Năm 2019, thực hiện chương trình “Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng 2035”, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức khai quật 03 di tích khảo cổ. Kết quả thu được như sau:
1. Di tích Gò Me được phát hiện vào tháng 4 năm 2004 có tọa độ 10040’07” vĩ bắc, 106051’46” kinh đông, nằm trong phạm vi ấp Chính Nghĩa, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Di tích nằm trên giồng cát có diện tích rộng khoảng 10ha, bề ngang rộng trên dưới 100m, kéo dài khoảng 1km theo hướng tây bắc – đông nam. Năm 2004 di tích được khai quật lần thứ nhất do Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ và Bảo tàng Đồng Nai thực hiện gồm 3 hố khai quật và 6 hố thám sát với tổng diện tích 204m2. Hiện vật thu được nhiều công cụ đá; một số hiện vật bằng đồng, sắt, xương; đồ trang sức; bi gốm, mảnh gốm ghè tròn và gần 30 ngàn mảnh gốm. Kết quả khai quật lần 1 đã xác định di tích Gò Me vừa là khu vực cư trú (nhiều giai đoạn), mộ táng vừa là nơi sản xuất gốm. Niên đại C14 được xác định qua 2 mẫu than: 1. GM04.H2.L6.B1 là 2.910 ± 55 BP; 2. GM04.TS6-L2 là 1.820 ± 60 BP.
Năm 2019, Bảo tàng Đồng Nai kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục khai quật di tích Gò Me lần thứ 2. Đợt khai quật này đã thực hiện 02 hố khai quật và 02 hố thám sát với tổng diện tích là 35m2 (H1: 3m x 6m, H2: 3m x 3m, 02 hố thám có diện tích mỗi hố 2m x 2m) nhằm mục đích nghiên cứu không gian phân bố di tích. Kết quả khai quật thu được 14 hiện vật đá gồm bàn mài, vật đeo, đục, mảnh vỡ rìu, mảnh vòng tay; 01 hạt chuỗi bằng thủy tinh; 02 hiện vật xương; 01 hạt chuỗi bằng đất nung và hơn 100.000 mảnh gốm chủ yếu là mảnh vỡ của các loại vò nhỏ miệng khum, mép tròn có thân hình cầu; loại nồi – vò có kích thước lớn, miệng loe cong, mép miệng tròn, cổ eo, thân đập thừng; các loại đồ gốm lớn, miệng loe, vành miệng bẻ lật ra ngoài tạo thành một viền rộng bản; bát bồng cỡ nhỏ và trung bình, chân đế choãi cao… chủ yếu được làm từ hai loại chất liệu là sét pha cát hạt mịn hoặc thô và loại sét pha bã thực vật, lẫn ít cát mịn.
2. Di tích Đồi Phòng Không được phát hiện năm 1985 có tọa độ 1107’43” vĩ bắc và 106058’00” kinh đông, nằm trong địa bàn ấp 3, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu. Di tích nằm trên đỉnh và sườn của một ngọn đồi cao khoảng 60m so với mực nước biển. Di tích được khảo sát vào năm 1985, 2000 và nhiều lần sau đó. Năm 2017 di tích được đào thăm dò lần thứ nhất do Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ và Bảo tàng Đồng Nai thực hiện với 15 hố thăm dò có diện tích 1m x 1m, 02 hố thám sát với tổng diện tích 13m2 (HTS1: 3m x 3m; HTS2: 2m x 2m), kết quả đã thu nhặt hiện vật xuất lộ trên bề mặt và trong các hố thám sát được 225 hiện vật gồm phác vật hình đĩa, phác vật hình đĩa có dấu khoan, lõi vòng, phế vật vòng, mảnh vòng, hòn ghè, bàn mài, mảnh dao (?), mảnh gốm, mảnh tước lớn nhỏ, phiến tước nhỏ, vảy tước…Qua các di vật khảo cổ xuất lộ trên bề mặt và trong các hố đào thám sát thăm dò cũng như tầng văn hóa đã khẳng định một cách chắc chắn hơn tính chất công xưởng của di tích có niên đại ước định khoảng 2.700 – 2.500 năm cách ngày nay.
Năm 2019, Bảo tàng Đồng Nai và Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, Viện KHXH vùng Nam Bộ đã thực hiện khai quật di tích Đồi Phòng Không lần thứ nhất. Tổng diện tích khai quật gồm 40m2 với 4 hố khai quật (H1: 5m x 2m; H2: 7m x 2m; H3: 4m x 2m và H4: 4m x 2m). Kết quả khai quật thu được 204 hiện vật đá gồm phác vật hình đĩa, phác vật hình đĩa có vết khoan, vòng tay, lõi vòng, phế vật vòng, bàn mài, mảnh tước, hòn đập, bàn xoa, đá nguyên liệu…
3. Di tích Suối Linh nằm trên ngọn đồi thấp, trong vùng đất đỏ bazan, phân bố rộng khoảng 3ha, nằm cạnh bờ trái sông Bé, có tọa độ 11010’58’’ vĩ bắc và 106056’18’’kinh đông. Di tích được phát hiện năm 1984 và được khai quật cùng năm do Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học, Viện KHXH tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện KHXH vùng Nam Bộ), Bảo tàng Đồng Nai và Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh) thực hiện với tổng diện tích 96m2. Năm 2020 di tích Suối Linh được khai quật lần 2 do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Đồng Nai thực hiện với tổng diện tích 100m2. Ngoài ra di tích còn được khảo sát, đào thăm dò vào các năm 1999, 2000, 2017… Hiện vật thu được trong các cuộc khai quật và đào thăm dò gồm rất nhiều công cụ đá như rìu các loại, dao hái, đục, phác vật công cụ, chày nghiền, cuội có vết gia công, bàn mài, mảnh tước, đá ghè tròn, bi đá, mảnh đá kêu, vòng và phác vật vòng; đồ gốm gồm bàn xoa, mảnh vòng, bi, mảnh gốm mài tròn, với hơn 17.000 mảnh vỡ đồ đựng, bàn xoa; đồ sắt có lưỡi thuổng. Di tích được xác định vừa thuộc loại hình cư trú vừa là nơi chế tác công cụ đá và đồ gốm. Niên đại đoán định khoảng 3500 – 2500 năm cách ngày nay.
Năm 2019, Bảo tàng Đồng Nai kết hợp với Trường Đại học KHXH & NV tại thành phố Hồ Chí Minh khai quật di tích Suối Linh lần thứ 3 với 02 hố khai quật tổng diện tích 36m2 và 02 hố thám sát mỗi hố 2m2. Kết quả khai quật đã thu được 1.181 hiện vật đá gồm các loại hình: công cụ (rìu, đục, dao…), phác vật công cụ và mảnh tước (hơn 300kg) và gần 500 mảnh gốm của các loại hình đồ đựng, bát bồng, bàn xoa…
4. Nhận xét bước đầu
4.1. Kết quả khai quật lần 2 cho thấy cư dân cổ Gò Me sinh sống tại đây qua nhiều giai đoạn khác nhau, kéo dài từ 3.000 đến hơn 2.000 năm cách ngày nay. Qua so sánh loại hình công cụ đá và chất liệu, loại hình gốm ở Gò Me cho thấy giai đoạn cư trú sớm tương ứng với niên đại của các di tích ngập mặn của Bà Rịa – Vũng Tàu, Cái Lăng, Cái Vạn (Đồng Nai); Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh)… ước định khoảng 3.000 năm đến 2.700 năm cách ngày nay. Giai đoạn muộn tương ứng với niên đại của các di tích Rạch Núi (Long An), Mỹ Lộc, Cù Lao Rùa (Bình Dương) ước định khoảng 2.700 đến 2.000 năm cách ngày nay.
