1. Giới thiệu
Khảo cổ học tiền sử Nam Bộ mở đầu với những phát hiện, nghiên cứu và công bố của một số học giả người Pháp từ cuối thế kỷ XIX, chủ yếu là các di tích trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước theo địa giới hành chính ngày nay. Sau năm 1975, nhiều chương trình nghiên cứu của giới khảo cổ Việt Nam được tiến hành nhằm kiểm chứng các phát hiện trước đây của người Pháp và điều tra, khảo sát cũng như khai quật và nghiên cứu một số di tích mới phát hiện. Diện mạo của vùng đất Nam Bộ thời tiền sử đã dần hiện ra rõ nét hơn sau nhiều thập niên nghiên cứu với những điểm tương đồng khá rõ trong tổ hợp công cụ lao động, hoa văn hay kiểu dáng của đồ gốm. Chính vì có sự tương đồng đó mà một số nhà nghiên cứu đã xếp các di tích tiền sử vùng đất này trong một nền văn hóa khảo cổ với tên gọi “văn hóa Đồng Nai” (hàm ý các di tích phân bố ven dòng chảy sông Đồng Nai) với niên đại khởi nguồn được ước định từ khoảng 5.000 đến 2.500 năm cách ngày nay trong một quá trình phát triển gồm nhiều giai đoạn xuyên suốt từ thời Hậu kỳ Đá mới cho đến Sơ kỳ thời đại Sắt.
Bải viết này giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới trong thập niên 2009 đến 2019 (do Trung tâm Khảo cổ học phối hợp với các Bảo tàng Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Long An và Đại học Quốc gia Úc) liên quan đến các di tích tiền sử quan trọng như xưởng chế tác đá, các công trình cư trú – phòng ngự, các di tích cư trú để qua đó góp phần đem lại những hình dung cơ bản về diện mạo của một vùng đất đầy năng động và đa dạng văn hóa trong khung niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 đến 3.000 năm.
2. Các xưởng thủ công chế tác công cụ đá ở lưu vực sông Bé
Do đặc điểm khan hiếm nguồn quặng đồng nên trong thời tiền sử ở Đông Nam Bộ, các vật dụng bằng đá chiếm tỷ lệ rất cao trong tổ hợp di vật tìm thấy qua các cuộc khai quật khảo cổ học, dù rằng một số di tích ở vùng này về mặt lịch đại đã thuộc vào thời đại đồ đồng nhưng tỷ lệ công cụ đá được chế tác và sử dụng vẫn cao hơn rất nhiều so với các di tích thuộc nhiều văn hóa khảo cổ đồng đại khác ở Việt Nam.
Trong thập niên 1980, một trong những phát hiện đầu tiên liên quan đến những “xưởng chế tác đá” phải kể đến chính là di tích Suối Linh. Di tích này nằm ven tả ngạn sông Bé với nhiều công cụ đá và phác vật được tìm thấy đã gợi mở hướng nghiên cứu về những di chỉ – xưởng (là nơi cư trú có thêm yếu tố chế tác hay sản xuất công cụ lao động bằng đá để phục vụ cộng đồng). Hiện vật chất liệu đá ở Suối Linh được tìm thấy với những loại hình công cụ phổ biến ở Đông Nam Bộ (rìu, cuốc, đục, dao hái) cùng với số lượng lớn những chiếc bàn mài được sử dụng để hoàn thiện sản phẩm (hơn 1.000 tiêu bản). Ngoài ra, đồ gốm ở di tích Suối Linh chủ yếu là những vật dụng trong sinh hoạt thường nhật (nồi, bình, vò và bát bồng) cùng rất nhiều bàn xoa gốm là những dụng cụ dùng trong chế tác đồ gốm (Bùi Chí Hoàng, Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh, 1997; Trịnh Sinh và nnk 2002). Tuy rằng ở Suối Linh phát hiện những hiện vật mang tính chất của xưởng chế tác công cụ đá, nhưng nơi đó vẫn nổi trội tính chất của một ngôi làng thời tiền sử, là nơi cư trú của một cộng đồng lớn với nhiều nghề thủ công được nhận diện như chế tác đồ đá và làm gốm.
