Mở đầu:
Trong nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Việt điêu khắc là một trong những loại hình nghệ thuật gợi cảm và đặc sắc nhất, những hình tượng điêu khắc trên đồ vật trở nên mềm mại, có hồn và nó tạo cho vật chủ một cơ thể sống uyển chuyển, đầy màu sắc. Đồng thời điêu khắc còn là một loại hình trang trí mà người xưa muốn thông qua đó để tạo tác nghệ thuật, phản ánh ước mơ, gửi gắm lời cầu mong tốt đẹp tới thế giới tâm linh, giữ lại cho đời sau lời nhắn gửi của hiện tại.
Có điều kiện tìm hiểu về những ngôi nhà truyền thống của người Việt ở Đồng Nai từ năm 2007 đến nay, điều làm tôi quan tâm và thích thú ban đầu mỗi khi bắt gặp một ngôi nhà dân gian nào đó chính là trang trí đuôi kèo hiên – cái đầu tiên ập vào mắt người quan sát khi đứng trước ngôi nhà ấy. Có những ngôi nhà với những đuôi kèo mộc, không chạm khắc tạo cảm giác bình dị, đơn giản của người nông dân chân chất và có những ngôi nhà với đuôi kèo được chạm khắc một cách tỉ mỉ, công phu làm cho người chiêm ngưỡng như lạc vào thế giới của của cây cỏ, muông thú…
Ra đời từ những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, những ngôi nhà cổ truyền ở đây mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống của người Việt với hệ vì kèo chồng, kết cấu vì kèo xuyên trính hay vì kèo rội. Bố cục mặt bằng nhà thường là nhà chữ Đinh (J), nhà chữ Nhất (-) hoặc nhà chữ Nhị (=) với 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái đôi… Những ngôi nhà cổ truyền này phân bố chủ yếu ở TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm được sự ưu đãi của thiên nhiên, Đồng Nai không phải chịu những trận lụt lội, mưa bão hay hạn hán hoành hành vì thế người dân ở đây từ xa xưa đã có cuộc sống khá ổn định, tự do an nhàn để xây dựng cuộc sống ấm no đồng thời sáng tạo ra cái thần của không gian sống tràn đầy màu sắc tự nhiên, mang ý nghĩa sâu xa của triết lý sống. Trong khung cảnh đó, nghệ thuật chạm khắc trong cấu kiện kiến trúc của một ngôi nhà truyền thống nói chung và trên đuôi kèo nói riêng có ảnh hưởng ít nhiều từ điều kiện địa lý, phong tục tập quán và môi trường sống của con người nơi đây.
Trong kết cấu của một ngôi nhà gỗ truyền thống, kèo là một hệ thống những thanh nằm trên đỉnh cột, liên kết các đầu cột, đồng thời trực tiếp đỡ mái. Cột – kèo – xà là ba bộ phận cơ bản tạo nên bộ khung không thể thiếu của ngôi nhà. Thông thường trong những ngôi nhà truyền thống người Việt ở Nam bộ nói chung kèo được liên kết bằng những thanh đơn chồng lên nhau theo kiểu gối đầu qua các đỉnh cột vì thế người ta còn gọi đây là hệ thống vì kèo chồng – một đặc điểm để nhận biết kết cấu vì kèo của ngôi nhà. Đầu kèo là điểm đầu tiên gác lên hàng cột cái (cột hàng nhất), hàng cột tiếp theo sẽ là đuôi kèo và cứ như thế đầu kèo kế tiếp sẽ gác lên đuôi kèo trước đó cho đến khi kết thúc là đuôi kèo sau cùng – kèo hiên. Trong phạm vi bài viết này, cụm từ “điêu khắc trên đuôi kèo” tức là nói đến đuôi kèo sau cùng – kèo hiên.
Các kỹ thuật chạm khắc của điêu khắc trang trí gồm nhiều kỹ thuật như: chạm thủng, chạm nông (nổi), chạm kênh bong, chạm lộng. Trong những ngôi nhà truyền thống người Việt ở Đồng Nai, hiện hữu các lối chạm trổ thủng, chạm nổi và chạm kênh bong. Tuy nhiên, chạm khắc trên đuôi kèo ở những ngôi nhà cổ truyền nơi đây chỉ tồn tại một kiểu chạm duy nhất, đó là chạm nổi. Chạm nổi được người thợ chạm trên bề mặt gỗ phẳng và các chi tiết được chạm nổi ở trên đó. Kỹ thuật chạm nổi cho phép các hình trang trí được bố cục trải đều phủ kín mà không làm giảm chịu lực của cấu kiện gỗ.[1] Các hiệp thợ xây dựng nên ngôi nhà một phần là thợ địa phương, một phần là thợ ở miền trung vào chủ yếu là Huế và Quảng Nam (đối với những nhà giàu có)
Điêu khắc trên đuôi kèo ở một số ngôi nhà cổ truyền người Việt ở Đồng Nai có thể chia làm một số đề tài như sau: các con vật linh; đồ án các con vật và hoa lá, cây cỏ; biểu tượng.
1. Các con vật linh
– Rồng: Con rồng đi vào lịch sử của dân tộc với những truyền thuyết dân gian về con rồng cháu tiên – Âu Cơ và Lạc Long Quân, trong đời sống kinh tế chủ yếu là nông nghiệp của nước ta rồng được dân gian quan niệm là hiện thân của thần mây, mưa, sấm, chớp. Qua các giai đoạn lịch sử, chúng ta thấy rằng con rồng là biểu trưng cho thần linh và vương quyền, nói đến rồng là nói đến sự kính trọng, niềm tự hào, sức mạnh và bản lĩnh. Vì thế mà hình ảnh rồng được gắn liền với vua, với uy quyền. Do đó, có thể nói hình tượng rồng chiếm một vị trí khá cao trong đời sống văn hóa tâm linh của cư dân Việt.
Con rồng trong điêu khắc trên đuôi kèo ở đây có hai hình thức trang trí, thứ nhất đó là mảng chạm nổi nhỏ ở mặt bên của phần cuối đuôi kèo, chỗ gác lên cột hiên dưới dạng “dây lá hóa rồng” chỉ nổi lên phần đầu rồng. Chi tiết này có mặt ở nhà của ông Hứa Văn A, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Đây là hình ảnh mang tính biểu trưng cao thể hiện một con rồng ẩn mình trong dây lá nở hoa, đầu ngẩng cao, mắt lồi, miệng há thè lưỡi dài. Thoạt đầu người nhìn khó để phân biệt đâu là đầu rồng trong đám dây hoa lá uốn lượn, có thể nói trên diện tích hẹp của mặt bên đuôi kèo người nghệ nhân chạm chổ khá công phu, tỉ mỉ và sắc sảo từng nét khiến bức chạm lúc ẩn lúc hiện con vật huyền thoại đang bay lượn trong đám mây dây lá thật kỳ bí.
Thứ hai là dạng điêu khắc cả phần kèo hiên được chạm thành thân hình rồng, đầu rồng là phần đuôi kèo, gác trên cột hiên đang vươn mình ra mặt tiền nhà, chi tiết này ở nhà ông Đào Mỹ Trí Nhân, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch. Nhà trên có 8 hàng cột tương ứng với 8 hệ kèo gác trên cột, như vậy toàn bộ hàng kèo hiên đều được cách điệu thành thân hình rồng. Trong hóa thân này rồng được các nghệ nhân chạm khắc một cách sống động. Đầu rồng ngẩng cao, tóc dài, trên đỉnh đầu có bờm dựng đứng rất mạnh mẽ; miệng ngậm, cằm hất ra phía trước; mắt lồi, mũi nở. Thân hình uốn lượn như làn sóng nước thoắt ẩn thoắt hiện, các đoạn thân mình được tạo thành từ dây lá uốn lượn như những con sóng lớn đang xô nhau đã đến mức cao trào khiến nhãn quan người xem có cảm giác một thân rồng tĩnh mà như động, một sự cuộn mình uyển chuyển trong không gian, nhanh, mạnh và dứt khoát. Nhìn tổng thể, con rồng hóa thân thành kèo hiên trong nhà của ông Đào Mỹ Trí Nhân không mang vẻ hung dữ với nhiều chi tiết trang trí mà nó lại khiến người chiêm ngưỡng cảm nhận về sự cân đối, hợp lý mang đầy đủ chức năng nâng đỡ phần mái của một kèo hiên – thanh kèo cuối cùng trong hệ thống kèo của ngôi nhà mà vẫn không kém phần uy, mạnh, sắc nét và truyền tải ý nghĩa về sự lạc quan, hướng đến những điều tốt đẹp, một sự sung túc thuận hòa qua các thế hệ trong gia đình.
– Lân: Lân là con vật được kết tinh từ trí tưởng tượng của con người, là một trong 4 con thú linh. Con đực gọi là kỳ, con cái gọi là lân, nên thường gọi chung là kỳ lân. Lân được coi là chúa loài thú, có đặc điểm về hình dáng: chân hươu, móng ngựa, đuôi bò, sừng là u thịt cứng và được coi là một “nhân thú”. Không ăn thịt sinh vật, không dẫm chân lên cỏ. Theo truyền thuyết Trung Quốc, lân chỉ xuất hiện vào thời thái bình thịnh trị, có thánh nhân ra đời.[2]
Hình ảnh lân được chạm khắc ở mặt bên kèo hiên của nhà ông Hứa Văn A (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) dưới dạng đang di chuyển, đầu lân hiện ra trong đám dây hoa lá uốn lượn chằng chịt với miệng rộng, mũi nở, mắt to, toàn thân ẩn vào dây lá, 4 chân bước dõng dạc đường hoàng trông thật oai vệ. Phải công nhận tài năng chạm trổ của nghệ nhân xưa lột tả được cái hồn của con vật linh thêm phần huyền bí, linh thiêng tạo nên vẻ đẹp riêng cho phần trang trí đuôi kèo sắc sảo, đẹp mắt.
Hình tượng lân cùng với rồng, phượng, rùa được chạm khắc trên đuôi kèo nhà ông Hứa Văn A đã hàm chứa những điều tốt đẹp nhất không chỉ với gia chủ, dòng họ mà cả với đất nước về sự hùng mạnh, dài lâu, thái bình và hạnh phúc. Quả đó là điều mà bất cứ ai yêu dân tộc đều mong muốn và đặc biệt hơn đó chính là hàm ý sâu xa chứa đựng trong từng nét chạm trổ của các nghệ nhân điêu khắc đương thời.
– Rùa: Trong truyền thuyết Việt Nam rùa xuất hiện đầu tiên với vị trí là thần kim qui giúp cho An Dương Vương xây thành Cổ Loa và bí quyết chế tạo nỏ thần để đánh giặc xâm lược. Lần thứ hai thần Kim qui xuất hiện với thanh kiếm thần giúp Lê Lợi diệt giặc Minh. Và như thế rùa đi vào tâm thức người Việt từ lâu đời với một sự thành kính, linh thiêng đặc biệt, hơn nữa rùa sống rất lâu vì thế còn mang ý nghĩa về sự trường thọ.
Hình ảnh rùa điêu khắc trên đuôi kèo nhà ông Hứa Văn A được chạm rõ nét nhất trong 4 con vật linh, không ẩn hiện thần bí trong dây lá hóa mây như rồng, phượng hay lân mà rùa hiện ra như đang nổi hẳn lên nền của biển cây lá, trên lưng rùa cõng cuốn thư, miệng há, mai cong vòm, trên mai có hình tròn ở tâm xung quanh tỏa ra nhiều tia như ánh sáng thần bí của thần qui – một hình tượng rùa mạnh khỏe, chắc nét đầy sức mạnh.
– Phượng: Trong quan niệm của người xưa, phượng là con vật huyền thoại – một trong tứ linh, là biểu tượng của cuộc sống thanh bình, hạnh phúc và lòng thủy chung. Nếu rồng là biểu tượng của vua, của dương, phái nam thì phượng là biểu tượng của hoàng hậu, công chúa, của âm, phái nữ – tức nói đến sắc đẹp, sự quí phái của nữ giới. Có thể nói phượng là chúa của loài chim, con trống gọi là phượng (phụng), con mái gọi là hoàng, Nói chung phượng hoàng biểu trưng cho điềm lành và sự phú quí.
Trong điêu khắc trên đuôi kèo nhà ông Hứa Văn A, hình ảnh Phượng được chạm khắc theo dạng một đầu Phượng hiện lên trên nền của dây hoa cúc. Đầu Phượng có mào như mào gà trống, mỏ giống mỏ chim, lông dài mượt như lông công, mắt to dài nhìn rất quyến rũ. Những bông hoa cúc nở rộ phía trước, sau đầu phượng như tô thêm vẻ đẹp kiêu sa của linh vật này. Dù đây là con vật trong trí tưởng tượng nhưng qua tài chạm trổ của nghệ nhân xưa có thể thấy Phượng là sự kết hợp thực tế về những con vật có thật, gần gũi với con người như mào gà, mỏ chim, lông công…
Bức chạm dây hoa cúc hóa Phượng của nhà Bà Mã Thị Tám thì có phần uyển chuyển hơn khi người thợ điêu khắc chạm thân hình Phượng là một dây hoa cúc dài với lá và hoa, đầu phượng nhỏ hơn so với bức điêu khắc phượng của nhà ông Hứa Văn A, cũng với mào gà, mỏ chim đại bàng, mắt to đẹp, lông dài mượt của chim công nhưng đây là bức chạm hiện rõ thân mình phượng là dây hoa cúc hóa thành với dáng nhỏ nhắn uyển chuyển, đuôi dài như đuôi công tỏa ra nhiều dải là những dây lá cúc bay lượn rất mềm mại nữ tính. Trên lưng phượng có cõng một hình tròn với các khối bát giác bên trong như mai rùa.
Hai bức chạm khắc dây hoa cúc hóa phượng của nhà Hứa Văn A và nhà Mã Thị Tám không còn xa lạ với đời sống thực tại bởi người đương thời đã biến các bộ phận của những con thú quen thuộc nhất trở thành cơ thể hoàn hảo của con vật linh thiêng với mong ước về những điều tốt đẹp, niềm hạnh phúc. Chính vì thế, hai hình tượng Phượng trong các bức chạm khắc này cùng với rồng, lân và rùa trong “Tứ linh” đã mang hàm ý của gia chủ về sự trường tồn, sung túc, quí phái, bình yên lâu dài trong cuộc sống mà hiện tại chúng ta có thể thưởng ngoạn và chiêm nghiệm.