Tuy chưa phát hiện mộ táng như lần khai quật đầu nhưng kết quả khai quật Gò Me lần 2 đã khẳng định rõ hơn tính chất cư trú, sản xuất gốm của di tích. Số lượng mảnh gốm phát hiện trong lần khai quật này nhiều nhưng do vượt qua khả năng dự liệu về thời gian và kinh phí nên chưa thể nghiên cứu kỹ về loại hình, kiểu dáng, hoa văn của các loại hình đồ gốm. Thông qua việc sàng lọc các lớp đất trong tầng văn hóa đã thu được khá nhiều mẫu xương động vật và tàn tích thực vật. Do vậy rất cần có chương trình nghiên cứu bổ sung về gốm cũng phân tích về động vật học và cổ thực vật học để có thêm tư liệu về môi trường cổ khu vực di tích Gò Me.
4.2. Từ kết quả khảo sát, đào thám sát thăm dò, khai quật di tích Đồi Phòng Không cho thấy người xưa đã lấy nguyên liệu và chế tác sơ bộ thành những phác vật hình đĩa ở nơi khác sau đó mới vận chuyển về Đồi Phòng Không tiếp tục chế tác thành vòng đeo tay hoàn chỉnh. Các hoạt động chế tác tại di tích gồm ghè tu chỉnh phác vật hình đĩa, khoan tách lõi và mài hoàn thiện sản phẩm. Thông qua hiện vật phát hiện tại các hồ đào thám sát thăm dò cho thấy kỹ thuật chế tác vòng tay chủ yếu là khoan tách lõi bằng hai loại dụng cụ: mũi khoan và ống tre hoặc ống kim loại.
Với số lượng gốm phát hiện rất ít tại di tích cho thấy Đồi Phòng Không chỉ là nơi chế tác vòng đeo tay, hoàn toàn chưa tìm thấy dấu vết cư trú ngay tại di tích hoặc những khu vực lân cận. Niên đại của công xưởng này được ước định khoảng 2.700 – 2.500 năm cách ngày nay, căn cứ qua loại hình hiện vật và kỹ thuật chế tác vòng tay tương tự tại di tích Bưng Bạc (Bà Rịa – Vũng Tàu). Vấn đề niên đại hy vọng sẽ được nghiên cứu chi tiết khi có điều kiện khai quật với diện tích lớn tại Đồi Phòng Không trong tương lai.
4.3. Kết quả khai quật di tích Suối Linh lần thứ 3 đã cung cấp nhiều tư liệu mới trong việc nghiên cứu di tích Suối Linh từ khi phát hiện đến nay. Đặc biệt việc phát hiện lớp địa tầng dày 3,2m cùng với hơn 300kg mảnh tước tại hố khai quật 1 khẳng định tính chất cư trú-xưởng của di tích. Đây có thể được xem là tầng văn hóa dày nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung. Qua tầng văn hóa và các di vật xuất hiện trong các lớp văn hóa có thể thấy niên đại của di tích từ 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay. Bên cạnh đó cũng rất cần các chương trình nghiên cứu liên ngành nhằm phác họa được môi trường, sinh hoạt, thương mại của người cổ Suối Linh./.
Lưu Văn Du
Nguyễn Thị Tuyết Trinh
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Khánh Trung Kiên (2017). Báo cáo kết quả khai quật thăm dò di tích khảo cổ học Đồi Phòng Không. Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.
- Đặng Ngọc Kính (2019). Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Đồi Phòng Không. Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.
- Lê Hoàng Phong (2019). Báo cáo kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Gò Me (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.
- Phạm Quang Sơn, Nguyễn Quốc Mạnh (2005). Báo cáo khoa học Khai quật di chỉ khảo cổ học Gò Me – 2004 (xã Vĩnh Thanh – huyện Nhơn Trạch – tỉnh Đồng Nai). Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.
- Phạm Dức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng, Quảng Văn Sơn (2019). Báo cáo khoa học kết quả khai quật khảo cổ Di tích Suối Linh (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai.