Mảnh đất Đồng Nai từ thế kỷ XVII đã là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều tầng văn hóa, nhiều dòng văn hóa (Khmer, Trung Quốc, Ấn Độ, Bắc Bộ, Trung Bộ,..). Chúng đan xen, chồng chất, chuyển hóa lẫn nhau và cuối cùng kết tinh thành vẻ đẹp quê hương, thành phong cách con người Đồng Nai. Những giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng ấy hầu như được tập trung thể hiện vàọ các tập tục, lễ nghi trong sinh hoạt đình làng.
Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần tự bao đời của người Việt. Theo số liệu Kiểm kê phổ thông di tích của Bảo tàng Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai hiện có 123 ngôi đình nằm rải rác ở 11 huyện, thành phố. Tại thành phố Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu cứ mỗi xã/phường lại có một ngôi đình. Ở một số giai đoạn lịch sử, do sự sáp nhập giữa các làng cũ nên có trường hợp một xã/phường có tới hơn 10 ngôi đình tọa lạc như phường Hiệp Hòa, HoàHthành phố Biên Hòa có 11 ngôi đình; xã Tân Bình của huyện Vĩnh Cửu có 12 ngôi đình… Các huyện còn lại là vùng đất mới nên mật độ các ngôi đình ít hơn (có xã không có ngôi đình nào) như: thành phố Long Khánh có 4 ngôi; huyện Thống Nhất có 3 ngôi; huyện Trảng Bom có 1 ngôi; huyện Định Quán có 3 ngôi; huyện Xuân Lộc có 1 ngôi… Đến nay cũng không có một tư liệu thành văn nào thể hiện chính xác niên đại hình thành các ngôi đình. Tuy nhiên, căn cứ vào các đạo sắc phong gia tặng vào năm Minh Mệnh thứ hai (1822), Thiệu Trị thứ ba (1844), Tự Đức thứ năm (1852), năm Khải Định thứ hai (1918) và qua lời kể của các vị cao niên trong làng thì hầu hết các ngôi đình ở Đồng Nai được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII trở về sau này.
Đình thờ thần ở Đồng Nai ra đời muộn, không có lai lịch giàu thần tích như đình ở miền Bắc, miền Trung. Quá trình lập làng ở Đồng Nai với mô hình “thôn ấp” là chủ yếu. Ban đầu làng rất nhỏ, nhưng phát triển rất nhanh, phân lập không chừng, tổ chức hành chính nhiều biến đổi. Làng cũ có đình miếu dày đặc, nhưng ở làng mới là thưa thớt. Hầu hết đình làng ở Đồng Nai đã qua nhiều lần trùng tu. Thuở khai sơ, do khống chế của triều đình nên đình miếu đều có qui mô nhỏ, lợp lá, trường hợp lợp ngói âm dương rất hiếm. Từ thế kỷ XIX, đình miếu được phép trùng tu, mở rộng qui mô. Những đình còn giữ được kiến trúc cổ nhất như Đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch), Đình An Hòa (phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) cũng từ giai đoạn này.
Đình không gần chợ nhưng cũng không ở nơi quá hẻo lánh như chùa, thường tọa lạc ở vị trí quan trọng: chỗ đất cao giữa hoặc đầu làng, tiện đường giao thông chính, gần bờ sông… gắn với những sự tích, giai thoại của địa phương. Do phân bổ như vậy nên đình hiển nhiên đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân các làng xã từ xưa đến nay.
Việc điều tra, xác định niên đại của các ngôi đình ở Đồng Nai gặp nhiều khó khăn vì qua cuộc chiến tranh kéo dài, phần lớn sắc thần bị thiêu hủy, thất lạc, chưa phát hiện đựợc nơi nào có thần phả, ngọc phả. Thêm vào đó việc trùng tu tùy tiện đã góp phần không nhỏ phá hủy những dấu vết kiến trúc ban đầu. Cứ liệu còn lại chỉ là một số liễn đối, văn bia, truyền thuyết và sắc thần còn lưu giữ được trong số ít ngôi đình.
