1. Người Dao ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán
Người Dao ở Việt Nam là một cộng đồng có dân số đông đứng hàng thứ 9 trong tổng số 54 tộc người cùng cư trú trên nước ta. Người Dao đến Đồng Nai sinh sống và lập nghiệp từ những năm thập niên 50 của thế kỷ XX và những năm sau giải phóng, thống nhất đất nước (1975). Người Dao ở Đồng Nai chủ yếu thuộc nhóm Dao Thanh Y, đa phần có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Ninh, họ sinh sống tập trung tại các huyện Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Tân Phú. Định Quán là huyện có số người Dao sinh sống nhiều nhất so với các huyện, thị khác trong tỉnh Đồng Nai. Ở huyện Định Quán người Dao có 696 hộ với 3.638 nhân khẩu[1], tập trung chủ yếu tại hai xã Phú Vinh và Thanh Sơn.
Xã Thanh Sơn được thành lập vào ngày 23/6/1994, có 8 ấp, theo số thứ tự từ ấp 1 đến ấp 8. Tổng dân số của địa phương là 7.533 hộ với 31.418 nhân khẩu[2]. Trên địa bàn xã có 19 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ đa số, sau đó đến người Dao, Tày, Nùng… Người Dao đến xã Thanh Sơn rải rác sau năm 1975, nhưng nhiều nhất vào các năm 1986, 1987. Họ đến đây với mục đích xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước lúc bấy giờ. Họ chủ yếu thuộc nhóm Dao Thanh Y, có nguồn gốc từ huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh. Ban đầu một vài gia đình người Dao đến xã Thanh Sơn sinh sống, thấy đất đai màu mỡ, thiên nhiên ôn hòa, thuận lợi cho việc làm nông, nên họ đón thêm gia đình, dòng họ, người thân đến lập nghiệp, từ đó số người Dao đến xã Thanh Sơn ngày một nhiều. Người Dao ở xã Thanh Sơn có 626 hộ với 3.304 nhân khẩu[3], (chiếm gần 50% dân số các tộc người thiểu số trong xã). Họ cư trú đan xen với các tộc người khác tại hầu hết các ấp trên địa bàn xã, nhưng tập trung nhiều nhất tại ấp 3, ấp 6 và ấp 7, chỉ có ấp 1 và ấp 5 là không có sự hiện diện của người Dao.
Người Dao theo tín ngưỡng vật linh giáo, tin rằng tất cả mọi vật đều có linh hồn. Khi thực thể chết đi hay bị hủy hoại thì hồn biến thành ma gọi là miên. Người ta chia tất cả ma quỉ, thần thánh ra làm hai loại là lành và dữ. Loại lành là các vị phúc Thần, Tổ tiên, Bàn Vương, Thần Nông, Thổ Công, Thổ Địa… Loại dữ là ma sông, ma suối, ma núi, ma rừng, ma cây, những người chết không bình thường như chết yểu, chết bệnh, chết vì ngã cây, chết chém, chết đuối… Người Dao ở Thanh Sơn lập miếu thờ Thổ thần chung của cộng đồng, với mong muốn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt. Ngoài ra, Người Dao còn thờ cúng tổ tiên, Bàn Vương. Các nghi lễ trong nông nghiệp của người Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Khổng giáo, Phật giáo và Ðạo giáo.
Quá trình cộng cư và lập nghiệp tại xã Thanh Sơn, người Dao cùng với các dân tộc anh em khác như: người Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Mường, Khmer…, tạo nên mối quan hệ trao đổi, giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người. Điều này giúp họ tiếp nhận các giá trị văn hóa của tộc người khác một cách tự nhiên, làm phong phú thêm văn hóa của tộc người Dao, đó cũng là xu thế phát triển chung của toàn xã hội.
2. Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y ở xã Thanh Sơn
Lễ cấp sắc (người Dao gọi là “Pùn Voòng”), là một nghi lễ đặc trưng trong nghi lễ vòng đời của người Dao, nghi lễ đánh dấu một giai đoạn quan trọng của đời người. Theo phong tục của người Dao, tất cả nam giới phải trải qua lễ cấp sắc, thì người đó mới được cộng đồng xã hội thừa nhận, thành viên đó mới là người trưởng thành. Trải qua lễ cấp sắc người con trai sẽ được thầy cúng cấp cho một bản sắc ghi bằng chữ Nôm Dao, với nội dung nói về lai lịch của người thụ lễ, lý do thụ lễ, các điều giáo huấn. Sau khi được cấp sắc những chàng trai Dao mới được ghi tên (âm) vào danh sách của gia đình, dòng họ (để thờ cúng), đồng thời được cả cộng đồng công nhận là thành viên chính thức, cũng như được thế giới thần linh thừa nhận. Từ đây họ được phép lập bàn thờ tổ tiên, được quyền tham gia vào các nghi lễ có tính chất cộng đồng, và điều quan trọng nhất là họ được học các nghi lễ bắt buộc, để có thể được tham gia vào việc thực hiện lễ cấp sắc cho những người khác trong cộng đồng.
Theo thầy cúng Đặng Quý Anh: “Chỉ khi đã được cấp sắc thì linh hồn người đó mới được về với thế giới tổ tiên. Những người không có điều kiện để làm lễ cấp sắc sẽ không được tham gia các sinh hoạt của cộng đồng (lễ cầu mùa, ma chay, các nghi lễ tôn giáo), mà chỉ là người phục vụ, không được tham gia với tư cách thành viên thực hành các nghi lễ đó”[4]. Chính vì quan niệm như vậy, nên dù có tốn kém bao nhiêu, gia đình nào có con trai đến tuổi trưởng thành đều phải tổ chức lễ cấp sắc.
Để được thực hiện nghi lễ cấp sắc, người Dao ở xã Thanh Sơn có một số quy định. Người con trai phải từ 7 tuổi trở lên. Trong gia đình, anh làm lễ cấp sắc trước rồi mới đến em, tuy nhiên để tiết kiệm, người Dao cũng cho phép thực hiện việc làm ghép giữa các anh em trong gia đình và dòng họ, một lần cấp sắc có thể cấp cho nhiều người. Nếu gia đình có người chết mà chưa được cấp sắc thì con cháu phải làm lễ cấp sắc cho người đã chết trước khi làm lễ cấp sắc cho người còn sống. Những người hành lễ phải là thầy cúng đã trải qua lễ cấp sắc, đọc được sách Nôm Dao và viết được chữ Nôm, có kinh nghiệm cúng bái và thông thạo việc hành lễ truyền thống dân tộc.
Quy trình thực hiện lễ cấp sắc của người Dao ở xã Thanh Sơn được chia làm hai phần. Phần thứ nhất gọi là lễ đặt tên. Sau khi thực hiện lễ đặt tên thì người con trai mới gọi là trưởng thành, khi chết đi linh hồn sẽ được về với ông bà tổ tiên, cũng như được tổ tiên và thế giới thần linh thừa nhận. Phần thứ hai là lễ cấp sắc. Về ý nghĩa lễ cấp sắc ở mức độ cao hơn, người thụ lễ sẽ được cấp sắc lệnh của Thái Thượng Lão Quân, được cấp sắc (có chứng chỉ) được làm thầy cúng.
Người Dao ở xã Thanh Sơn thực hành nghi lễ cấp sắc ở hai ban. Ban Tam Thanh bên Đạo giáo (đại diện bên văn) và ban Tam Nguyên bên Nho giáo (đại diện bên võ). Mỗi ban đều có các vị tổ sư khác nhau. Ban Tam Thanh cũng có 3 vị tổ sư đại diện gồm: Thầy Ngọc Thanh là đứng đầu trong hệ thống Tam Thanh hay còn gọi là thầy gốc. Thầy Thượng Thanh đứng hàng thứ hai. Thầy Thái Thanh đứng cuối cùng và thường gọi là thầy ngọn. Ban Tam Nguyên có 3 vị tổ sư đại diện gồm: Thầy Thượng Nguyên là người đứng đầu trong hệ thống Tam Nguyên hay còn gọi là thầy gốc. Thầy Trung Nguyên đứng hàng thứ hai. Thầy Hạ Nguyên đứng cuối cùng và thường gọi là thầy ngọn.
