Tóm tắt: Tỉnh Đồng Nai có điều kiện tự nhiên phong phú, kinh tế xã hội phát triển; việc nghiên cứu đánh giá tiềm năng di sản địa chất và hướng đến thành lập công viên Địa chất trên địa bàn tỉnh là cần thiết và cấp bách. Qua nghiên cứu sơ bộ đã xác định được một số khu vực có tính đặc sắc về địa chất, địa hình, địa mạo, văn hóa, lịch sử… Do đó cần có sự quan tâm nghiên cứu kỹ hơn để có đủ thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc thành lập công viên Địa chất trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai.
Summary: Dong Nai has rich natural conditions, socio-economic development; It is imperative and urgent to research and assess the potential of geological heritage and towards establishing a Geological park in the province. Preliminary research has identified a number of areas with unique characteristics of geology, topography, geomorphology, culture, history… Therefore, it is necessary to have more careful research to get enough information, data serving the establishment of the Geopark in Dong Nai province.
Mở đầu
Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có diện tích 5.904 km2, có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên với rất nhiều giai đoạn hoạt động địa chất được ghi nhận, hứa hẹn một tiềm năng vô cùng to lớn về nhiều dạng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên địa chất (đất ngập nước, nước khoáng, các loại khoáng sản rắn v.v.). Nhiều dạng tài nguyên đã và đang được khai thác, sử dụng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đến năm 2020” của Đảng và Nhà nước.
Tiếp nhận xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên, chính quyền các cấp của tỉnh và đông đảo các nhà địa chất Đồng Nai đã bắt đầu có những hoạt động điều tra, nghiên cứu và phối hợp với những cơ quan bộ ngành có liên quan trong lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất. Đây là là một hướng đi lớn, lâu dài, cần được đầu tư thời gian, nhân lực, vật lực thỏa đáng và rất cần triển khai sớm một chương trình điều tra nghiên cứu tổng thể, tạo cơ sở khoa học và pháp lý để phát triển và quản lý mạng lưới Di sản địa chất ở Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác điều tra, nghiên cứu về tiềm năng di sản địa chất cần phải được thực hiện sâu rộng và cấp thiết.
Từ năm 2015, Sở VHTTDL Đồng Nai đã giao Ban Quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh cùng phối hợp với Phân viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam tiến hành nhiều đợt khảo sát thực địa ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Dữ liệu thu thập được nhóm nghiên cứu tập hợp, bổ sung cho tài liệu hiện có trong khu vực để tiến hành tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn.
Có thể thấy, nổi bật lên trong số những biểu hiện Di sản Địa chất của tỉnh Đồng Nai là Di sản về hoạt động núi lửa và phun trào dung nham. Theo nghiên cứu của một số nhà địa chất, tỉnh Đồng Nai có đủ năm giai đoạn hoạt động núi lửa của nước ta. Đây là tiền đề thuận lợi để chúng ta tiến hành công tác điều tra, nghiên cứu và bảo tồn tiềm năng di sản địa chất của tỉnh.
1. Kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu chi tiết
1.1. Vườn quốc gia Cát Tiên: Vườn Quốc gia Cát Tiên có diện tích khoảng 710 km2 cảnh quan rừng (rừng thường xanh, rừng ngập nước…); cảnh quan bình nguyên; sông suối và hệ thống hồ nước có giá trị quan trọng của Việt Nam và thế giới, được tạo bởi các quá trình tạo sơn, quá trình sụt lún, quá trình đứt gãy, quá trình biển tiến, biển thoái và quá trình phun trào bazan. Đây là khu vực tồn tại phức hệ đa dạng các cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, các dạng sống, các giống loài. Rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên có giá trị khoa học cao, là nơi cung cấp lý tưởng các mẫu vật của hàng nghìn loài thực vật, động vật, là địa bàn để tổ chức các nghiên cứu về nhiều lĩnh vực: Sinh vật học, sinh thái học, lý sinh, hóa sinh, đa dạng sinh học, sinh học bảo tồn, địa chất, thủy văn, khí tượng. Khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên còn giữ được di chỉ, di tích khảo cổ của nền văn hoá cổ. Tuy các nhà khoa học chưa xác định được niên đại và chủ nhân, nhưng di chỉ khảo cổ học đã khai quật tại vùng lõi và đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên cho phép khẳng định: đây là một vùng văn hóa đã từng thời hưng thịnh (từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên). Bộ ngẫu tượng Linga và Yoni khai quật ở di khỉ khảo cổ Cát Tiên (Lâm Đồng) được xem là có kích thước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên còn là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người bản địa với truyền thống văn hóa đặc trưng tạo nên bức tranh đa dạng về sắc thái văn hóa tộc người.
