1. Đôi nét về người Dao ở Đồng Nai
Người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam định cư từ thế kỷ XII, XIII cho đến nửa đầu thế kỷ XX; nhiều nhất là vào thời nhà Minh. Khi sinh sống tại Việt Nam, cộng đồng người Dao vẫn duy trì văn hóa truyền thống. Dân tộc Dao có nhiều nhóm địa phương: Dao Tam Đảo, Dao Lô Giang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Đỏ, Dao Thanh Y… Họ dùng tiếng Dao thuộc nhóm ngôn ngữ H’mông để giao tiếp và sử dụng chữ Nôm Dao để ghi chép gia phả, sách cúng… Theo từng giai đoạn lịch sử, người Dao dần di cư vào khu vực phía Nam sống tập trung ở các tỉnh Đăk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…
Người Dao di cư tự do vào Đồng Nai từ những năm 1950 và sau 1976, chủ yếu là nhóm Dao Thanh Y và một nhóm nhỏ Dao Tiền và Dao Đỏ. Đa phần, họ từ huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh di cư đến các huyện: Định Quán (hơn 600 hộ – sinh sống tập trung ở xã Thanh Sơn, xã Phú Vinh, xã Phú Tân); huyện Xuân Lộc (khoảng 130 hộ – sinh sống tập trung ở các xã Xuân Tâm, xã Suối Cao, xã Xuân Phú, xã Xuân Thành); huyện Cẩm Mỹ (khoảng 50 hộ -sinh sống tập trung ở xã Sông Ray)[1].
Đặc điểm kinh tế của người Dao là sản xuất nông nghiệp với cây trồng lúa nước và một số cây công nghiệp lâu năm như: điều, tiêu, cây ăn trái… Đời sống tâm linh của người Dao khá đa dạng, mang nhiều màu sắc. Tín ngưỡng của người Dao còn nhiều tàn dư tôn giáo nguyên thủy như Tam giáo mà biểu hiện rõ nét là Đạo giáo. Bên cạnh đó, người Dao còn tiếp nhận Phật giáo từ Trung Quốc và cải tiến nhằm phù hợp với đời sống, xã hội của mình. Người Dao không có các lễ hội lớn mang tính cộng đồng như một số dân tộc khác nhưng có rất nhiều nghi lễ mang tính truyền thống diễn ra trong phạm vi gia đình, trong đó có tục gửi con, gửi họ.
2. Tục gửi con, gửi họ
Trong tín ngưỡng thờ đa thần, người Dao luôn quan niệm “vạn vật hữu linh”. Đây là quan niệm ảnh hưởng bởi Nho giáo và Đạo giáo chính thống. Do đó, vạn sự dù tốt đẹp hay xấu, trưởng thành thuận lợi hay trắc trở… đều do các vị Thần chi phối số mệnh. Để tránh những vận hạn gặp phải trong cuộc đời, người Dao dựa vào cách “cải mệnh” là gửi con, gửi họ. Đây là cách thức “né tránh” vận mệnh định sẵn giúp người có số mệnh không tốt “đổi mệnh”.
Trong quan niệm của người Dao, từ khi con người được hình thành thai nhi, ra đời, trưởng thành và chết đi đó là vận mệnh đã được định sẵn. Vận mệnh này liên quan mật thiết đến “bát tự” (giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh) của mỗi người. Với những vận mệnh được biết trước là không tốt do khắc cha, khắc mẹ hoặc khắc họ, sẽ gặp nhiều tai ương trong cuộc sống. Những người này được định trước là trưởng thành không thuận lợi, dễ bị ốm đau, bệnh tật quấn thân, làm ăn gặp nhiều thất bại. Phương pháp tốt nhất để “hóa giải” và “cải mệnh số” là mời thầy cúng tìm một gia đình mới hoặc một dòng họ mới để “nhập khẩu” đứa trẻ vào đó. Hình thức “nhập khẩu” này chỉ thuộc về vấn đề tâm linh và là quy ước giữa hai gia đình, dòng họ, cộng đồng, không thực sự diễn ra trên giấy tờ pháp lý.
Gửi con, gửi họ là một phong tục đã có từ lâu đời, đến nay vẫn được nhiều gia đình người Dao thực hành với mục đích giúp con em mình khỏe mạnh, bình an. Tùy vào mỗi phương thức gửi con hoặc gửi họ mà các bước thực hiện và biểu hiện của nghi lễ có phần giống và khác nhau.
2.1. Lễ gửi họ
Trước khi tiến hành lễ gửi họ, gia đình người có con tới gặp thầy để xem xét bát tự của bé. Sau khi xét thấy bát tự của trẻ hợp với dòng họ nào thì cha mẹ của bé sẽ sang đánh tiếng với gia đình có dòng họ đó trước, nếu nhận được lời đồng ý mới tiến hành nghi thức. Thời gian diễn ra nghi lễ gửi họ phải được xem xét kỹ, thầy cúng sẽ là người nhận trách nhiệm lựa chọn ngày và tiến hành nghi thức.