Cho đến năm 2008, Hàng Ông Đại là di tích đầu tiên liên quan đến loại hình xưởng chế tác công cụ đá mang tính chất chuyên hóa đã được phát hiện tại xã Tân Định, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), nằm trên thềm phù sa ven hữu ngạn sông Bé. Phát hiện tiếp nối sau đó là di tích Hàng Ông Đụng, ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo (Bình Dương), ở tả ngạn sông Bé, đối diện với Hàng Ông Đại. Hai di tích này đã được đào thám sát và khai quật lần lượt vào các năm 2008 và 2010 (Bùi Chí Hoàng và nnk 2008; Nguyễn Khánh Trung Kiên và nnk 2010).
Các cuộc khai quật nói trên đã cho thấy tính chất của những di tích này là nơi chế tác công cụ đá mang tính chuyên môn hóa cao với quy mô lớn (diện tích phân bố di tích khoảng 5.000 đến 8.000m2). Tại các khu vực sản xuất tập trung, qua các hố khai quật nhỏ (diện tích khoảng 6 – 18m2) các nhà khảo cổ đã tìm thấy trên bình diện dày đặc vết tích của hoạt động chế tác công cụ đá với các loại mảnh tước nhiều kích cỡ phủ kín thành một tầng dày, lẫn trong đó là những dụng cụ chế tác như hòn ghè, đe, chày cùng các khối đá nguyên liệu đã định hình, những phác vật đang được chế tác dở dang hay những phế vật bị loại bỏ do lỗi kỹ thuật. Qua số liệu thống kê cho thấy có đến hàng ngàn công cụ hay phế vật công cụ bị bỏ lại tại nơi sản xuất với mật độ dày đặc trong hố khai quật quy mô nhỏ (Nguyễn Khánh Trung Kiên 2017). Nếu nội suy số lượng công cụ tìm thấy trong các hố khai quật nói trên cho toàn bộ không gian phân bố di tích sẽ giúp chúng ta hình dung quy mô của hoạt động sản xuất nơi đây đủ sức cung cấp sản phẩm cho các cộng đồng đương đại ở lưu vực sông Đồng Nai vào khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay. Điều đặc biệt tại những di tích này, tính chất cư trú lại rất mờ nhạt, các cuộc khai quật chỉ tìm thấy rất ít mảnh vỡ đồ gốm trong các hố khai quật, một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là mảnh vỡ của những vật dụng thiết yếu trong quá trình sản xuất, nơi cư trú thực thụ của những người thợ thủ công nằm có thể không xa nơi này (Nguyễn Khánh Trung Kiên 2017). Qua phát hiện tại hai địa điểm này cho thấy tính chất sản xuất mang tính chuyên hóa rất cao, với những quy trình cụ thể, bắt đầu ngay từ khâu khai thác đá nguyên liệu ven bờ sông để từ đó tiến hành sơ chế các phác vật và tiếp tục ghè định hình và tu chỉnh sản phẩm. Dù rằng các sản phẩm hoàn thiện đã được mang đi về nơi cư trú và sử dụng nhưng qua các phế phẩm hay bán thành phẩm còn để lại trong tầng văn hóa cho thấy quy mô sản xuất rất lớn, khác hẳn với những gì tìm thấy tại di tích Suối Linh.
Điểm qua một số loại hình sản phẩm chính của những xưởng thủ công này cho thấy chúng bao gồm: rìu tứ giác – rìu vai, cuốc tứ giác – cuốc có vai, dao hái hình bán nguyệt. Qua dấu vết kỹ thuật chế tác cho thấy các tổ hợp công cụ này được sản xuất với một quy trình mang tính chuyên hóa, gần như có cùng hình dáng, kích thước. Qua so sánh đối chiếu với các di tích cư trú đồng đại ở lưu vực sông Đồng Nai cho thấy giữa chúng có sự giống nhau rất rõ nét. Chính vì thế, vấn đề đặt ra để nghiên cứu phải chăng trong số các cộng đồng cư dân thời bấy giờ có những nhóm “thợ thủ công” chuyên chế tác đá đảm nhận công đoạn sản xuất hàng loạt để trao đổi với các nhóm cư dân khác? Trong một số chương trình nghiên cứu gần đây (Phạm Đức Mạnh 2009, Nguyễn Khánh Trung Kiên 2015) đã tiến hành các phân tích thạch học với phương pháp quan sát lát mỏng dưới kính hiển vi phân cực. Qua so sánh hơn 200 mẫu phân tích đã cho thấy các công cụ được làm từ loại đá nguyên liệu giống với các công xưởng Hàng Ông Đại, Hàng Ông Đụng phân bố trên phạm vi rất xa, với bán kính xa nhất trong khoảng 80km, về phía bắc lên đến những di tích đất đắp dạng tròn ở Bình Phước hay xuôi về phía nam với các di tích phân bố ven hạ lưu sông Đồng Nai (Nguyễn Khánh Trung Kiên 2017).
