Triển khai thực hiện Quy hoạch Khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp cùng các đơn vị đã tiến hành khai quật di tích khảo cổ học Suối Linh (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) từ tháng 10-11/2019 (Quyết định số 2801/QĐ-BVHTTDL ngày 13/8/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)[1].
Di tích khảo cổ học Suối Linh được phát hiện vào cuối năm 1984, thuộc ấp 4, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và thuộc Phân trường 3, Lâm trường Hiếu Liêm, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai quản lý. Về tự nhiên, các địa điểm của di tích này nằm trên những ngọn đồi thấp, trên nền phù sa cổ trong vùng đất đỏ basalte với nhiều đồi nhấp nhô dạng bậc thềm có độ cao 10-15m và nằm xen kẽ với hệ thống suối nhánh của sông Bé được hình thành vào cuối thời Pleistocene sớm (cách ngày nay từ 2-1,8 triệu năm).
Cuộc khai quật di tích khảo cổ học Suối Linh cuối năm 2019 là lần khai quật thứ 3 sau các cuộc khai quật năm 1985 (Phạm Đức Mạnh, Bùi Chí Hoàng, Phạm Quang Sơn, 1997) và năm 2002 (Trịnh Sinh, 2005) và được địa phương nhiều lần điền dã với nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau. Tháng 02/1985, Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện KHXH tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện KHXH vùng Nam Bộ), Bảo tàng Đồng Nai và Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh gọi tắt Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG – HCM) đã tiến hành khai quật Suối Linh lần thứ nhất với diện tích 96m2. Đợt khai quật này đã phát hiện được nhiều đồ đá như: Rìu, đục, dao hái, bàn mài, mảnh tước cùng nhiều đồ gốm nguyên và nhiều mảnh gốm vỡ. Những nhà khai quật năm 1985 đã “tạm ước định một khung niên đại khá rộng cho di tích này là từ 4.500-3.500 cách ngày nay” (Phạm Đức Mạnh, Bùi Chí Hoàng, Phạm Quang Sơn, 1997:120). Đợt đào khai quật lần thứ 2 tại di tích Suối Linh do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Đồng Nai thực hiện từ tháng 11-12/2002 với diện tích 97m2 và cũng phát hiện được nhiều loại hình hiện vật đồ đá (rìu, đục, dao, hòn ghè, bàn mài, mảnh tước) và đồ gốm (bàn đập, mảnh gốm); niên đại di tích qua đợt đào này được xác định “có thể vào khoảng 3.500-2.500 năm cách ngày nay” (Trịnh Sinh, 2005:55). Ngoài hai lần khai quật kể trên, di tích Suối Linh còn được nhiều lần tiến hành nghiên cứu điền dã: Tháng 12/1997, do Trung tâm Khảo cổ học cùng đoàn khảo cổ học Nhật Bản và Bảo tàng Đồng Nai; năm 1999, do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Đồng Nai; tháng 4/2000 và tháng 3/2014 do Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG – HCM cùng Bảo tàng Đồng Nai tiến hành.
1. Vị trí các hố và cấu trúc địa tầng
Đợt khai quật khảo cổ học năm 2019 có tổng diện tích đào 40m2, với 2 hố khai quật, ký hiệu: 19.SL.H1 (viết tắt: H1) và 19.SL.H2 (viết tắt: H2), trong đó hố H1 (tọa độ: Vĩ độ 11°10’40.89″Bắc – Kinh độ 106°56’44.24″Đông) có diện tích 30m2 được phát triển từ hố thám sát 19.SL.TS3 và hố H2 (tọa độ: Vĩ độ 11°10’59.41″Bắc – Kinh độ 106°56’19.04″Đông) có diện tích 6m2 được phát triển từ hố thám sát 19.SL.TS1. Hố H1được khai quật trên cơ sở làm rõ các lớp văn hóa để làm cơ sở cho việc bảo tồn tại chỗ phục vụ cho công tác trưng bày ngoài trời nhằm mục đích cho công tác nghiên cứu và phát huy giá trị khu di tích sau này. Hai hố thám sát còn lại (19.SL.TS2 và 19.SL.TS4) có diện tích 4m2 (mỗi hố thám sát có diện tích đào 1x2m).