Trong ngày diễn ra nghi thức gửi họ, cha mẹ bé sẽ đến nhà mời thầy cúng. Lúc đi người gửi họ mang theo một con gà, bó nhang, giấy tiền tới gia đình cho nhận họ. Phần lễ này được gia đình tiếp nhận bé dùng làm lễ vật để thầy cúng thực hiện nghi thức trình báo với tổ tiên, thánh thần, thông báo việc dòng họ nhận thêm một thành viên mới. Sau khi thầy cúng thực hiện xong nghi thức, đứa trẻ gọi vợ chồng của người cho nhận họ là họ cha và họ mẹ.
Thông thường trong lễ gửi họ sẽ không đặt tên mới cho trẻ trừ trường hợp sức khỏe của bé quá yếu cần đặt thêm tên và họ mới để phân biệt rạch ròi hơn với dòng họ của cha mẹ ruột. Ở những trường hợp cần đặt tên mới, thầy cúng thực hiện nghi thức sẽ dựa vào tuổi đời, năm sinh, mệnh của trẻ để lựa chọn một cái tên phù hợp. Tên mới của trẻ được gọi trong sinh hoạt hàng ngày, không dùng trong các văn bản giấy tờ.
Kết thúc nghi lễ, họ bố, họ mẹ cho đứa trẻ một lon gạo, một cái chén và một đôi đũa mới dùng để ăn cơm khi ở nhà cha mẹ ruột. Thầy cúng thực hiện nghi thức được gia đình cha mẹ ruột trẻ trả lễ một con gà.
2.2. Lễ gửi con
Lễ gửi con hay còn gọi là lễ nhận cha mẹ nuôi cũng là hình thức giúp đứa trẻ “cải mệnh” giống với lễ gửi họ. Sau khi cầm bát tự của trẻ đến nhà thầy cúng xem tuổi, vận mạng và nguyên nhân khiến trẻ “khó nuôi” , nếu bát tự của trẻ và của cha mẹ nằm trong trường hợp “khắc” nhau khiến cho con bệnh tật, gia đình gặp khó khăn trong việc chăm sóc con và phát triển kinh tế thì họ sẽ tìm một nhà khác nhận trẻ làm con nuôi.
Nghi thức thực hành và tuần tự các bước của nghi lễ nhận cha nuôi, mẹ nuôi của người Dao ở Đồng Nai cũng tương tự như lễ nhận họ, từ việc tới nhà thầy cúng xem tuổi cho đến việc mớm lời với gia đình nhận nuôi, sau đó mời thầy cúng tới nhà cha nuôi, mẹ nuôi thực hành nghi lễ. Khác với lễ nhận họ, đứa bé sau khi trải qua nghi lễ này sẽ gọi người nhận nuôi chúng là cha nuôi và mẹ nuôi.
2.3. Trả lễ cho người nhận nuôi
Hình thức nhận họ cha, họ mẹ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi trong tín ngưỡng của người Dao chỉ mang tính quy ước bằng miệng không trói buộc trên giấy tờ pháp lý nhưng được cộng đồng thừa nhận, được người trong cuộc tự động thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ theo quy ước.
Trong thời gian nhận con nuôi việc thực hiện xưng hô họ cha (họ mẹ) hay cha (mẹ) nuôi phải được thực hiện. Trong quá trình sinh sống và trưởng thành, nếu người con nuôi có điều kiện có thể mua quà biếu người nhận nuôi vào dịp lễ tết (không bắt buộc). Nhưng khi người con nuôi làm lễ cấp sắc (đối với bé trai) và trước khi lấy chồng (đối với bé gái) phải mang một gánh lễ vật gồm con gà, thịt heo, bánh, bó nhang, tiền, vàng mã… tới trả lễ họ bố (họ mẹ) hay cha (mẹ) nuôi. Sau khi nhận gánh lễ vật, họ bố (họ mẹ) hoặc cha (mẹ) nuôi cho lại một bộ quần áo hoặc 2m vải dùng may quần áo. Gia đình họ bố (họ mẹ), cha (mẹ) nuôi sẽ dùng số lễ vật này cúng gia tiên báo cáo việc đứa trẻ đã lớn, gia đình họ không quản lý.
Trong quan niệm của người Dao, việc trả lễ là vấn đề cần thiết và bắt buộc phải thực hiện đối với những đứa trẻ nhận họ hoặc nhận cha (mẹ) nuôi. Nếu đứa trẻ đã nhận họ nhưng làm cấp sắc hoặc đi lấy chồng mà không trả lễ thì sẽ bị trừng phạt, bệnh tật… Nếu vì nguyên nhân nhận họ khi còn quá nhỏ, quá trình trưởng thành không tiếp xúc nhiều nên lỡ quên thì phải mời thầy cúng về làm nghi thức trả lễ và tạ ơn thì sự “trừng phạt” mới thật sự chấm dứt.
Tục gửi con, gửi họ của người Dao không chỉ là di sản phi vật thể truyền thống mang giá trị văn hóa, giá trị lịch sử mà còn thể hiện lòng nhân ái, tính nhân đạo của cộng đồng nói riêng, con người nói chung. Tại Đồng Nai, do nhiều điều kiện khách quan như khoảng cách địa lý, hôn nhân khác tộc, điều kiện kinh tế… tục gửi con, gửi họ không được diễn ra nhiều như trước đây nhưng vẫn được duy trì và chưa có nguy cơ mai một./.
Lê Thị Ái Vân
[1] Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai