Lời nói đầu: Người viết công tác trong ngành di sản văn hoá, trực tiếp tham gia công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, trong đó có dịp được cộng tác với Viện Văn hóa Nghệ thuật tổ chức phục dựng lễ hội múa trống của người Giáy ở Hà Giang. Từ đó trình bày một góc nhìn kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phục dựng và phát huy lễ hội chùa Ông ở Đồng Nai. Trong bài viết có sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp ở Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam (VICAS); Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang và Đồng Nai; cùng với các tư liệu của tác giả đã xuất bản trong sách Thất phủ cổ miếu Biên Hòa. Xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và bạn bè để hoàn thành bài viết này.
1. LỄ HỘI MÚA TRỐNG CỦA NGƯỜI GIÁY Ở HÀ GIANG
Người Giáy ở Hà Giang chiếm khoảng 2,2% dân số toàn tỉnh phân bố chủ yếu ở vùng cao phía Bắc thuộc các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, sống gần những nơi thung lũng hoặc đồi núi đất, những nơi có nguồn nước. Điều này phản ánh nguồn gốc của một tộc người lấy sản xuất nông nghiệp làm nguồn sống chính. Di sản văn hoá truyền thống tiêu biểu nhất của người Giáy là kho tàng văn học nghệ thuật dân gian truyền miệng, những bài dân ca, truyện cổ, tục ngữ, câu đố; những bài cúng thần linh, những tập tục lễ hội… Một trong những nét độc đáo nhất đó là lễ hội “Múa trống”. Đây là sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Giáy. Hiện nay Lễ hội múa trống của người Giáy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL 25/8/2014. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá độc đáo của lễ hội này nhằm góp phần vào việc bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc; đặc biệt là góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước nói chung và ở vùng đồng bào dân tộc Giáy tỉnh Hà Giang nói riêng.
Theo quan niệm của tộc người Giáy, thế giới chia ra 3 tầng: Trên cùng là tầng trời có một thế giới đẹp đẽ; ở giữa là loài người; dưới đất là tầng của loài sinh linh nhỏ bé. Cho nên, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người Giáy còn tổ chức các lễ hội cúng thần linh, trời đất, ruộng đồng, cầu mong phúc lộc, mùa màng bội thu. Lễ hội múa trống diễn ra vào dịp tết âm lịch hàng năm. Trống thần được bà con tộc người Giáy rất tôn kính, xem như là vật để kết nối giữa Trời và Người, giữa muôn loài với nhau. Hàng ngày trống thần được cất giữ ở miếu Bà, không ai được tự ý mạo phạm. Chỉ đến dịp tết, dân làng mới đưa trống ra tổ chức lễ. Các nghi thức chính lễ hội như sau:
+ Nghi thức xin trống: Bắt đầu vào sáng sớm ngày mùng 1 tết, thầy cúng cùng các thanh niên khoẻ mạnh chưa lập gia đình mang hương đến miếu Bà làm lễ xin được mang trống thần đến miếu Ông để tổ chức lễ. Sau đó đoàn rước trống đi đến từng nhà trong thôn báo hiệu đã đến giờ mở hội. Đoàn đi tới nhà nào, mọi người trong nhà tưng bừng phấn khởi ùa vào đoàn rước đặt lên mâm lễ một sản vật của gia đình mình làm được, sau đó một số thành viên trong gia đình cùng hòa vào đoàn rước. Trống thần đi tới đâu, đoàn rước dài thêm, đông thêm, tạo không khí ngày tết rất vui tươi. Đi qua hết các nhà trong thôn, trống thần dừng lại ở bãi sân thật rộng trước miếu Ông, cùng sự có mặt đông đủ của cả làng.
+ Nghi thức mời thần linh dự lễ hội: Người dân trong thôn cùng ngồi quanh trống thần, thầy cúng tiến hành làm lễ mời thần linh về để chứng kiến buổi lễ của làng và nghe báo cáo những kết quả mà dòng tộc và thôn bản đã đạt được trong năm qua, cám ơn sự phù hộ, che chở, giúp đỡ của các vị thần linh. Sau đó thầy cúng đánh tiếng trống đầu tiên, tiếng trống này chính là tiếng trống mời thần linh về dự hội.
+ Nghi thức múa trống: Sau tiếng trống mời thần linh, thầy cúng chỉ định 1 đôi trai gái trong làng lên nhận dùi trống, đôi trai gái được thầy cúng chỉ định cúi lạy thần trống và tiếp quản việc đánh trống, trai gái trong thôn nối theo nhau đi vòng quanh trống và bắt đầu điệu múa cầu mưa thuận gió hoà, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu cho cả làng khoẻ mạnh, người già sống lâu, trẻ em mau lớn, gái trai yêu thương nhau không bao giờ xa cách… trong tiếng trống hân hoan và lời cầu khấn của thầy cúng.
+ Phần hội: Sau nghi thức mời thần linh, thầy cúng mời tất cả bà con trong thôn (kể cả người Dao, người Mông…) cùng vào vui múa hoà nhịp trống mừng năm mới. Tất cả mọi người cùng các dân tộc khác sống trên địa bàn thôn cùng vào nhảy múa, hát đối, hát giao duyên… chơi các trò chơi như: Đánh đáo, đánh yến, tung còn, kéo co, đẩy gậy… Cuộc vui kéo dài đến hết ngày 30 tháng giêng. Điều đặc biệt là trong suốt lễ hội, tiếng trống thần được vang lên không dứt, mọi người sẽ lần lượt thay nhau đánh trống. Theo quan niệm của người Giáy, được đánh trống là đã xin được may mắn cho mình và gia đình, tiếng trống liên hồi và vang xa là năm ấy sẽ có nhiều niềm vui, may mắn và ấm no hạnh phúc.
+ Nghi thức cất trống: Hết mùa lễ hội, thầy cúng cùng các chàng trai trong thôn lại khiêng trống thần từ miếu Ông về miếu Bà. Trống thần được cất giữ ở đó để chờ mùa lễ hội năm sau. Sau cái tết, được vui chơi thoả thích, bà con phấn khởi trở lại cuộc sống thường nhật, trẻ em đi học, người lớn làm việc, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…
2. PHỤC DỰNG LỄ HỘI CHÙA ÔNG TỪ KINH NGHỆM PHỤC DỰNG LỄ HỘI MÚA TRỐNG
Trước đây lễ hội múa trống của người Giáy ở Hà Giang bị đứt đoạn, nhiều năm không được tổ chức. Miếu Ông, miếu Bà xuống cấp trầm trọng; trống thần cũng bị mục nát theo thời gian. Nguyên nhân do sự tàn phá của chiến tranh, điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng chủ yếu do tộc người Giáy sống phân tán, số dân ở mỗi vùng rất ít nên khó khăn trong việc bảo tồn lễ hội múa trống. Bên cạnh đó, nhận thức của giới trẻ Giáy trước sự “tấn công” của sự đa dạng công nghệ nghe nhìn khiến họ ngày càng quên những nghi thức, bài cúng…
Cùng với sự đi lên của kinh tế, đồng bào Giáy ngày nay đã được no ấm, đời sống định canh ổn định. Được sự quan tâm của các cấp Đảng, chính quyền địa phương, các già làng Giáy rất mong mỏi được tổ chức lại lễ hội múa trống để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Nhưng vì các nguyên do kể trên, lễ hội đã mai một, rất ít người còn nhớ trọn vẹn. Trước tỉnh hình đó, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang đã đặt vấn đề với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu, phục dựng lại lễ hội nói trên.
Đáp lại lòng mong mỏi của các già làng người Giáy, nhiều cán bộ có kinh nghiệm điền dã đã lặn lội đến các thôn bản có người Giáy sinh sống không chỉ ở tỉnh Hà Giang mà còn các tỉnh lân cận. Ở từng nơi, họ đều cẩn thận ghi chép, chắp nối các ký ức của các bậc cao niên, các vị thầy cúng, đối chiếu với các thư tịch sưu tầm được… dần dần đã hình thành nên kịch bản chi tiết cho lễ hội múa trống. Sau đó, nhóm nghiên cứu đề xuất chọn thôn Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là nơi có trên 80% đồng bào Giáy sống tập trung để tiến hành phục dựng lại lễ hội trên. Khi lễ hội được phục dựng, nhiều già làng Giáy ở các nơi về xem, nhận xét, góp ý. Tất cả đều đánh giá cao sự chân xác của lễ hội, nhiều cụ già bật khóc vì được sống lại cảnh tượng hào hứng của lễ hội tộc người mình mà những tưởng chẳng khi nào còn thấy được. Hiện nay, lễ hội múa trống đã trở thành hoạt động thường niên, để nhân rộng lễ hội ra cộng đồng Giáy, các đội nhóm múa trống truyền thống đã được thành lập và đi biểu diễn trong các festival, các ngày hội văn hoá…
Ở tỉnh Đồng Nai, di tích Thất phủ cổ miếu thuộc Cù lao Phố(nay là phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2001. Di tích được tạo dựng vào năm 1684 tại Cù lao Phố, là cơ sở văn xã đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Nam bộ. Gắn liền với hoạt động tín ngưỡng của miếu là các sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng. Do các điều kiện lịch sử nên hiện nay ở Thất phủ cổ miếu không còn tổ chức các hội truyền thống của cộng đồng người Hoa nữa. Trong các dịp lễ tế, cộng đồng người Hoa chủ yếu chỉ thực hiện các nghi thức lễ mà thôi.