Khi tiến hành nghi lễ cấp sắc sẽ thực hiện nghi thức bên Ban Tam Nguyên trước rồi đến Ban Tam Thanh. Thầy cúng Ban Tam Nguyên chuyên dùng pháp thuật trừ tà, diệt ma, cầu mưa, đại diện phái võ giáo[5]. Thầy cúng Ban Tam Thanh có nhiệm vụ làm việc cứu khổ, giải oan, giải hạn, chuyên làm từ bi, khuyến thiện, đại diện bên văn giáo[6].
Trong suốt thời gian chuẩn bị cho đến khi lễ cấp sắc kết thúc, cộng đồng người Dao tuân thủ một số quy ước chung. Chọn ngày cấp sắc không trùng tháng sinh của người được cấp sắc, không trùng ngày mất của những người trong gia đình, không trùng với đám ma trong xóm. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ khi mời thầy cho đến 7 hoặc 10 ngày sau lễ cấp sắc, gia chủ, người được cấp sắc và tất cả thầy cúng tham gia lễ không được quan hệ nam nữ, không giết hại súc vật, không lớn tiếng, đánh nhau… Trong quá trình diễn ra lễ cấp sắc, sau khi ăn bữa cơm đầu tiên, tất cả các thầy cúng và người nhà phải tuân thủ việc ăn kiêng suốt quá trình diễn ra lễ cho đến ngày cúng lễ kết thúc việc ăn chay. Người được cấp sắc không được quan hệ nam nữ vào các ngày mùng 1 và 15 trong tháng 1, tháng 7 và tháng 10 âm lịch… Đó là cách gìn giữ đạo sắc và không gây thương tổn cho bản thân và gia đình.
3. Lễ cấp sắc của người Dao xã Thanh Sơn trong bối cảnh hiện nay
Lễ cấp sắc được coi là yếu tố đặc trưng trong văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y ở xã Thanh Sơn nói riêng và của đồng bào Dao nói chung. Song trải qua thời gian, lễ cấp sắc không ngừng biến đổi để phù hợp với các điều kiện kinh tế – xã hội và môi trường tự nhiên đang thay đổi nhanh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa… nghi lễ cấp sắc của người Dao cũng chịu tác động và có những thay đổi so với truyền thống.
Thay đổi về quan niệm. Hiện nay, trình độ dân trí của người Dao ở xã Thanh Sơn ngày càng được nâng cao, con em được học hành đầy đủ, thậm chí rất nhiều người có trình độ đại học. Tập quán được làm lễ cấp sắc vẫn là mong muốn của tất cả nam giới người Dao. Tuy nhiên hiện nay không còn nhiều người tin vào việc được cấp sắc là sẽ có quyền năng của thế giới thần ma, được tổ tiên, thần ma và “âm binh” bảo vệ và khi chết mới được về với thế giới tổ tiên. Quan niệm về sự “trưởng thành” khi được cấp sắc vẫn là quan niệm phổ biến cho đến hiện nay. Bởi vì trong quá trình làm lễ cấp sắc, người thụ lễ được thầy cúng đọc cho nghe các điều răn, dạy về đạo làm người, về cách tu thân, được nghe về cội nguồn lịch sử tộc người, được học các lễ nghi của cộng đồng… Còn những người vì lý do nào đó mà chưa được cấp sắc thì cũng không bị cộng đồng coi thường nặng nề như xưa nữa, quan niệm này trở nên nhẹ nhàng hơn, người chưa làm lễ cấp sắc vẫn tham gia vào các công việc của cộng đồng trừ việc chủ trì thực hiện các nghi lễ.
