Quy hoạch có vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển trước mắt và lâu dài cho từng vùng lãnh thổ, lĩnh vực kinh tế – xã hội cụ thể trong đời sống xã hội như: quy hoạch đô thị, quy hoạch bảo vệ rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch môi trường… Trong đó có quy hoạch di tích. Vậy quy hoạch di tích là gì? Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính Phủ đã quy định rõ “Quy hoạch di tích được lập cho một Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di tích Quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích Quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ”.
Mục tiêu của quy hoạch di tích là để định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo, làm cơ sở cho việc khai thác các điểm tham quan, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương trở thành di sản văn hóa ý nghĩa và sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Quy hoạch di tích còn nhằm xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư và khu vực bảo vệ môi trường sinh thái phù hợp với việc phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương hay khu vực.
Trong những năm gần đây tỉnh Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa cao, lại đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, di tích/di sản văn hóa vật thể của địa phương cũng như nhiều lĩnh vực khác chắc chắn bị tác động mạnh mẽ, mà thực trạng hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị, mới chỉ nhận thấy một hai di tích được lập quy hoạch như: Núi Chứa Chan, khu Danh thắng Bửu Long, các di tích ở Chiến khu Đ. Do đó, quy hoạch di tích ở Đồng Nai là cần thiết để kịp thời thích ứng với sự biến đổi của kinh tế – xã hội, cũng như tạo điều kiện cho việc bảo tồn và phát triển di tích về lâu dài. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đưa ra một vài ý kiến bổ sung cho nhận thức về quy hoạch di tích địa phương hiện nay.
1. Những yếu tố cần thiết của quy hoạch di tích
Trước kia, quan niệm về quy hoạch di tích chỉ nhằm một mục đích duy nhất là giữ gìn và bảo vệ di tích cho tốt, không để bị xâm hại, không được phá vỡ các nguyên tắc truyền thống đã quy ước. Ngày nay, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội, thì vai trò của di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng cũng có vị trí quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và phục vụ cho việc phát triển bền vững. Với nhận thức mới, thì công tác quy hoạch di tích phải được tiến hành toàn diện, tức là quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố, các huyện thị. Sau đó mới đến quy hoạch cho từng bộ phận/di tích. Tuy nhiên, quy hoạch di tích phải tính đến vấn đề đô thị hóa và khả năng đô thị hóa sẽ tác động đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích như thế nào? Chúng ta đều biết rằng đô thị hóa là một yếu tố trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Quá trình đô thị hóa sẽ tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi kết cấu hạ tầng trên cơ sở những biến đổi về kết cấu kinh tế, do mục tiêu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa đặt ra, đồng thời cũng do kết quả của đô thị hóa mang lại. Sự biến đổi đó sẽ tác động tiêu cực hoặc làm mất đi những ưu thế tự nhiên vốn có của di tích. Chính vì vậy, nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ và nếu thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, sớm hay muộn di tích cũng phải đối mặt với những thách thức không chỉ với mục tiêu phục vụ phát triển mà ngay cả với mục tiêu bảo tồn cũng rất khó khăn. Đô thị hóa cũng làm thay đổi kết cấu dân cư trên cơ sở sự chuyển đổi nghề nghiệp từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và hoạt động dịch vụ. Từ đó sẽ kéo theo sự thay đổi về quan điểm, lối sống và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường sống các di tích. Quá trình đô thị hóa cũng xuất hiện nhu cầu phát triển văn hóa mới, sẽ tác động mạnh tới việc với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống/di sản văn hóa phi vật thể của di tích tạo ra mẫu thuẫn. Chúng chỉ được giải quyết khi những yêu cầu của việc bảo tồn được giữ vững và được bổ sung bằng việc đáp ứng có hiệu quả những nhu cầu mới để hoàn thiện và cập nhật trong xu thế hội nhập.
Sự biến đổi môi trường tự nhiên/cảnh quan thiên nhiên có tính tất yếu khách quan nảy sinh cùng với những biến đổi của thời gian, sự phát triển và con người cũng tác động thường xuyên vào di tích. Vì mỗi di tích tồn tại đều cần phải có môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đối với sự biến đổi môi trường tự nhiên khi làm công tác quy hoạch phải dự báo được tác động của môi trường và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích. Còn đối với môi trường xã hội phải đảm bảo cho di tích vừa có cuộc sống riêng (là sức sống của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với di tích) lại vừa gắn bó với cuộc sống cộng đồng hiện tại. Chúng ta biết rằng, trong môi trường xã hội thì các hoạt động mang yếu tố dân gian như: phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói và chữ viết, ngữ văn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… có vai trò hết sức quan trọng. Người làm quy hoạch cần phải có cách tiếp cận từ góc độ văn hóa kết hợp với các nguyên tắc nghiệp vụ mới có thể khai thác được các yếu tố này để tăng cường khả năng thích ứng và thu hút của các di tích.
Quy hoạch di tích không thể không tính đến sự tác động của yếu tố kinh tế trong hoạt động của di tích. Trước hết là đảm bảo các yếu tố phục vụ và phối hợp phát triển ngành kinh tế du lịch từ di sản văn hóa để góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Quy hoạch di tích cũng phải làm quy hoạch du lịch, vì mối quan hệ biện chứng di tích là sản phẩm của du lịch, du lịch khai thác phát triển trên cơ sở tiềm năng di tích. Việc lập quy hoạch di tích không chỉ để bảo tồn mà còn phải sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, các hoạt động dịch vụ văn hóa mang lại nguồn thu, tạo ra giá trị kinh tế văn hóa, góp phần tái đầu tư bảo tồn và phát triển di tích bền vững.
2. Một số nội dung cần thiết cho quy hoạch di tích
Trước tiên, nội dung quy hoạch phải phản ánh đúng hiện trạng di tích tại thời điểm lập quy hoạch; nhận định đánh giá đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích và các giá trị chính trị – kinh tế – xã hội liên quan đến di tích; đánh giá được sự biến đổi và tác động của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đến di tích được quy hoạch. Thể hiện rõ các mối quan hệ mà di tích vốn có hoặc sẽ có trong quá trình phát triển và định hướng giải quyết các mối quan hệ ấy để phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển hiệu quả.
Quy hoạch di tích nên phối hợp chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố hoặc các huyện nhằm tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo hoặc thiếu sự phối hợp đồng bộ. Tranh thủ được thành quả của các quy hoạch phát triển ngành hay lĩnh vực liên quan, đặc biệt là ngành du lịch và các lĩnh vực văn hóa khác… Trước và sau khi lập quy hoạch di tích cần thiết tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu chuyên ngành, ý kiến cộng đồng dân cư xung quanh. Vì hơn ai hết người dân là chủ thể của di tích hoặc đã sinh sống gắn bó với di tích suốt chiều dài lịch sử. Vì vậy họ hiểu rất rõ về di tích, về lịch sử – văn hóa – xã hội trong vùng di tích quy hoạch. Từ đó sẽ có những đóng góp xác đáng cho công tác quy hoạch di tích.
Định hướng không gian bảo tồn trong quy hoạch di tích là phải xác định được danh mục và mức độ các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ và phục hồi; các nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; tổ chức cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; cải tạo và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích; hướng phát triển đô thị, dân cư trong vùng quy hoạch di tích gắn với việc bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội khác; hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trong điều kiện kinh tế công nghiệp của địa phương đang phát triển mạnh.
Trong quy hoạch di tích cần thiết đề xuất đượccác dự án tu bổ di tích, dự án nghiên cứu khoa học về di tích, dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời đề xuất nguồn vốn, giải pháp huy động các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư để thực hiện các dự án đó một cách khả thi. Đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, các chính sách ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị di tích góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực di tích; giải pháp phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan, bảo đảm triển khai thành công quy hoạch tổng thể di tích.
Lập cho được bản đồ quy hoạch mặt bằng, phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích; bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật (nhà điều hành và đón tiếp khách, nhà trưng bày, dịch vụ vui chơi và giải trí, nghỉ ngơi, bãi đỗ xe, hệ thống sân đường nội bộ, cây xanh thảm cỏ, công nghệ thông tin….). Vì các bản đồ này chứa các nội dung đảm bảo cho việc bảo tồn tốt nhất di tích và phục vụ cho việc phát triển lâu dài các hoạt động của di tích.
Tóm lại, quy hoạch di tích là một nhiệm vụ rất quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường mạnh mẽ như hiện nay. Hi vọng những ý kiến đóng góp trên sẽ giúp cho công tác quy hoạch di tích của địa phương trong thời gian tới được tiến hành đồng bộ và hiệu quả./.
Nguyễn Xuân Nam