1.2. Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai: Có diện tích khoảng 1.000 km2 với hệ sinh thái đặc trưng cho vùng nhiệt đới mà tỉnh Đồng Nai đang sở hữu, phát triển trên nền bazan tuổi Neogen và trầm tích tuổi Jura. Đây là một vùng rộng lớn với đa dạng các giá trị về bảo tồn hệ sinh thái rừng mưa ẩm nhiệt đới, sinh cảnh rừng tự nhiên liền mảnh cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam. Trong đó có khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là khu Dự trữ sinh quyển thứ 08 tại Việt Nam, là bảo tàng tự nhiên sống động nhất trong khu vực. Theo đánh giá của các tổ chức bảo tồn quốc tế, rừng khu vực Chiến khu Đ – Đồng Nai thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5- lưu vực sông Đồng Nai – WWF, 2001) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng thế giới được xác định trong “Global 200 Ecoregions”. Một trong 13 vùng ưu tiên của khu vực Đông Nam Á được xác định bởi tổ chức Critical Ecosystem Partnership Fund (CEPF 2004). Hồ Trị An – sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa cấp tỉnh và là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực này cũng chứa đựng nhiều giá trị về mặt nhân văn: có 03 di tích cấp quốc gia (Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Địa đạo Suối Linh); hàng loạt các di chỉ khảo cổ học (Suối Linh, Đồi Phòng Không, Miễu Ông Chồn…) và đa dạng văn hóa của các tộc người cư trú trên địa bàn (Mạ, Stiêng, Chơro).
1.3. Khu vực 110 miệng núi lửa cổ: Khu vực này thuộc xã Gia Kiệm và tập hợp các miệng núi lửa ở huyện Định Quán và Tân Phú, với đặc trưng tướng họng núi lửa. Cùng với các thành tạo nguồn gốc núi lửa khác trong địa bàn tỉnh Đồng Nai góp phần thể hiện lại toàn bộ các thời kỳ hoạt động núi lửa của Việt Nam.
1.4. Khu vực hang động đá bazan tại huyện Định Quán: Với đặc trưng biểu hiện cho hoạt động dịch chuyển dòng dung nham phun trào cùng thành tạo thạch nhũ silic và quần thể dơi rất lớn sinh sống trong hang. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy hang Dơi có một đoạn dài nhất là 437m, tạo thành một dải hang liên tục, không đứt gãy, nơi được ghi nhận là rộng nhất của hang với chiều cao lên tới 4m và chiều rộng 10m. Nếu xem như đây là một hang động duy nhất của hệ thống, tính cả phần sụp đổ, hang Dơi này có tổng chiều dài 549m và được coi là hang dung nham dài thứ 3 và 4 ở khu vực Đông Nam Á (các vị trí thứ 1, 2 và 5 thuộc về các hang dung nham vừa phát hiện ở Dray Sap – Đak Nông). Nơi đây cùng với hệ thống hang động đá bazan ở tỉnh Đắk Nông là một trong những địa điểm tiềm năng nhất để phát triển du lịch mạo hiểm – khám phá quá trình thành tạo địa chất – địa mạo các hệ tầng nguồn gốc phun trào núi lửa thông qua hoạt động của dòng dung nham.
1.5. Khu vực Mộ cổ Hàng Gòn: Với đặc trưng biểu hiện về giá trị lịch sử – văn hóa – địa chất rất đặc sắc, Mộ Cự thạch Hàng Gòn là loại hình di tích khảo cổ học, kiến trúc đá đặc trưng và tiêu biểu ở Việt Nam. Trên bình diện của mối quan hệ với các nền văn hóa của nhân loại, loại hình Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một dấu ấn tiêu biểu, thể hiện sức mạnh của con người, sự sáng tạo tài tình, khéo léo của cư dân cổ trong kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc liên quan đến hình thức tín ngưỡng của cư dân cổ Đồng Nai – Việt Nam, bổ sung cho nhận thức chung của con người về thế giới quan, nhân sinh quan trong quá trình đấu tranh, tồn tại và sáng tạo văn hóa của nhân loại.