2. Đồ án các con vật và hoa lá, cây cỏ
Ngoài đồ án hoa văn chạm khắc các con vật huyền thoại được coi là linh thiêng trong “Tứ linh” còn có các loài vật khác mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, gần gũi với con người như: Dơi, Hươu (Lộc), Hạc, Đại bàng, Cò, Chim sẻ, Bươm bướm (Điệp), Chuồn chuồn, Châu chấu, Sóc, cá Chép, Trai. Cùng với các con vật có thật trên, các đồ án hoa văn về cây cỏ, hoa lá như: Mai, Sen, Cúc, Trúc, Tùng, Lan (địa lan), Dây Nho, Hoa dây, cỏ, Cổ thụ luôn đi đôi với nhau tạo thành những đề tài trang trí mang tính biểu trưng cao.
– Trai – Cò
Đề tài này xuất hiện duy nhất trên đuôi kèo nhà bà Mã Thị Tám với nét chạm mộc đơn giản, pha chút ngộ nghĩnh trong cuộc tranh giành giữa một con cò và đôi trai tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc nơi đồng quê trù phú, yên bình. Đề tài “trai cò tranh nhau” ở đây giống với điển tích xưa của Trung Quốc (thời Chiến Quốc) nói về chuyện con cò và con trai trì kéo nhau, con cò mổ vào thịt con trai, con trai khép miệng ngậm mỏ con cò trong miệng, cả hai con không con nào chịu tha cho con nào, ngư ông đi ngang trông thấy, mỉm cười thích chí, thò tay túm bắt cả 2 con trai và cò, đem về nhà làm thịt, nấu chung một nồi. Điển tích này nhắc nhở chúng ta về sự thận trọng, răn dạy con người cẩn tắc trong mọi tình huống nếu không sẽ bị thất bại và phần thắng sẽ thuộc người thứ ba[3]. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa điển tích Trung Quốc và bức chạm trai cò của ta là, nếu như trong điển tích của người Trung Quốc ta thấy bức tranh có một con cò mổ vào một con trai bên đám cỏ ở bờ ruộng, phía sau dưới rặng liễu có một ngư ông đang chờ sẵn để túm bắt cả hai con thì trong bức chạm khắc trên đuôi kèo ở nhà bà Mã Thị Tám (Nhơn Trạch) được thể hiện một cách kín đáo, ẩn dụ với hình ảnh của con cò mổ vào đôi trai bên bờ nước dưới rặng tre la đà trước gió mà không hề thấy bóng lão ngư trong tư thế trực chờ bắt mồi. Có thể nói, tình tiết nguy hiểm gần như mất đi trong bức tranh với sự sáng tạo tinh tế đầy nhân văn của người Việt mà vẫn không thiếu sự dăn dạy của người xưa về tính cảnh giác.
– Sóc – Nho: Đề tài này được chạm khắc một cách sinh động, tỉ mỉ với dây nho cứ xoắn xít lại với nhau, từ đó nở rộ những chùm nho nặng trĩu chín mọng, những chú sóc nhỏ cứ vô tư hái quả đưa lên miệng ăn ngon lành đầy thích thú. Đây là hình ảnh biểu trưng cho sự sung túc, dư dả (chùm nho có nhiều quả), con đàn cháu đống, lúc nào cũng có ăn không thiếu của dân gian xưa ước vọng về đời sống no đủ, hạnh phúc.
– Chim – Hoa: Đề tài hoa và chim có 2 bức chạm trên đuôi kèo của nhà bà Mã Thị Tám mô tả cảnh cành cây nở hoa có chim sẻ đậu, con thì ngước mặt lên cao, con thì đưa mỏ vào bông hoa. Những loài hoa trong các bức tranh này có cả mai, lan và hoa tranh (?), phía dưới gốc là những thân cổ thụ rất đồ sộ như những quả núi thu nhỏ và cũng từ đó mọc ra những khóm địa lan xanh tốt.
Các loài hoa lan, mai, tranh tượng trưng cho mùa xuân, muôn cây đâm chồi nảy lộc, mùa của sự sống, mùa của sinh sôi nảy nở. Chim sẻ còn gọi là “Tước” đồng nghĩa với chức tướng, tước vị tức quyền cao chức trọng. Do đó ý nghĩa của đề tài này là ước nguyện về một cuộc sống luôn tươi mới như mùa xuân với sự thành danh trên con đường thăng tiến, tước lộc đầy nhà.
