1. Vài nét về di tích đình Tân Lân
Nằm cạnh dòng sông Đồng Nai hiền hòa, thơ mộng, ngôi đình Tân Lân đã tồn tại hàng trăm năm, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử tại vùng đất này. Đình Tân Lân hiện nay tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, được Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật năm 1991.
Tương truyền, ban đầu đình chỉ là ngôi miếu nhỏ do người dân thôn Tân Lân dựng lên từ thời Minh Mạng (1820 – 1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên Đô đốc Trần Thượng Xuyên. Nhân dân đã lấy tên làng “Tân Lân” đặt tên cho đình. Sau hai lần dời chuyển, nâng cấp vào năm 1861, 1906, ngôi miếu nhỏ được người dân sở tại xây dựng thành ngôi đình ở vị trí như hiện nay.
Đình có diện tích 673m2, bộ khung sườn bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, ống ngõa màu lưu ly, diềm gắn lá đề – vật liệu chuyên được sử dụng cho kiến trúc tôn giáo thế kỉ XVIII – XIX của người Hoa. Mặt bằng tổng thể kiến trúc của ngôi đình được bố trí theo kiểu chữ Tam gồm: tiền đình, chánh điện, nhà khách nối tiếp nhau. Đối xứng hai bên tả, hữu là miếu thờ Bà Ngũ Hành, thờ Ông Đá. Xung quanh có hàng rào bảo vệ xây bằng gạch khá vững chắc.
Mặt chính của đình quay về hướng Tây Nam, đón gió lành từ sông Đồng Nai. Đây là một công trình nghệ thuật đặc sắc, trên nóc mái có hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thể hiện các đề tài cổ điển phương Đông một cách sinh động như: bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, diễn võ đài, cảnh bái triều rước xách, tiễn đưa, diễn hí tấu nhạc, vinh qui bái tổ, xét xử tội nhân nơi địa ngục, thiên đình nơi hội triều…. Trên hai đầu đao còn có tượng ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ. Trên nóc chánh điện có lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, như ý. Bên trong tiền đình, trên các xà ngang được chạm trổ các đề tài dơi, đào, hoa, lá biểu trưng cho phước thọ, trường tồn.
Từ ngoài nhìn vào, ta thấy toát lên vẻ uy nghi, bề thế của ngôi đình. Các hoành phi, liễn đối khắc bằng chữ Hán, sơn son, thếp vàng rực rỡ treo trên thân cột và xà ngang theo chiều dài khu chánh điện được chạm trổ tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao với đề tài hoa điểu, tứ linh, tứ quí tượng trưng cho hạnh phúc, phồn vinh, tước lộc, công hầu theo phong tục của người phương Đông. Tượng Đức Ông Trần Thượng Xuyên được đặt trên hương án trang trọng nơi chánh điện cùng sự hiện diện áo mão của ông. Bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính trước bàn thờ thần làm tăng thêm sự trang nghiêm nơi thờ tự. Đặc biệt, hiện nay đình còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên (1852) ban cho Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên. Hàng năm, vào ngày 23/10 âm lịch, đình tổ chức lễ hội Kỳ yên, cũng là ngày lễ trọng thu hút đông đảo người dân không kể Hoa, Việt qui tụ về dâng hương cầu an, cầu phước.
2. Khai thác giá trị di tích gắn với du lịch
Đình Tân Lân và những giá trị vật thể, phi vật thể ẩn chứa trong đó là một trong những khía cạnh cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa. Nằm trên tuyến du lịch đường sông Đồng Nai, lại ở vị trí đắc địa trung tâm thành phố Biên Hòa, cách UBND tỉnh khoảng 500m về phía tây bắc, cùng với các điểm du lịch văn hóa như Danh thắng Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đền thờ Nguyễn Tri Phương, chùa Ông, đình An Hòa, …. đình Tân Lân sẽ trở thành tour du lịch hấp dẫn đối với du khách trong hành trình tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có những hành động thiết thực để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích này.
Từ thực trạng hoạt động của di tích thời gian qua, để bảo tồn và khai thác tốt hơn giá trị di tích đình Tân Lân gắn với phát triển du lịch, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:
+ Tăng cường quảng bá, tiếp thị điểm đến di tích. Để phát huy một cách hiệu quả những giá trị của di tích cho phát triển du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá những thông tin về giá trị của di tích đến đông đảo nhân dân là một yếu tố quan trọng cần được chú trọng hàng đầu. Cần kết hợp giữa đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến. Hiện nay, tại di tích chưa có các ẩn phẩm du lịch dưới dạng tờ gấp hoặc các sách chuyên khảo, hệ thống hình ảnh, băng đĩa,… để giới thiệu với khách du lịch về các giá trị của di tích nơi đây. Quảng bá di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu di tích, đưa di tích đên ngành công nghiệp du lịch. Trong quảng bá xúc tiến về di tích cần nhấn mạnh nét đặc trưng của di tích và thông tin, quảng bá bằng nhiều hình thức khác như: tổ chức sự kiện, hội thảo, viết, đưa tin bài, hình ảnh về di tích đình Tân Lân trên báo chí, ấn phẩm của tỉnh, của ngành, gửi đăng ở các tạp chí du lịch….
+ Tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ di tích cho du khách và cộng đồng địa phương. Huy động nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Quan tâm bao tồn các giá trị vật thể và phi vật thể trong di tích để tăng tính hấp dẫn của điểm đến…
+ Xây dựng đội ngũ thuyết minh đủ về số lượng và chất lượng cho di tích, tránh tình trạng thuyết minh chưa đúng nội dung của di tích. Nâng cao năng lực chuyên môn cho thuyết minh, phục vụ tốt việc đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước, quảng đại quân chúng nhân dân, các đối tượng học sinh, sinh viên, đến nghiên cứu, tham quan, học tập tại di tích. Điều cần thiết là chủ động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn một cách chuyên nghiệp. Thuyết minh viên phải có trình độ ngoại ngữ để phục vụ khách du lịch quốc tể.
+ Đối với những đoàn khách đi theo tour do các công ty du lịch tổ chức thì cỏ hướng dẫn viên theo đoàn nhưng các hướng dẫn viên này cũng chỉ nắm thông tin một cách khái quát mà không am hiểu sâu sắc các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Vì vậy, muốn truyền đạt các thông tin về di tích đình Tân Lân đến du khách một cách hấp dẫn, đầy đủ và sâu sắc thì cần hình thành và phát triển hướng dẫn viên du lịch tại di tích. Đồng thời, đội ngũ hướng dẫn viên này cũng có nhiệm vụ thiết kế các điểm du lịch trên địa bàn và kết nối với các điểm du lịch lân cận một cách đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
+ Cần nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách để đẩy mạnh khai thác trong du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào phát triển du lịch, cần chú trọng đầu tư các công trình phục vụ khách du lịch tại điểm di tích để phục vụ du khách được tốt hơn.
+ Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu di tích. Để đảm bảo tính bền vững của môi trường tự nhiên và văn hóa tại di tích, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích liên quan đến cả cảnh quan tự nhiên. Phát triển du lịch cũng cần phải quan tâm tới sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, cảnh quan, môi trường… Hoạt động du lịch giúp bảo tồn di tích chứ không phải là đe dọa, gây tác hại cho di tích.
Du lịch ngày nay đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống xã hội, làm cho đời sống xã hội ngày càng phong phú, lý thú và bổ ích hơn. Vả trong phát triển du lịch, việc khai thác giá trị di tích đình Tân Lân nói riêng, các di tích ở Đồng Nai nói chung một cách hợp lý là một trong những thành tố quan trọng không thế nào thiếu được./.
Đinh Hồng Sơn
Tài liệu tham khảo
- Hồ sơ khoa học di tích đình Tân Lân – Bảo tàng Đồng Nai
- http://www.ttxtdldongnai.vn/