Lễ cúng Yang Bri (Thần Rừng) của người Chơ-ro ở Đồng Nai.
Nguyễn Thị Tuyết Hồng – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.
- Vài nét về tín ngưỡng truyền thống của người Chơ-ro
Cũng như các cộng đồng tộc người anh em khác, cộng đồng người Chơ-ro ở Đồng Nai theo truyền thống thờ đa thần, quan niệm mọi vật đều có linh hồn, kể cả các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, chớp… có liên quan mật thiết với nghề nông cổ truyền và tin vào sự chi phối con người của thế giới thần linh. Đây là tư duy tín ngưỡng nguyên thủy vạn vật hữu linh mà hầu như các dân tộc từ buổi đầu sơ khai quan niệm, ảnh hưởng, được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác và đó cũng chính là nguyên nhân của các kiêng kỵ và các lễ cúng tế. Người Chơ-ro quan niệm rằng có hai thế giới cùng song song tồn tại: thế giới thứ nhất là cuộc sống của con người, là vạn vật trên trái đất mà con người cảm nhận được; thế giới thứ hai là của quyền lực thiên nhiên, của ma quỷ, của các vị thần… Chính thế giới thứ hai mới thiêng liêng và quyết định cuộc sống của con người. Thầy Chang, bà Bóng là cầu nối giữa con người với các đấng thần linh.
Người Chơ-ro gọi thần linh là Yang. Do phát âm “Yang” thành “Nhang”, người Kinh gọi các lễ cúng thần của đồng bào là “tục ăn Nhang”. Hệ thống thần linh được thờ rất phong phú như: Yang Lúa (Yang Va), Yang Nhà (Yang Nhi), Yang Rừng (Yang Bri), Yang Suối (Yang Dal), Yang Rẫy (Yang Re)… và tổ chức nhiều lễ cúng như khi dọn rẫy mới, mở đầu mùa vụ, thu hoạch lương thực, cất nhà mới, bệnh tật, gia đình gặp nạn, lỡ vi phạm luật lệ cộng đồng… Đây là cách ứng xử với thần linh, họ kêu cầu sự cứu giúp hay cảm tạ sự chở che, nâng đỡ của các đấng thần linh. Người Chơ-ro quan niệm ma quỷ là do người ác lúc chết đi hóa thành. Trong số các ma quỷ người Chơ-ro ghét nhất là Ma Lai (Chaq). Ma Lai là người sống, sinh hoạt như người bình thường nhưng khi đêm đến hay đi gây ra những điều quái ác với những thành viên trong cộng đồng, gây nên những tai họa, bệnh hoạn… Nếu trong làng có người bị cho là Ma Lai thì sẽ bị cộng đồng xa lánh, giết chết.
Trong các loại Yang, người Chơ-ro xem trọng nhất là Yang Nhà, Yang Lúa, Yang Rừng. Đây là những thần linh có tác động trực tiếp và gần gũi trong cuộc sống của họ. Yang Nhà được xem là chủ thể nuôi mạng sống, che chở cho gia đình, dòng họ vì vậy trong bất kỳ lễ cúng nào cũng đều trình qua Yang Nhà trước. Yang Nhà được cúng vào mọi thời điểm trong năm. Yang Rừng thường được cúng vào đầu năm, trước mùa mưa. Lễ cúng Yang Lúa được tiến hành theo định kỳ trong năm, khi đã thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu mùa vụ mới, thường vào khoảng tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng và để lại những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp của người Chơ-ro.
- Lễ cúng Yang Bri (Thần Rừng)
Đồng bào Chơ-ro còn có tên gọi khác cho lễ cúng Thần Rừng là “lễ cúng Miễu”. Vì sao lại có tên gọi như vậy? Theo lời các già làng và những bậc cao niên thì tên gọi này đã có từ rất lâu và đã thành thói quen của đồng bào khi nói đến lễ cúng Yang Bri. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù thường xuyên bị địch ruồng bố, bắn phá nhưng đồng bào vẫn tổ chức lễ cúng Yang Bri. Những cán bộ, chiến sĩ cách mạng người Kinh thấy một số nội dung, nghi trình thực hiện lễ cúng giống như hình thức cúng đình, miễu của người Kinh nên gọi là lễ cúng Miễu. Dần dà đồng bào cũng sử dụng thêm cách gọi này trong khi tổ chức lễ cúng Thần Rừng.
Tục cúng Yang Bri được tiến hành trong nhiều ngày, nhiều người tham dự, rất tốn kém về thời gian, công sức cũng như tiền của nên đòi hỏi sự tham gia, đóng góp của cả cộng đồng. Để tổ chức lễ được chu đáo, thông thường đồng bào phải lập ra một Ban Tổ chức lễ do già làng làm chủ trì, các thành viên là những người cao tuổi có kinh nghiệm, uy tín, vai vế trong làng, dòng họ. Nhiệm vụ của Ban Tổ chức là phân công, vận động bà con trong làng, trong dòng họ đóng góp công sức, tiền bạc, thóc gạo, gia súc…, chọn địa điểm tổ chức, phân công, phân việc cụ thể cho từng cá nhân và chịu trách nhiệm về tổ chức nghi lễ.
