Trong diễn trình lịch sử của Biên Hòa – Đồng Nai, thành cổ Biên Hòa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử: nhà Nguyễn dẹp cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi, cuộc chiến đấu chống quân Pháp lần thứ nhất vào nửa cuối thế kỷ XIX.
Thành Biên Hòa được xây theo kiến trúc Vauban của Pháp. Vauban là tên của một kỹ sư quân sự từng được mang cấp bậc nguyên soái nước Pháp.Kiểu thành Vauban với đặc điểm nổi bật trong việc bố trí những pháo đài (bastion), pháo đài góc (lunette d’angle), những pháo nhãn (embrassure), đường chân thành ngoài (berme), đường ngoài hào (glacis)…[1].
Ngoài chức năng của một trung tâm hoạt động nhiều mặt xã hội đương thời, thành Biên Hoà có những đóng góp quan trọng trong việc bố phòng an ninh của nhà Nguyễn ở miền Đông Nam bộ nói chung và Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng. Thành cổ Biên Hòa được xây dựng là một thành quả có sự đóng góp sức người rất lớn của các thế hệ tiền nhân Biên Hòa.
Trên địa bàn nội ô Thành phố Biên Hòa, trong khu vực phường Quang Vinh, hiện còn sót lại một phần nhỏ của Thành Biên Hòa được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, trải qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều tên gọi: Thành Cựu, Thành Kèn, Thành Săn – đá…
So với những di tích thành cổ ở Nam bộ được xây dựng cùng thời, thành cổ Biên Hòa vẫn song song tồn tại cùng với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Trải qua bao biến cố thời cuộc, nhiều di sản vật thể đã mất đi, những công trình còn lại càng cần phải bảo vệ và phát huy hơn nữa. Kiến trúc thành cổ Biên Hòa cũng nằm trong số đó.
Bài viết này mong muốn góp phần tìm hiểu về di tích thành Biên Hòa, lịch sử hình thành và phát triển, cũng như những dấu tích còn lại đến ngày nay. Để từ đó, có thể thấy được hiện trạng, công tác bảo tồn di tích hiện nay. Đồng thời, góp phần vào công tác bảo tồn di tích, định hướng phát triển di tích trong tương lai.
Trước hết, cần tìm hiểu về thành cổ Biên Hòa:
Lịch sử thành Biên Hòa:
Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế sai Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ, ký lục để quản trị; Nha thuộc có 2 ty Xá Lại để làm việc; quân binh thì có cơ đội thuyền thủy tinh binh và thuộc binh để hộ vệ[2].
Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ XIV – XV, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi “thành Cựu”. Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa[3].
Tháng 12/1861, thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại… gọi là thành “Săn – đá”, phiên âm từ tiếng Pháp Soldat – nghĩa là “thành Lính”… Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là thành Kèn”[4].
Trong thời kỳ từ 1945 – 1954 hay 1954 – 1975, chính quyền đương thời đã sử dụng và xây dựng thêm một số công trình trong phạm vi cổ thành Biên Hòa phục vụ các hoạt động chủ yếu về an ninh, quân sự: doanh trại, nhà thương, nơi giam giữ, tra khảo, sở an ninh quân đội…[5]
Sau năm 1975, phòng Hậu cần Công an Đồng Nai quản lý, sử dụng di tích và xây dựng thêm một số hạng mục làm công sở, nhà kho. Năm 2001, do nhu cầu mở đường nội ô ở thành phố, một số hạng mục như: lô cốt, vòng thành bị đập bỏ[6].
Sau đó, thành bị xuống cấp trầm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Đến năm 2014 thì được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Hiện nay vẫn chưa mở cửa đón tiếp khách tham quan.
Dấu tích còn lại:
Nằm ở đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, Thành phố Biên Hòa hiện vẫn còn một phần của thành Biên Hòa xưa. Vết tích còn lại là một vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi biệt thự kiến trúc lầu của Pháp[7].