3. Đồi Phòng Không – một công xưởng chế tác vòng tay bằng đá
Trong năm 2017, địa điểm Đồi Phòng Không (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) lần đầu tiên được khai quật thăm dò với quy mô nhỏ để nghiên cứu tính chất và phạm vi phân bố di tích. Kết quả thăm dò cho thấy Đồi Phòng Không mang tính chất của một xưởng chế tác đồ trang sức có mức độ chuyên hóa cao, không ghi nhận yếu tố cư trú mà tại đây chỉ đơn thuần là nơi sản xuất những chiếc vòng trang sức bằng đá. Những người khai quật cho rằng nếu có sự cư trú nơi đây cũng chỉ diễn ra với thời gian ngắn, trong quá trình chế tác sản phẩm chứ không phải sự định cư trong một thời gian lâu dài. Ngoài ra, qua vết kỹ thuật cho thấy có sự tồn tại của kỹ thuật khoan ống (bằng ống tre lồ ô hay ống kim loại?) được áp dụng bên cạnh kỹ thuật khoan bằng mũi khoan như đã ghi nhận trước đây. Kỹ thuật khoan ống đã góp phần làm ra những chiếc vòng đã được cắt bỏ lõi với độ chuẩn xác về đường kính mặt trong cao hơn so với khoan bằng mũi khoan (do phụ thuộc hình dáng tròn chuẩn của ống khoan) và điều này cũng góp phần giảm thiểu thời gian, công sức cho việc mài hoàn thiện ở công đoạn sau (Nguyễn Khánh Trung Kiên và cộng sự 2017). Hiện vật tìm thấy tại Đồi Phòng Không bao gồm phác vật hình đĩa, vòng tay (hay mảnh vòng tay), lõi vòng, phế vật vòng, hòn ghè và một số ít bàn mài. Tất cả hiện vật tìm thấy chỉ liên quan đến những công đoạn chế tác ra những chiếc vòng tay mà qua phân tích loại hình hầu hết là những chiếc vòng có mặt cắt ngang hình chữ D và một số ít hơn là những chiếc có mặt cắt ngang hình tam giác.
Đồi Phòng Không chính là nơi thực hiện các bước trong quy trình chế tác với các kỹ thuật tiên tiến thời bấy giờ – kỹ thuật khoan tách lõi – bằng hai loại dụng cụ: mũi khoan (đá) và khoan ống (kim loại hoặc tre lồ ô). Hiện vật thu được tại di tích cho thấy tại đây chỉ diễn ra các công đoạn: (1) Ghè tu chỉnh phác vật hình đĩa; (2) Khoan tách lõi; (3) Mài hoàn thiện sản phẩm. Riêng công đoạn khai thác đá nguyên liệu và ghè tạo dáng phác vật hình đĩa chưa tìm thấy bằng chứng hiện diện tại Đồi Phòng Không. Có thể những người thợ thủ công khai thác đá nguyên liệu ở nơi nào khác gần đó và mang những phác vật hình đĩa về khu vực di tích để tiếp tục chế tác ra những sản phẩm hoàn thiện?
Niên đại của công xưởng Đồi Phòng Không được đoán định trong khoảng 3.000 – 2.500 năm cách ngày nay, căn cứ qua độ dày tầng văn hóa, loại hình hiện vật và kỹ thuật chế tác vòng tay qua so sánh đối chiếu với những hiện vật tương tự tại Bưng Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu) là di tích đã có nhiều kết quả phân tích niên đại. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể những thành phẩm từ Đồi Phòng Không sẽ được mang đi để trao đổi hay sử dụng ở những cộng đồng cư trú lân cận hay xa hơn. Có thể thấy rằng Đồi Phòng Không là di tích quan trọng cho nghiên cứu về nghề thủ công chế tác vòng đeo trang sức. Khác với Bưng Bạc là một di chỉ cư trú với sự xuất hiện của nhiều nghề thủ công (chế tác đá, luyện kim đúc đồng) thì tại Đồi Phòng Không chỉ ghi nhận sự tồn tại của nghề chế tác vòng tay và chưa tìm thấy vết tích hoạt động cư trú.
