1. Vài nét về người Mạ ở Đồng Nai
Người Mạ ở Việt Nam thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Đồng Nai. Dân tộc Mạ được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Chau Mạ (Chau: người, Mạ: tên tộc người), Chê Mạ, Mạ Ngan (Ngan chính là dòng), Mạ…
Ở Đồng Nai, người Mạ có hơn 596 hộ với 2896 nhân khẩu, xếp thứ 7/33 dân tộc[1]. Người Mạ sinh sống tập trung ở một số xã, thị trấn của các huyện Định Quán (thị trấn Hiệp Nghĩa, xã Gia Canh, xã Phú Tân…) và huyện Tân Phú (xã Tà Lài, xã Thanh Sơn, xã Phú Sơn…). So với người Mạ tại những địa bàn khác, người Mạ ở Đồng Nai dù dân số không đông nhưng lại có vốn văn hóa độc đáo, nổi bật và thể hiện bản sắc đặc trưng trong cộng đồng. Trong những nét văn hóa của người Mạ thì trang sức truyền thống khá đa dạng, phong phú và tiểu biểu.
2. Một số trang sức đặc trưng của người Mạ
Trang sức của người Mạ chủ yếu tập trung ở nữ giới như: khuyên tai ngà voi, dây đeo cổ bằng hạt cườm nhiều màu sắc, vòng đeo cổ, vòng đeo tay, vòng đeo chân… Nam giới đeo đồ trang sức đơn giản hơn và thường mang tính chất mạnh mẽ, thể hiện tài săn bắt cũng như thể hiện sức mạnh của cá nhân. Đồ trang sức của nam giới thường có: vòng đeo cổ, vòng đeo chân bằng kim loại, dây đeo cổ được kết từ nhiều chiếc răng cọp.
Nữ giới thường mang ở cổ những chuỗi hạt cườm có nhiều màu sắc bên cạnh những chiếc vòng đồng. Nam nữ đều thích mang nhiều vòng đồng ở cổ tay có những ngấn khắc chìm, đó là ký hiệu ghi nhận của các lễ hiến sinh tế thần linh mong cầu may cho chính mình.
Khuyên tai ngà voi
Cũng như các dân tộc bản địa ở Đồng Nai, xưa kia người Mạ xem trang sức bông tai bằng ngà voi là đẹp nhất và có giá trị nhất. Một đôi bông tai ngà voi có thể đổi ngang với một con trâu có sừng dài hoặc một chiếc ché cổ.
Trang sức khuyên tai bằng ngà voi của người Mạ còn gắn liền với tục “cà răng, căng tai”. Họ đeo nhiều vòng trang sức như đôi vòng hoặc bông tai cỡ lớn bằng đồng, ngà voi hoặc bằng gỗ hay những khoanh rứa (kar) vàng. Lỗ tai càng rộng thì càng đẹp và được nhiều người, nhất là nam giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tập quán này không còn phù hợp với chuẩn mực cái đẹp của xã hội hiện đại nên đã mờ nhạt dần theo thời gian. Hiện nay tục này không còn nữa, song trong cộng đồng người Mạ ở Đồng Nai vẫn còn nhiều người già có những vành tai rất rộng bởi vì đã từng đeo những vòng to bằng gỗ hay ngà voi ở lỗ tai.
Chuỗi hạt cườm
Chuỗi hạt cườm là trang sức được phụ nữ Mạ đeo phổ biến nhất, nó kết hợp với trang phục và các trang sức khác giúp họ trở nên xinh đẹp và lộng lẫy hơn. Trước đây vòng được làm bằng cách xâu chuỗi từ những hạt cườm bằng đá, hay các hạt cây rừng. Tuy nhiên hiện nay, vòng chuỗi này được làm từ những hạt cườm thủy tinh, nhựa công nghiệp do đồng bào mua về rồi tự tay xâu chuỗi lại, nhưng vẫn đảm bảo về màu sắc truyền thống với năm gam màu chủ đạo là trắng, đen, đỏ, vàng, xanh tượng trưng cho trời, đất, con người mà họ quan niệm. Những chuỗi có hình dáng, kích thước lớn nhỏ khác nhau như hạt lớn hình bầu dục, các hạt nhỏ hình tròn tiết diện dẹt và xâu chuỗi theo một mô – típ (motif) màu xen kẽ nhất định, tạo sự hài hòa, đẹp mắt cho vòng.