– Cúc – Điệp: Cúc là loài hoa tượng trưng cho sự bất tử, cho mùa thu vàng rực rỡ, cho sự thanh cao và an nhàn; hoa cúc còn mang ý nghĩa của sự vinh hoa và được xếp là một trong tứ quí (mai-lan-cúc-trúc).
Điệp đọc gần giống với âm “điệt” tức ông lão 80 nghĩa là sống lâu, thọ. Ngoài ra điệp còn được hiểu là trùng điệp – lặp đi lặp lại. Do đó, đề tài cúc – điệp biểu trưng cho vinh hoa trùng điệp mà bất cứ ai cũng mong muốn. Đề tài chạm khắc trên kèo hiên của nhà bà Mã Thị Tám đã mang trọn vẹn ước nguyện này cho họ qua các thế hệ như một lời chúc tụng đẹp lưu giữ cho đời sau.
– Sen – Cá– Chuồn chuồn và Cào cào (châu chấu): Đây là bức chạm mô tả một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với cây sen là chủ đạo, điểm xung quanh là nhiều con vật quen thuộc với người nông dân Việt: cá vẫy đuôi ngóc đầu khỏi mặt nước, chuồn chuồn bay lượn quanh đầm sen và cào cào (châu chấu) đang đậu trên lá sen. Một không gian yên bình sống động với nhiều sắc màu cuộc sống khiến người xem liên tưởng tới bức tranh phong cảnh thực của người nông dân ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Sen chữ Hán còn đọc là “liên” đồng âm với liên tục, liên tiếp, liền nhau. Cá chữ Hán đọc là “ngư” đồng âm với “dư” (dư dả). Do đó Sen và Cá trong bức chạm này biểu ý sự dư dả liên tục không lúc nào thiếu. Cào cào (châu chấu) tiếng Hán đọc là “chung tư”, đây là loài vật có khả năng sinh sản rất mạnh, một lần đẻ ra một bầy con, do đó hình tượng châu chấu ở bức tranh phong cảnh này biểu trưng cho sự đông con, tức “phúc” – con đàn cháu đống đầy hạnh phúc.
Trong ca dao Việt Nam có câu thơ nói về chuồn chuồn, ngụ ý thông báo về thời tiết của nông nghiệp vụ mùa theo kinh nghiệm dân gian xưa như sau:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
Quả thực đây là bức chạm mà người viết thích nhất bởi nó không giống với những đề tài quen thuộc của đồ án hoa văn Trung Quốc mà nó mang dáng vẻ thuần Việt, hiện thực chất phác nhưng không kém phần tinh tế. Nhìn tổng thể bức tranh có thể hiểu được ý nghĩa mà người xưa mong muốn có một cuộc sống dư dả liên tục không lúc nào thiếu với con đàn cháu đống và trời đất mưa thuận gió hòa để cho cuộc sống của họ và con cháu luôn ấm no ngập tràn hạnh phúc.
– Lan – Điệp – Châu chấu: Bức chạm trên đuôi kèo hiên thể hiện một gốc cổ thụ hình núi to lớn trong tư thế vững chãi, từ đó mọc ra một nhánh lan với lá vươn dài và nhiều bông hoa đang nở rộ, trên cành bươm bướm và chuồn chuồn thi nhau đậu với tư thế vỗ cánh (bươm bướm) và co chân (châu chấu) – thể hiện sự chuyển động rất tinh tế của những con vật đang bay rồi ngừng lại đậu trên cành cây. Có thể nói nghệ nhân chạm bức điêu khắc này đã lột tả chân thực nhất cái hồn của bức tranh làm cho người xem như đang tận mắt thấy được cảnh tượng thiên nhiên thật của vùng quê Phú Hội (Nhơn Trạch) yên bình, tươi đẹp.
Trong ý nghĩa biểu trưng của các đồ án hoa văn thì hoa Lan tượng trưng cho mùa xuân, thơm sạch thường dùng để chỉ người hiền thục, đằm thắm, tức người con gái đẹp. Lan – Điệp biểu trưng cho sự hòa hợp nói chung và sự hòa hợp của trai gái, vợ chồng. Như trên đã giải thích châu chấu sinh sôi nhiều biểu trưng cho sự con đàn cháu đống, đo đó trong đề tài: Lan – Điệp – Châu chấu mang ngụ ý của tiền nhân xưa là cầu mong cho chồng vợ thuận hòa, sinh con đàn cháu đống, gia đình hạnh phúc.
– Trúc – Chim Yến: Trúc là loài cây có đốt thẳng, ruột rỗng, lá xanh tốt quanh năm nên biểu trưng cho người quân tử, ngay thẳng và cho sự trường thọ. Chim yến là loài chim báo mùa xuân đến mang ý nghĩa của sự bình an, của điềm lành; cảnh vẽ 2 con chim yến là ngụ ý cho đôi vợ chồng khăng khít bên nhau. Đây là đề tài có mặt ở nhà của bà Mã Thị Tám với những nét chạm nổi dày, kín và mang màu sắc tươi vui với đôi chim yến tung bay nhộn nhịp, thể hiện khung cảnh đầy sức sống mới của mùa xuân. Như vậy, hình ảnh trúc (đọc chệch là chúc – chúc tụng) và chim yến còn mang hàm ý cho lời cầu chúc được bình an, sống lâu, trăm năm hạnh phúc.