4. Mỹ Lộc và nghiên cứu mới về niên đại và hình thức cư trú
Di tích Mỹ Lộc (huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được phát hiện từ cuối thế kỷ XIX, được đào thám sát vào năm 1977, khai quật lần đầu năm 2004 và “khai quật chữa cháy” vào cuối năm 2016 để nỗ lực di dời hiện vật do việc san ủi xây dựng khu dân cư gây phá hủy di tích nặng nề. Với các hố khai quật được mở với quy mô lớn đã cho thấy vết tích của các nền đất đắp cao hơn xung quanh và hệ thống các lỗ cột phân bố quanh rìa các nền đất này đã gợi khả năng về việc cư trú trong những dạng “nhà” đơn sơ của cư dân cổ Mỹ Lộc. Hình thức đắp nền nhà để cư trú trên đó đã được ghi nhận trong nhiều cuộc khai quật gần đây tại lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây: Rạch Núi, Lộc Giang và Lò Gạch (tỉnh Long An) nhưng đây là lần đầu tiên được ghi nhận tại một di tích thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
Qua kết quả 6 mẫu phân tích niên đại bằng phương pháp AMS được lấy mẫu tại nhiều vị trí (lỗ cột hay trong tầng văn hóa) được Đại học Quốc gia Úc thực hiện cho thấy niên đại hiệu chỉnh trong khoảng 1526 – 1428 BC cho đến 1416 – 1281 BC (với độ tin cậy 95%). Như vậy, giai đoạn cư trú sớm nhất ở Mỹ Lộc vào khoảng 3.500 năm cách ngày nay, sớm hơn khoảng 500 năm so với niên đại tương đối đã được ước định trước đây qua so sánh đối chiếu hiện vật khảo cổ. Như vậy, cư dân Mỹ Lộc đã cư trú tại đây trong khoảng thời gian kéo dài gần 1.000 năm, từ 3.500 đến 2.500 năm cách ngày nay. Kết quả khai quật cũng cho thấy ngay từ giai đoạn sớm nhất, họ đã biết dựng nhà trên các nền đất cao hơn xung quanh để cư trú, đã gia công hoàn thiện các phác vật công cụ để sử dụng, đã biết chế tác đàn đá (lithophone) qua các phát hiện năm 2004 về khu vực ghè đẽo chế tác và một số mảnh, đoạn đàn đá thu được trong cuộc khai quật năm 2016 (Nguyễn Khánh Trung Kiên, Nguyễn Văn Quốc 2018).
5. Những di tích cư trú ven lưu vực sông Vàm Cỏ
Trong những năm 2009 đến 2014, một số di tích quan trọng như An Sơn, Rạch Núi, Lộc Giang và Lò Gạch đã được khai quật và đem lại nhận thức mới cho khảo cổ học tiền sử Nam Bộ.
Vào năm 2009, cuộc khai quật lần thứ năm tại di tích An Sơn được triển khai với ba hố khai quật có tổng diện tích 86m2 và đã phát hiện vết tích của quá trình cư trú và mộ táng của cư dân cổ nơi đây (7 mộ huyệt đất). Các vết tích để lại trong tầng văn hóa cho thấy tại đây trong quá trình cư trú, cư dân cổ đã sử dụng khu vực đất trống nơi chân gò làm nơi chôn cất người chết với nhiều mộ huyệt đất đã được phát hiện (Bùi Chí Hoàng và nnk 2009).
Trong số các phát hiện từ những cuộc khai quật tại đây, quan trọng nhất chính là khu di tích mộ táng nơi chân gò cùng với hàng loạt đồ tùy táng nhiều chất liệu (đồ gốm, đồ đá) và những hiện vật trong tầng văn hóa đã giúp các nhà nghiên cứu hình dung đời sống vật chất và tinh thần của cư dân An Sơn xưa kia. Các di cốt người được tìm thấy tại di tích trong tình trạng bảo quản rất tốt đã góp phần quan trọng trong việc xác định loại hình nhân chủng. Trong các nghiên cứu trước đây trên di cốt người cổ, chúng ta đã biết được các thông tin cơ bản như: giới tính, tuổi tác, chiều cao, nhân chủng.
