Tháng 7 vừa qua, tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Cục Di sản Văn hóa đã tổ chức lớp đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về “Bảo quản phòng ngừa và xây dựng phương án ứng phó rủi ro cho các Bảo tàng khu vực phía Nam”. Tham gia lớp đào tạo và bồi dưỡng có 90 học viên đại diện cho các Bảo tàng tỉnh từ Huế trở vào, các Bảo tàng Chuyên ngành, các Bảo tàng thuộc Quân đội, các chi nhánh Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh.
Trong nội dung của lớp đào tạo và bồi dưỡng, các học viên đã được nghe Ths Christiane Campioni giảng và giới thiệu những nội dung cơ bản về quy trình bảo quản phòng ngừa và các biện pháp phòng chống rủi ro cho hiện vật trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam hay như những yếu tố tác động đến hiện vật và các biện pháp phòng chống. Trong đó có 10 tác nhân gây hại nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng và gây thiệt hại hoặc mất giá trị cho hiện vật như: tác động vật lý, tội phạm, lửa, nước, côn trùng, sự ô nhiễm, ánh sáng và tia cực tím, nhiệt độ và độ ẩm không chính xác, sự tan ra tự nhiên. Để nhằm kéo dài tuổi thọ của hiện vật chúng ta phải nỗ lực bảo quản phòng ngừa mục đích giảm thiệt hại và hư hỏng cho các bộ sưu tập, trước hết bằng các phương pháp cải thiện môi trường lưu giữ hiện vật như: kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm tương đối và các ô nhiễm; kho lưu trữ; tài liệu cho mượn và đóng gói để vận chuyển;quản lý hiện vật không để côn trùng xâm nhập gây hại; vệ sinh và dọn dẹp phòng kho gọn gàng, sạch sẽ; cầm nắm, di chuyển hiện vật đúng quy trình. Trang thiết bị phục vụ việc kiểm soát môi trường kho bảo quản như: đèn led, thiết bị đo cường độ ánh sáng Conrad Ms 1300; thiết bị để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm; máy điều hòa, ẩm kế tóc, ẩm kế khô ướt, ẩm kế điện tử, máy hút ẩm, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Cuối bài giảng thạc sỹ Christiane Campioni còn hướng dẫn học viên cách sử dụng một số vật liệu hỗ trợ việc sắp xếp, lưu giữ hiện vật như: Ethanfoam dạng tấm dùng lót trên các mặt sàn của các giá tủ, tấm Mylar vật liệu chống sóc để chèn trong khi đóng gói hiện vật. Loại này tồn tại trong độ dày từ 3 – 5 mm. Có thể lựa chọn độ dày của vật liệu để đảm bảo khả năng chịu đựng diện tích bề mặt của hiện vật được đóng bao, hiện vật càng rộng yêu cầu vật liệu càng phải dày. Đây cũng là vật liệu tốt cho việc lót giá kệ lưu giữ hiện vật. Tyvek là một loại nguyên vật liệu dạng giấy và dạng vải rất nhẹ, phù hợp với môi trường khắc nghiệt, không gây ngưng tụ hơi nước nên không bị nước thẩm thấu, không bị ẩm mốc, có độ PH trung tính. Tyvek được sử dụng làm lót khi làm hộp vừa có tác dụng lót ngăn cách để chống xước cho bề mặt hiện vật, đồng thời vẫn tạo được độ thông thoáng. Thực tế một số Bảo tàng ở nước ta thường sử dụng vải cotton mỏng để thay thế cho Tyvek, giấy phi axit được sử dụng để làm các hộp bảo quản tài liệu giấy. Ngoài những bài giảng của Thạc sỹ Christiane Campioni trên, các học viên còn được nghe những bài giảng của Thạc sỹ Nguyễn Thị Hương Thơm, Trưởng phòng Kiểm kê – Bảo quản Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam về những nội dung tổ chức sắp xếp kho bảo quản và lập kế hoạch bảo quản phòng ngừa: kho Bảo tàng phải đảm bảo được việc kiểm soát tốt nhất các rủi ro đi liền với kiến trúc như: an toàn cháy nổ, an ninh chống trộm đột nhập, duy trì bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo các trang thiết bị, sắp xếp tủ giá chứa hiện vật, không được để trực tiếp hiện vật lên sàn nhà, không được nhồi nhét hiện vật với mật độ quá dày trên các giá kệ. Cần có đủ không gian giữa các hiện vật để cho phép việc di chuyển, tiếp cận và thông khí. Lên kế hoạch chặt chẽ cho việc sắp xếp hiện vật trong từng bộ phận của kho dựa vào kích thước, hình dáng và trọng lượng, sắp xếp hiện vật theo chủ đề (theo niên đại, nguồn gốc văn hóa và địa lý…).
Điều đáng nói là sau mỗi bài giảng, các giảng viên đều dành thời gian cho các học viên phát biểu ý kiến liên hệ đến Bảo tàng mà mình đang công tác. Có thể nói, từ những bài đã học, một số học viên đại diện cho các Bảo tàng địa phương đã trình bày những vấn đề về bảo quản, cách phòng chống rủi ro đối với hiện vật, hiện trạng của kho và những vấn đề về xử lý khi hiện vật hư hỏng rất sôi nổi. Như học viên Bảo tàng Đắk Lắk có hỏi là: “cách xử lý mọt trong hiện vật bằng phương pháp gì?”, học viên Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời như sau: “trước hết nên cách ly hiện vật có nghi bị mối mọt, sau đó có thể sử dụng phương pháp gây ngạt bằng cách sử dụng khí nitơ, nếu hiện vật nhỏ có thể sử dụngtúi nilon bọc lại để tăng hiệu quả. Đối với hiện vật trên kệ thì xịt thuốc chống mọt dưới chân kệ tủ”. Học viên Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm: Muốn xây dựng bảo quản trị liệu theo từng chất liệu phải làm quy trình bảo quản với đầy đủ các thông tin về hiện vật và các bước xử lý (lưu lại nhật ký bảo quản), mỗi hiện vật hư hại sẽ có cách bảo quản khác nhau và phải được Hội đồng khoa học Bảo tàng thông qua.
Trong quá trình học tập, các học viên còn được Cục Di sản Văn hóa tạo điều kiện đi tham quan, khảo sát và trao đổi kinh nghiệm thực hành kỹ thuật về bảo quản phòng ngừa tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh, kho hiện vật Dinh Độc Lập, phòng trưng bày và kho hiện vật của Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh, kho hiện vật Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh.
Trong nội dung của phần tổng kết lớp đào tạo, Cục Di sản Văn hóa đã nhấn mạnh về một số vấn đề mà ngành Bảo tồn Bảo tàng nói chung, hệ thống Bảo tàng nói riêng cần phải chú trọng tích cực đến công tác kho, xử lý hiện vật hư hỏng kịp thời. Khu vực kho là phần quan trọng sống còn của bất kỳ Bảo tàng nào và thường chứa phần lớn các bộ sưu tập. Kho Bảo tàng cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển Bảo tàng và các chương trình do có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động khác như, nghiên cứu, khảo cứu, bảo quản và trưng bày. Kết thúc khóa học các học viên viết bài thu hoạch và được trao giấy chứng nhận đã hoàn thành lớp học./.
Lê Ánh Tuyết