Người Mạ quan niệm về màu sắc rất độc đáo: màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời từ lúc sinh ra cho đến lúc chết con người đều gắn bó; màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, ý chí vươn lên của một con người; màu xanh là màu của trời, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Qua việc phối màu trên trang phục, trang sức cũng như các sản phẩm thủ công khác, chúng ta có thể hiểu người Mạ đang mong muốn điều gì; đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu thêm về nét văn hóa ăn, ở, mặc của đồng bào.
Vòng đeo chân
Vòng đeo chân là một trong những trang sức phổ biến nhất, xưa kia hầu hết người phụ nữ Mạ nào cũng có. Vòng đeo chân là trang sức truyền thống của nữ giới dân tộc Mạ, với những đường nét hoa văn, gam màu mang nét đặc trưng thể hiện quan niệm thẩm mỹ của cộng đồng dân tộc này.
Vòng đeo chân được làm bằng chất liệu đồng, màu vàng, có dạng như chiếc lò xo nhỏ dần xuống cổ chân. Vòng được thiết kế dạng ôm vừa bắp chân. Vòng đồng được quấn thành một ống dài để đeo trên ống chân. Loại vòng này khác lạ so với những chiếc vòng thông thường.
Ông K’ De – già làng dân tộc Mạ ở huyện Định Quán nói về cách đeo chiếc vòng vào chân: “Chiếc vòng đeo chân này nguyên là sợi dây đồng dài, khi đeo thì có người khéo tay giúp quấn vòng tròn theo ống chân. Chiếc vòng chân thường dài hơn, phải từ mắt cá lên đến tận đầu gối. Phía trên đầu gối còn đeo thêm hai bên hai chiếc vòng lẻ, khi đi lại, chiếc vòng này sẽ chạm vào chiếc vòng dài tạo nên một tiếng nhạc leng keng nhẹ nhàng, nghe rất vui tai. Chiếc vòng dài ở tay thì có thể lấy ra dễ dàng hơn, còn chiếc vòng dài dưới chân thì luôn ở bên chủ nhân nó mọi nơi mọi lúc. Giá trị của vòng chân bằng đồng ngày xưa thường đổi bằng một bằng một con heo to”.
3. Bảo tồn và phát huy trang sức dân tộc Mạ
Trang sức giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mạ ở Đồng Nai, bởi nó làm tôn lên vẻ đẹp hình thể con người, nhất là với người phụ nữ. Theo quan niệm của người Mạ, vẻ đẹp đó vừa đảm bảo được yếu tố tạo dáng, vừa có nét thẩm mỹ bằng những họa tiết hoa văn không quá sặc sỡ, nhiều màu sắc, hài hòa, độc đáo, phù hợp với môi trường và điều kiện sống. Quan trọng hơn, những trang sức đó phải do chính bàn tay khéo léo của phụ nữ Mạ làm nên.
Trang sức ngoài làm đẹp, làm sang còn liên quan rất nhiều đến văn hóa, lễ hội, phong tục của các tộc người. Trong luật tục, cưới hỏi, khuyên tai ngà voi, chuỗi hạt cườm, vòng tay, vòng chân,… luôn là kỷ vật trao đổi, cam kết, ghi nhớ, như một biểu tượng cho lòng tin, sự thủy chung son sắt. Do vậy, tục trả của trong hôn nhân người Mạ không thể thiếu những trang sức truyền thống.
Với những giá trị nêu trên, trang sức truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai cần được các cấp, các ban ngành địa phương, của tỉnh quan tâm, ban hành những chính sách nhằm bảo tồn và phát triển. Khuyến khích đồng bào mặc trang phục và đeo trang sức truyền thống trong các ngày lễ, tết của cộng đồng. Bảo tàng Đồng Nai nên chú trọng công tác sưu tầm hiện vật là trang sức nhằm tạo thành bộ sưu tập mang đậm dấu ấn cội nguồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai./.
Trương Thị Nguyên Hiền
Tài liệu tham khảo
- Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng (2007), Văn hóa người Mạ ở Đồng Nai, Nxb. Văn hóa Thông tin.
- Nhiều tác giả, (2001), Địa chí Đồng Nai, tập V (Văn hóa xã hội), Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, trang 678.
- Trương Thị Nguyên Hiền. Tài liệu điền dã sưu tầm trang sức, trang phục dân tộc Mạ ở huyện Định Quán, năm 2019 – 2020.
[1] Số liệu năm 2016 của Ban Dân tộc tỉnh.