Trong đợt khai quật di tích An Sơn 2009, các nhà nghiên cứu đã chú trọng hơn đến các dấu vết của bệnh tật qua nghiên cứu bệnh học (pathology) để lại trên di cốt, trên men răng để gián tiếp thông qua đó hiểu hơn về đời sống của cư dân cổ. Trong các di cốt ở An Sơn, qua vết tích để lại trên men răng, đã phát hiện chứng bệnh “thiểu sản men răng – enamel hypoplasia” xuất hiện ở các thanh niên. Đây là hệ quả của sự chu cấp không ổn định nguồn thức ăn cho cá thể đang ở giai đoạn mọc răng. Tuy nhiên, qua di cốt để lại cho thấy nhiều cá thể này đã từng sống sót qua các giai đoạn khó khăn đó cho đến đến khi trưởng thành (Anna Willis, Marc Oxenham 2011).
Các nghiên cứu khác cũng góp phần phục dựng đời sống cộng đồng cổ nơi đây. Khi phân tích lát mỏng đồ gốm và quan sát dưới kính hiển vi điện tử đã cho thấy dấu vết của vỏ trấu pha trộn trong thành phần xương gốm tại An Sơn. Đồng thời, ở di tích An Sơn cho thấy hai loài đã được thuần hóa là lợn và chó. Phân tích xương cho thấy loài lợn được nuôi và sử dụng làm thức ăn trong khoảng 18 – 24 tháng. Loài chó cũng xuất hiện khá sớm và trên xương quan sát được vết cắt và chặt. Ngoài ra, còn nhiều loài động vật trong tự nhiên cũng tìm thấy xương trong di tích như: rùa, nai, kỳ đà, cá sấu và khỉ (Philip Piper và nnk 2012). Qua các phân tích, có thể thấy loài cá đa dạng, với nhiều loài khác nhau. Chúng cho thấy yếu tố nổi trội của nghề đánh bắt thủy sản nước ngọt chiếm ưu thế hơn săn bắn.
Di tích An Sơn trước đây được xác định có niên đại khởi đầu khoảng 4.000 năm cách ngày nay và niên đại kết thúc vào khoảng 3.000 đến 2.500 năm cách ngày nay. Sau cuộc khai quật năm 2009 đã có thêm nhiều kết quả phân tích niên đại bằng phương pháp AMS với tổng số 33 mẫu (Peter Bellwood, và nnk 2012) cho thấy di tích An Sơn có niên đại sớm nhất khoảng từ 2.862 – 2.234 năm trước Công nguyên và các mẫu niên đại muộn nhất là 1.265 – 1.058 năm trước Công nguyên (trong đó sử dụng nhiều loại chất liệu để phân tích như: mẫu than, vỏ sò nước ngọt, men răng người và tàn tích thực vật trên đồ gốm).
Năm 2012, cuộc khai quật lần thứ ba tại di tích Rạch Núi với ba hố khai quật được mở ở các khu vực: sườn gò phía bắc, phía đông bắc và một hố thám sát ở chân gò phía nam (tổng diện tích khai quật và thám sát đợt này là 65m2). Kết quả khai quật đã phát hiện các vết tích cư trú của cư dân cổ, các nền đất đắp chồng lên nhau với các lỗ cột có nhiều kích thước – có thể đấy là dấu vết các nền nhà cổ, các tàn tích của thức ăn, các phế phẩm của quá trình sinh hoạt (Nguyễn Khánh Trung Kiên 2014). Tại Rạch Núi, việc áp dụng phương pháp sàng lọc với nước kỹ lưỡng, đã thu được rất nhiều xương cá, vỏ sò ốc, mảnh vỡ xương động vật,… qua các phân tích của chuyên gia về động vật học đã đem đến kết quả lý thú. Với các kết quả phân tích AMS (20 mẫu) tại di tích này cho thấy niên đại khoảng 3.400 đến 3.200 năm cách ngày nay. Đây là một di tích có quá trình tồn tại khá ngắn ngủi chỉ diễn ra trong khoảng 200 năm.
Trong năm 2013, tại di tích Lộc Giang, đoàn khai quật hợp tác giữa Trung tâm Khảo cổ học, Bảo tàng Long An và Đại học Quốc gia Úc đã mở hai hố thám sát với tổng diện tích 4m2 ở khu vực chân gò và một hố khai quật trên đỉnh gò có diện tích 20m2. Trong hố khai quật, phát hiện nhiều lớp nền đất cứng, chồng xếp lên nhau, giữa chúng là các lớp đất tơi xốp, lẫn nhiều vết tích cư trú: than, tro, xương động vật, xương cá, công cụ lao động. Trên các nền đất cứng này phát hiện rất nhiều các vết tích lỗ cột, được dựng thẳng hàng, có thể đó là các lỗ cột nhà của cư dân tiền sử nơi đây. Tầng văn hóa nơi hố khai quật dày khoảng gần 2m, có các giai đoạn: tiền sử (với đặc trưng của loại gốm cứng chắc màu nâu), tiền sử muộn (gốm màu đỏ sẫm) và văn hóa Óc Eo (là các lớp đất nện gia cố móng kiến trúc, không có di vật khảo cổ). Trong đợt khai quật này tại di tích Lộc Giang, có 10 mẫu than được sử dụng để phân tích niên đại bằng phương pháp AMS, cho kết quả dao động từ 3.565 ± 20 đến 3.130 ± 20 năm cách ngày nay. Niên đại Lộc Giang qua kết quả phân tích AMS và hiện vật khảo cổ cho thấy muộn hơn di tích An Sơn gần đó đôi chút, giữa hai di tích này có mối quan hệ văn hóa rất rõ nét, có thể chung cộng đồng cư dân cổ (Đặng Ngọc Kính 2015).
Tại di tích Lò Gạch, trong cuộc khai quật năm 2014, có ba hố khai quật (ký hiệu H1, H2 và H3) được mở tại nhiều vị trí với tổng diện tích 38m2. Tại đây tìm thấy nhiều nền đất đắp và các lớp gia cố nền được phát hiện, các lớp nền này chồng lên nhau, lớp trên phủ tràn lên lớp dưới, xen giữa các nền đất đắp là các lớp đất cư trú, tơi xốp và lẫn nhiều than tro, xương động vật, xương cá, vỏ trấu và các tàn tích hữu cơ. Trong quá trình khai quật, có những lớp đất màu xám nhạt, dày khoảng 5 – 10cm, là vết tích của lớp vỏ trấu bị nén lại khi người xưa đắp các lớp nền mới phủ lên. Phát hiện này nằm ở khu vực vùng rìa của các nền đất đắp, xung quanh đó có in hằn các dấu vết lõm hình tròn, có thể là vết in của đáy các cối giã gạo. Trên các nền đất đắp này cũng phát hiện thấy các dấu vết lỗ cột và các tấm lợp hay phên được đan bằng lá cây (có thể là dừa nước?), các tấm lợp này còn bảo quản rất tốt do bị vùi lấp trong môi trường yếm khí khi người cổ lấp đất gia cố hay tạo dựng nền nhà mới. Ngoài ra, còn phát hiện khuôn đúc và dụng cụ rót đồng và kết hợp với hiện vật từ đợt khai quật 2005 cho thấy cư dân cổ tại di tích Lò Gạch đã rất thuần thục trong kỹ thuật luyện đúc đồng và họ đã có sự sáng tạo khi làm ra những chiếc khuôn đúc hai mang bằng đất nung thay vì sa thạch như ở vùng cao Đông Nam Bộ.
Với 23 mẫu phân tích niên đại bằng phương pháp AMS cho thấy quá trình cư trú tại Lò Gạch kéo dài trong khoảng hơn 500 năm, từ 2.975 ± 45 đến 2.385 ± 25 năm cách ngày nay. Đặc biệt, tại khu vực H1 đã phát hiện 5 lớp nền đất đắp (là dấu vết nền nhà) chồng lên nhau trong khoảng 40 đến 45 năm (niên đại khoảng 2.800 – 2.750 năm cách ngày nay) (Lê Hoàng Phong 2015).
6. Diện mạo vùng đất Nam Bộ từ 4.500 đến 2.500 năm cách ngày nay
Các phương pháp nghiên cứu mới góp phần quan trọng bên cạnh nguồn tư liệu khảo cổ học, phục dựng bức tranh môi trường sinh thái của các cộng đồng cư dân cổ và sinh kế của họ trong quá trình thích nghi với môi trường đó.
Niên đại là một trong những vấn đề khó khăn khi phân tích niên đại ở Việt Nam liên quan đến kỹ thuật và kinh phí. Hiện nay, với phương pháp phân tích niên đại carbone phóng xạ 14C của Trung tâm Hạt nhân (Tp. Hồ Chí Minh) hay phòng Phân tích niên đại ở Viện Khảo cổ học (Hà Nội) vốn yêu cầu mẫu than cần có thể tích lớn. Tuy nhiên, trong nhiều di tích khảo cổ, rất khó có cơ hội thỏa điều kiện khối lượng mẫu như thế. Một kỹ thuật phân tích tiên tiến hơn là AMS trên than hay kết hợp cả phương pháp phân tích niên đại bằng men răng hay từ calci trong các vỏ sò ốc để phân tích độc lập và tham chiếu với các niên đại 14C. Trong những năm gần đây, qua các chương trình hợp tác quốc tế với Đại học Quốc gia Úc, vấn đề niên đại đã có những nhận thức mới so với trước đây, cùng với hàng chục mẫu phân tích tại mỗi di tích đã góp phần nhận diện không chỉ vị trí của di tích trong diễn trình phát triển tiền sử của khu vực mà còn cho thấy quá trình hình thành và phát triển nội tại của các cộng đồng cư dân tiền sử Long An. Nếu như trước đây hai di tích Rạch Núi và Lò Gạch được xác định niên đại tương đối lần lượt là 3.000 và 2.500 năm cách ngày nay thì qua tư liệu mới, chúng ta biết được rằng tại vùng cận biển, cư dân cổ đã đến sinh sống tại di tích Rạch Núi từ khoảng 3.400 – 3.200 năm trước và ở di tích Lò Gạch, đã có sự định cư của người cổ khoảng 3.000 năm cách ngày nay.
Nghiên cứu về thực vật học bằng các phương pháp phytolith, flotation và bào tử phấn hoa đã cho thấy môi trường tự nhiên đa dạng của Đông Nam Bộ ngay từ xa xưa vài ngàn năm trước. Các nghiên cứu đã phát hiện ra lúa và hạt kê đã được sử dụng làm thực phẩm trong một số di tích như An Sơn và Rạch Núi từ khoảng 4.000 – 3.500 năm cách ngày nay. Đặc biệt, từ khoảng 3.000 năm cách ngày nay, lúa đã được sử dụng làm thực phẩm một cách rộng rãi qua phát hiện tại di tích Lò Gạch (Long An).
Nghiên cứu về động vật cũng góp thêm những tư liệu về đời sống của cư dân cổ trong vùng. Theo các nghiên cứu cho biết, cá là nguồn thực phẩm quan trọng, đặc biệt khi các di tích khảo cổ học phân bố ven các dòng sông. Qua phân tích cho thấy một số loài cá phổ biến như cá lóc, cá rô, cá chạch là thực phẩm quan trọng mà dấu vết xương của chúng còn để lại trong tầng văn hóa. Phân tích xương động vật cho thấy có các loài chính như hươu nai, lợn và chó (thuần hóa) trong đó như tại An Sơn có hiện tượng sử dụng chó làm thực phẩm. Qua đó cho thấy không chỉ khai thác nguồn lợi từ môi trường tự nhiên, mà người cổ Đông Nam Bộ từ 4.000 – 3.000 năm trước đã biết thuần hóa một số loài vật nuôi và sử dụng làm nguồn thực phẩm bổ sung bên cạnh khai thác từ thiên nhiên.
Với các hướng nghiên cứu bổ trợ bên cạnh khảo cổ học đã cho thấy tiếp cận đa ngành đem lại tư liệu phong phú để nhận diện các mặt của đời sống cư dân cổ. Trong thời gian sắp tới, cần thiết đào tạo các lĩnh vực cổ môi trường và một số ngành khác để áp dụng cho khảo cổ học đạt những thành tựu mới.
7. Kết luận
Trong các cuộc khai quật trong thời gian qua lượng thông tin khoa học lại thu được rất nhiều, đặc biệt qua các kết quả phân tích mẫu đã góp phần quan trọng cho việc nhận diện quá trình định cư của các cộng đồng cư dân cổ ở lưu vực sông Đồng Nai – Vàm Cỏ nói riêng và trên cả vùng đất Nam Bộ nói chung.
