Theo định nghĩa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, thì di sản văn hóa là những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được chia thành hai loại: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Đảng và Nhà nước ta nhiều lần khẳng định di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Do tính chất quan trọng nên nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) được quy định rất cụ thể, rõ ràng trong Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ.
Đồng Nai – là một trong những tỉnh ở Nam bộ có bề dày lịch sử, văn hóa, với hơn 30 thành phần dân tộc cộng cư trong những giai đoạn lịch sử, tạo thành những dấu ấn văn hóa đặc trưng, góp phần làm phong phú, đa dạng và độc đáo cho văn hóa của tỉnh nhà. Trong những năm qua, Bảo tàng Đồng Nai xác định công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong đó công tác sưu tầm di sản văn hóa đóng vai trò then chốt giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Chính vì vậy, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020… được đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai lần thứ 15, Bảo tàng Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh.
Qua 05 năm thực hiện nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, Bảo tàng Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Số lượng, chất lượng các loại hình di sản văn hóa được sưu tầm qua hàng năm không ngừng được nâng lên. Trong đó công tác sưu tầm hiện vật các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm đặc biệt. Hàng năm, đơn vị đã phân bổ nguồn kinh phí đáng kể để kịp thời bảo vệ, lưu giữ những hiện vật quý, hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa, đang có nguy cơ mai một, thất truyền cao. Công tác sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Đồng Nai chú trọng đến tính đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số thông qua các bộ sưu tập, các chủ đề sưu tầm ngày càng phong phú. Trong giai đoạn 2015 – 2020, hơn 756 hiện vật dân tộc thiểu số được Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm với 14 chủ đề, nội dung khác nhau. Cụ thể: năm 2015 sưu tầm 20 hiện vật văn hóa dân tộc Mường, 18 hiện vật văn hóa dân tộc X’tiêng; 45 hiện vật đồ gia dụng của người Hoa, 69 hiện vật văn hóa dân tộc Tày – Nùng và 20 hiện vật văn hóa dân tộc Khmer; năm 2016 sưu tầm 126 hiện vật công cụ nghề nấu mía đường thủ công truyền thống, 23 hiện vật văn hóa trang phục phụ nữ Việt qua các thời kỳ và 8 hiện vật gốm Biên Hòa – Đồng Nai; năm 2017 sưu tầm 32 hiện vật đồ nghề thầy cúng, 31 hiện vật văn hóa phụ nữ Việt các thời kỳ và 77 hiện vật công cụ và sản phẩm nghề điêu khắc đá; năm 2018 sưu tầm 26 hiện vật qua đồng, tiền cổ, bình vôi; năm 2019 sưu tầm 33 hiện vật nhạc cụ, 48 hiện vật đồ nghề thầy cúng, 45 hiện vật trang phục, 12 hiện vật trôi nổi; năm 2020 sưu tầm 118 hiện vật dân tộc thiểu số và 05 hiện vật trôi nổi.
Song song với nhiệm vụ sưu tầm hiện vật, Bảo tàng Đồng Nai còn tiến hành sưu tầm thông tin, tư liệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đang đặt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một. Vì vậy, việc sưu tầm thông tin, tư liệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh là điều cấp thiết, nó sẽ là những dữ liệu quan trọng để phục vụ cho công tác nghiên cứu và là cơ sở để các thế hệ mai sau phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông đi trước. Trong giai đoạn 2015 – 2020, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm các loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số ở các địa phương như tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian…. Trong 05 năm thực hiện nhiệm vụ, hơn 1000 trang thông tin, tư liệu; gần 1500 hình ảnh, 300 phút video được sưu tầm, phân loại và lưu giữ. Cụ thể: năm 2015, thực hiện phim tư liệu về Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mạ, X’tiêng; năm 2016, sưu tầm thông tin, tư liệu về các lễ cúng của người Hoa ở Đồng Nai; năm 2017, sưu tầm thông tin, tư liệu về Di sản văn hóa làng tộc người Mạ ở Tà Lài và Di sản văn hoá người Mường xã Phú Túc, phim tư liệu lễ cấp sắc của người Dao ở Đồng Nai; năm 2018, sưu tầm thông tin, tư liệu về các bài thuốc dân gian của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai; năm 2019, sưu tầm thông tin, tư liệu về ẩm thực các dân tộc bản địa ở Đồng Nai, phim tư liệu Then cầu an của người Tày, Nùng ở Đồng Nai…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai trong giai đoạn 2015 – 2020 còn nhiều khó khăn, thách thức. Quá trình phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, sự giao lưu, hội nhập toàn diện, đã tác động một cách sâu rộng đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong khi đó vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nhất là công tác sưu tầm các di sản văn hóa chưa được đầu tư tương xứng với nguồn tài nguyên hiện có; số lượng hiện vật, tư liệu văn hóa phi vật thể được sưu tầm hàng năm còn khiêm tốn, chưa theo kịp với tốc độ mai một, thất truyền. Các chính sách, chế độ đặc thù đối với nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa còn thiếu, chưa đáp ứng so với tình hình thực tiễn xã hội… Một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ làm công tác chuyên môn, quản lý còn thờ ơ, chưa hiểu về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa…
Trước tình hình và thực trạng đó, để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt những quy định, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; các Đề án, Kế hoạch của UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai…
Thứ hai, Xây dựng và hoàn thiện các quy định, chính sách về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó ưu tiên, chú trọng đến nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, hiến tặng hiện vật; sưu tầm, gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể. Có chính sách, chế độ tương xứng cho các nghệ nhân, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn, phổ biến di sản văn hóa dân tộc. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn, quản lý liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa. Chính những cán bộ này là người tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, có ảnh hưởng lớn đến việc thành bại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư cho công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó cần tăng cường nguồn lực tài chính, cải thiện quy chế, định mức đối với công tác sưu tầm di sản văn hóa; ưu tiên nguồn kinh phí xứng đáng đối với nhiệm vụ sưu tầm những bộ sưu tập, hiện vật, cổ vật quý, hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học cao đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Chú trọng, quan tâm đầu tư cho nhiệm vụ sưu tầm thông tin, tư liệu di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh như thành phố Long Khánh, huyện Long Thành, huyện Xuân Lộc…
Thực hiện tốt các giải pháp trên, đồng thời bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 – 2025, chắc chắn nhiệm vụ sưu tầm di sản văn hóa trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều bước tiến lớn, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc./.
Trần Minh Trí