Địa tầng ở các hố TS1, TS2 và H2 phân bố ở những gò cao nhất của di tích, cao từ phía đông nam, thấp dần về phía tây bắc, gồm những lớp:
Lớp mặt: dày 0,2-0,4m, là phần đất bị xáo trộn do canh tác, đất có màu nâu đen, bở, tơi và chứa ít sỏi laterit. Trong lớp này chứa một số phác vật công cụ đá.
Lớp văn hóa: dày 0,2-0,36m, đất màu nâu vàng lẫn xám đen, kết cấu chặt, nhiều sỏi laterit; chứa nhiều mảnh gốm vụn và phác vật công cụ đá, mảnh tước cùng đá nguyên liệu.
Lớp sinh thổ: lớp đất phù sa lẫn sỏi sạn laterit non màu đem xám.
Địa tầng ở các hố đào TS3, TS4 và H1:
Lớp mặt: dày 0,1-0,2m, đất phù sa có màu nâu đen, lẫn nhiều rễ cây thân thảo và ít rễ điều; trong lớp này có một số mảnh tước công cụ và mảnh tước.
Lớp văn hóa:đất phù sa, màu nâu đỏ; dày 1,5-2,7m; gồm 3 lớp đất có mật độ di vật đôi chút khác biệt:
Lớp 1: dày 0,5-0,7m, đất phù sa; trong lớp này xuất hiện ít mảnh tước công cụ.
Lớp 2: dày 0,3-0,5m, tập trung các đậm đặc các di vật mảnh tước, phác vật công cụ đá và gốm.
Lớp 3: đất màu nâu 0,7-1,5m, hiện vật có các cụm gốm nhỏ, và rải rác phác vật công cụ cùng số ít mảnh tước.
Sinh thổ: đất phù sa lẫn sỏi sạn laterit non màu đem xám (sạn đầu ruồi).
2. Hiện vật
2.1. Đồ đá
Tổng số hiện vật bằng đá thu được qua khai quật, thám sát và sưu tầm có 4.475 hiện vật và 320kg mảnh tước dưới 1cm. Trong số 4.475 hiện vật có 1.181 đơn vị hiện vật, gồm: 694 đá nguyên liệu, 49 bàn mài (trong đó có 5 hiện vật bàn mài có được do sưu tầm), 438 phác vật công cụ (trong đó có 198 do sưu tầm) và 3.294 mảnh tước công cụ. Số lượng mảnh tước có 3.294 mảnh (kích thước từ 1-5cm) và 320kg mảnh (kích thước dưới 1cm). Trong các hố, loại trừ hố TS2 không có di vật văn hóa còn các hố còn lại đều có hiện vật, trong đó tuyệt đa số là loại hình mảnh tước được lấy lên từ các ô khai quật của hố H1 (3012/3294 hiện vật) và 290/320kg.
Trong quá trình chỉnh lý và nghiên cứu, chúng tôi lựa chọn 511 hiện vật tiêu biểu để tiến hành nghiên cứu phân loại. Tiêu chuẩn kỹ thuật phân loại căn cứ theo tiêu chí chất liệu, chức năng và loại hình học của di vật.
Rìu: Có 184 chiếc (kể cả mảnh vỡ) gồm 99 hiện vật khai quật và 85 hiện vật sưu tầm. Đây là những phác vật được chế tác bằng kỹ thuật ghè đẽo tu chỉnh với dấu vết để lại là nhiều vết ghè gồ ghề trên công cụ. Ở đây ghi nhận một số hiện vật được mài sơ qua toàn thân với việc vẫn còn để lại các vết ghè. Theo màu sắc lớp patine phủ trên công cụ, rìu có các màu xám xanh, vàng nâu và xanh đen. Chúng tôi căn cứ vào dạng vai công cụ để làm tiêu chuẩn phân loại về loại hình, theo đó có 2 loại hình rìu: rìu có vai và rìu không vai. Thống kê cho thấy số lượng rìu không vai chiếm đa số với 175 (95%) hiện vật (kể cả đốc rìu: 61 hiện vật), chỉ có 9 (5%) hiện vật rìu có vai. Ở từng loại hình rìu không vai và có vai chúng tôi chia thành các tiểu loại khác nhau.
Bôn: Có 44 hiện vật, là những phác vật công cụ. Căn cứ vào kích thước của lưỡi công cụ cho thấy có 3 loại: loại lớn (>5cm, có 9 hiện vật), loại trung bình (>4cm, có 16 hiện vật) và loại nhỏ (<4cm, có 19 hiện vật). Bôn có thân và đốc hình gần chữ nhật, hơi phình ở rìa cạnh, phần lưỡi cong, mặt cắt ngang thân có hình chữ V lệch. Các hiện vật loại này được chế tác dở dang, chưa hoàn thiện: nhiều hiện vật mới chỉ phác được dáng hình chữ nhật, còn y nguyên vết ghè đẽo; phần đốc chưa được chặt cho phẳng; hoặc chưa được đẽo để tạo hình phần lưỡi… Phần lớn là phác vật mới chỉ dừng ở công đoạn ghè đẽo mà chưa qua giai đoạn mài.
Đục: Có 103 hiện vật, là những phác vật công cụ. Về hình dáng đại đa số là hình chữ nhật, dáng thon dài; thân nhỏ và dày, có 2 cạnh bên thân thẳng và gần song song, chuôi rộng; tỷ lệ chiều rộng rìa lưỡi và chiều dài thân thường nhỏ hơn 1/3, mặt cắt ngang thân hình tứ giác. Các hiện vật có lớp phủ patine gồm 3 màu cơ bản: xám xanh, vàng nhạt, xanh đen. Về kiểu loại hình có 2 loại: không vai và vai ngang (chỉ duy nhất 1 hiệt vật có vai ngang). Ở loại hình không vai có 3 loại nhỏ: Lưỡi lớn hơn thân (có 40 hiện vật, gồm loại lớn, độ rộng lưỡi > 2.5cm; và loại nhỏ, độ rộng lưỡi <2.5cm); Lưỡi bằng thân (có 25 hiện vật, gồm loại lớn, độ rộng lưỡi> 2cm, và loại nhỏ, độ rộng lưỡi <2cm), và lưỡi nhỏ hơn thân, có 28 hiện vật.
Cuốc: Có 21 hiện vật, là những phác vật công cụ, trong đó có 2 mảnh vỡ còn lại của 1 đốc (cán) và 5 lưỡi; 15 hiện vật còn lại được chia thành 2 kiểu loại theo phần rộng của lưỡi: loại lớn (kích thước 6-9cm) có 9 hiện vật và loại trung bình (5cm) có 6 hiện vật. Loại cuốc hình dáng gần giống loại rìu tứ giác nhưng có kích thước lớn hơn; lưỡi cong tròn, rìa lưỡi sắc;có nhiều vết ghè đẽo. Các hiện vật có lớp phủ patine gồm 2 màu cơ bản: vàng nhạt, xanh đen.
Dao: Có 85 chiếc, đây là những phác vật công cụ đá có phần rìa lưỡi mỏng, vát và cân đối, chạy dọc thân theo chiều dài công cụ. Lưỡi được tạo bằng kỹ thuật ghè đẽo và tu chỉnh, và được mài cẩn thận ở hai bên đối với những hiện vật gần hoàn chỉnh. Dao được làm từ những mảnh tước lớn và đã lợi dụng mặt phẳng tách và chỉ được tu chỉnh ở mặt bên lưỡi. Phần lớn có sống lưng dày, tạo bằng kỹ thuật ghè đẽo và không mài, riêng số làm từ mảnh tách có sống lưng là mặt phẳng lệch một bên. Tất cả dao hái có 2 gam màu patine: vàng nhạt và xanh đen. Theo hình dạng của dao chúng tôi chia thành 5 loại hình chính: Dao có chuôi (11 hiện vật), dao có lưỡi hình tam giác (9 hiện vật), dao có lưỡi hình bán khuyên sống thẳng (41 hiện vật), dao có lưỡi hình bán khuyên sống cong (18 hiện vật) và dao có lưỡi thẳng (6 hiện vật).
Giáo: Có 01 mũi giáo đá, là phác vật công cụ, được phát hiện tại hố khai quật H2, hiện vật chỉ còn lại phần mũi giáo. Mũi giáo có dáng hình chiếc lá; đầu mũi nhọn, lưỡi được ghè sắc ở một mặt, trên thân và phần rìa lưỡi còn để lại nhiều vết ghè. Chưa có dấu vết mài ở mũi và lưỡi. Đây có thể là phế vật bị hư trong quá trình chế tác.
Mũi nhọn: Tổng số có 37 hiện vật loại hình phác vật công cụ mũi nhọn, và 268 hiện vật loại hình mảnh tước mũi nhọn. Trong đó, có 26 hiện vật tiêu biểu cho loại hình phác vật công cụ mũi nhọn, là những hiện vật đá có hình dáng như một mũi lao nhỏ, một mặt phẳng cùng một mặt có sống nổi, mặt cắt ngang có hình gần tam giác cân; thân thường dài và có phần mũi nhọn; được tạo hình bằng cách ghè đẽo. Chất liệu được làm từ đá sa thạch màu xanh xám, và đá màu xám trắng có vân. Nhìn chung những mũi nhọn này có hình dáng của một mũi tam diện có phần đầu nhọn. Trong 26 hiện vật tiêu biểu cho loại hình phác vật công cụ mũi nhọn, có 2 hiện vật phát hiện được qua sưu tầm trên bề mặt tại khu vực gần với hố khai quật H1. Đây là công cụ giống với hình dạng của loại hiện vật mũi nhọn nhưng có kích thước lớn hơn rất nhiều, phần mũi không được tao nhọn mà chỉ hơi tù; chúng tôi tạm gọi là đá hình tam diện lớn trong loại hình công cụ mũi nhọn.
Mảnh tước đàn đá/đá kêu: Có 16 hiện vật là mảnh tước của đàn đá (?), trong đó có 4 hiện vật tiêu biểu mà khi gõ vào phát ra âm thanh có “độ vang trong” của tiếng nhạc. Hiện vật là thanh đá nhỏ có dạng hình chữ nhật, kích thước dày 2,5cm, dài 10-15cm. Có 1 mảnh có phần dạng tam diện mũi nhọn.
Bàn mài: Có 25 hiện vật bàn mài, đây là những công cụ bàn mài phẳng (hay bàn mài lòng chảo), theo mặt mài chia thành 5 loại hình: 1 mặt (5 hiện vật), 2 mặt (14 hiện vật), 3 mặt (3 hiện vật), 4 mặt (2 hiện vật) và 5 mặt (1 hiện vật). Bàn mài được làm bằng chất liệu sa thạch, có hình gần với hình hộp hoặc hình bầu dục; mặt cắt ngang có hình chữ nhật, phần mặt có dấu vết mài hơi lõm dạng lòng chảo.
Ngoài ra chúng tôi còn phát hiện ra 7 hiện vật được làm từ đá sa thạch, có hình dáng như bàn mài nhưng chưa được sử dụng (chưa có vết sử dụng tạo nên phần mặt mài).
Lõi vòng: Có 4 hiện vật, trong đó về hình dạng lõi vòng có dáng hình trụ, có vết mài ở hai đầu, có vết khoan ở phần thân với 2 mặt trên và dưới của lõi vòng không khớp nhau mà hơi bị xiên cho thấy kỹ thuật khoan tách lõi ở hai đầu.
Đá tròn (Bi đá/hòn ghè?): Có 6 viên bi đá, đây là những hiện vật có dáng hình cầu, có nhiều vết ghè đẽo và có một số vết đập. Các hiện vật này vẫn chưa rõ chức năng, đây có thể là những viên bi/đạn đá (?) hoặc có thể là hòn ghè.
Công cụ chưa xác định chức năng (Đột đá?): Có 01 hiện vật; công cụ có hình giống như một thỏi đá, thon và cong ở 2 đầu, có mặt cắt ngang là hình chữ nhật với một đầu tương đối thuôn nhỏ tạo thành một mũi gần nhọn. Theo một số nhà nghiên cứu chiếc đột có thể làm chức năng là công cụ để đột (đục đẩy) phần lõi vòng trong công đoạn chế tác vòng trang sức đá (Trịnh Sinh, 2005: 41).
2.2. Đồ gốm
Tổng số hiện vật thu được qua khai quật, thám sát và sưu tầm có 414 hiện vật gốm và 51,3kg mảnh gốm vụn. Trong số 414 hiện vật có 12 đủ xác định dáng (đủ dáng) gồm 11bàn xoa và 1 mảnh vòng gốm; hiện vật không đủ dáng có 322 hiện vật, có hai mảnh gốm men thuộc lớp mặt của hố khai quật H1. Trong quá trình chỉnh lý và nghiên cứu, chúng tôi phân loại dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật phân loại, căn cứ theo tiêu chí hiện trạng, chức năng và loại hình học của di vật.
Hiện vật đủ dáng: Có 11 hiện vật bàn xoa/đập và 01 hiện vật vòng gốm. Bàn xoa hay bàn đập là loại dụng cụ phục vụ kỹ thuật tạo hình gốm, được sử dụng để xoa hay đập lên mặt trong gốm cho đều, nhẵn và làm cứng phôi. Bàn xoa gốm được làm bằng kỹ thuật nặn bằng tay, có hình gần giống như hình chiếc nấm (ngược), mặt đáy thường trơn nhẵn, cong tròn đều về xung quanh mép; ở phần rìa mép đáy tạo nhọn hoặc vê tròn đều. Đầu chuôi của bàn xoa thường nhọn, tròn đều hoặc bằng phẳng. Chất liệu làm bàn xoa là đất sét thô, pha nhiều cát, bã thực vật và vỏ nhuyễn thể màu trắng đục nghiền thô (kích thước mảnh còn lớn), cùng sỏi sạn laterit hạt nhỏ tạo cho hiện vật thường khá nặng và cứng chắc. Xương gốm thường cùng màu với lớp áo ngoài, chủ yếu là màu nâu đỏ, loại xám vàng hay xám nâu. Căn cứ về mặt loại hình, theo hình dáng mũi bàn xoa gốm chia ra làm 2 loại: loại có mũi chúc (10 hiện vật) và loại có mũi hếch (01 hiện vật). Mảnh vòng gốm được làm bằng gốm thô pha nhiều cát, có mầu nâu đen. Chiếc mảnh vòng gốm này được làm bằng kỹ thuật nặn bằng tay, thô sơ, có hình dáng mặt cắt ngang hình tròn. Mảnh vòng không được trang trí hoa văn. Một số ý kiến cho mảnh vòng gốm này là phần quai gốm của loại hình cốc (?).
Hiện vật không đủ dáng: Có 322 mảnh vỡ của đồ đựng, trong đó mảnh miệng (có 132 mảnh, chiếm 41%), mảnh thân có hoa văn (có 95 mảnh, chiếm 29%), chân đế (có 92 mảnh, chiếm 29%), nắp (có 2 mảnh, chiếm 1%). Những mảnh vỡ khác có kích thước nhỏ và vụn nát nên không thể kiểm đếm, cân được 51,3kg. Hiện vật gốm không đủ dáng có các loại hình chủ yếu: miệng, chân đế và nắp đậy, trong đó được chia thành các tiểu loại riêng. Loại hình miệng gốm: căn cứ vào kiểu dáng của miệng, có 3 loại: miệng loe, miệng đứng và miệng khum, đặc điểm chung là phần mép miệng đều được tạo gờ. Gốm miệng loe là loại có số lượng nhiều và phong phú về các tiểu loại. Loại hình nắp: Nắp gốm Suối Linh có 2 loại chủ yếu dựa trên đặc điểm của gờ miệng. Nắp đa phần đều có thân thẳng, độ cong khum không lớn, độ cao của nắp cho thấy có xu hướng lớn. Loại hình chân đế bát bồng có 2 loại phân theo độ choãi và tỷ lệ của độ cao chân và đường kính của chân đế: chân đế choãi và chân đế đứng. Chân đế đứng có chiều cao và độ rộng lớn. Xương gốm dày, mặt ngoài và trong thành chân đế uốn cong võng vào trong tạo eo ở phần cổ chân đế. Gờ miệng được vê tròn ở cả phần trong và ngoài. Loại chân đế này cho thấy kiểu bát bồng có kích thước tương đối lớn.
3. Nhận xét
3.1. Về niên đại và tính chất của di tích
Chúng tôi căn cứ vào địa tầng cũng như các di vật xuất hiện trong các lớp đào ở mỗi hố khai quật và thám sát cho thấy:
Ở các hố TS1, TS2 và H2 có niên đại vào khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay. Đây là khu vực cho thấy tính chất cư trú-xưởng của người cổ Suối Linh sinh sống ở những gò cao nhất.
Các hố đào TS3, TS4 và H1 cho thấy niên đại có thể chia làm 2 giai đoạn sớm muộn khác nhau, trong đó:
– Lớp văn hóa sớm nằm trong lớp 3, niên đại khoảng vào trước 3.500 cách ngày nay (có thể từ 4.500 đến 3.500 cách ngày nay như nhận định tại lần khai quật thứ nhất). Ở lớp này tính chất văn hóa cho thấy đây cũng là nơi cư trú-xưởng, trong đó việc chế tác đồ đá chưa phát triển mạnh mẽ.
– Lớp văn hóa muộn nằm trong lớp 2 và lớp 1, niên đại vào khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay. Tính chất của lớp văn hóa này là cư trú-xưởng, trong đó tính chất công xưởng chế tác đá nổi trội và điển hình nhất.
Ở hố H1với lớp địa tầng văn hóa dày nhất 3,2m (tính từ bề mặt) cho thấy đây là địa tầng sâu nhất với sự phát triển xuyên suốt mà niên đại bước đầu có thể thuộc vào toàn bộ thời đại Tiền sử ở miền Đông Nam Bộ hiện biết đến ngày nay. Trong quá trình khai quật hiện trường, Đoàn khai quật đã tiến hành lấy một số mẫu than tại các lớp đất trong các hố đào dự kiến cho việc phân tích niên đại C14, cũng như lấy mẫu đất dự kiến cho việc phân tích bào tử phấn hoa; tuy nhiên do điều kiện nên trong đợt nghiên cứu này chúng tôi không tiến hành các phân tích này được (các mẫu hiện được lưu trữ cùng với di vật). Trong lần nghiên cứu tiếp sau chúng tôi hy vọng có điều kiện để tiến hành gửi phân tích để có dữ liệu phân tích nhằm nhận định rõ hơn về niên đại tuyệt đối cũng như môi trường cổ của di tích.
3.3. Về hiện vật
Qua nghiên cứu chỉnh lý di vật đá cho thấy các phác vật đồ đá này có tính chất công xưởng chế tác đồ đá của người cổ Suối Linh. Các sản phẩm chế tác ở đây gồm có công cụ và vũ khí, nhạc cụ (đàn đá), đồ trang sức (lõi vòng, đột đá) cho thấy tính đa dạng trong chế tác sản phẩm đồ đá của người cổ Suối Linh. Cần lưu ý thêm về địa tầng của các di vật đá phát hiện tại đây. Theo địa tầng di tích các hố khai quật và thám sát năm 2019 ghi nhận có 2 giai đoạn sớm muộn khác nhau, trong đó: Lớp văn hóa sớm, niên đại vào khoảng trước 3.500 cách ngày nay, tính chất văn hóa là nơi cư trú – xưởng, trong đó việc chế tác công cụ đồ đá chưa phát triển mạnh mẽ. Lớp văn hóa muộn, niên đại vào khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay, tính chất của lớp văn hóa này là cư trú-xưởng, trong đó tính chất công xưởng chế tác công cụ đá nổi trội và điển hình nhất. Như vậy, niên đại của các di vật đá này có thể chủ yếu vào khoảng 3.500-3.000 năm cách ngày nay với tính chất là di tích cư trú-xưởng, trong đó tính chất công xưởng chế tác công cụ đá nổi trội và điển hình nhất.
Gốm Suối Linh gồm có gốm thô và gốm mịn, trong đó đa số thuộc loại gốm thô, gốm mịn rất ít. Gốm thô có chất liệu đất sét lẫn sỏi laterit nhỏ, pha nhiều cát không lọc kỹ, bã thực vật và vỏ nhuyễn thể nghiền (cỡ mảnh lớn), màu trắng đục với nên dễ thấm nước. Ở loại gốm mịn, chất liệu tương tự như gốm thô nhưng được nghiền và lọc kỹ hơn. Gốm Suối Linh có xương màu nâu đỏ sậm và xương đen, trong đó chiếm chủ đạo là loại gốm có màu nâu đỏ sẫm, xương gốm màu nâu nhạt, loại gốm có xương đen không đáng kể. Đặc biệt, quan sát phần xương gốm bên trong và trên thân (ở những phần mà lớp áo gốm bị bong chóc) chúng tôi nhận thấy có những hạt óng ánh màu vàng. Những hạt này nhỏ mịn dạng cám, có màu vàng phản chiếu với ánh sáng, trông rất giống với những mảnh vụn của kim loại vàng. Theo người dân tại đây, xung quanh khu vực Suối Linh có hàm lượng vàng cám với số lượng lớn tập trung ở phía trên cách khu vực khai quật khoảng 2km. Những năm 1980 – 1990 nhiều ngườiđến đây khai thác loại vàng này. Việc các hạt màu vàng này có phải là kim loại vàng được lẫn trong đất được người cổ Suối Linh lấy làm nguyên liệu gốm hay không cần phải có phân tích thành phần khoáng vật trong gốm để có căn cứ khoa học xác định. Trong đợt khai quật này chúng tôi không có điều kiện để tiến hành phân tích phi kim trong gốm, do đó trong các nghiên cứu tiếp theo cần lưu ý việc áp dụng phương pháp phân tích phi kim trong đồ gốm để làm rõ hơn đặc điểm đồ gốm ở đây. Về kỹ thuật gốm Suối Linh được làm bằng kỹ thuật bàn xoay và cả nặn tay. Ở kỹ thuật bàn xoay thể hiện ở những đường chỉ vạch chìm hay tạo nổi ở phần miệng hoặc chân đế có dáng khá đều. Kỹ thuật nặn tay có thể nhận thấy ở việc trên phần thân của các đồ đựng còn vết của ấn tay và độ cong không đều.
Hoa văn trên gốm với tỷ lệ gốm có hoa văn rất ít, chỉ có 95/413 trên các mảnh thân gốm. Kiểu loại hoa văn gồm có: văn sóng nước, văn chải, văn gờ nổi kết hợp văn chải, văn khắc vạch kết hợp văn chải, văn in ô vuông hoặc văn in ca-rô. Trong đó văn chải có số lượng nhiều và được kết hợp cùng với các văn khác để trang trí cho đồ gốm. Di vật, phác vật đồ gốm cho thấy tính chất cư trú của người cổ Suối Linh tập trung xung quanh đỉnh các gò, phần triền gò ít có sự cư trú. Đặc biệt, với tầng văn hóa dày nhất 3,2m (tính từ bề mặt) cho thấy đây là địa tầng sâu nhất với sự phát triển xuyên suốt mà niên đại bước đầu có thể thuộc vào toàn bộ thời đại Tiền sử ở miền Đông Nam Bộ hiện biết đến ngày nay. Xét về niên đại địa tầng di tích các hố khai quật và thám sát năm 2019 có 2 giai đoạn sớm muộn khác nhau, ở các giai đoạn sớm muộn trong tầng văn hóa này đều chứa di vật gốm cho thấy người cổ Suối Linh đã sinh tụ lâu dài và liên tục, họ chế tạo các sản phẩm (làm gốm và chế tác đồ đá) từ phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng và trao đổi với các cộng đồng khác.
Kết quả nghiên cứu bước đầu qua khai quật khảo cổ học lần thứ 3 tại di tích khảo cổ học Suối Linh năm 2019 cho thấy qua quá trình hoạt động triển khai thực hiện Quy hoạch Khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã phát hiện tại hố khai quật H1 là địa điểm có giá trị tiêu biểu cho khu di tích Suối Linh và được khai quật với phương pháp lưu giữ bảo tồn tại chỗ các lớp văn hóa, vì vậy trong bài viết này chúng tôi tiếp tục kiến nghị: Cần thiết lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng địa điểm này, đồng thời báo cáo đề xuất về Sở VHTTDL để xem xét trình UBND tỉnh bổ sung vào Quy hoạch lộ trình xếp hạng sau năm 2020 (Nguyễn Hồng Ân, 2017:15).
PGS. TS Nguyễn Đức Mạnh
Ths. Nguyễn Chiến Thắng
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM)
Tài liệu dẫn
- Nguyễn Hồng Ân (2017) Đồng Nai triển khai thực hiện Quy hoạch khảo cổ học đến 2025, định hướng đến năm 2035 “Thông tin Khoa học, số 12 (Bảo tàng Đồng Nai) ” :11-15.
2. Phạm Đức Mạnh, Bùi Chí Hoàng, Phạm Quang Sơn (1997). Di tích khảo cổ học Suối Linh (Vĩnh Cửu – Đồng Nai) trong “Một số vấn đề khảo cổ học Miền Nam Việt Nam”, KHXH: 58-120.
Trịnh Sinh (2005). Suối Linh qua mùa khai quật thứ hai, khảo cổ học, số 2 (134): 30-57.
[1] Thành phần đoàn khai quật bao gồm: Bảo tàng Đồng Nai: CN.Nguyễn Thị Tuyết Trinh, CN.Phạm Văn Minh, CN.Vũ Hồng Hương, CN. Đinh Tiến Dũng, CN.Nguyễn Thanh Hiên). Nhóm nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Nam Bộ, Trường ĐHKHXH&NV–ĐHQG-HCM: PGS.TSPhạm Đức Mạnh, ThS.Nguyễn Chiến Thắng, ThS.Quảng Văn Sơn, CN.Nguyễn Sự, CN.Hoàng Như Khoa.