Hiện nay, thành Biên Hòa chỉ còn lại những đoạn tường thành xây bằng đá ong cao từ 1 – 3 mét (tùy địa hình) được liên kết với nhau thành hình vuông diện tích 10.816,5 m2, cùng một số hạng mục công trình bên trong: hai tòa biệt thự hướng tây bắc và đông nam thành với nguyên liệu đá ong, gạch thẻ, dầu ô dước, cửa cuốn vòm, trần đúc, mái lợp ngói vảy cá, nền lát gạch tàu hình lục giác; ngoài ra còn một số lô cốt được xây bằng đá ong và gạch thẻ ở góc đông thành[8].
Hiện trạng di tích trước khi được trùng tu:
+ Các công trình còn lại của tòa thành đều bị rễ cây cổ thụ ăn vào làm xuyên tường, làm nứt mạch xây và vữa trát, nhiều đoạn bị bong tróc nghiêm trọng, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Sàn gạch của tòa nhà trong thành đã bị bong các lớp vữa trát.
+ Giàn mái cũng như các cửa trên mái lấy gió, ống khói hầu như đã hư hỏng nặng. Riêng hệ thống phòng thủ nhiều đoạn tường thành cũ đã bị sập đổ. Khuôn viên của khu di tích Thành Kèn đang bị người dân chiếm dụng để trông giữ xe, tập kết vật liệu xây dựng. Hệ thống phòng thủ trong thành hiện cũng đã bị sập đổ[9].
+ Theo khảo sát của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai, trước đây, Thành Kèn còn có hệ thống cống ngầm phía dưới, nhưng hiện công trình này có thể đã bị vùi lấp. Có người còn cho rằng thành còn có cả hệ thống hầm ngầm và địa đạo nối liền với các khối nhà cổ…[10]
Công tác bảo tồn:
Với nhiều giá trị lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Thành Biên Hòa đã được UBND tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 876/QĐ-UBND ngày 21/3/2008) và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia (Quyết định số 3995/QĐ-BVHTTDL ngày 12/11/2013)[11].
Ngày 23/11/2009, Ban quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11); công bố quyết định công nhận di tích lịch sử Thành Biên Hòa và khai mạc triển lãm “Thành Biên Hòa – Thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa”[12]. Triển lãm này đã giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu về Di tích lịch sử Thành Biên Hòa, Thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa đến với nhân dân địa phương và du khách góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo quản, khai thác giá trị Di sản văn hóa Việt Nam, cũng như các giải pháp bảo quản, trùng tu và tôn tạo di tích ngày một khang trang hơn.
Trong 2 ngày 25 và 26/10/2018, Ban Quản lý Di tích tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Thành cổ Biên Hòa, Nhà lao Tân Hiệp, Chiến khu Đ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai[13]. Những bài tham luận tham gia Hội thảo là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ý kiến của các chuyên gia, là cơ sở để chính quyền xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có di tích thành Biên Hòa.
Thành cổ Biên Hòa được tổng trùng tu từ năm 2014 – 2018, đến nay về cơ bản đã hoàn thành với kinh phí hơn 41 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn và một số nhà nghiên cứu thì việc trùng tu này mới chỉ là phục hồi tường thành của người Pháp (đã phá bỏ thành cũ và tận dụng vật liệu đá ong xây tường thành mới), chứ chưa phải là một công trình thành lũy gắn với quân sự, chính trị, hành dinh…[14]
Hiện tại, khi liên lạc với Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Nai, tác giả nhận được thông tin di tích thành Biên Hòa vẫn còn đang được trùng tu, sửa chữa, xây dựng bổ sung một số hạn mục, chưa mở cửa đón khách tham quan và cũng chưa tổ chức các hoạt động du lịch.
Kiến nghị:
Vì tầm quan trọng của di tích đối với thành phố Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, cần có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích một cách bền vững.
Trước hết cần “phải bảo tồn nguyên vẹn di tích hiện hữu để các thế hệ hôm nay và mai sau nghiên cứu một cách toàn diện về thành cổ Biên Hòa trong điều kiện, phương diện trình độ khoa học mới”[15].