Với hàng loạt kết quả phân tích niên đại như trên đã góp phần quan trọng trong việc xác định niên đại của di tích, qua đó cho thấy cư dân thời tiền sử đã sinh sống tại đây từ khoảng gần 4.500 năm trước và quá trình cư trú diễn ra trong suốt hơn 2.000 năm.
Kết quả nghiên cứu liên ngành với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: khảo cổ học, nhân học, cổ động vật học, cổ thực vật học, nghiên cứu vết xước trên công cụ, bào tử phấn hoa và hình thái học răng đã giúp việc khai thác thông tin ẩn chứa trong lòng đất nhiều hơn trước đây. Chính nhờ sự phối hợp nghiên cứu liên ngành mà thông tin khoa học thu thập được phong phú hơn, khai thác tốt hơn.
Nguyễn Khánh Trung Kiên
Trung tâm Khảo cổ học
Viện KHXH vùng Nam Bộ
Tài liệu dẫn
– Anna Willis, Marc F Oxenham 2011. A Case of Maternal and Perinatal Death in Neolithic Southern Vietnam, c. 2100–1050 BCE. International Journal of Osteoarchaeology. Int. J. Osteoarchaeol.
– Bùi Chí Hoàng, Phạm Quang Sơn, Phạm Đức Mạnh, 1997. Di tích khảo cổ học Suối Linh (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Một số vấn đề khảo cổ học ở miền nam Việt Nam. tập 1, Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 58-120.
– Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Khánh Trung Kiên, Nguyễn Quốc Mạnh và cộng sự, 2008. Báo cáo khai quật di tích Hàng Ông Đại (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Quốc Mạnh và nnk, 2010. Báo cáo khai quật di tích An Sơn (2009). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Đặng Ngọc Kính, 2015. Báo cáo khai quật di tích Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Lê Hoàng Phong, 2015. Báo cáo khai quật di tích Lò Gạch (huyện Vĩnh Hưng, Long An). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Nguyễn Khánh Trung Kiên, Lê Hoàng Phong, Đặng Ngọc Kính, 2010. Báo cáo khai quật di tích Hàng Ông Đụng (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2014. Báo cáo khai quật di tích Rạch Núi (huyện Cần Giuộc, Long An). Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2017. Các loại hình xưởng chế tác đá thời tiền sử ở Đông Nam Bộ. Luận án tiến sỹ. Học viện Khoa học xã hội. Hà Nội.
– Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2015. Công xưởng chế tác công cụ bằng đá và đời sống của cộng đồng cư dân thời tiền sử ở Đông Nam Bộ. Tạp chí KHXH số 5 (201) 2015, tr. 86-99.
– Nguyễn Khánh Trung Kiên và cộng sự, 2017. Báo cáo khai quật thăm dò di tích khảo cổ học Đồi Phòng Không (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) tháng 4-2017. Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Nguyễn Khánh Trung Kiên, Nguyễn Văn Quốc, 2018. Báo cáo kết quả khai quật di tích khảo cổ học Mỹ Lộc (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tháng 10 năm 2016. Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.
– Peter Bellwood, Marc Oxenham, Bui Chi Hoang, Nguyen Thi Kim Dung, Anna Willis, Carmen Sarjeant, Philip Piper, Hirofumi Matsumura, Katsunori Tanaka, Nancy Beavan, Thomas Higham, Nguyen Quoc Manh, Dang Ngoc Kinh, Nguyen Khanh Trung Kien, Vo Thanh Huong, Van Ngoc Bich, Tran Thi Kim Quy, Nguyen Phuong Thao, Fredeliza Campos, Yo-ichirosato, Nguyen Lan Cuong, Noel Amano 2012. An Son and the Neolithic of Southern Vietnam. Asian Perspective 50 (1&2) Spring/Fall 2012.
– Phạm Đức Mạnh, 2009. Ứng dụng thạch học nghiên cứu hiện vật đá thời tiền sử – sơ sử ở Nam Bộ và vùng phụ cận. NXB Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
– Philip J. Piper, F. Z. Campos, D. Ngoc Kinh, N. Amano, M. Oxenham, B. Chi Hoang, P. Bellwood, Anna. Willis 2012. Early Evidence for Pig and Dog Husbandry from the Neolithic Site of An Son, Southern Vietnam. International Journal of Osteoarchaeology. Int. J. Osteoarchaeol.
– Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Sơn Ka và cộng sự, 2002. Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Suối Linh, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai lần thứ hai tháng 11 năm 2002. Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai – Viện Khảo cổ học.