1.6. Khu vực núi Chứa Chan và phụ cận: Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ với độ cao so với mực nước biển là 837m (chênh cao 600 – 700m), sườn dốc 30-350, đôi chỗ là vách dựng đứng. Núi được cấu tạo bởi các lớp đá xâm nhập phức hệ Cà Ná và nằm trong khối graniotit (thuộc khối Chứa Chan) xung quanh bị phủ bởi các đá phun trào Bazan trẻ hơn. Khối có diện lộ hình dạng đẳng thước hơi kéo dài theo hướng Bắc Nam khoảng 5km, rộng 4km, chiếm diện tích gần 18km2. Núi Chứa Chan là nơi bảo tồn đa dạng sinh học của vùng Đông Nam bộ với nhiều loài thú quý hiếm trong sách đỏ, nhiều loài đặc hữu địa phương và nhiều loại động thực vật có giá trị kinh tế cao. Cảnh quan thiên nhiên của núi Chứa Chan hấp dẫn với nhiều dòng suối chảy quanh năm, các cánh rừng với nhiều loại gỗ quý; hệ thống hang động, bãi đá kỳ vĩ kết hợp với những di tích do con người tạo nên như các ngôi chùa cổ, nhà nghỉ mát của toàn quyền Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại… tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo ở Nam bộ. Gần Núi Chứa Chan có Hồ Núi Le (đã được xếp hạng danh thắng cấp tỉnh), tạo thành một quần thể thắng cảnh có giá trị nghiên cứu về khoa học và khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
1.7. Khu vực hạ lưu sông Đồng Nai: Với đặc trưng thềm sông cổ cùng địa hình san bằng với hệ sinh thái, dân cư đặc trưng phân bố ở huyện Long Thành và Nhơn Trạch…; khu vực này tạo ra những làng mạc trù phú, cư dân nông nghiệp sinh sống lâu đời, hình thành nên những làng cổ như Phú Hội, Hiệp Phước, Bến Gỗ… là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và có nhiều tiềm năng.
2. Kết quả nghiên cứu điển hình về di sản địa chất hang dung nham – Hang Dơi
2.1. Vị trí giao thông:
Hệ thống hang nằm rải rác dọc Quốc lộ 20, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Định Quán – Tân Phú, đây là trục giao thông nối Thành phố HCM đến Đà Lạt, rất thuận tiện cho hoạt động du lịch.
2.2. Đặc điểm địa chất
Diện phân bố: Khu vực hệ thống hang thuộc xã Phú Lộc – huyện Tân Phú và xã Phú Tân huyện Định Quán; phần lớn diện tích nằm trên địa bàn xã Phú Tân.
Địa hình: Tương đối bằng phẳng.
Địa mạo: tồn tại dạng địa hình tàn tích miệng núi lửa thể dạng khiên – địa hình âm rất đặc sắc.
Địa tầng
* Hệ Jura thống trung – hệ tầng Trà Mỹ, pha 2 (J2a-bjtm2):
Các trầm tích hệ tầng Trà Mỹ phân bố phía tây khu vực khảo sát, diện tích khoảng 3,5km2, thành phần chủ yếu là sét bột kết, cát bột kết, lớp mỏng sét kết đen thuộc tập 2, chứa hóa thạch, bột kết xen cát kết có vụn thực vật. Chúng bị phong hóa mạnh gần như bở rời, nhưng vẫn còn thấy được tính phân lớp của đá trầm tích, có màu xám trắng phớt vàng, đôi chỗ có màu nâu đỏ.
+ Tập 1: thành phần bột kết là chính xen cát kết, cát bột kết có nhiều vảy mica, ít vun thực vật. Đá hạt mịn chiếm 85 – 90%; cát kết chiếm 10 – 15%. Phần cao lượng cát kết, cát bột kết chiếm 40 – 50%. Chiều dày khoảng 200 – 350m.