Cần có những biện pháp tích cực hơn để bảo tồn di tích. Những buổi triển lãm cần được tổ chức thường xuyên hơn, phổ biến rộng rãi hơn để tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Nên có đội ngũ triển lãm lưu động để có thể tổ chức triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần vừa tuyên truyền, giáo dục vừa giới thiệu về di tích cho người dân khắp nơi.
Các hội thảo khoa học cũng phải tổ chức thường xuyên hơn, góp phần đưa ra các giải pháp trùng tu, tôn tạo di tích sao cho có thể vừa giữ gìn nguyên vẹn tính chất, lịch sử của di tích.
Đưa di tích đến với đông đảo công chúng bằng cách kết hợp bảo vệ di tích với phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, các trò chơi dân gian,… góp phần tái hiện lại lịch sử thành Biên Hòa xưa.
Sau khi hoàn thành công tác trùng tu, nâng cấp di tích, cần lập ra ban quản lý di tích để quản lý di tích, góp phần bảo vệ, tôn tạo di tích, giới thiệu di tích với khách du lịch. Bên cạnh đó cần đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có chuyên môn cao, thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, nhất là cán bộ chuyên ngành khảo cổ học, bảo tàng học, văn hóa học, dân tộc học,…để có thể bảo tồn di tích tốt hơn.
Cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân ở xung quanh di tích cùng bảo vệ di tích. Phải giáo dục, tuyên truyền để người dân địa phương, không lấn chiếm, phá hoại di tích mà sẽ cùng chung tay bảo vệ di tích khỏi sự phá hoại của kẻ xấu cũng như mối mọt, động vật, thực vật xâm hại,…
Hiện tại, di tích thành Biên Hòa đã được trùng tu công trình kiến trúc thời Pháp. Tuy nhiên, đây chưa phải là kiến trúc duy nhất của thành. Nên chăng nên tạo dựng lại một phần tòa thành đá ong thời Nguyễn và thành đấp đất ban đầu từ thời Chân Lạp.
Ngoài ra, “việc khảo sát tìm hiểu các địa tầng văn hóa trong khu vực thành cổ để nghiên cứu sâu rộng di sản văn hóa cha ông để lại là việc làm cần thiết”[16]. Những chứng cứ khảo cổ học có thể chứng minh tính bản địa và lịch sử lâu đời của thành Biên Hòa. Từ đó, tôn thêm vai trò, vị trí quan trọng của khu vực này trong diễn trình lịch sử Việt Nam ở vùng đất Nam bộ.
Tóm lại, “thành Biên Hòa là một trong số những kiến trúc thành trì độc đáo còn sót lại ở Nam Bộ. Cùng với diễn trình lịch sử, thành Biên Hòa đã trở thành nơi minh chứng lịch sử hào hùng của con người vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai trong suốt chặng đường hành trình và phát triển”[17].
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, thành Biên Hòa tuy không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu, song những gì còn sót lại của một thành trì phần nào phản ảnh được trình độ kỹ thuật, kiến trúc quân sự, tư tưởng chiến thuật của lớp người đi trước.
Mặc dù đã bị thu hẹp, lấn chiếm, xuống cấp, nhưng thành Biên Hòa vẫn còn tồn tại giữa lòng thành phố trong khi các thành trì thời nhà Nguyễn khác ở Nam Bộ hiện nay đã không còn dấu tích.
Thành Biên Hòa hiện nay đang được trùng tu, tôn tạo, phục dựng. Tương lai có thể mở cửa đón khách tham quan, trở thành một trong những điểm tham quan du khảo về nguồn của học sinh, sinh viên và du khách trong và ngoài nước.
Vì tầm quan trọng của di tích, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai nói chung, thành phố Biên Hòa nói riêng cần chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích – di sản thành trì duy nhất còn lại của vùng đất Nam Bộ.
Mai Thị Khánh Hà
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1998), Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai, Đồng Nai.
- Bảo tàng Đồng Nai (1995), Người Đồng Nai, Đồng Nai.