* Các bước chuẩn bị lễ cúng Yang Bri
Theo truyền thống, đồng bào Chơ-ro tổ chức lễ cúng Thần Rừng vào tháng giêng âm lịch hàng năm, là lễ cúng đầu tiên trong năm để chuẩn bị cho mùa vụ mới, là nghi thức “mở cửa rừng” để bắt đầu cho việc dọn phát rẫy cũng như tìm kiếm, khai thác các nguồn lương thực, thực phẩm từ rừng phục vụ cho nhu cầu đời sống của đồng bào. Lễ cúng ngoài mục đích cám ơn Thần Rừng đã giúp bà con trong năm vừa qua nhưng quan trọng hơn là cầu mong Thần Rừng trong năm mới này phù trợ cho bà con trong làng không bị dịch bệnh; không bị thú dữ tấn công, phá phách hoa màu, lương thực, làng buôn; phù hộ cho dân làng chọn được rẫy tốt; khi chặt cây, dọn rẫy không bị cây đè; cho may mắn khi đi săn bắn thú rừng… Lễ cúng được tổ chức 1 lần trong năm, tuy nhiên nếu trong năm có xuất hiện bệnh dịch hoặc xảy ra những vấn đề nghiêm trọng (thú rừng bắt người ăn thịt, phá làng buôn…) thì người dân trong làng sẽ tổ chức cúng rừng lần thứ hai, thứ ba, chưa hết lại cúng tiếp.
Địa điểm thường chọn một cây da cổ thụ, có bóng mát, vắng người, rộng rãi và chỗ chọn phải nằm ở phía dưới con suối chảy qua làng, tuyệt đối không được cúng phía trên dòng nước chảy về làng vì đồng bào quan niệm những điều xui rủi, không tốt sẽ được thả xuống dòng suối để sẽ theo dòng nước trôi đi, nếu cúng phía trên dòng suối thì những điều không tốt vẫn còn trú ngụ trong làng và gieo nên những việc xấu cho mọi người.
Theo truyền thống, để chuẩn bị cho lễ cúng Thần Rừng, già làng tổ chức họp các thành viên trong làng để bàn việc tổ chức. Trước đó nhiều tháng đã phân công cho 1 gia đình thành viên trong làng chịu trách nhiệm trong việc nuôi một con heo (heo cỏ), gà và ủ ché rượu để làm lễ vật chính trong buổi cúng. Việc này có tính chất luân phiên theo từng năm, lần lượt các thành viên trong làng đều phải tham gia, trường hợp gia đình được giao chuẩn bị vật hiến sinh trong năm gặp khó khăn thì báo trước với già làng chọn gia đình khác và xin khất sang năm sau sẽ tham gia. Trước lễ cúng vài ngày, thanh niên trai tráng trong làng đến nơi tổ chức lễ cúng dọn dẹp sạch sẽ sân lễ, đồng thời chặt gỗ, tre, mây, tranh… dựng thành láng trại và bàn bày lễ vật ngay cạnh cây da cổ thụ để già làng thực hiện nghi thức cúng. Bàn lễ được làm thành dãy dài khoảng 2-3m, cao khoảng 1,5m; bàn chính (ở giữa) cao hơn hai bàn phụ đặt ở hai bên khoảng 20cm. Đây là nơi dành đặt những lễ vật mà bà con trong làng đem dâng cúng Yang Bri. Những người lớn tuổi hơn thì làm những hình tượng con thú như trâu, bò, ngựa, dê…, hình người bằng tàu chuối, làm một xe trâu bằng gỗ hoặc bằng đất và dùng thân cây chuối rừng đóng thành bè đặt sẵn cạnh bờ suối. Những người phụ nữ thì chuẩn bị nồi, các vật dụng phục vụ cho công việc hậu cần.
Tùy gia cảnh, điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình dâng cúng cũng như đóng góp cho buổi lễ, không bắt buộc hoặc quy định cụ thể. Thông thường là một đĩa xôi và một con gà, ché rượu, gạo nếp… Vật cúng được bày lên bàn lễ, sau khi cúng xong thì mang xuống để cộng đồng cùng chung vui.
Các làng lân cận, bà con ở những làng khác cũng được mời đến dự. Tuy nhiên khách mời phải đến trước lúc bắt đầu thực hiện nghi trình cúng vì đến thời điểm cúng cổng làng được rào lại và sẽ không cho ai ra vào làng nữa. Khi đã xong lễ cúng, cổng làng được mở lại và người ngoài mới được phép vào làng.
* Nghi trình hành lễ
Già làng là người thực hành chính nghi thức cúng cùng với sự tham gia của một số bậc cao niên, có uy tín trong làng. Lễ vật cúng chủ yếu gồm có:
+ 01 con heo nặng từ 40kg trở lên.
+ Khoảng 10 con gà.
+ 01 ché rượu cần.
+ 01 cặp đèn sáp.
+ 01 chén vỏ cây chùm hum.
Vật dụng cúng bao gồm: Bó mun (bó lồ ô), 01 bẹ chuối làm thành thuyền, 01 xe trâu (mô phỏng) làm từ đất hoặc gỗ; các vật hình trâu, bò, dê, người…
Già làng sẽ đọc văn khấn cúng trước, sau đó đến những người già và thanh niên trong làng.
Nội dung lời khấn: Cầu cho mưa thuận gió hòa; dân trong làng không bị bệnh hoạn; xua đuổi tà ma ác quỷ; cầu cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt; xua đuổi cọp beo; làm rẫy không bị cây đè… , hôm nay dân làng làm lễ mời Thần Rừng, Thần Sông, Thần Suối… về dự, chứng giám lòng thành của buôn làng. Mong các thần cho dân làng sức khoẻ, làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, săn bắn được nhiều thú, nhiều chim, có của dư của để…
Kết thúc lễ cúng các lễ vật được chia làm hai phần:
Một phần thả xuống suối: Bó mun được kết thành bè, trên bè là chiếc thuyền làm từ bẹ chuối. Trên thuyền đặt các lễ vật sau: 01phần đầu heo, thịt gà, rượu cần, chén vỏ cây chùm hum và một cây đèn sáp. Tất cả được thả trôi theo dòng suối. Với ý nghĩa là thả những gì xui xẻo, bệnh tật, không may mắn theo dòng nước trôi đi.
Phần còn lại cùng với chiếc xe trâu làm từ đất hoặc gỗ và cũng bao gồm các lễ vật như phần thả xuống suối được già làng giao cho 3 thanh niên mang bỏ sâu vào trong rừng.
Khi kết thúc nghi lễ dân làng tổ chức ăn uống tại địa điểm cúng. Vật cúng phải ăn uống cho hết tại sân lễ, không được mang về nhà.
- Hiện trạng lễ cúng Yang Bri
Qua thời gian dài lễ cúng Thần Rừng bị mai một. Trước năm 1954 đồng bào tổ chức thường xuyên hàng năm. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do cuộc sống khó khăn, bà con chạy giặc nhiều nơi, không ổn định nơi ở, bị gom vào các ấp chiến lược… nên ít khi tổ chức. Những năm sau ngày thống nhất đất nước thỉnh thoảng bà con có tổ chức lễ cúng Thần Rừng, tuy nhiên khoảng 20 trở lại đây không còn thực hiện nữa, mà cúng gộp chung với các lễ khác như lễ cúng Thần Lúa. Việc không tổ chức lễ cúng Yang Bri do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do môi trường sống đã có nhiều thay đổi, đồng bào sống định canh định cư, làm ruộng lúa nước, không gian rừng bị thu hẹp, cuộc sống không còn phụ thuộc hoàn toàn vào rừng, gia nhập tôn giáo mới, con cháu ra khỏi cộng đồng đi lập nghiệp… Tuy nhiên trong tâm thức của đồng bào vẫn luôn nhớ và hoài niệm về lễ cúng truyền thống độc đáo này của cộng đồng dân tộc mình.
Những năm gần đây, lễ cúng Yang Bri được đồng bào Chơ-ro ở một số địa phương như Phước Bình (huyện Long Thành); Hàng Gòn (thành phố Long Khánh)… khôi phục thực hiện tuy có giản lược hơn so với truyền thống. Tuy nhiên đã thu hút đông đảo bà con Chơ-ro ở các địa phương trong tỉnh đến tham dự và hưởng ứng nhiệt thành.
Lễ cúng Yang Bri (Thần Rừng) thể hiện sự gắn bó giữa đồng bào Chơ-ro với rừng núi thiên nhiên nơi họ sống. Họ mơ ước có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh. Cầu cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi tà ma ác quỷ, dịch bệnh. Đây là một trong những lễ quan trọng đối với đồng bào Chơ-ro khi cuộc sống của họ dựa hoàn toàn vào rừng; thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng. Lễ cúng Thần Rừng cũng là dịp bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với vị thần đã ban cho họ những sản vật trong năm qua.
Việc sưu tầm, khôi phục và bảo tồn lễ cúng Yang Bri (Thần Rừng) – nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Chơ-ro rất cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành có liên quan, cần sự góp sức chung tay của toàn xã hội. Cần tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ biết và tự hào về truyền thống ông cha, không để mai một đi nét đẹp văn hóa độc đáo của cộng đồng mình./.