+ Tập 2: bột kết, sét kết chứa hóa thạch Posidonia broni volz, bột kết xen cát kết, cát bột kết có vụn thực vật, sét kết. Gia tăng cát kết ở phía trên (chiếm 25 – 30%; cát bột kết 10 – 20%; còn lại là trầm tích hạt mịn). Phía trên là cát kết, cát bột kết phân lớp dày, chiều dày khoảng 350m.
+ Tập 3: sét kết chứa nhiều hóa thạch, cát kết chứa kết hạch, sét bột kết chứa hóa thạch Posidonia sp…, tiepselene là cát kết dạng khối, ít bột kết, chiều dày khoảng 300.
Thành phần khoáng vật chủ yếu: serixit, thạch anh, sét, muscovit…
Bề dày 200 – 350m.
* Hệ đệ tứ, thống pleistocen – hệ tầng Cây Gáo (B/Q13cg):
Đá bazan hệ tầng Cây Gáo phân bố toàn bộ khu vực khảo sát, diện tích khoảng 85km2. Thành phần gồm andesito bazan, đá tương đối đồng nhất, cấu tạo lỗ rỗng, cấu tạo bọt. Đá giàu thủy tinh, màu xám đen, xám tro, rất ít ban tinh.
Thành phần khoáng vật gồm plagiocla, olivin, pyroxen và thủy tinh núi lửa. Đá có rất ít vi ban tinh (1-5% olivin). Nền có vi tinh plagiocla (45-60%), giữa các vi que palgiocla là thủy tinh (30-40%) và vi tinh pyroxen (20-25%).
Quá trình thành tạo hang động dung nham cơ bản như sau: Ban đầu dòng dung nham tràn từ miệng núi lửa. Sau đó, bề mặt của nó nguội lạnh dần và tạo thành ống dung nham đông cứng ở ngoài vỏ, còn phía trong ống dung nham nóng vẫn tiếp tục chảy. Khi dòng dung nham ban đầu phun trào thoát ra miệng núi lửa sẽ tạo thành một ống dung nham, còn miệng núi lửa trở thành một hố hang. Vùng núi lửa của huyện Tân Phú và Định Quán đặc trưng bởi nhiều chóp núi lửa nhỏ, thường bị xói mòn nặng, cùng những địa luỹ granite tạo thành những ngọn đồi độc lập, và những rặng núi kéo dài từ phía Bắc sang phía Tây thị trấn Định Quán. Vùng này được gọi là vùng núi lửa Đồng Nai Thượng, và cũng thường được biết đến như là vùng núi lửa cao nguyên Di Linh.
Những luồng dung nham giữa Tân Phú và Định Quán bao phủ khá rộng, khoảng vài kilomet vuông. Dòng dung nham Pahoehoe gần Tân Phú đã tạo ra một số hang động núi lửa hình ống, dễ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của trần hang.
Bảng tổng hợp kết quả khảo sát khu vực hang Dơi
Số TT | Tên Hang | Chiều dài (m) | Mô tả tóm tắt |
1 | Hang số 1 | 142 | Vị trí: xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: Bắc 110 15’ 59.4”; Đông 1070 24’ 25.9”. Độ cao 163m so với mực nước biển. |
2 | Hang số 2 | 53 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: Bắc 110 15’ 02.9”; Đông 1070 24’ 77.1”. Độ cao 199m so với mực nước biển. |
3 | Hang số 3 | 437 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: Bắc 110 15’ 08.1”; Đông 1070 24’ 20.4”. Độ cao 194m so với mực nước biển. |
4 | Hang số 4 | 112 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: Bắc 110 15’ 08.1”; Đông 1070 24’ 20.4”. Độ cao 194m so với mực nước biển. |
5 | Hang số 5 | 189 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: Bắc 110 15’ 19.0”; Đông 1070 24’ 27.5”. Độ cao 180m so với mực nước biển. |
6 | Hang số 6 | 306 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: N 110 15’19.0 “, • E 107024’27.5 “. Độ cao 180m so với mực nước biển. |
7 | Hang số 7 | 226 | Vị trí: Xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: N 11014’40.2 “, • E 107 ) 24’12.2”. Độ cao 196m so với mực nước biển. |
8 | Hang số 8 | 271 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: N 1.101.458,8 “; E 107024’09.9”. Độ cao 197m so với mực nước biển. |
9 | Hang số 9 | 101 | Vị trí: Xã Phú Tân, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tọa độ: N 11 015’01.9 “; E 107024’15.8”. Độ cao 188m so với mực nước biển. |
Trong đó cần chú ý nhất là hang số 3 và số 6
Hang số 3: Cửa vào hang được hình thành từ việc sụp một góc trần hang tạo thành lối vào nằm trong rừng tếch, cách khoảng 800m về phía Tây Nam của khách sạn Đại Hải (thị trấn Tân Phú) tại Quốc lộ số 20. Đây là hang khá nổi tiếng gần Tân Phú và thỉnh thoảng được tham quan bởi khách du lịch địa phương theo hình thức tự phát ở những đoạn hang có thể dễ đàng vào được. Trước đây, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương cho dựng một bảng chỉ dẫn ở cửa chính của hang. Ngoài ra, họ còn cung cấp số điện thoại cho khách du lịch để gọi tìm hiểu thông tin về việc bảo vệ dơi trong hang. Mặc dù vậy đoàn nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy rất nhiều cây gậy để bắt dơi trong hang.
Hai lối vào của hang nằm ở rìa phía Bắc của chỗ sụp mái. Chỗ sụp mái khá nông, có bán kính khoảng 20m. Một hang cực lớn (rộng 8m và cao 3.2m) dẫn về phía Đông. Chiều cao của hang giảm dần trước khi 1 trụ đá chặn lại, tách hang ra làm đôi. Phần thấp hơn hướng về phía bên phải rồi kết nối lại với hang chính sau khoảng 50m. Từ điểm chia tách, phần hang chính tiếp tục hướng về phía Bắc, nhưng sau đó nhanh chóng vòng lại về hướng Nam gặp 1 điểm kết nối khác. Từ đó, một đường hầm lớn dẫn về phía Nam tới lối vào hang thứ 2. Tại ví trí này có một lối cụt tương đối ngắn khác hướng về phía Bắc và một giếng trời nghiêng một góc chừng 200 nên không nhìn xuyên qua được. Nền hang bao gồm bùn khô, mịn và thỉnh thoảng là vài đống đá. Vào mùa mưa, vài vũng nước nông xuất hiện, đọng lại trong hang. Do có 2 cửa nên không khí trong hang khá thông thoáng.
Hang số 3 có hệ sinh thái hang động khá dồi dào. Dế, ếch, bọ cạp chân dài, nhện, nhện chân dài (Amblypyges, presumably: Phrynichus orientalis, Weygoldt 1998), rết đỏ và rết chân dài (ước chừng: Thereuopoda longicornis Fabricius 1793), và một bầy dơi khoảng 1000 con đã được ghi nhận, phần lớn có thể là loài Hipposideros pomona.
Hang số 6: Lối vào hang nằm ở đoạn cuối phía Nam của hố sụp mái Hang số 5. Các chủ đất đã tạo đường đi xuống bằng cách lắp 1 cái thang để khách du lịch có thể tiếp cận được. Hang dung nham phía sau cao tới 3m và rộng 17m. Có những đoạn ngắn cần phải gập người lại để đi qua, chủ yếu là ở phần cuối của hang động. Có rất nhiều rễ cây và một vài nơi có vết nứt nhỏ. Hầu hết mặt nền hang trơn láng và bao phủ bởi bùn khô và phân dơi. Hang kết thúc bằng một hốc thấp là nơi trú ngụ của khoảng 1000 con dơi. Không khí trong hang rất thoáng. Hệ sinh thái trong cả hai hang số 5 và 6 là tương tự nhau nhưng do việc khai thác du lịch của Hang số 6, một số lượng lớn những con dơi không còn nữa. Ngoài ra còn có nhiều rác trong hang.
