều nhật – nguyệt”, “lưỡng long tranh châu”, liên hoa, liên đăng, hồi văn kỷ hà, trực tuyến gãy góc, xoắn ốc, thủy ba… Đặc biệt là “Hoa sen đã xuất hiện mang tính khuynh loát trước các chủ đề khác” không chỉ về mật độ xuất hiện, số lượng thể hiện, mà còn được nghệ nhân Đàng Trong ngay “thời các Chúa Nguyễn” thiết trí và mô tả dưới nhiều tư thế, trên nhiều vị trí, biến hóa khôn lường, hoặc độc lập trên trụ biểu, hoặc kết hợp trên diềm và đế bia kiểu các motype: “sen – rồng”, “sen – kỷ hà”, “sen – dây lá”, “sen – cúc”, “liên hóa dây lá”, “hồi văn liên hoa”, chủ đề sống động “gắn với chu kỳ sinh trưởng từ sen búp, sen hàm tiếu đến sen mãn khai, với đầy đủ các bộ phận từ hoa, lá, gương, nhụy”. Những đặc trưng này của “Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ” Đàng Trong với riêng hình tượng hoa sen hoàn toàn tương thích với quan sát của chúng tôi trong tất cả các di sản kiến trúc lăng tẩm quý tộc Nguyễn ở Nam Bộ thời Trung và Cận đại. Đặc biệt thú vị dù thứ “Hoa Thánh” này phổ cập trong di sản lăng tẩm Lê – Nguyễn khắp đất nước, thậm chí biểu tượng trang trí cổ truyền “mang tính khung loát” ấy vẫn còn sống động như “Quốc Hoa” trong mộ táng Việt hiện đại; nhưng chỉ có ở “Đàng Trong” và Nam Bộ, các nhà khảo cổ học mới ghi nhận thấy hiện tượng cổ nhân dùng lá sen (Hà Diệp) đắp thi hài người thân quá cố như ở mộ hợp chất Diên Sơn (Khánh Hòa) khai quật 1988 có “3 lá sen lớn đậy Hiền sĩ Nội sử trí quan Văn nhân Nguyễn Bình Hữu”. Cuộc khai quật của chúng tôi còn phát hiện cả lớp lá sen dày phủ kín thi hài nữ Quý tộc ở mộ thuần hợp chất Cầu Xéo (Long Thành, Đồng Nai). Có người coi việc đắp lá sen nhằm “giữ xác” lâu phân hủy như gợi ý của các nhà dược liệu học về tác dụng của “Hà diệp” trong y học cổ truyền Việt Nam. Lại có người giải thích theo ý nghĩa tâm linh liên quan đến tín ngưỡng coi lá sen có tác dụng “an thần” vỗ về “giấc ngủ ngàn thu” của người quá cố. Ngoài tác dụng khoa học khả dĩ ấy, ý tưởng coi Sen tượng trưng cho những trung tâm ý thức khác nhau (Chakra, luân xa) với Lá Sen (Hà Diệp) phẳng tượng trưng cho “sự giải thoát”, chúng tôi liên tưởng đến “Liên Hoa” trong tám biểu trưng giáo Phật (cùng với xa luân, liên, loa, thiên cái, bảo cái, bảo bình, song ngư) và “bát Bửu” có thể hàm chứa ý nghĩa giúp người quá cố hướng đến cõi Tịnh Độ với hạnh phúc an vui vĩnh hằng, chứ không bị cái chết ngắt đoạn như cuộc đời “bể khổ”. Mối liên tưởng về niềm tin siêu hình xa vời cũng là giả thiết đẹp về những gì người đang “sống gửi” nơi tại thế ước mơ cho người thân đã “thác về” trong “ngôi nhà vĩnh hằng” nơi “vạn niên cát địa”.
Đặc biệt ấn tượng là ở chân bia mộ nữ Quý tộc này còn khắc chữ “Hoàng” (皇) chưa hẳng đã hàm nghĩa chỉ nơi vào cửa mộ, bởi trong các lăng tẩm Quý tộc Nguyễn ở cả Việt Nam, vật liệu kiến thiết có khắc chữ: “Hoàng” chỉ xuất hiện trong gạch xây lăng ông nội và thân phụ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (cha đẻ “mẫu nghi thiên hạ” Thái Hậu Từ Dũ, ông ngoại Vua Tự Đức) trong Lăng Hoàng Gia (Gò Công – Tiền Giang). Với tất cả đặc điểm “phá cách” từ kiến trúc đến điêu khắc trang trí, đồ kiểu “ngự dụng” trong quan tài xác thực khả năng thân phận mộ chủ chính người “hoàng tộc Nguyễn” khiến chúng tôi cứ liên tưởng đến truyền thuyết về hoàng nữ thứ ba của Vua Gia Long là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh – người từng cúng hoành phi “Đại Giác Tự” cho “một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Nam” do đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều là nhà sư Thành Đẳng lập năm 1412 ở thôn Bình Hoàng, Hiệp Hòa (tổng Trấn Biên). Dã sử kề rằng công chúa xin Nguyễn Ánh xuất gia và ẩn mình tại chùa Đại Giác ngay từ năm 1801, sau về Huế nhưng thầm thương kính thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành mà xin Minh Mạng rời kinh vào chùa Đại Giác nơi nhập thất của thiền sư. Khi thiền sư tự thiêu, công chúa cũng quyên sinh bằng độc dược ngay tại hậu liên chùa Đại Giác ngày 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823). Đây cũng là ngôi chùa từng được các vua Gia Long (1802), Minh Mạng (1820) ban chiếu trùng tu.
Đa phần di sản mộ hợp chất thuần và mộ cốt đá ong + gạch thẻ trát vữa hợp chất dàn trải chính trong khung tuổi hai thế kỷ 18 – 19 làm nên kiểu mộ “trong quan, ngoài quách” của riêng Nam Bộ còn được soi sáng bằng chính nguồn liệu đem lại niềm tin chân xác nhất đó là bia chí. Bia – Văn bia là đối tượng văn hóa vật thể được quan tâm đầu tiên trong các di sản lăng tẩm, bởi chúng chứa đựng thông tin trung thực về mộ chủ (họ tên, danh xưng, tên thụy, tên húy, quê quán, phẩm hàm, chức tước, niên sanh, niên tử, niên tạo, quyến thuộc…), bởi thế: “Bia mộ là mộ thành tố trong các thành tố quan trọng nhất của lăng mộ, vì chính bia đã cá nhân hóa ngôi lăng mộ và cho ngôi mộ tình trạng hộ tịch của nó”.
Tất cả các di vật tìm thấy trong các mộ cổ Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung được xem là các “thông điệp” căn bản và chân xác nhất về truyền thống Việt “Sống về mồ mả, không ai sống vì cả bát cơm”; “Sống” chỉ là “gửi” nhưng “Thác” mới là “về”, đặc trưng Việt từ Trung và Cận đại còn duy trì sâu đậm trong tư duy mai táng Việt Nam ngày nay. Chính những thông điệp này là tiềm năng vô giá để ngành văn hóa, du lịch Đồng Nai thừa hưởng, làm cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng những dự án phát triển du lịch lịch sử – văn hóa – tâm linh; quy hoạch những dự án bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, tri ân các bậc tiền nhân, các danh nhân văn hóa xứ Biên Hòa – Đồng Nai – Gia Định xưa. Trước nhất cần xúc tiến đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch và khai thác du lịch đối với di tích cấp Quốc gia – quần thể Lăng mộ Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cùng gia quyến tại phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa – Dự án đã được phê duyệt nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được./.
TS. Nguyễn Hồng Ân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Hồng Ân (2006), “Quần thể mộ hợp chất ở Biên Hòa, Đồng Nai, thực trạng và giải pháp”, Khoa học & Công nghệ Đồng Nai, tr. 55-56.
- Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật (1977), “Mộ Vườn Chuối (Tp. Hồ Chí Minh)”, KCH, số 4, tr. 84-89.
- Nguyễn Thị Hoài Hương, Phạm Quang Sơn (2011),“Hai ngôi mộ hợp chất ở Cù lao Tân Vạn (Tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)”, MSVĐKCHOMNVN, tr. 482-503.
- 4. Phạm Đức Mạnh (2001),“Mộ hợp chất ở Gia Định và Nam Bộ xưa”, Nam Bộ, Đất & Người, Trẻ, tập I, tr. 158-187.
- Phạm Đức Mạnh (2006), “Mộ hợp chất trong khuôn viên Viện Pasteur (Quận 3, Tp Hồ Chí Minh)”, KCH, số 5, tr. 56-75.
- Phạm Đức Mạnh (2011),“Các quần thể mộ hợp chất ở Cù Lao Phố (Biên Hoà – Đồng Nai) và di tồn Hán văn cổ”, Nam Bộ đất & Người, ĐHQG-HCM.
- Phạm Đức Mạnh (2015). Tính Phật trong lăng tẩm nữ quý tộc triều Nguyễn ở Nam bộ – Nghiên cứu tôn giáo, số 12 (150):53-81;
- Phạm Đức Mạnh (2016), “Mộ hợp chất thời Nguyễn ở Nam Bộ”, KCH, số 3, tr. 80-100;
- Phạm Đức Mạnh, Đỗ Ngọc Chiến, Nguyễn Công Chuyên (2007), “Điều tra khảo sát các quần thể mộ hợp chất ở Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai)”, NPHMVKCH, tr. 368-371.
- Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Công Chuyên (2008), “Các quần thể mộ cổ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai) và Tp. Hồ Chí Minh”, NPHMVKCH, tr.382-386.
- Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân (2011),“Mộ hợp chất Cầu Xéo (Long Thành – Đồng Nai)”, KCH, số 6, tr. 44-62.
- Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng (2013), “Bia chí – nguồn sử liệu quý cần gìn giữ ở Lăng Ông Biên Hòa (Đồng Nai)”, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121), tr. 51-57.
- Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng (2013), “Quần thể lăng tẩm Trịnh Gia Biên Hòa (Đồng Nai)”, NPHMVKCH, tr.351-355;
- Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân (2020), Mộ cổ Đồng Nai, Nxb Đồng Nai
- 15. Lương Thúy Nga (2005), “Khai quật bốn ngôi mộ hợp chất tại nghĩa địa phường An Bình”Thông tin khoa họcBảo tàng Đồng Nai, 29-31.
- Nguyễn Thị Nguyệt (2004), “Hai lăng mộ ở đình Tân Phong-Biên Hòa”, Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Đồng Nai, tr. 257-262.
- Nguyễn Thị Toàn Thắng (2008), Quần thể di tích lịch sử – văn hóa mộ hợp chất Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai), Luận văn Thạc sĩ ngành Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM.
- Nguyễn Thị Toàn Thắng (2017), Đời sống văn hóa của cư dân Cù Lao Phố (Biên Hòa – Đồng Nai). Luận văn Tiến sĩ ngành Dân tộc học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM.
- Lương Chánh Tòng, Trần Thị Thúy Phượng (2012), “Về chủ nhân của chiếc mão “Thiên Vương Thống Chế” tìm thấy ở Biên Hòa – Đồng Nai”, NPHMVKCH, tr.429-433.
- Đỗ Đình Truật, Lương Thúy Nga (2005), Báo cáo khoa học khai quật mộ cổ phường An Bình, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.