Thay đổi trong một số lễ vật cúng: Trước đây cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn, người Dao phải chuẩn bị lương thực và thực phẩm, từ nấu rượu, đặc biệt là phải nuôi heo, nuôi gà; hoặc đi vay mượn để làm lễ, cho nên lễ vật có khi không đầy đủ và phong phú. Còn hiện nay, vật phẩm để cúng lễ không khó như trước, chỉ cần có tiền là có thể mua heo, gà, gạo, rượu…; những gia đình khá giả có thể mua sắm nhiều lễ vật, với số lượng lớn hơn trước kia rất nhiều. Đối với những người được mời tham dự lễ cấp sắc cũng có những hình thức hỗ trợ gia chủ thay đổi so với trước đây, việc mừng gia chủ bằng tiền mặt đã xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ của cộng đồng và lễ cấp sắc cũng không nằm ngoài hiện tượng đó.
Thay đổi về thời gian: Công việc chuẩn bị cho làm lễ cấp sắc cũng không còn phức tạp như ngày trước. Nếu như trước đây, để làm lễ cấp sắc, gia đình phải chuẩn bị trước lương thực, thực phẩm, tiền và các thứ khác hàng năm, thậm chí nhiều năm thì ngày nay họ chỉ phải mất vài tháng, còn đối với các gia đình có điều kiện thì chỉ trong vài ngày. Công việc chuẩn bị của thầy cúng cũng đơn giản hơn. Nếu như trước đây họ phải chuẩn bị hàng tuần cho việc vẽ tranh và viết sớ, thì hiện nay các tranh ảnh thờ đã được ép nhựa để sử dụng nhiều lần và các tờ sớ đã được in theo một mẫu sẵn chỉ việc điền các thông tin cá nhân của người thụ lễ.
Thay đổi về quy mô tổ chức. Việc tổ chức ăn uống trong lễ cấp sắc đã giảm đi đáng kể, các gia đình khi làm lễ chỉ tổ chức một bữa cơm để mời anh em trong họ và những người hàng xóm đến giúp việc chứ không còn cả làng đến ăn uống vài ngày như ngày xưa nữa. Như vậy, lễ cấp sắc ngày nay đã có những biến đổi cho phù hợp với đời sống mới, việc giản tiện trong nghi lễ đã tiết kiệm được tiền của, thời gian và công sức cho các gia đình mà vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa của tộc người. Theo thầy cúng Đặng Văn Liên[7], người Dao Thanh Y cho biết: “Trước đây, một lễ cấp sắc thường tổ chức kéo dài 4 ngày 3 đêm. Thời gian kéo dài như vậy rất tốn kém cho gia chủ, bởi gia đình phải chuẩn bị lương thực cho họ hàng, bạn bè đến giúp, và thêm nhiều chi phí rất tốn kém. Ngày nay, thời gian làm lễ cấp sắc giảm đi rất nhiều, thường là 2 ngày 1 đêm”. Việc giảm thời gian làm lễ đã tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc cho gia đình người làm lễ, đây cũng là sự biến đổi phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Lễ cấp sắc là một trong những biểu hiện đặc trưng trong văn hóa của dân tộc Dao nói chung và người Dao ở xã Thanh Sơn nói riêng. Lễ cấp sắc được người Dao thực hiện một cách trang trọng, cầu kỳ và mang đậm màu sắc tôn giáo trong tâm thức của việc chuyển đổi vị trí xã hội của một đứa trẻ lên một vị trí mới. Nhìn chung, hiện nay lễ cấp sắc của người Dao ở xã Thanh Sơn về cơ bản các nghi lễ vẫn được tiến hành đủ theo các bước, nhưng trong từng nghi lễ đã có sự giản tiện làm cho thời gian của một lễ cấp sắc được rút ngắn. Nhiều thủ tục mang tính mê tín dị đoan cũng được hạn chế. Sự thay đổi này xuất phát từ một số nhân tố cơ bản tác động làm thay đổi nghi lễ cấp sắc. Đó chính là sự tác động từ chính sách, pháp luật, đây là nhân tố căn bản và sâu sắc nhất dẫn đến sự biến đổi nghi lễ cấp sắc của người Dao. Ngoài ra còn có sự tác động từ các nhân tố kinh tế, khoa học – kỹ thuật. Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các tộc người. Văn hóa tộc người luôn có sự biến đổi, thích ứng với môi trường biến đổi cũng như sự vận động của xã hội, những thay đổi trong nghi lễ cấp sắc của người Dao ở xã Thanh Sơn huyện Định Quán trong bối cảnh hiện nay là một hiện tượng tất yếu./.