Ý thức được vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa;cộng đồng người Hoa rất mong mỏi khôi phục lại các hoạt động lễ hội mang đặc trưng bản sắc văn hóa của mình như lễ rước Ông, hội bán đấu giá lồng đèn; các hoạt động tạp kỹ… Thông qua các hoạt động của lễ hội, tạo mối liên kết cộng đồng Việt – Hoa ngày càng thêm thắt chặt, được đông đảo quần chúng nhân dân địa phương ủng hộ và tham gia, là nguồn cổ vũ và động viên tinh thần cho việc duy trì và tổ chức Lễ hội hàng năm vào dịp đầu Xuân. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Củng cố, thắt chặt và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, vui chơi giải trí lành mạnh cho nhân dân trong dịp đầu Xuân.
Trước nhu cầu chính đáng và mong mỏi của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa, từ năm 2012 Sở VHTTDL đã giao Ban Quản lý Di tích Danh thắng (tháng 03/2019 sáp nhập vào Bảo tàng Đồng Nai) nghiên cứu, phục dựng lễ hội chùa Ông gắn với di tích Thất phủ cổ miếu. Các cán bộ có kinh nghiệm của Ban đã tiến hành điền dã, ghi chép hồi cố của các bậc cao niên trong cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa ; tham khảo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân tộc học; đồng thời so sánh, đối chiếu với một số lễ hội của cộng đồng người Hoa ở một số địa phương khác… để xây dựng nên khung kịch bản, chương trình lễ hội chùa Ông tổ chức vào dịp vía Đức Ông Quan Thánh Đế Quân (ngày 10-13 tháng giêng hàng năm). Sau lần đầu tiên tổ chức, Lễ hội chùa Ông ngay lập tức được cộng đồng người Hoa đón nhận, nhiều người tham dự lễ hội đã bày tỏ cảm xúc chân thật khi được tái hiện lại không gian văn hóa của cộng đồng mình. Được sự góp ý của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Sở VHTTDL, các nhà nghiên cứu văn hóa và chính cộng đồng người Hoa, đến nay Lễ hội chùa Ông đã dần hoàn thiện và chính thức trở thành lễ hội thường niên của cộng đồng gắn với di tích Thất phủ cổ miếu, thu hút hàng trăm ngàn lượt nhân dân và du khách tham gia mỗi năm.
Hiện nay, Lễ hội chùa Ông có các nội dung cơ bản gồm các lễ vía Đức Ông; lễ cung nghinh các thần linh trên sông Đồng Nai; lễ cúng Trời; lễ thả Phúc khí cầu; lễ cầu an; lễ thả hoa đăng… và các hoạt động như múa lân sư rồng; biểu diễn thư pháp – thư họa, cho chữ đầu năm; biểu diễn nghệ thuật hò Quảng, nhạc Tiều…Trong đó quan trọng nhất, gắn với đời sống tinh thần của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa nhất là nghi thức rước Ông. Các cụ già ở Thất phủ cổ miếu cho biết xưa kia lệ này vẫn được tổ chức, nhưng vì nhiều lý do nên ngày nay đã bị gián đoạn. Chính ngày vía, Đoàn rước Đức Ông sẽ xuất phát từ Thất phủ, đi qua một số tuyến đường chính trong thành phố Biên Hòa nơi tập trung cộng đồng người Hoa sinh sống. Tham gia đoàn rước này sẽ có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạp kỹ như múa rồng, múa hẩu, bát tiên đi cà kheo, hát Tiều, hát Quảng…
3. ĐỀ XUẤT
Từ kinh nghiệm hoạt động thực tế, để phục dựng lễ hội chùa Ông cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ngành văn hoá và chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội này. Trong đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần xây dựng một chiến lược nâng tầm lễ hội chùa Ông. Có thể thí điểm lễ hội chùa Ông như một điểm nhấn cho ngành với các hoạt động văn hóa (lễ rước Ông, biểu diễn nhạc cổ truyền, viết thư pháp…); thể thao (biểu diễn võ thuật, lân sư rồng, tổ chức đua thuyền…) và các hoạt động xúc tiến du lịch gắn với lễ hội trên. Trước mắt có một số đề xuất sau:
– Mời đơn vị có chuyên môn, các nhà nghiên cứu văn hóa tiến hành nghiên cứu, bổ sung lễ hội; tiến hành tư liệu hoá để bảo tồn nguyên gốc, chính xác lễ hội này.
– Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai chủ trì, đứng đầu trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, phối kết hợp với các cơ quan hữu quan để phục dựng, phát triển lễ hội chùa Ông thành lễ hội cấp quốc gia.
– UBND thành phố Biên Hòa phát huy vai trò quản lý địa bàn, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh trật tự cho lễ truyền thống hoạt động.
Nếu được phục dựng thành công thì đây sẽ là một nét đặc biệt trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.
Phạm Chu Minh