Tóm tắt:
Bài viết tập trung giới thiệu những giá trị văn hóa, niên đại của các sưu tập hiện vật và di tích khảo cổ học tiêu biểu thời tiền sử ở Đồng Nai. Phác thảo đời sống của cư dân cổ Đồng Nai thời tiền sử thông qua các di vật khảo cổ học đã được khai quật. Trên cơ sở đó, lồng ghép những ý kiến khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa khảo cổ thời tiền sơ sử Đồng Nai trong hoạt động nghiên cứu, giáo dục và phát triển du lịch ở địa phương.
Từ khóa: Giá trị văn hóa, khảo cổ, Đồng Nai.
1. Vài nét thời tiền sử Đồng Nai
Đồng Nai là vùng đất có bề dày văn hóa, từng được mệnh danh là “văn hóa Đồng Nai” đại diên cho cả vùng văn hóa Nam Bộ thời tiền sử. Thời kỳ tiền sử, Đồng Nai là một vùng văn hóa rộng lớn trải dài từ Nam Trung bộ đến đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Thành tựu của văn hóa Đồng Nai bao gồm: kỹ thuật làm đồ gốm, công cụ sản xuất, đồ trang sức, nhạc cụ, vũ khí, kiến trúc nhà ở, mộ táng… Văn minh thời tiền sử Đồng Nai tự hào với kỹ thuật chế tác công cụ sản xuất như công cụ đá mà hiện vật phát hiện là đồ đá cũ ở Hàng Gòn 6 (Long Khánh) và Gia Tân (Thống Nhất) có niên đại hàng chục vạn năm.
Môi trường, điều kiện tự nhiên là những yếu tố để con người cổ Đồng Nai biết dựa vào đó để mưu sinh cuộc sống. Con người sống gắn bó với tự nhiên, khai thác tự nhiên để sinh tồn. Trong môi trường xã hội, con người càng gắn bó, đoàn kết và trước nhu cầu tồn tại của cuộc sống, họ biết sáng tạo, tư duy làm cho cuộc sống ngày càng tiến bộ, phát triển. Những thành tựu qua di vật của người cổ Đồng Nai đã chứng minh được đây là một cư dân sinh sống đa số bằng nông nghiệp; cư trú từ vùng đồi núi thấp và đồng bằng, đến tận cửa biển.
Văn hóa Đồng Nai có mối liên hệ gần gũi với nền văn hóa Sa Huỳnh cùng thời kỳ lịch sử. Những di vật khảo cổ Đồng Nai chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ thể hiện tư duy và trình độ lao động sáng tạo của cư dân cổ Đồng Nai thời kỳ tiền sử của loài người.
2. Giá trị văn hóa khảo cổ học tiền sử Đồng Nai
Di sản văn hóa khảo cồ học Đồng Nai khá đa dạng với những loại hình như: công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt, đồ trang sức, kiến trúc mộ táng, linh vật, tô tem, di cốt người cổ… Thông qua những di vật khảo cổ có thể nhận thấy những giá trị văn hóa khảo cổ học Đồng Nai thể hiện qua lĩnh vực vật chất và tinh thần của cư dân cổ Đồng Nai thời tiền sử rất đỗi tự hào.
Người tiền sử Đồng Nai đã biết tận dụng nguyên liệu tại chỗ, bằng bàn tay và khối óc để chế tác nên những mảnh tước, cho tới lưỡi rìu đá, cuốc đá, bôn đá… Hiện vật có hình dạng và kích thước khá đa dạng: rìu vai thẳng, rìu vai xuôi, rìu tứ giác, rìu lưỡi dẹp hai mặt, lưỡi vát 1 mặt… Hàng vạn sản phẩm rìu đá có mặt trên nhiều di chỉ khảo cổ học ở Đồng Nai đã được phát hiện và khai quật như: Cầu Sắt, Suối Linh, Cái Vạn, Bình Đa, Suối Chồn… Những di vật khảo cổ học tiền sơ sử Đồng Nai mang nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu.
Di chỉ xưởng Suối Linh (Vĩnh Cửu) niên đại 4.500-2.500 năm không chỉ có sản phẩm hoàn chỉnh mà còn rất nhiều những sản phẩm chế tác dang dở. Hàng ngàn mảnh tước công cụ đá, rìu đá dạng thô, đá ghè đẽo định hình, phác vật mảnh vòng, đục, bàn mài, mảnh gốm bể… (trong đó có 3.000 mảnh tước đá, 15.780 mảnh vỡ đồ đựng gốm, 397 mảnh vỡ bàn xoa gốm) càng khẳng định đây là một trong những xưởng chế tác công cụ và là dấu tích cổ của quá trình lao động sáng tạo đầy tự hào của cư dân cổ Đồng Nai.
Đồ gốm là một trong những thành tựu lâu đời có mặt khá sớm với tiến trình phát triển loài người. Những loại hình gốm như: mảnh vỡ hũ, bình, chum, nồi, chân vò, bát bồng, mâm bồng, bàn xoa gốm, gốm sừng bò (chân cà ràng)… dủng để đựng, nấu ăn, chôn người chết. Những mộ chum gốm ở di chỉ Phú Hòa, Long Khánh là những di chỉ khảo cổ học về công dụng của sản phẩm gốm và phong tục mai táng của người xưa. Người cổ Đồng Nai biết làm gốm từ rất sớm và sản phẩm gốm cũng hết sức đa dạng: dùng trong sinh hoạt gia đình, sản xuất, thờ cúng và chôn cất.
Hoa văn trên đồ gốm với những mô típ như: vạch, thừng, chải, miết, chấm dải, vạch hình học, sóng nước, mép hình vỏ sò… thể hiện về trình độ tư duy trong sáng tạo, biết vận dụng những đồ vật thật để mô tả trang trí; mặt khác thể hiện khả năng thực tế hóa miêu tả sinh hoạt đời sống vào trang trí nghệ thuật. “Văn sóng nước, văn mép vỏ sò…” cho ta cảm nhận về môi trường sinh sống gắn bó với văn minh sông nước, lệ thuộc vào tự nhiên của cư dân cổ xưa.
Không chỉ tạo tác công cụ sản xuất mà người cổ Đồng Nai còn khéo léo làm nên những sản phẩm trang sức bằng đá rất đẹp nhiều màu sắc. Đồ trang sức Suối Chồn (niên đại khoảng 2.500- 2.400 năm) là một trong những sản phẩm đá đặc biệt gợi nên nhiều suy đoán về phong tục tập quán và trang phục của các cư dân Đồng Nai cổ xưa. Những khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú, hột chuỗi, vòng đá, khuôn đúc vòng đá… thể hiện được tư duy và trình độ sáng tạo cũng như nhu cầu thẩm mỹ của các dân tộc Đồng Nai… Sự tinh vi và khéo léo với những loại đá quý hết sức độc đáo, nhiều màu sắc như trắng, xanh đá, đỏ, nâu, vàng, đen… Kiểu dáng và các loại hình khuyên tai hoàn toàn tương ứng với đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh, thể hiện sự giao lưu văn hóa của văn hóa Đồng Nai với văn hóa Sa Huỳnh cùng thời kỳ.
Người cổ Đồng Nai cũng là một trong những cư dân biết thưởng thức âm nhạc ở trình độ nhất định. Di chỉ Bình Đa (thành phố Biên Hòa) được khai quật vào tháng 12 năm 1979 là bằng chứng hùng hồn cho khả năng sáng tạo và sử dụng nhạc cụ truyền thống lúc bấy giờ: đàn đá (lithophone). Đàn đá Bình Đa được phát hiện gồm có 47 thanh đá rời hình chữ nhật hơi thanh mảnh (trong đó có 2 thanh còn nguyên, 2 thanh bể đôi và số còn lại ước tính của 8 thanh khác). Ngoài những thanh đàn đá còn có các loại rìu đá, đục đá, hạch đá, bàn mài, vòng trang sức, lõi vòng và phác vật vòng. Kỹ thuật tạo nên các thanh đàn đá là kỹ thuật ghè đẽo tạo nên độ dày mỏng khác nhau có thể tạo nên âm thanh vang ra khi gõ vào các thanh đá này… Niên đại của đàn đá là 3.180 + 50 năm cách ngày nay, đây cũng được xem là một trong những loại nhạc cụ cổ của cư dân Đồng Nai vào khoảng 1.230 năm trước công nguyên.