– Đại bàng – Cá chép (Anh hùng tao ngộ): Chim đại bàng biểu tượng cho sức mạnh, lòng can đảm, tầm nhìn xa và sự bất tử. Loài đại bàng từ lâu được mệnh danh là chúa tể bầu trời, nó còn được coi là vua của không trung và sứ giả của vị thần tối cao, xứng danh chúa tể bầu trời.
Cá theo quan niệm của người phương Đông là con vật mang điềm lành, sự trường thọ, đồng thời cá tiếng Hán là “ngư” còn đồng âm với “dư” nghĩa là dư thừa, giàu có. Trong tâm thức dân gian chỉ có cá chép mới có thể hóa rồng, chỉ có cá chép mới là con vật được chở các vị Táo quân lên chầu Trời cho nên cá chép rất gần gũi với thánh thần, vì thế nó mang ý nghĩa như là loài động vật mạnh mẽ và linh thiêng nhất của thế giới nước. Bức chạm khắc mô tả con đại bàng tung cánh đang lao từ trên bầu trời xuống gặp cá chép vẫy nước vờn trong sóng mạnh nhô đầu khỏi mặt nước thể hiện sự gặp gỡ của những bậc anh hùng của bầu trời và biển cả như phô trương sức mạnh, sự can đảm và thể hiện cái uy của mình với muôn loài.
Có thể nói bức điêu khắc “anh hùng tao ngộ” mang tính động nhất dẫn đến những cao trào của tốc độ và sức mạnh mà đại bàng và cá chép thể hiện khiến cho đuôi kèo hiên nhà bà Mã Thị Tám mang vẻ độc đáo lạ thường và hình ảnh điêu khắc này chỉ xuất hiện duy nhất mà không thấy lặp lại ở những ngôi nhà cổ truyền khác trong tỉnh Đồng Nai.
– Tùng – Nai (Lộc): Đề tài “tùng – lộc” ở nhà bà Mã Thị Tám chạm khắc đôi nai một con đứng, một con ngồi đang ngước nhìn lên tán cây tùng rợp bóng tràn ngập vẻ bình yên, hạnh phúc.
Tùng là loài cây xanh tốt quanh năm, chịu được giá lạnh, tượng trưng cho sự bất diệt, cho sự chịu đựng, cho sức mạnh và cho người quân tử. Nai phát âm tiếng hán là “lộc” mang hàm ý bổng lộc, quan lộc; đôi nai biểu trưng cho chồng vợ, có đôi có cặp. Vì thế, đề tài này ngụ ý cho sự trường xuân và có nhiều tài lộc, đôi lứa hạnh phúc mãn nguyện.
– Lá dung: hình sống của chiếc lá cong, vươn dài. Đây là mảng chạm khắc ở phần dưới cùng của kèo hiên với xu thế của một cành lá đang vươn lên. Theo quan sát, nó giống với cành lá dừa non và đặc biệt chỉ những ngôi nhà ở dân gian truyền thống của người Việt ở Nam bộ kèo hiên mới được chạm khắc hình chiếc lá vươn dài này. Có thể đây là biểu tượng đặc trưng được lấy cảm hứng từ cành lá dừa – loại cây ăn trái đặc trưng của vùng đất Nam bộ
3. Biểu tượng
– Phúc Đáo: Trong hầu hết những ngôi nhà gỗ cổ truyền của người Việt và nhà người Việt ảnh hưởng kiến trúc Hoa biểu tượng chữ Phúc xuất hiện khá nhiều trong trang trí trên các cấu kiện như Hoành Phi, Liễn Đối, Ô, vách hoặc thấy khá phổ biến trong trang trí nội thất như bàn ghế, tủ, kệ… biểu tượng chữ Phúc được điêu khắc trên đuôi kèo ở đây chỉ thấy xuất hiện một lần trong đề tài “Anh hùng tao ngộ” với hình dáng của “Phúc Đáo” nghĩa là phúc đến nhà. Theo quan niệm của người Trung Quốc trong tất cả những điều quý giá nhất không có gì bằng “Phúc” vì thế mới có câu “Thiên hạ đệ nhất phúc”.
Hình ảnh chạm khắc đầu dơi lao xuống với hai cánh xòe rộng chiếm một phần nhỏ trong bức tranh “Anh hùng tao ngộ” ở nhà bà Mã Thị Tám (Nhơn Trạch) với ngụ ý rõ ràng nhất về sự hưng phúc, phúc luôn đến nhà và con cháu đời đời có phúc.
