Dưới thời Pháp thuộc, Mộ Cự Thạch Hàng Gòn nằm trên phần đất của công ty cao su Xuân Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hòa. Hiện nay, tọa lạc tại địa phận nông trường Cao su Hàng Gòn thuộc ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, thành phố Long khánh, tỉnh Đồng Nai. Kể từ khi phát hiện năm 1927 do kỹ sư người Pháp Jean Bouchot khi đang chủ trì công trình mở đường số 2 từ tỉnh Long Khánh cũ đi Bà Rịa – Vũng Tàu (nay là quốc lộ 56), Jean Bouchot chính thức khai quật từ ngày 14.4 đến 16.5 năm 1927 với hy vọng có thể tìm thấy các đồ vật có giá trị hiện kim vàng, kết quả cuộc khai quật này được ông Bouchot công bố đầu tiên và mô tả nhiều lần (năm 1927, năm 1929). Sau đó, H. Parmentier – Chủ sự Sở khảo cổ Đông Dương Service Archéologie de L, Indochine – cũng đã tỏ ra quan tâm đặc biệt với 3 lần viếng thăm mộ Cự Thạch Hàng Gòn. Ông mô tả rất kỹ và chi tiết về kích thước, hình dạng các bộ phận của công trình.
Sau công bố của ông Bouchot và mô tả của Parmentier (1929), mộ Cự Thạch Hàng Gòn đã nhanh chóng được mọi người biết đến và trở thành đề tài mới mẻ hấp dẫn các nhà khảo cổ trên thế giới như H. Gaspardone trên tờ báo Ấn Độ (Journal Greater InDia Social Caltutta N.1955), H. Loffs (1961), L. Malleret (1963) N. Saurin (1963). Nhiều ý kiến cũng như giả thiết về niên đại, chủ nhân đặt ra xung quanh mộ Cự Thạch được bàn cãi sôi nổi.
Qua so sánh phân tích, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phán đoán cho rằng, chủ nhân của mộ Cự Thạch là một nhân vật quyền uy, là thủ lĩnh của một bộ lạc hay liên minh các bộ lạc hùng mạnh về kinh tế và quân sự, niên đại của di tích được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên. Với thời đại ấy, chắc chắn rằng phải bằng sức mạnh đoàn kết và sức sáng tạo những cư dân cổ mới có thể thực hiện được công trình này. Bởi nguồn nguyên liệu và kích cỡ của loại đá dùng cho việc thực hiện công trình này hoàn toàn không có ở Đồng Nai. Việc vận chuyển những tảng, trụ đá lớn đòi hỏi những kỳ công và cách thức nâng dựng, ý tưởng công trình phản ánh sự sáng tạo vượt bậc của con người cổ.
Trong hệ thống Cự Thạch phát hiện ở Việt Nam và Đông Nam Á, Mộ Cự Thạch Hàng Gòn được đánh giá có kích thước lớn nhất (Dolmen) và được lắp dựng khá kỳ công. Mộ cổ có kiến trúc gồm hai hàng trụ đá bao quanh một hầm mộ, có 10 trụ đá cao từ 2,5 – 3m, hầm mộ có dạng hình hộp kích thước 4,2 x 2,7m và cao 1,6m. Nét đặc biệt của ngôi mộ cổ là được ghép bởi những tấm đá hoa cương nặng hàng tấn, riêng nắp mộ ước tính khoảng 10 tấn, có nhiều phiến đá lớn bằng phẳng, xếp cân đối, tinh vi, khoa học, biểu trưng cho nền văn minh của người xưa. Liên kết giữa các tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh rọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương dài khoảng 7,5m, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m x 0,3m, phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
Qua tiếp cận, các nhà nghiên cứu nhận định, trong diễn trình lịch sử và mối quan hệ với các nền văn hóa khác của khu vực, Mộ Cự Thạch Hàng Gòn đánh dấu một mốc quan trọng vào sự phát triển lịch sử xã hội lúc bấy giờ. Đó là sự nhận thức của con người về vũ trụ, về quy luật sinh tồn và cuộc sống sau cái chết, là một minh chứng cho trình độ phát triển của tư duy cư dân cổ Đồng Nai về kỹ thuật và gia công chế tác, tạo dựng kiến trúc mộ táng.
Mộ Cự Thạch Hàng Gòn được trường Viễn Đông Bác cổ xếp hạng vào năm 1928 và ghi vào danh mục các di tích lịch sử Đông Dương “ Mộ Đông Dương – mộ Dolmen Hàng Gòn, Xuân Lộc, Biên Hòa ”.
Xác định được tầm quan trọng và giá trị độc đáo, tiêu biểu của di tích, năm 1984 Bộ Văn hóa đã xếp hạng Mộ Cự Thạch Hàng Gòn là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Tiếp đó năm 2015, Chính phủ lại ra Quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, Mộ Cự Thạch Hàng Gòn nhiều bí ẩn chưa có lời giải, đặc biệt là hình thức kiến trúc nhà mộ lắp dựng như thế nào bởi các chi tiết đá còn lại chưa đủ để dựng một ngôi mộ dạng như vậy, việc khớp nối các cột đá ổn định trong tư thế dựng đứng là vấn đề không hề đơn giản và hệ thống móng để giữ yên vị trí các cột đá hiện không phát hiện ở di tích, việc vận chuyển các khối đá đến Hàng Gòn để chế tác và lắp dựng như thế nào? Quả là không hề dễ tìm ra câu trả lời cuối cùng.