- Phan Đình Dũng (2007), “Thành cổ Biên Hòa”, Nam bộ Đất và Người (tập V), Nxb. Trẻ, Tp.HCM.
- Trịnh Hoài Đức (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch) (1972), Gia Định thành thông chí (quyển III – tập trung), Nha Văn hóa phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa.
- Nguyễn Thừa Hỷ – Đỗ Bang – Nguyễn Văn Đăng (1999), Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn, Thuận Hóa, Huế.
- Tủ sách lịch sử (2009), Hỏi đáp về các thành cổ và địa đạo Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
[1] Đỗ Văn Ninh (1983), Thành cổ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 129 – 130.
[2] Trịnh Hoài Đức (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch) (1972), Gia Định thành thông chí (quyển III – tập trung), Nha Văn hóa phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, tr. 12.
[3] Bùi Trang (2009), “Di tích lịch sử thành Biên Hòa: nét lạ mà quen”, Báo Đồng Nai, http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200911/di-tich-lich-su-thanh-bien-hoa-net-la-ma-quen-2067819/
[4]Bùi Trang (2009), “Di tích lịch sử thành Biên Hòa: nét lạ mà quen”, Báo Đồng Nai, http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200911/di-tich-lich-su-thanh-bien-hoa-net-la-ma-quen-2067819/
[5] Phan Đình Dũng (2007), “Thành cổ Biên Hòa”, Nam bộ Đất và Người (tập V), Nxb. Trẻ, Tp.HCM, tr. 250.
[6] Tủ sách lịch sử (2009), Hỏi đáp về các thành cổ và địa đạo Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 108.
[7] Bùi Trang (2009), “Di tích lịch sử thành Biên Hòa: nét lạ mà quen”, Báo Đồng Nai, http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200911/di-tich-lich-su-thanh-bien-hoa-net-la-ma-quen-2067819/
[8] Lương Chánh Tòng (2019), “Thành cổ Nam Bộ: Dấu tích thành cổ Biên Hòa”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/van-hoa/thanh-co-nam-bo-dau-tich-thanh-co-bien-hoa-1099259.html.
[9] Tin Tức (2009), “Thành Kèn – “Pho sử quý” trước nguy cơ đổ nát”, Báo Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam), https://www.vietnamplus.vn/thanh-ken-pho-su-quy-truoc-nguy-co-do-nat/18001.amp.
[10] Tin Tức (2009), “Thành Kèn – “Pho sử quý” trước nguy cơ đổ nát”, Báo Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam), https://www.vietnamplus.vn/thanh-ken-pho-su-quy-truoc-nguy-co-do-nat/18001.amp.
[11] Trí Nghị (2015), “Bảo tồn, tôn tạo di tích thành Biên Hòa với tiểm năng phát triển du lịch Đồng Nai”, Ban quản lý di tích tỉnh Đồng Nai, http://www.disandongnai.com/home/index.php?mod=mice&func=view&id=1082&cid=672
[12] Bùi Trang (2009), “Di tích lịch sử thành Biên Hòa: nét lạ mà quen”, Báo Đồng Nai, http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/200911/di-tich-lich-su-thanh-bien-hoa-net-la-ma-quen-2067819/
[13] Huy Hoàng (2018), “Hội thảo “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Ông, Thành cổ Biên Hòa, Nhà lao Tân Hiệp, Chiến khu Đ gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Đồng Nai””, Ban quản lý di tích tỉnh Đồng Nai, http://www.disandongnai.com/home/index.php?mod=product&func=view&id=1887&cid=435
[14]Lương Chánh Tòng (2019), “Thành cổ Nam Bộ: Dấu tích thành cổ Biên Hòa”, Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/van-hoa/thanh-co-nam-bo-dau-tich-thanh-co-bien-hoa-1099259.html
[15] Tủ sách lịch sử (2009), Hỏi đáp về các thành cổ và địa đạo Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 109.
[16] Tủ sách lịch sử (2009), Hỏi đáp về các thành cổ và địa đạo Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 109.
[17] Tủ sách lịch sử (2009), Hỏi đáp về các thành cổ và địa đạo Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 105 – 106.