– Cây cổ thụ: trong tất các các mặt bên đuôi kèo ở nhà bà Mã Thị Tám, hình ảnh gốc cây cổ thụ đều được chạm khắc như là một hình tượng không thể thiếu, từ gốc tre, trúc, tùng cho đến cả những bụi hoa lan đất cũng cách điệu bằng cách cây địa lan nhỏ bé kia được sinh ra từ một gốc cổ thụ, hoặc giả những lá và bông sen trong đầm không mọc lên từ cây cổ thụ thì bóng dáng gốc cổ thụ cũng phải hiện hữu độc lập bên cạnh nó.
Biểu tượng cây cổ thụ được chạm tỉ mỉ theo hình những ụ tròn nổi như hình cây nấm hay sóng hình ngọn núi với những u, gò nổi bên trên thể hiện sự già cỗi lâu đời. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ thì đây chính là bóng dáng của những cây vũ trụ – một loại cây linh có chân ăn ở dưới (âm), ngọn vươn lên trời (dương). Đó chính là gạch nối âm và dương để tạo nên một nguồn sinh khí cho đời. Trong tâm thức về tín ngưỡng dân gian của nhiều cư dân, trong đó có người Việt, đã nhìn cây cao lớn (cổ thụ) như con đường để lên trời. Cây có ngọn ở trên, rễ ăn vào lòng đất, nên cây cũng mang ý nghĩa cái gạch nối giữa đất và trời trong nhận thức xưa. Có thể nói hình tượng cây cổ thụ gây ấn tượng mạnh với người quan sát về cảm giác nhỏ bé (đuôi kèo) mà to lớn (cây cổ thụ) trong các bức chạm nổi có kích thước khiêm tốn (0,8m2) ở mặt bên đuôi kèo.[4]
– Vân sóng nước: được chạm khắc thể hiện bằng các con sóng cuộn và các cung tròn so le giống như vẩy cá nối tiếp nhau. Các ngọn sóng ấy cứ liên tục xô đẩy để lại thấy những con sóng mới, có thể nói nghệ thuật chạm khắc của các nghệ nhân tiền bối có hồn đến mức những con sóng ấy trở nên vô tận như đang ở xa khơi. Chắc rằng, người đương thời với những hình sóng liên tục bất tận để ước muốn sinh sôi nảy nở, cầu mong về suối nguồn hạnh phúc.
– Vân dấu hỏi: được chạm khắc như một cách trang trí ở hầu hết các phía trên của kèo hiên – chỗ nối giữa đuôi kèo trong nhà với đầu kèo hiên, tạo hiệu ứng trang trí khá thú vị. Các vân dấu hỏi có lúc uốn nhẹ tạo độ cong vừa, có lúc cuộn tròn như những xoắn ốc khiến hình ảnh như vừa xoáy sâu vừa bung nở cho người xem sức cuốn hút bất ngờ. Nhờ những nét chạm khắc tinh xảo ấy các thanh gỗ thô cứng vô hồn, cục mịch trở nên mềm mại lạ thường tạo cảm tình đặc biệt cho mỗi góc cạnh của ngôi nhà nói riêng và nhà ở cổ truyền người Việt nói chung.
– Hình thuyền: thấy rõ nét nhất ở phần cuối kèo hiên, chỗ nằm trên đầu cột hiên vươn ra ngoài, toàn bộ khung hình phần kèo này được tạo tác như hình một con thuyền với mũi thuyền hướng ra phía ngoài mái hiên trông rất ấn tượng, nó giống như đang chuyên chở những ước vọng, hoài bão của gia chủ đến bến bờ hiện thực. Đây là một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cao, nó gợi nhớ đến biểu tượng về sông nước của cư dân Đông Nam Á nói chung và cư dân Nam bộ Việt Nam nói riêng.
Trong hầu hết những ngôi nhà ở cổ truyền người Việt ở Đồng Nai, toàn bộ đoạn cuối của khối kèo hiên được tạo tác thành hình con thuyền, đây là một đặc điểm dễ nhận biết
Kết luận:
Điêu khắc trên đuôi kèo ở một số ngôi nhà dân gian truyền thống của người Việt ở Đồng Nai qua mô tả bằng những đề tài với cây cỏ, muông thú và các biểu tượng đã cho chúng ta cái nhìn về nghệ thuật chạm khắc gỗ trên một bộ phận cấu kiện nhỏ của một công trình kiến trúc nhà ở qua đó chúng ta cũng đã tiếp cận được với những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà chạm khắc đem lại. Sự trang trí của các mảng chạm khắc không lấn át, xóa đường nét kếu cấu, làm mờ vẻ đẹp của kiến trúc mà ngược lại những mảng chạm khắc làm cho ngôi nhà cổ truyền trở nên đẹp đẽ, lộng lẫy tạo ra một không gian sống ấm cúng, đầy ý nghĩa cho một ngôi nhà cổ truyền người Việt với nhiều chức năng sử dụng.[5]
Chạm khắc trên đuôi kèo không những tô điểm cho khối kiến trúc trở nên đẹp hơn mà còn làm cho ngôi nhà với những khối gỗ trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển, làm giảm tải trọng của bộ mái với những thanh xà, hoành, đòn nóc… đè nặng phía trên đầu. Với óc thẩm mỹ tinh tế, bàn tay khéo léo của người thợ chạm, những thanh kèo đỡ mái không chỉ phát huy tác dụng chịu lực mà còn trở thành các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc với những tạo hình phong phú mang ước mơ, khát vọng, lời cầu mong với thần linh, những khoảnh khắc đương thời mà người chủ ngôi nhà, người nghệ sỹ gửi gắm.
Nghệ thuật chạm khắc trên đuôi kèo ở một số ngôi nhà ở dân gian truyền thống của người Việt ở Đồng Nai nói riêng và chạm khắc trên đồ gỗ nói chung đã có truyền thống lâu đời từ thế kỷ 16, 17 của cư dân Việt ở miền Bắc, miền Trung mang theo trên con đường khẩn hoang mở mang bờ cõi xuống phương Nam và dần nó trở thành một ngành nghề truyền thống của địa phương mang những dấu ấn riêng của vùng đất Nam bộ mà cho đến nay ít nhiều những giá trị quí báu đó vẫn còn lan tỏa và trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ con cháu tiếp nối và thưởng ngoạn.
Điêu khắc trên cấu kiện kiến trúc là một bộ phận của kiến trúc, muốn bảo tồn và phát huy giá trị của điêu khắc trên những cấu kiện gỗ trong một ngôi nhà cổ truyền nói chung cần phải đặt trong không gian của tổng thể ngôi nhà, ở đó nghệ thuật tạo hình truyền thống mới có thể sống và phát huy hết tác dụng của nó. Những ngôi nhà ở truyền thống ở Đồng Nai là một loại hình kiến trúc nghệ thuật dạng kiến trúc dân dụng – nhà ở mang dấu ấn thời gian và nét độc đáo riêng của người Việt ở vùng đất phương Nam. Vì thế, những giá trị tạo hình điêu khắc nói riêng và giá trị chung của những ngôi nhà gỗ cổ truyền ở Đồng Nai cần phải được quan tâm, trân trọng, giữ gìn trước hết là bằng cách lập hồ sơ xếp hạng di tích, sau đó là đề ra phương án bảo tồn, tu bổ nhà ở gỗ cổ truyền một cách phù hợp.
Ths. Cao Thu Nga
GĐ Bảo tàng Lịch sử, Văn hóa
Trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM
Tài liệu tham khảo :
- Trần Lâm Biền – 2000, Một con đường tiếp cận lịch sử, NXB Văn hóa Dân tộc
- Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa dân tộc.
- Nguyễn Văn Cương, Mỹ thuật Đình làng đồng bằng bắc bộ, NXB Văn hóa Thông tin
- Trần Khang (2002), Nhà ở truyền thống tỉnh Đồng Nai và tỉnh Tiền Giang, Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai
- Nguyễn Khởi (1991), Kiến trúc Việt Nam các dòng tiêu biểu, Trường ĐHKT TP.HCM
- Vũ Tam Lang (1991), Kiến Trúc Cổ Việt Nam, Nxb Xây Dựng HN
- Nguyễn Hữu Thái (2002), Những vấn đề kiến trúc đương đại Việt Nam, NXB Xây dựng HN
- Viện nghiên cứu văn hoá quốc tế, ĐH Nữ Chiêu Hoà (2000). Kiến trúc phố cổ Hội An. Nxb thế giới, HN
- covattinhtinhhoa.vn
Phụ lục hình ảnh, bản vẽ
1. Lan – Điệp – Châu chấu (huyện Nhơn Trạch)
2. Chim – hoa (huyện Nhơn Trạch)
3. Cúc – Điệp (huyện Nhơn Trạch)
4. Đề tài “Trai – cò” chạm khắc trên đuôi kèo với biểu tượng hình thuyền và “lá dung” vươn dài (huyện Nhơn Trạch)
5. Sóc – nho (huyện Nhơn Trạch)
6. Liễu – Hạc
7. Anh hùng tao ngộ (Đại bàng – Cá chép) và Phúc đáo
8. Sen – chuồn chuồn – châu chấu – cá chép
9. Dây hoa cúc hóa Phượng với mô típ lá dung vươn dài (huyện Vĩnh Cửu)
10. Dây lá hóa Phượng (huyện Nhơn Trạch)
11. Kèo hiên chạm khắc hình Rồng (huyện Nhơn Trạch)
12. Dây lá hóa Long trên kèo hiên với mô típ lá dung (Vĩnh Cửu)