Những cuộc khai quật ở các di chỉ Cái Vạn, Rạch Lá, Cái Lăng cho thấy thành tựu của người cổ Đồng Nai rất độc đáo. Không chỉ biết làm gốm, ghè đẽo đá, chế tác đồ trang sức hay đúc đồng mà cư dân cổ Đồng Nai còn biết sáng tạo khi sống ở vùng ngập mặn sình lầy. Người cổ Đồng Nai biết làm nhà sàn bằng gỗ trên vùng ngập nước quanh năm. Những dấu vết qua khai quật là những chiếc cọc gỗ chôn sâu dưới đất sình qua lớp sinh thổ cạnh sông suối có đường kính từ 15-30cm, đầu vát nhọn có ngàm, bố trí song song thẳng hàng, xung quanh còn có nhiều thanh ván mỏng được bào chuốt cẩn thận. Những công cụ được sử dụng ngoài các chất liệu đá, gốm, đồng còn có di vật bằng gỗ như: dao bằng gỗ, lưỡi mai, thuổng gỗ (di vật bản dẹp lớn hình chữ nhật hoặc bầu có lưỡi tròn, hai vai ngang, cán nhỏ ngắn). Tất cả những vật dụng mộc này đều được làm từ những loại gỗ tốt chắc, bền như cây gõ, sao, căm xe phổ biến ở rừng miền Đông Nam bộ. Đây có thể là những công cụ mà người cổ dùng để chém cá hay đào bắt cua, chem chép, nhuyễn thể… có sẵn trong vùng. Người tiền sử Đồng Nai biết dùng ghe thuyền làm phương tiện để di chuyển và săn bắt cá, động vật thủy sản… Những con suốt hình thoi, dọi se chỉ đất nung, bi gốm hay chài lưới bằng gốm… là những hiện vật chế tác để dệt vải, đan lưới sử dụng trong hoạt động ngư nghiệp của cư dân vùng sông nước thời bấy giờ.
Phong tục tùy táng qua di chỉ khai quật Gò Me (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) năm 2004 cũng cho thấy một khả năng về nhân chủng (cổ Đông Sơn tức Nam Mongoloid) của người cổ Đồng Nai gần gũi với người cổ Giồng phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) đều là cư dân vùng ngập mặn. Hai bộ di cốt người cổ phát hiện qua khai quật kèm theo một số đồ tùy táng như rìu đồng, vòng tay đồng, hạt chuỗi… cho thấy quá trình phát triển dân cư, vị trí cư trú và tục chôn người chết của cộng đồng người cổ Đồng Nai cách nay khoảng 3.000-2.500 năm.
Sản phẩm đồ đồng của người cổ Đồng Nai còn có cả tượng linh vật độc đáo đó là tượng con Trút (tê tê – Manis javanica) bằng đồng cũng tìm thấy ở di chỉ đồi 57- Long Giao. Đây cũng là vật linh độc đáo trong bộ đồ đồng thời tiền sử tìm thấy ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Tượng Trút đồng thể hiện kỹ thuật đúc tượng vật khá chuẩn xác về hình thức cũng như kích thước từ mẫu thật của người xưa. Đầu, lỗ tai, mắt, mỏ, đến từng lớp vảy của động vật được điêu khắc khéo léo, sắc sảo, tỉ mỉ như thật. Nghệ thuật tả thực trên tượng “con Trút” sắc sảo hơn cả tượng “Chó săn mồi” ở Dốc Chùa (Bình Dương) và vượt xa các tượng Cóc, Voi trên trống đồng Đông Sơn. Khả năng “Trút” đồng là một trong những loại vật linh sử dụng trong nghi lễ và tín ngưỡng (Tô tem giáo) của người cổ Đồng Nai.
Năm 1982, quần chúng tình cờ phát hiện ra hơn 30 lưỡi qua đồng tại sườn đồi 57, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Những sưu tập “qua” phát hiện có hình dáng rất đẹp, kích thước khá đa dạng: từ chiếc nhỏ, ngắn cho tới chiếc lớn dài. Đặc biệt hoa văn trên “Qua đồng Long Giao” lại là thành tựu rất lớn về kỹ thuật đúc và trang trí mỹ thuật có ảnh hưởng của mỹ thuật Đông Sơn (đặc biệt giống hoa văn trên trống và thạp đồng). Hầu hết sưu tập “qua đồng” đều có trang trí hoa văn phổ biến như: vòng tròn đơn hay xoắn ốc, đường kỷ hà gấp khúc tạo hình tam giác- răng cưa, các vạch ngắn song song như nan chiếu, các chấm dải… Niên đại của “qua” đồng Long Giao được định vào nửa sau thiên niên kỷ I TCN (thuộc thời kỳ đồ sắt). Những năm gần đây (từ năm 2000- 2006), quần chúng tại một số nơi của huyện Định Quán (xã Phú Túc, xã La Ngà) lại tiếp tục phát hiện được những lưỡi rìu đồng và cả qua đồng rất lạ, đa dạng nằm dưới lớp đất sâu. Đặc biệt, có vài lưỡi qua có hình dáng lưỡi thẳng nhọn, tiếp giáp giữa lưỡi và đốc gần như vuông góc không cong tròn như những “qua” trước, lưỡi có đường gờ nổi chạy dọc hai bên thân tạo vẻ dày, chắc chắn, trang trí hoa văn xoắn ốc và những hình động vật giống như chim hạc (3 con vật nối đuôi nhau có