Một lôgic hiển nhiên trong hơn ba thế kỷ qua là: di dân lập ấp ổn định – dựng đình chùa – tới việc phong sắc thần. Sắc phong sớm nhất vào thời Gia Long – Minh Mạng, còn đa số vào thời Tự Đức tương ứng với giai đoạn củng cố chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Thời điểm phong sắc thần muộn hơn niên đại xây dựng ngôi đình khá lâu.
Điều đáng lưu ý là vùng đất Mỗi Xuy – Nông Nại (địa danh cũ của Đồng Nai) là điểm đặt chân sớm nhất của nhóm lưu dân ở Ngũ Quảng trong cuộc Nam tiến. Họ từ giã quê cha đất tổ, mang theo vào vùng đất mới phương Nam những truyền thống, tập quán, phong tục của quê hương (ở các cuộc di dân sau này cũng mang tính chất như thế). Do vậy đình, đền, miếu ở Đồng Nai vừa mang những nét truyền thống chung vừa có những nét đặc trưng. Một bộ phận người Hoa “bài Mãn phục Minh” (nhóm của Trần Thượng Xuyên) rời bỏ Châu Cao – Lôi – Liêm được triều đình Nguyễn cho định cư ở Đồng Nai cũng mang theo truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của mình. Hai yếu tố ấy kết hợp với yếu tố tín ngưỡng bản địa của thổ dân đã làm thay đổi hình thức ngôi đình cùng các sinh hoạt tôn giáo khác. Bằng chứng gần đây nhất: năm 1954, những người dân di cư từ Nam Định vào đã xây dựng tại Đồng Nai nhiều đền thờ Đức Trần Hưng Đạo, Bà Chúa Liễu Hạnh… Ở nhiều nơi, người Việt chính cống vẫn thờ Đức Quan Công như “vị thần hộ mệnh” của mình. Một số đình miếu, chùa chiền thở cả tượng Shiva, Vishnu… thuộc Ấn Độ giáo. Do đặc điểm lịch sử, văn hóa phức tạp và biến động nên việc nghiên cứu phải hết sức thận trọng, phân tích tổng hợp nhiều yếu tố mới đảm bảo tính khoa học.
Kiến trúc đình ở Đồng Nai thường theo kiểu tứ trụ (nhà rường tứ trụ), bằng vật liệu tốt, khai thác từ địa phương bằng bàn tay thợ đá, thợ gỗ, thợ gốm của Biên Hòa xưa, tạo cho đình vẻ đẹp mang sắc thái địa phương. Đình Tân Lân, Đình An Hòa (thành phố Biên Hòa), Đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch)… được xem là những đình tiêu biểu ở Đồng Nai. Đình thần ở Đồng Nai có dạng phổ biến hình chữ Nhị hoặc chữ Tam, được bố cục liên hoàn: Cổng tam quan – võ ca – nhà cầu – điện thờ. Điện thờ là phần chính chia thành bái đình – chánh điện – hậu điện và tả hữu hai ban. Trong điện thờ được bài trí: hoành phi, câu đối, bao lam, bát bửu… Trên bàn thờ thường có ngai dành cho Thần chạm rồng, long vị, gương, hòm đựng sắc thần, lư hương, khai trầu rượu… Ngoài ra còn nhiều tàn, lọng để gợi sự trang nghiêm. Vật liệu xây dựng đình miếu tùy thuộc vào từng giai đoạn, chủ yếu là gỗ, ngói âm dương, gạch, hợp chất, đá ong, sau cùng là xi măng.
Cũng vẫn những đường cong trên mái, vẫn bộ tứ linh nhưng các ngôi đình ở Đồng Nai về cấu trúc có sự lai hợp giữa đặc điểm mỹ thuật chung của triều Nguyễn với đặc điểm riêng của vùng đất màu mỡ này. Đặc biệt nghệ thuật trang trí ghép sành được áp dụng phổ biến. Bên trong liễn đối, hoành phi được sơn son thếp vàng hoặc sơn mài, ít khi có bia đá. Trước đình có tấm bình phong thường vẽ hình con cọp và cây tùng. Xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ tạo nên quần thể kiến trúc cổ kính, gây cho người chiêm bái ấn tượng thiêng liêng.
Khi triều Nguyễn sắc phong Thành Hoàng để kéo đình làng vào hệ chính thống thì đình ở Đồng Nai trở thành cơ sở nằm giữa hai thiết chế: chính thống và dân gian, vừa là trú sở của Thành Hoàng và nhiều vị thần khác, vừa là công sở hành chính của làng, đồng thời là nhà hát, tụ điểm văn hóa của địa phương. Sinh hoạt đình dung nạp cả hệ thống thần linh của ba miền, của Phật giáo, mang cả yếu tố Hoa, lẫn bản địa; dung nạp cả các hoạt động văn hóa thể thao từ múa lân, võ thuật… đến xây chầu, đại hội, hát bội, hát Bóng rỗi, thậm chí cả đờn ca tài tử. Nhiều đình ở Đồng Nai xưa gần như mở cửa quanh năm, một số đình không cần đến cửa.
Cũng như đình ở Nam Bộ, đình ở Đồng Nai thờ hàng chục vị thần, gồm có Thành Hoàng, phúc thần và cả những danh nhân sinh thời có công xây dựng, kiến thiết địa phương… Trong văn cúng còn mời gọi thêm nhiều vị khác, như đình Cẩm Vinh (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) chẳng hạn, mời gọi hơn 20 danh thần.
Chức năng chung nhất của đình là thờ cúng thần linh, mong được che chở, phù trợ. Đi sâu vào lý lịch của thần là chuyện riêng của người nghiên cứu, phía dân gian thì không chú ý cho lắm. Ký ức của lưu dân vẫn hướng về những vị thần đã thờ nơi cũ, đến đất mới họ vẫn tiếp tục thờ. Đình miếu ở Đồng Nai có nhiều loại nhưng mang ý nghĩa và tục thờ phụng khác nhau.
Đình, miếu thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Bà Chúa Xứ, Nam Hải Long Vương, Bà Thiên Hậu… là loại phổ biến nhưng các vị này thường không có lai lịch cụ thể, mang nhiều tính biểu tượng. Có thể ban đầu thần là những người có công khai sơn phá thạch, lập nên làng xã, song càng về sau khi tầng lớp phú hào, hương chức đã mạnh, thần được bổ sung thêm bằng nhiều vị không liên quan gì cụ thể tới quê hương bản xứ.
Đình miếu thờ các vị thần cụ thể, có thể là các công thần triều Nguyễn như Trần Thượng Xuyên, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương… hoặc là một viên quan nhỏ địa phương hoặc một phú hào. Có thần được sắc phong, có thần không. Qua một vài sắc thần, hàm ân còn lại thì thấy có sự thờ cúng lẫn lộn kẻ tốt người xấu, thậm chí có đình dung nạp cả tướng Tây Sơn lẫn tướng Gia Long.
Đình miếu có quy mô nhỏ do một cá nhân hay một nhóm người lập ra. Loại này thường phát triển nhiều hoạt động mê tín dị đoan…
Đáng lưu ý ở Đồng Nai là tục thờ vọng Quốc Tổ Hùng Vương và các anh hùng dân tộc. Cư dân Việt tuy xa quê hương nhưng không rời nguồn cội, tâm thức luôn hướng về Quốc Tổ. Đình, đền ra đời tuy muộn nhưng sớm trở thành trung tâm văn hóa ở địa phương thu hút niềm tin của nhiều lớp người dân. Đền thờ Hùng Vương ở Biên Hòa (xây dựng năm 1960) trong điện thờ tượng Hùng Vương đời thứ 18, có bàn thờ Bác Hồ (như vị Hùng Vương thứ 19). Ngày Giỗ Tổ (mùng 10/3 âm lịch) rất đông người trong và ngoài tỉnh đến dự tưởng niệm. Trước bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương có đủ thành phần già trẻ, trai gái, giáo dân, phật tử, cán bộ cách mạng… Đây là một biểu hiện vừa cổ truyền, vừa hiện đại của truyền thống đại đoàn kết toàn dân và nghĩa đồng bào ở người Việt Nam. Đền thờ Hùng Vương ở huyện Tân Phú, huyện Thống Nhất, thành phố Long Khánh thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ cũng có ý nghĩa tương tự. Các anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo…, các danh nhân có công ở vùng đất Đồng Nai: Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên… và những nghĩa sĩ chống Pháp: Trương Định, Nguyễn Đức Ứng, Đoàn Văn Cự… cũng được phụng thờ như Thành Hoàng của làng. Tục thờ Bác Hồ ở đình cũng là biểu hiện đáng chú ý. Tượng hoặc ảnh Bác thường được thờ ở gian Hội đồng hoặc vị trí của Tiên sư ở hậu điện, hoặc lập bàn thờ Bác ở chính điện mỗi khi tiến hành cúng Kỳ yên. Dưới thời Việt Nam cộng hòa, đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) ngầm thờ Bác Hồ bằng ba bức hoành phi (chữ Hán) được đặt ở ba vị trí khác nhau đã qua mắt được kẻ địch suốt thời gia dài:
Hồ nhiên nhi thiên
Chí vọng thâm ân
Minh hoài hậu đức
Việc quản lý đình thần do Hội đồng hương chức, Ban Qúy tế gồm các kỳ lão có uy tín, đức cao vọng trọng, có của cải điền sản. Đến xuân thu nhị kỳ, đình tiến hành lễ cúng Kỳ yên (cầu an) và ngày tế Thành Hoàng. Đây là những ngày hội lớn của làng xã, các nghi thức vẫn giữ theo tục xưa. Lễ hội cúng đình thể hiện phần hồn của đình. Lễ Kỳ yên là lễ chính của đình mục đích là cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Mỗi đình định ngày cúng Kỳ yên riêng, phổ biến là trong ba tháng đầu năm hoặc ba tháng cuối năm âm lịch. Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày, gồm có ba lễ chính: Túc yết, Đoàn cả (Đàn cả), Tiền hiền – Hậu hiền. Ngoài ra còn có những nghi lễ khác như: Rước sắc thần, Xây chầu – Đại bội, Đưa khách (Tống phong)… phụng sự trong ba lễ chính.
Nghi lễ cúng đình chứa đựng tấm lòng thành kính, biết ơn và thủy chung đối với những biểu tượng mà dân làng cho là đã đem lại điều tốt đẹp cho mình. Tấm lòng ấy vẫn còn có ý nghĩa trong cuộc sống mới. Nếu biết khai thác, vận dụng tốt theo định hướng đúng, đình làng ở Đồng Nai có thể trở thành bộ phận đắc dụng trong thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là ở nông thôn.
Thời thế dần xoay, nhưng đình, đền, miếu vẫn tồn tại, với cội rễ vững chắc, Ngày đầu năm, các buổi cúng tế, việc đến viếng đình, đền, miếu như là phận sự mà không pháp luật nào bắt buộc để thấy mình gắn liền với cộng đồng dân tộc. Đình là biểu hiện cho trình độ dân làng về văn hóa. Và văn hóa là cái gì còn đọng lại trong con người, khi con người quên tất cả. Bởi lẽ muốn vươn tới tương lai, con người phải đứng vững trên cơ sở quá khứ./.
Nguyễn Thị Tuyết Hồng
Tài liệu tham khảo
- Sơn Nam (1992), Đình miếu và lễ hội dân gian, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
- Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường, (1993), Đình Làng Nam Bộ – Tín Ngưỡng và nghi lễ, Nxb TP-HCM.
3. Tư liệu Kiểm kê phổ thông di tích (1998 – 2004) lưu trữ tại Bảo tàng Đồng Nai.