Ghi chú: Hang số 5 trước đây nối liền hang số 6 nằm ở phần cuối phía Nam của hố sụp mái, nhưng đã được chúng tôi nghiên cứu với tư cách là một hang riêng biệt (dài 306m) trong bản báo cáo này. Nếu cả 2 hang kết hợp lại thành một hang (tương tự trường hợp các hang 3 và 4) thì hang dung nham hoàn chỉnh này (loại trừ phần sụp mái) có chiều dài trên bản đồ tổng cộng là 495m.
2.3. Đa dạng sinh học: Hệ thống hang nằm trong rừng cây giá tỵ, còn gọi là “tếch” (tên khoa học là Tectona grandis, thuộc họ Verbenaceae). Trong hang có hàng chục ngàn cá thể dơi sinh sống. Khảo sát thực tế tại các hang động này, chúng tôi còn tìm thấy sự sống phong phú với nhiều chủng loại động vật khác, như: các loài động vật thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, nhiều loài ếch nhái, động vật có vú, cùng những rễ cây to của rừng giá tỵ ăn sâu xuống đây…
Tiếp tục cần nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn về hệ thống hang dung nham ở đây. Nhất là các nghiên cứu sâu về địa chất, về đa dạng sinh học, có thể là có các yếu tố về khảo cổ học. Trong năm 2020, Sở VHTTDL đã có kế hoạch giao Bảo tàng Đồng Nai thực hiện các khảo sát nghiên cứu khảo cổ học về dấu vết cư trú của người xưa trong các hang dung nham này.
3. Kết luận, kiến nghị
Theo quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 9/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án Bảo tồn và di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất Việt Nam; đồng thời qua kết quả điều tra và tổng hợp tài liệu có thể khẳng định Đồng Nai là tỉnh có tiềm năng di sản địa chất phong phú; hoàn toàn đủ điều kiện để phát triển thành công viên địa chất ở cấp quốc gia và toàn cầu.
Trong thời gian tới các cơ quan nghiên cứu về di sản địa chất mà cụ thể là Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng tổ chức thực hiện đề tài điều tra chi tiết về di sản địa chất tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tiến hành đề xuất xây dựng, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất tỉnh Đồng Nai. Cụ thể như sau:
– Xây dựng mạng lưới công viên địa chất trên địa tỉnh Đồng Nai;
– Lựa chọn vùng Vườn quốc gia Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai làm trung tâm để tiến hành xây dựng hồ sơ thành lập Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đồng Nai; nhóm tác giả đề nghị đặt tên là “Công viên Địa chất toàn cầu Cát Tiên”.
– Đồng thời các khu vực di sản địa chất còn lại sẽ từng bước được đưa vào phát triển các dự án du lịch sinh thái.
Xây dựng thành công mạng lưới công viên địa chất và công viên địa chất toàn cầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội bền vững và đảm bảo về quốc phòng, an ninh.
4. Lời cảm ơn
Tập thể tác giả xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Sở VHTTDL Đồng Nai, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Phân viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam; đã tạo điều kiện cho tập thể tác giả trong quá trình nghiên cứu khảo sát thực địa và hoàn thành bài báo này./.
5. Nhóm tác giả:
(1) Nguyễn Tuấn Khanh, Ths, Viện trưởng Phân viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam.
(2) Nguyễn Hồng Ân, TS, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai.
(3) Phạm Chu Minh, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa,Thể thao, Du lịch – Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai
(4) Trương Xuân Thiều, Nhà nghiên cứu địa chất.
6. Một số tài liệu tham khảo
1- Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, 2014. Dự án Bảo tồn Di sản Địa chất, Phát triển và Quản lý mạng lưới Công viên Địa chất ở Việt Nam.
2- Trịnh Dánh và nnk., 2004. Nghiên cứu các Khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lưu trữ Cục Địa chất và Khoáng sản.
3- Trần Tân Văn và nnk., 2010. Điều tra nghiên cứu các Di sản Địa chất và đề xuất xây dựng Công viên Địa chất ở miền Bắc Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài KHCN trọng điểm cấp nhà nước mã số KC.08.20/06-10. Lưu trữ Viện ĐCKS. Hà Nội.
4 – Báo cáo kết quả điều tra đánh giá tiềm năng di sản địa chất tỉnh Đồng Nai do Ban quản lý di tích và danh thắng – Sở VHTTDL Đồng Nai – tháng 8/2017.