Song song với việc nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích, việc bảo tồn Mộ Cự Thạch Hàng Gòn cũng được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương hết sức quan tâm với quy mô và cách thức khác nhau. Đợt tu bổ đầu tiên vào năm 1992 dưới sự chủ trì của Bảo tàng Đồng Nai với phạm vi thực hiện là 1.400m2, cơ bản đã bảo vệ được hầm mộ và các cấu kiện trụ đá. Tiếp đó, năm 2011 dưới sự chủ trì của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Đồng Nai, (nay là Bảo tàng Đồng Nai trực thuộc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tiến hành lập dự án trùng tu, tôn tạo lại toàn bộ di tích với quy mô diện tích lên đến hơn 34.000m2. đầu tư kinh phí lên trên 20 tỷ đồng bao gồm các hạng mục: Nhà bao che hầm mộ, nhà trưng bày, nhà điều hành, nhà vệ sinh, khu chế tác đá, di dời và xây miếu thờ Ông Đá, xây hạng mục cổng, tường rào, nhà bảo vệ, sân đường nội bộ… Dự án được triển khai năm 2010, hoàn thành vào năm 2015 tạo nên diện mạo khang trang và bước đầu đáp ứng yêu cầu công tác phát huy giá trị di tích. Từ đó đến nay, di tích đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Khu di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn đang là điểm khai thác du lịch lý tưởng với nhiều tiềm năng về di tích – lịch sử văn hóa cổ xưa, là nơi hội tụ các giá trị khảo cổ học, phát triển du lịch tâm linh, các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí tại di tích hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu. Đây cũng là điểm đến mới, giúp hoàn thiện tuyến du lịch Long Khánh – Xuân Lộc đưa các điểm du lịch liên kết với nhau, đa dạng các tour và điểm du lịch nhằm phục vụ nhiều đối tượng du khách. Đặc biệt đối tượng khách là những nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà khảo cổ học…
Theo Quyết định số 39 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án Phân cấp quản lý di tích – danh thắng xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, di tích Khảo cổ học Mộ Cự Thạch Hàng Gòn đã được phân cấp cho UBND thành phố Long Khánh quản lý và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, do quy mô của di tích khá lớn, việc thiếu nhân sự hoạt động dẫn đến việc quản lý, khai thác gặp rất nhiều khó khăn, chưa phát huy hết được tiềm năng di tích. Cơ sở hạ tầng để khai thác phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Vì thế, cần phải có bộ máy quản lý trực tiếp tại di tích.
Một số giải pháp để khai thác di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn:
– Nên thành lập Ban Quản lý di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn để đáp ứng các yêu cầu hiện nay của di tích phù hợp nội dung Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7/2001 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Xây dựng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thân thiện, chuyên môn cao (ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung …) đáp ứng nhu cầu hướng dẫn, giới thiệu cho du khách và đại biểu khi tham quan.
– Trang bị thêm hệ thống tủ, bục, máy chiếu, hệ thống âm thanh… sắp xếp lại các hình ảnh, hiện vật khai quật qua các đợt thám sát, trưng bày có hệ thống, trình tự khoa học, logic nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin các hiện vật đến du khách khi tới tham quan một cách hợp lý.
– Triển khai đề án khai thác di tích có lộ trình trong đó có quy hoạch cụ thể các khu vực tổ chức hoạt động văn hóa và các cơ sở dịch vụ. Hiện nay, phần lớn các khu du lịch, tín ngưỡng đều có các quầy hàng bán sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương quảng bá đến du khách khi tham quan đồng thời mở các quầy ăn, thức uống bởi vì khi du khách đi tham quan nhu cầu ăn, uống, mua sắm là không thể thiếu, hiện tại các dịch vụ này ở đây chưa có, không đáp ứng nhu cầu khách tham quan. Trong khi về mặt giá trị của di tích là rất lớn, các khu dịch vụ ở đây chưa tương xứng để phục vụ khách tham quan.
– Đẩy mạnh công tác tuyện truyền, quảng bá di tích bằng cách phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, cần có chiến lược quảng bá sâu rộng tiềm năng di sản, mở rộng hợp tác với các công ty du lịch, lữ hành, các trung tâm xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút ngày một đông du khách tới tham quan.
– Cần lắp đặt trang thiết bị Wifi trong khu di tích để mỗi lần du khách tới tham quan có thể truy cập thêm thông tin, và chia sẻ những khoảnh khắc khi họ đi du lịch, trải nghiệm nơi đây.
– Đề xuất chính quyền địa phương mạnh dạn xin ý kiến các Sở, ban ngành nên đưa một số lễ hội của đồng bào Chơro tại địa phương vào tổ chức tại di tích Mộ Cự Thạch Hàng Gòn nhằm quảng bá thêm về di tích, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời thu hút du khách tới tham quan./.
Lê Văn Đức