Nguyễn Anh Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo cáo kết quả xây dựng Nông thôn mới năm 2018 của xã Thanh Sơn.
- Báo cáo Công tác dân tộc và thực hiện chính sách trên địa bàn xã Thanh Sơn năm 2019, ngày 7/8/2019.
- Bế Viết Đẳng (chủ biên/1996), Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế xã hội miền núi, Nxb Chính trị quốc gia và Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
- Chu Thái Sơn (2004), Người Dao, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Viện Dân tộc học, (1978), Các dân tộc ít người ở Việt nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb KHXH, Hà Nội.
- Lê Thị Ái Vân (2017), “Lễ cấp sắc của người Dao ở Đồng Nai”, Thông tin khoa học số 12, Bảo tàng Đồng Nai.
[1] Bảng thống kê các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Định Quán, của UBND huyện Định Quán năm 2013. Thanh Sơn có 604 hộ, 3.172 nhân khẩu; Phú Vinh có 78 hộ, 409 nhân khẩu; Phú Tân có 8 hộ, 28 nhân khẩu.
[2] Báo cáo kết quả xây dựng Nông thôn mới năm 2018 của xã Thanh Sơn.
[3] Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân xã Thanh Sơn tháng 6/2020.
[4] Thầy cúng Đặng Quý Anh sinh năm 1963, ấp 6 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán.
[5] Thực hiện các nghi thức và các nội dung: 1 Thỉnh báo tổ tiên; 2 Mời bà mụ đỡ đầu; 3 Cầu quần áo, vải vóc; 4 Nhảy gà; 5 Mời thần thánh, thực hiện ngoài trời; 6 Người làm lễ răn dạy chủ lễ; 7 Cầu an cho cuộc lễ; 8 Cầu vật nuôi; 9 Cúng rồng; 10 Cầu cây quả; 11 Cầu tài lộc cho gia chủ; 12 Mời thánh thần; 13 Cầu mạnh khoẻ; 14 Cầu an cho lễ hội; 15 Chuẩn bị xe ngựa; 16 Tiễn đưa tổ tiên; 17 Cúng thu quân.
[6] Bên ban Tam thanh thực hiện các nghi thức và các nội dung: 1 Thỉnh báo cõi âm; 2 Dạo nhạc – trống chiêng; 3 Cầu cho ngày lễ bình yên; 4 Mời tổ tiên cùng về; 5 Mời thần thánh, thực hiện ngoài trời; 6 Mời thuỷ tổ Bàn vương; 7 Bắc cầu với cõi âm; 8 Múa rồng; 9 Hóa rồng; 10 Cầu siêu thóat, thực hiện ngoài trời; 11 Sinh ra và cấp sấc phong, thực hiện ngoài trời; 12 Cầu hồn; 13 Cúng thổ địa táo quân; 14 Cầu tài, lộc; 15 Tắm cho tổ tiên; 16 Tiễn đưa tổ tiên về cõi âm.
[7] Thầy cúng Đặng Văn Liên sinh năm 1967, ấp 6 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán.