Từ xa xưa Rồng được xem là loài vật thiêng liêng đứng đầu trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Hình tượng Rồng trở thành biểu tượng của sự cao quý, khí phách của bậc đế vương, biểu tượng của yếu tố dương, của cha trời, một sức mạnh của tầng trên mang lại ấm no, hạnh phúc cho cư dân nông nghiệp. Rồng còn là nguồn gốc của tổ tiên ta từ câu chuyện truyền thuyết cha Rồng Lạc Long Quân lấy mẹ Tiên Âu Cơ, người Việt xem Rồng là linh vật tổ, là “con Rồng cháu Tiên”. Bởi vậy, hình tượng Rồng có một vị trí quan trọng trong nền nghệ thuật truyền thống của người Việt và trở thành biểu tượng cao đẹp của lý tưởng, niềm tin và sức mạnh dân tộc. Có lẽ vì ý niệm đó mà hình tượng Rồng được người Việt sử dụng phổ biến trong việc trang trí kiến trúc các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và đình làng Đồng Nai nói riêng.
Về đề tài trang trí: Hình tượng Rồng trong hệ thống đình làng Đồng Nai được thể hiện với đa dạng các đề tài như: lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long triều nhật, lưỡng long tranh châu, hồi long, cửu long tranh châu, cửu long ẩn vân,… Rồng còn được kết hợp với các linh vật khác trong tứ linh như: Rồng – Phụng, Rồng – Lân, Long – Lân – Quy – Phụng… Ngoài ra, Rồng còn được thể hiện trong các biến thể về hình thức của cỏ cây hoa lá hay các con vật hóa Rồng như: mai hóa Rồng, trúc hóa Rồng, cá chép hóa Rồng… Mỗi hình ảnh Rồng được bài trí là kết quả sáng tạo của trí tưởng tượng phong phú, bay bổng gắn với tâm thức, khát vọng và ước mong của con người về cuộc sống ấm no, đủ đầy, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Về nghệ thuật trang trí: Tại các ngôi đình làng có thể thấy Rồng hiện diện trên khắp các hệ thống bài trí kiến trúc. Ngay từ cổng đình chúng ta bắt gặp là hình tượng Rồng được trang trí trên mái theo đề tài “lưỡng long tranh châu” hay “lưỡng long triều dương” với nhiều chất liệu khác nhau như: gốm, vôi vữa xi măng; tại các đình có niên đại lâu đời hình tượng Rồng trang trí chủ yếu bằng chất liệu gốm men xanh với đầy đủ các đặc điểm của hình tượng Rồng thời Nguyễn. Hiện nay, nhiều đình trang trí hình tượng những con Rồng chầu cách điệu theo kiểu dây lá hóa Rồng (đầu Rồng, mình dây lá). Bước qua cổng đình là Bình phong án ngữ với tác dụng chắn gió và ý niệm trấn ểm tà ma. Mặt trước bình phong chủ yếu là hình tượng ông Cọp. Mặt sau thường trang trí đồ án liên quan tới Rồng đó là “Long mã chở hà đồ” hoặc hình tượng Rồng đang cưỡi mây bay… Theo truyền thuyết, Long mã là một hóa thân của kỳ lân, một trong tứ linh, đây là loài có đầu nửa Rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, do không húc ai bao giờ nên sừng này là hiện thân của từ tâm. Còn có quan niệm cho rằng: Rồng bay lên, nghĩa là tung, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian – mã là ngựa, chạy ngang, là hoành, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian. Như vậy, Long mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian, vì vậy Long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân. Tiếp đó ta có thể thấy hình tượng Rồng được trang trí phổ biến trên hệ thống mái đình với các đồ án chủ đạo là lưỡng long tranh châu; lưỡng long chầu nguyệt; lưỡng long chầu nhật. Ngoài ra, phần mái còn kết hợp trang trí các đồ án khác như: long – lân, long – phụng, lý ngư hóa long, long vân ở bờ nóc và bờ chảy trên mái tạo nên một bức tranh của thế giới tầng trên, mà cặp Rồng chầu là biểu trưng cho mây mưa và bầu trời, là hóa thân của sức mạnh siêu nhiên huyền bí, được tôn thờ với tất cả lòng biết ơn. Cá chép vượt vũ môn hóa Rồng là biểu trưng của khát vọng sự an lành, sung túc, thịnh vượng, thăng tiến trong học hành, thi cử, công danh và may mắn về tài lộc trong làm ăn, buôn bán.
Hình tượng Rồng tiếp tục được đưa vào kiến trúc đình làng với việc trang trí đắp nổi hoặc vẽ trên trụ cột (còn gọi là long trụ) tại đình Bình Quan, đình Bình Kính (Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh), đình Dầu Giây, đình Đoàn Văn Cự và 16 Nghĩa Binh Thiên Địa Hội… Tư thế của Rồng cuộn mình trên cột chạy từ trên xuống dưới, ngẩng đầu lên chầu vào bên trong chánh điện, màu sắc trang trí cũng đa dạng, mang dáng vẻ uy nghi, toát lên sức mạnh siêu nhiên. Một điểm khác biệt so với đình làng phía Bắc trên các vì kèo, xiên trính đều được trang trí cầu kỳ các hình tượng Rồng thì kiến trúc đình làng Đồng Nai hình tượng Rồng được trang trí rất ít.Nổi bật là đình An Hòa trên hệ thống xiên trính Chánh điện được tạo tác chủ đề lưỡng long triều dương; đình Phước Lộc chạm nổi đồ án long phúng thủy, long ẩn vân trên thân xiên trính còn lại các đình làng Đồng Nai chủ yếu thể hiện cách điệu hình đầu Rồng tạo tác từ các đầu kèo, đầu dư, đuôi trính để tạo sự mềm mại cho kiến trúc. Tuy nhiên, khi bước vào không gian chính của đình là Chánh điện thì hình tượng Rồng trang trí trên các đồ án thực sự đa dạng tại các khám thờ, bao lam, hoành phi, liễn đối với các đề tài khắc hoạ về hình tượng Rồng trong tứ linh (long, lân, quy, phượng), cá hoá long; long phúng thủy… Một biến thể khác về hình tượng Rồng được các nghệ nhân xưa đưa vào kiến trúc đình làng phổ biến đó là “Rồng dây” tức là Rồng cách điệu với hình đầu Rồng, thân là dây, cây hoa lá như thân trúc, thân mai, thân tùng… Đặc biệt, trong không gian thiêng của đình làng nơi uy nghiêm và lộng lẫy nhất là điện thờ Thần. Trên điện thờ đặt khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng, trang trí chạm khắc chi tiết, tỷ mỷ các họa tiết hoa văn truyền thống, trong đó nổi bật nhất vẫn là hình tượng Rồng với nhiều biến thể khác nhau như: Rồng chầu mặt trời trang trí trên đỉnh khám thờ, Rồng cuốn cột tạo thành long trụ hai bên khám thờ, Rồng nằm trong đồ án hoa lá dây leo trang trí bao quanh khám thờ. Ngoài ra, có một số bàn thờ Hội đồng bằng gỗ cũng đưa hình tượng Rồng vào trang trí với các chủ đề tứ linh, long hý thủy, bàn long (Rồng cuộn tròn), cá chép vượt vũ môn hóa Rồng. Tất cả các chủ đề này đều mang ý nghĩa cầu mong thần linh giải trừ những điều xấu, những trở ngại khó khăn và ban phát những điều tốt lành, thuận lợi, phát đạt đến với người dân. Về kỹ thuật, có đình sử dụng hình thức chạm nổi, có đình sử dụng hình thức chạm thủng nhưng tất cả đều rất tinh xảo, sống động được sơn son thếp vàng, phô diễn được thần thái của Rồng vốn là hiện thân của quyền uy và sức mạnh. Những đồ án này một phần làm tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi đình, mặt khác thông qua đó để bày tỏ lòng biết ơn và ước vọng của người dân đối với vị thần được thờ về một cuộc sống yên bình, thịnh vượng.
Nói tóm lại, hình tượng Rồng được người xưa sử dụng khá nhiều cho không gian kiến trúc nội thất và ngoại thất ngôi đình làng Đồng Nai. Những đồ án trang trí liên quan đến hình tượng Rồng trên kiến trúc được người xưa tạo tác gửi gắm đến thần linh cầu cho cuộc sống ấm no hạnh phúc bình an.Các đồ án trang trí còn mang giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn. Nhiều đồ án về Rồng được xem là những tác phẩm nghệ thuật truyền thống quý báu cần được gìn giữ trao truyền, bảo tồn và phát huy cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Nguyễn Trí Nghị
Tài liệu tham khảo
- Trần Lâm Biền (cb/2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt. Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.
- Trần Lâm Biền – Trịnh Sinh (2017), Thế giới biểu tượng trong Di sản văn hóa, Nxb Hồng Đức.
- Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường – Hồ Tường (1993) Đình Nam Bộ tín ngưỡng và nghi lễ, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
4.http://hueworldheritage.org.vn/TTBTDTCDH.aspx?TieuDeID=9&TinTucID=1302&l=vn%3E.