đầu, mình, hai chân cao, đuôi dài, mỏ dài, trên đầu có mào nhọn) rất khác lạ, gợi nhớ đến hình ảnh chim lạc quen thuộc trên trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ. Những rìu đồng lưỡi cong rất cân đối và đẹp. Việc phát hiện ra những lưỡi rìu và những lưỡi qua đồng ở Đồng Nai càng cho thấy chủ nhân chế tác và sử dụng có thể là những cư dân bản địa ở vùng đất này, thể hiện trình độ thẩm mỹ và khả năng sử dụng khá nhuần nhuyễn trong quá trình đấu tranh sinh tồn từ hàng ngàn năm trước. Những sưu tập qua Long Giao có kích thước và trọng lượng lớn nhất Châu Á đã được các nhà khảo cổ học xem là “hiện tượng khảo cổ học thuộc về thời kỳ mà đồ sắt đã phổ biến, thay thế vai trò của công cụ- vũ khí đồng thau trong đời sống của người cổ”1. Qua (“Ko”) là loại vũ khí của các dân tộc trên thế giới thời kỳ tiền sử, được coi là “đặc sản về nghi trượng hay quyền trượng” của văn minh Trung Hoa. Tuy nhiên, ở đất Đồng Nai -Việt Nam thì “qua” đã được bản địa hóa trở thành sản phẩm văn hóa của riêng cư dân Đồng Nai về số lượng và kiểu thức trang trí.
Năm 2006, một đợt khai quật mở rộng khu vực mộ cự thạch Hàng Gòn. Di vật tìm thấy ngoài những tấm đan và trụ đá chế tác dang dở, mảnh vỡ đồ gốm, bàn mài đá có lỗ, còn có hai di vật rất đặc biệt quan trọng chưa từng thấy ở nơi nào, đó là hai chiếc Tù và bằng đồng. Hai chiếc tù và bằng đồng mỏng, kích thước từ 20-30cm (tương ứng với sừng trâu trưởng thành). Mặc dù dấu vết hoa văn đã bị mờ nét không còn nguyên vẹn, nhưng có thể thấy một vài kiểu thức hoa văn chấm dải và hình vạch thẳng, tam giác trang trí ở đầu thổi của tù và. Niên đại của di vật qua mẫu than phân tích khoảng từ thế kỷ II trước CN- thế kỷ III sau CN (150 năm TCN- 240 năm SCN). Di vật tù và gần với mộ cự thạch cho thấy khả năng suy đoán về chủ nhân của ngôi mộ từng là thủ lĩnh của các chiến binh, còn “tù và” và “qua” là vũ khí sử dụng của một cộng đồng thạo binh nghiệp (?).
Di tích mộ táng kiểu Dolmen ở Hàng Gòn, Long Khánh là một trong những loại hình mộ táng cự thạch vào loại hiếm thấy ở Đông Nam Á. Từ việc tình cờ phát hiện vào năm 1927 của các nhà địa chất Pháp và được xếp hạng là Cổ tích ở Nam kỳ năm 1930… cho đến những cuộc khai quật và nghiên cứu gần đây (1982, 1991, 1996, 2006) của cơ quan chuyên môn cho thấy đây là di tích khá đặc biệt. Mộ cổ Hàng Gòn có diện tích khá lớn, kết cấu bằng đá sa thạch và đá hoa cương. Hầm mộ có kết cấu hình hộp chữ nhật được lắp ghép bằng 6 phiến đá lớn (cự thạch) gọi là đá hoa cương; kích thước 4,2m x 2,7m x 0,25m; hầm mộ cao 1,6m. Tất cả 6 phiến đá đều có rãnh lõm làm gờ để lắp ghép cố định với nhau. Xung quanh hầm mộ nằm ngổn ngang 10 cột trụ lớn; trong đó có 8 trụ bằng đá sa thạch cao 2,5-3m, tiết diện cắt ngang là hình bầu dục với một đầu lớn và một đầu nhỏ, đầu lớn khoét lõm hình yên ngựa; 02 trụ lớn hơn bằng đá hoa cương có kích thước là 7,2m x 1,1m x 0,35m, trụ phình ra ở chân, đầu khoét lõm yên ngựa. Khả năng suy đoán đó là những trụ cột dựng lên làm mái che cho mộ. Đây là loại đá hoa cương chỉ có ở vùng Đà Lạt- Lâm Đồng. Mộ cổ Hàng Gòn là di tích mộ táng khá lớn có khả năng là mộ chung hoặc có thể là nơi chôn cất của vị thủ lĩnh tộc người có vị trí quan trọng ở vùng đất này khoảng trên dưới 2.000 năm trước đây. Cuộc khai quật gần đây nhất (2006) đã làm phác lộ ra những tấm đan đá lớn (có kích thước tương ứng với các tấm đan làm hầm mộ cổ) cùng những trụ đá chế tác dở dang (dạng phế phẩm) càng khẳng định rằng người ta đã vận chuyển đá từ nơi khác về Hàng Gòn, rồi chọn địa điểm gần với vị trí xây dựng mộ táng lập công xưởng chế tác nguyên liệu đá để dựng mộ. Di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn đã được bảo tồn, trùng tu và lập hồ sơ xếp hạng là di tích khảo cổ học cấp quốc gia (1984) và di tích quốc gia đặc biệt (2015) góp phần vào việc phát huy giá trị trong hoạt động nghiên cứu, là nơi tổ chức cho sinh viên, học sinh đến tham quan học tập; đồng thời có thể kết nối tạo thành điểm du lịch văn hóa nổi tiếng ở địa phương.
3. Kết luận
Từ những di vật khảo cổ đồ đá cũ có niên đại hàng chục vạn năm đến những di vật thời tiền sử cách nay khoảng 2.000 năm trở về trước cho thấy cộng đồng cư dân Đồng Nai cư trú trải rộng từ vùng đồi núi thấp đến đồng bằng và cận biển. Kinh tế chủ yếu bằng nông nghiệp với hoạt động chủ yếu là săn bắt, hái lượm và trồng trọt. Có thể đây là cộng đồng người có tổ chức xã hội khá chặt chẽ với chế độ tù trưởng hay thủ lĩnh quản lý rõ rệt (mộ cổ cự thạch Hàng Gòn). Trang sức cầu kỳ, thể hiện trình độ thẩm mỹ và phong tục tập quán phong phú; tín ngưỡng nguyên thủy và tô tem giáo… Một số loại hình hiện vật văn hóa Đồng Nai khá gần gũi, tương đồng với nền văn hóa Sa Huỳnh; thể hiện mối liên hệ giữa nền văn hóa Đồng Nai và nền văn hóa Sa Huỳnh ờ cùng một thời kỳ lịch sử ở Việt Nam.
Cư dân cổ Đồng Nai biết dựng nhà sàn trên vùng ngập mặn để ở, dùng ghe thuyền để đi lại trên sông nườc và đánh bắt thủy sản. Là cư dân nông nghiệp nhưng có trình độ tư duy khá cao về âm nhạc, biết chế tác đá làm nhạc cụ gõ phục vụ trong nghi lễ và trong sinh hoạt cộng đồng; biết đúc Tù và đồng làm nhạc khí của thủ lĩnh chỉ huy chiến binh. Cư dân cổ Đồng Nai là cư dân có trình độ thẩm mỹ khá cao biết chế tác đồ trang sức bằng đá để trang trí cho bản thân mình. Họ cũng là cư dân thoáng mở có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác như hiện tượng “Qua đồng Long Giao” (vốn là “đặc sản” của văn minh Trung Hoa nhưng được cư dân Đồng Nai bản địa hóa với văn minh Đông Sơn của người Việt cổ) hay việc vận chuyển nguyên liệu từ nơi khác về làm vật dụng trong kiến trúc: mộ táng, nhà ở…
Dấu tích kho tàng di vật thời tiền sử Đồng Nai là cứ liệu quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu tìm hiểu về đời sống văn hóa, năng động của người cổ Đồng Nai từ hơn hai ngàn năm qua. Những di vật khảo cổ học là bằng chứng sinh động cho sự hình thành, phát triển của những lớp cư dân cổ từng định cư tại vùng đất này. Trong hoạt động văn hóa, các cơ quan chức năng có thể khai thác các giá trị của di vật khảo cổ phục vụ nghiên cứu, giáo dục và du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa khảo cổ học thời kỳ hội nhập ở Đồng Nai.
Nguyễn Thị Nguyệt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng (1991), Khảo cổ Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
- Bảo tàng Đồng Nai (2005), Thông tin Khoa học, tháng 12/2005.
- Bảo tàng Đồng Nai (2006), Thông tin Khoa học, tháng 11/2006.
* Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
1 Phạm Đức Mạnh, Thông tin Khoa học Bảo tàng Đồng Nai, tháng 11-2006, tr.19.