Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Biên Hòa, Đồng Nai luôn là địa bàn chiến lược quan trọng được thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng thành một hậu cứ trực tiếp cho Sài Gòn. Đặc biệt địch xây dựng nơi đây thành một trung tâm chỉ huy đánh phá cách mạng ở miền Đông Nam Bộ. Chúng mở rộng, hiện đại hóa sân bay chiến lược Biên Hòa và 18 sân bay dã chiến khác, xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn (Quân đoàn 3 ngụy, Nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh dã chiến II Mỹ…), kho tàng (lớn nhất là kho liên hợp Long Bình). Lấy Biên Hòa cũng là nơi địch lập “phòng tuyến thép” cuối cùng để bảo vệ chế độ Sài Gòn.
Đồng Nai là nơi sớm hình thành giai cấp công nhân, đông đảo là công nhân cao su cùng với nông dân lao động là lực lượng nòng cốt của cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đồng Nai là một trong những trung tâm cách mạng với hệ thống căn cứ địa liên hoàn, nơi đứng chân chỉ đạo của Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam; là địa bàn quan trọng đứng chân của quân chủ lực ta tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh Mỹ – ngụy, là một hành lang, tiếp nhận hàng chi viện từ hậu phương miền Bắc cho miền Đông Nam Bộ. Đây cũng là nơi diễn ra trận quyết chiến đập tan tuyến phòng thủ phía đông Sài Gòn của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chiến khu Đ là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của Nam Bộ trên chiến trường miền Đông. Cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Chiến khu Đ đã chịu đựng và vượt qua bao nhiêu gian lao thử thách ác nghiệt của thiên nhiên, đói rét, bệnh tật, bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù để bảo vệ, giữ vững căn cứ, góp phần làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và là nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù: “Chiến khu Đ còn – Sài Gòn mất”.
“Đồng Nai là mảnh đất kiên cường, mà biết bao khu rừng, ngọn núi, khúc sông đã trở thành những chiến công hiển hách” (Lê Duẩn). Nhiều địa danh như: Mã Đà, Hiếu Liêm, Bù Cháp, Lý Lịch, La Ngà, Gia Huynh, Trảng Táo, Trảng Bom, Cây Gáo, Xuân Lộc… đã trở nên bất tử và gắn liền với bao chiến công, tấm gương chiến đấu, hy sinh của nhiều thế hệ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
1. Xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích lịch sử cách mạng
Trân trọng và tự hào về sự cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, đồng chí trong suốt 30 năm ròng rã chiến đấu ngoan cường và đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), Đồng Nai đã từng bước nỗ lực nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và trình các cấp thẩm quyền xếp hạng di tích nói chung và di tích lịch sử cách mạng nói riêng. Việc lập hồ sơ xếp hạng di tíchtrên địa bàn tỉnh ngày càng được thực hiện khoa học, bài bản theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và theo lộ trình xếp hạng di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương tham mưu UBND tỉnh đảm bảo nâng cao chất lượng và chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích chứ không chạy theo số lượng xếp hạng các di tích.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.500 di tích phổ thông được kiểm kê, 61 di tích đã được xếp hạng (02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh). Trong đó, di tích lịch sử cách mạng có liên quan trực tiếp đến các sự kiện lịch sử cụ thể, đến căn cứ địa cách mạng và hoạt động của lực lượng vũ trang chính quy hoặc các đội du kích địa phương đã được xếp hạng là 28 di tích (chiếm 49,12% so với tổng số di tích được xếp hạng). Việc xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, cấp quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện công tác phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng như: Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước – Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa (1935), Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962), Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (Chiến khu Đ) (1960 – 1967), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (1961-1975), Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, Căn cứ Thị ủy Long Khánh, Căn cứ Rừng Lá, Địa đạo Suối Linh, Địa đạo Nhơn Trạch, Nhà Xanh, Tòa hành chính tỉnh Long Khánh… Với tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử to lớn trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, việc bảo tồn, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh là việc làm đúng đắn, hết sức cần thiết, ý nghĩa nhiều mặt. Việc sưu tầm, tái tạo các hiện vật, các cơ quan của căn cứ địa cách mạng như: Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ, Tỉnh ủy Biên Hòa (U1)… không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn là công trình mang tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, “uống nước nhớ nguồn” đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
2. Phục hồi, tôn tạo nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng
Công tác đầu tư cho bảo tồn, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. Nhiều di tích đã xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia được bảo quản, tôn tạo, phục hồi,trùng tu chống xuống cấp theo đúng các quy định của Nhà nước. Thời gian qua, đơn vị chức năng đã tập trung đầu tư phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị nhiều di tích trọng điểm như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) (khoảng 20 tỷ đồng), Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (Chiến khu Đ) (khoảng 15 tỷ đồng), Nhà lao Tân Hiệp (27,5 tỷ đồng trong đó xã hội hóa 3,4 tỷ đồng), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom và xã Bình Sơn, huyện Long Thành) (hơn 70 tỷ đồng)… Các địa phương, đơn vị được phân cấp quản lý di tích thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi. Các di tích lịch sử cách mạng đã xếp hạng được bảo tồn khang trang và ngày càng phát huy hiệu quả.
2.1. Các di tích lịch sử tại Chiến khu Đ
Từ năm 1996-2006, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ trương phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử tại Căn cứ Chiến khu Đ gồm các dự án: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) và xây dựng Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử Chiến khu Đ (31/8/2008) cùng các dự án thành phần liên quan.
– Dự án phục hồi, tôn tạo di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ do Ban Chỉ đạo Chiến khu Đ làm Chủ đầu tư. Công trình được triển khai, khảo sát, lập dự án từ tháng 7/1996 và đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Các hạng mục công trình đã được thực hiện gồm: Nạo vét, gia cố hệ thống địa đạo hơn 264 mét, hệ thống giao thông hào hơn 596 mét, phục dựng nhà làm việc của các đồng chí: Bí thư, Phó bí thư, Chánh Văn phòng Khu ủy, nhà làm việc của các đơn vị trực thuộc Khu ủy, nhà trưng bày truyền thống, đường nội bộ, đường giao thông nối từ Bà Hào vào căn cứ… với tổng mức đầu tư cho các công trình trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa trên 4,5 tỷ đồng đã thực hiện các công trình:Đền tưởng niệm Khu ủy miền Đông Nam bộ, tượng bán thân các nhân vật lịch sử tại Đền tưởng niệm, nhà tiếp khách, Bia di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, hệ thống ma nơ canh trưng bày và sa bàn trận đánh Phước Thành.
Hiện nay, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai đang tiếp tục đầu tư kinh phí khoảng 7 tỷ đồng để nâng cấp đường nối thông với các nhà bia, cải tạo, xây mới nhà bia các ban, ngành tại di tích như: Ban An ninh, Ban Tổ chức, Ban Kinh tài, Quân khu miền Đông, Ủy ban Mặt trận, Trường Đảng, Quân dân y, Tuyên huấn…
– Dự án phục hồi, tôn tạo di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) được thực hiện nhiều giai đoạn, trong đógiai đoạn I dự án phục hồi, tôn tạo di tích do Ban Quản lý Chiến khu Đ làm chủ đầu tư, sau 3 năm triển khai thực hiện đã khánh thành đưa vào sử dụng ngày (10/10/2004). Các hạng mục công trình được xác định đúng vị trí, các yếu tố gốc của di tích được phục dựng, giá trị lịch sử được tôn trọng.12 hạng mục gồm: Nhà bia tưởng niệm,nhà trưng bày,đường nội bộ trong di tích, cáp treo qua suối Nứa, bia tưởng niệm,hội trường,phục dựng vàsoạn thảo văn bia,sáng tác phác thảo mỹ thuật và thi công các công trình mỹ thuật, giếng khoan và tháp nước,nhà khách,hệ thống chiếu sáng và máy nổ;tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, do Công ty Xây lắp dân dụng số I thực hiện.Giai đoạn II do Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư với 6 hạng mục công trình, gồm:Bia Sư đoàn 9, bia Mặt trận,bia Ban Dân vận, tổ hợp mỹ thuật “Khu rừng chất độc da cam”, biển chỉ đường vào di tích,nhà bếp, nhà vệ sinh,đường nội bộ dẫn đến các Ban, Sư đoàn 9… tổng mức đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng.Từ năm 2013 đến nay, Công ty Cao su Đồng Nai, Viễn thông Đồng Nai và một số đơn vị, cá nhân đã tài trợ trên 9,5 tỷ đồng xây dựng một số công trình như: Tượng phù điêu và tượng đài chiến sỹ, đền tưởng niệm, bia nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà, bia Giao bưu và Thông tin, bia Ban Kinh tài V.V…
– Dự án tu sửa cấp thiết 12 miệng hầm và nạo vét, tôn tạo di tích Địa đạo Suối Linh do Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 8 tỷ đồngđang thực hiện quy trìnhlấy ý kiến các ban ngành, địa phương theo quy định, dự kiến triển khai trong năm 2021.
– Dự án Xây dựng Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử Chiến khu Đ được đầu tư xây dựng từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về một Trung tâm Chiến khu Đ tại ngã ba Bà Hào với ý nghĩa là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị, tham quan du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức nhân cách cho thế hệ trẻ; tri ân những người có công với đất nước; nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, ý thức bảo vệ thiên nhiên và di sản văn hóa tại địa phương. Từ năm 2008-2010, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng các hạng mục như: Sân lễ,hội trường, nhà làm việc,nhà nghỉ chân,sân – đường nội bộ,bãi đậu xe,cây xanh thảm cỏ, hệ thống điện, cấp thoát nước,nhà để xe, nhà công vụ, cổng, hàng rào… với tổng kinh phí trên 26,3 tỷ đồng. Năm 2015, tiếp tục thực hiện dự án nạo vét hồ Bà Hào, hồ Sen tạo cảnh quan môi trường sinh động và ý nghĩa. Việc đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng Nhà dài truyền thống dân tộc Chơro là công trình tri ân đối với đồng bào ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu vì đã đóng góp nhiều công sức trong xây dựng căn cứ Chiến khu Đ, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng và góp phần đáng kể trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc xây dựng Tháp biểu trưng Chiến khu Đđang hoàn thiện hồ sơ để triển khai thi công và khánh thành nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam (vào tháng 02/2021).
Các công trình Nhà dài truyền thống dân tộc Chơro và các hạng mục của Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử Chiến khu Đ đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn, .
2.2. Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (1961-1975)
– Dự án phục hồi, tôn tạo Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) tại suối Cả, xã Bình Sơn, huyện Long Thành giai đoạn I được xây dựng trên diện tích 6,1 ha với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng, gồm các hạng mục công trình: Nhà bia, nhà trưng bày, nhà làm việc, nhà tiếp khách, nhà nghỉ chân, giao thông hào, hầm trú ẩn và các công trình phụ trợ khác. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 01/9/2005.
Giai đoạn II với tổng kinh phí đầu tư là 4.692.407.235 đồngđểthực hiện các hạng mục công trình như: Tượng đài truyền thống Tiểu đoàn 240 (D240) và Phù điêu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (3.843.131.397đồng), Nhà truyền thống Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (245.110.838đồng), các hạng mục khác gồm: San nền, 2 bia danh sách liệt sỹ Tiểu đoàn 240, cổng chính vào khu di tích, lát đá granitte thô đường trước, xung quanh tượng đài, phù điêu và đường vào tại cổng chính, hệ thống điện chiếu sáng và chống sét cho tượng đài, hệ thống cấp nước, cây xanh và thảm cỏ xung quanh tượng đài và phù điêu (604.165.000 đồng).
Năm 2019, di tích tiếp tục được đầu tư kinh phí 100.000.000 đồng để thay nền gạch và sơn mới Nhà trưng bày, phát huy hiệu quả của di tích.
Di tích vốn là nơi làm việc của Tỉnh ủy Biên Hòa từ năm 1961-1975 và cũng là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 240 (được phong tặng Anh hùng LLVTND năm 2012).Trải qua các thời kỳ, căn cứ Tỉnh ủy Bình Sơn là cơ quan đầu não lãnh đạo các cuộc nổi dậy, tấn công quân địch trên địa bàn Đồng Nai, thu được nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Việc phục hồi, tôn tạo, quản lý và khai thác khu di tích phù hợp với nguyện vọng của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân trong và ngoài tỉnh.Từ năm 2015, ngày 27/4 hàng năm được xem là ngày truyền thống họp mặt của khu căn cứ và Tiểu đoàn 240; là ngày các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tề tựu về đây để thắp hương cho đồng đội, gặp gỡ, tri ân các gia đình có công với cách mạng và giao lưu với thế hệ trẻ. Tương lai, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với khu di tích này, sẽ trở thành điểm tham quan, học tập và giáo dục truyền thống cách mạng hữu ích cho nhân dân.
– Dự án xây dựng Cụm tượng đài và Nhà lưu niệm truyền thống tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom do UBND huyện Trảng Bom làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 64.996.459.903 đồng, thực hiện từ năm 2016-2018 gồm các hạng mục: Nhà truyền thống, chòi nghỉ, cụm tượng đài – phù điêu: diện tích khoảng 316 m2 vàcác hạng mục khác như: San nền, tường chắn đất, sân đường nội bộ, bãi đậu xe, cây xanh, hồ nước (3 hồ diện tích khoảng 1.313m2), hệ thống cấp điện, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống chống sét…
Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom là một trong những căn cứ địa kháng chiến ở Đồng Nai được Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ thành lập vào tháng 9/1965. Đây cũng là căn cứ địa lực lượng đặc công U1 đã giáng nhiều đòn bất ngờ vào Sân Bay Biên Hòa, Tổng Kho Long Bình gây tổn thất cho địch nhiều máy bay, kho đạn.
Cụm tượng đài được xây dựng trong khuôn viên di tích Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) rộng 1,1 ha, cao 21,4m, tái hiện lại hình ảnh quân và dân ở căn cứ U1 chiến đấu chống Mỹ. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng nhân dịp Lễ kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tại đây, nhà lưu niệm truyền thống cũng trưng bày nhiều hiện vật lịch sử quý như: Súng, quân trang quân dụng…
Việc tiếp tục đầu tư xây dựng Cụm tượng đài và Nhà lưu niệm truyền thống tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1)đã phát huy được truyền thống yêu nước của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần chiến đấu hy sinh anh dũng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đáp ứng hoạt động tham quan học tập của đông đảo thanh, thiếu niên và nhân dân trong nước cũng như du khách nước ngoài quan tâm tìm hiểu.
2.3. Các di tích khác
– Dự án sửa chữa, tu bổ Toà hành chánh tỉnh Long Khánh với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, do Ban Quản lý dự án thị xã Long Khánh làm chủ đầu tư, thực hiện năm 2014, nhằm chống xuống cấp, bảo vệ an toàn cho di tích và các hiện vật, tài liệu có giá trị đang trưng bày tại di tích.
– Dự án tu sửa cấp thiết di tích Nhà Xanh với tổng kinh phí đầu tư cho công trình là 3,263 tỷ đồng (trong đó, kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia: 1,1 tỷ đồng,ngân sách tỉnh: 2,163 tỷ đồng), thực hiện từ năm 2018 đến tháng 01/2019. Việc đầu tư tu sửa, chống xuống cấp di tích đã đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập của học sinh, sinh viên; phục vụ tốt công tác tuyên truyền cho thế hệ trẻ và phát huy truyền thống hào hùng của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.
– Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà lao Tân Hiệp với tổng kinh phí là 21,8 tỷ đồng (trong đó,kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia: 800 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 17,5 tỷ đồng, xã hội hóa: 3,5 tỷ đồng), thực hiện từ năm 2018. Mục tiêu chính của dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Nhà lao Tân Hiệp nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước của dân tộc và thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với những người đãhy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đóng góp nhiều công lao với đất nước, đáp ứng được nhu cầu tham quan, sinh hoạt về nguồn của cán bộ lão thành cách mạng, cựu tù chính trị và nhân dân trong và ngoài tỉnh.
– Dự án tu sửa cấp thiết Nhà hội Bình Trước với kinh phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng (trong đó, kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia là 300 triệu đồng, ngân sách thành phố Biên Hòa là 900 triệu đồng).Dự án hoàn thành trong năm 2020.
Ngoài việc đầu tư kinh phí để phục hồi, tôn tạo các hạng mục tại các di tích lịch sử, gắn với xây dựng nhà truyền thống, xây dựng tượng đài – phù điêu và các bia ghi công, tại một số địa điểm lịch sử chưa được xếp hạng cũng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương và đầu tư kinh phí lớn để xây dựng tượng đài như: Tượng đài Chiến thắng La Ngà (gắn với trận đánh La Ngà 01/3/1948), Tượng đài Chiến thắng Sân Bay Biên Hòa (gắn với chiến công ngày 31/10/1964 và Bác Hồ có thư khen ngợi), Tượng đài Chiến thắng Tổng Kho Long Bình (gắn với các chiến công của Đặc công U1), Tượng đài Đặc công rừng Sác (gắn với di tích Địa đạo Nhơn Trạch và những chiến công lừng lẫy của Đoàn 10 rừng Sác), Tượng đài Chiến thắng Xuân Lộc (gắn với chiến thắng Xuân Lộc, đập tan cánh cửa thép phía đông bắc Sài Gòn ngày 21/4/1975, mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc)… Có thể nói, các tượng đài và phù điêu hoành tráng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không chỉ là những công trình mỹ thuật hoàn hảo, mà còn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hào khí Đồng Nai, là niềm tự hào của quân dân Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
3. Phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di tích nói chung và di tích lịch sử cách mạng nói riêng luôn được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, phối hợp và chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả, phát huy được giá trị di tích, nhất là sau khi được phục hồi, tôn tạo bởi các dự án.
– Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các địa phương chú trọng. Nhiều địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp, đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy các di tích vào quy ước, hương ước để nhân dân cùng thực hiện. Bảng chỉ đường đi đến các di tích được lắp đặt để du khách biết và thuận lợi trong việc tìm hiểu, nghiên cứu. Thực hiện xuất bản phim, xuất bản sách giới thiệu các di tích để tuyên truyền, quảng bá các di tích trên địa bàn tỉnh.
– Các cơ quan, đơn vị, tổ chức các ban ngành đã phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai tổ chức thành công các ngày lễ lớn như: Họp mặt truyền thống Thanh niên xung phong các tỉnh phía Nam; Lễ hội Kỷ niệm 65, 70 năm ngày thành lập Chiến khu Đ, 50, 55 năm ngày thành lập Trung ương Cục miền Nam và lễ khởi công xây dựng Tháp biểu trưng Chiến khu Đ; Hội nghị tổng kết thực hiện các Dự án phục hồi, tôn tạo di tích và xây dựng Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử Chiến khu Đ… qua đó tổ chức phong phú các hoạt động về nguồn để tuyên truyền, phát huy các giá trị của di tích tại Chiến khu Đ. Phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều Lễ công bố Quyết định và traobằng công nhận di tích cấp Quốc gia, cấp Tỉnh và tổ chức các ngày kỷ niệm lịch sử địa phương.
– Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai thực hiện tài liệu, tờ gấp giới thiệu về các di tích thông qua các: Hội chợ du lịch, tour, tuyến du lịch, các trường học, tổ chức chính trị – xã hội nhằm quảng bá rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài Tỉnh. Phối hợp với các Đài truyền hình như: VTV2, VTV3, HTV7, HTV9, SCTV12, VTV4…thực hiện phim phóng sự, tài liệu giới thiệu hình ảnh, ý nghĩa truyền thống cách mạng của các di tích đến với công chúng và khách du lịch như: “Nét đẹp Việt”, “Non nước lãng du”, “Đồng hành cùng Saigontourist”, “Du lịch và ẩm thực”, khám phá Chiến khu Đ… nhằm tuyên truyền, phát huy giá trị của các di tích thông qua các hoạt động du lịch.
– Ngoài cuộc thi Tìm hiểu giá trị di tích lịch sử, văn hóa Đồng Nai do tỉnh tổ chức hàng năm (Sở Khoa học và Công nghệ làm thường trực), Bảo tàng Đồng Nai cũng tổ chức các hoạt động tại di tích thông qua các cuộc thi tìm hiểu giá trị di tích tại các địa phương, nhằm mục đích vừa tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa vừa làm phong phú, đa dạng các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại di tíchtrên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: Tìm hiểu di tích trên địa bàn thành phố Long Khánh; tìm hiểu lịch sử các di tích: Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, Đình Phú Mỹ, Chiến khu Đ;tìm hiểu di tích trên địa bàn huyện Xuân Lộc… Tất cả các cuộc thi đều được các địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai cho đối tượng học sinh phổ thông tham gia đã tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên, trên địa bàn tỉnh.
– Xây dựng kế hoạch và lộ trình về trùng tu, tôn tạo di tích theo thời gian ưu tiên đối với những di tích lịch sử cách mạng đã xuống cấp nghiêm trọng, di tích có kiến trúc gỗ, di tích nằm trong tuyến có tiềm năng khai thác du lịch cũng như di tích bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật, tư liệu lịch sử có giá trị để các địa phương, đơn vị và ngành chủ động về nguồn kinh phí thực hiện; đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Đồng Nai để được hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
– Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các hội thảo khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn bền vững các giá trị di sản văn hóa.
Các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của du khách, nhất là thế hệ trẻ trong và ngoài tỉnh, số lượng du khách đến tham quan nghiên cứu và học tập hàng năm điều tăng, trong đó các di tích được trùng tu, tôn tạo gắn với môi trường sinh thái và tín ngưỡng, tâm linh đã thu hút đông khách tham quan như: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (1961-1975), Địa điểm chiến thắng La Ngà, Nhà Xanh, Địa đạo Nhơn Trạch…. (xem phụ lục).
“Việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Trung ương Cục miền Nam là việc làm cần thiết nhằm ghi lại một cột mốc lịch sử lớn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta cho các thế hệ mai sau. Yêu cầu đặt ra là việc bảo tồn, tôn tạo di tích phải đi đôi với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên. Phương pháp bảo tồn, tôn tạo phải kết hợp với yếu tố bền vững và giữ được giá trị lịch sử của di tích. Đồng thời, phải đặt di tích này trong mối tương quan với các di tích quốc gia trong vùng, tạo thành hệ thống cụm di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và sinh thái” (Võ Văn Kiệt). Chính cách làm khoa học như vậy mà các di tích hiện nay đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt, là điểm đến của nhiều khách tham quan, du lịch về nguồn, nghiên cứu lịch sử văn hóa, thư giản, trải nghiệm trong môi trường sinh thái và tâm linh tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc.
Truyền thống văn hóa lịch sử Đồng Nai với hơn 320 năm hình thành và phát triển; truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong suốt 30 năm trường kỳ gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đấu tranh giành độc lập chính là nền tảng bền vững để Đồng Nai tự hào đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và vững chắc./.
Lê Kim Bằng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chông Mỹ, cứu nước – thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Tỉnh ủy Sông Bé, Tỉnh ủy Đồng Nai (2017), Lịch sử Chiến khu Đ, Nxb Đồng Nai.
- Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Tỉnh ủy Đồng Nai (2004), Chiến thắng Xuân Lộc – Long Khánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
- Tỉnh ủy Đồng Nai (2004), Trung ương Cục miền Nam Chiến khu Đ (1961-1962), Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
- Tư liệu Bảo tàng Đồng Nai, “Hồ sơ khoa học các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”,
Phụ lục
BẢNG THỐNG KÊ LƯỢT KHÁCH THAM QUAN
TẠI DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(giai đoạn 2017-2019)
STT | Tên di tích | Số lượt khách tham quan | ||
Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | ||
1 | Chùa Cô Hồn (Bửu Hưng tự) | 2.000 | 2.500 | 3.000 |
2 | Tòa bố Biên Hòa | |||
3 | Nhà Xanh | 3.000 | 4.000 | 4.500 |
4 | Nhà hội Bình Trước | 1.230 | 1.500 | 1.560 |
5 | Quảng trường Sông Phố | |||
6 | Nơi diễn ra cuộc nổi dậy phá Nhà lao Tân Hiệp (02/12/1956) | 1.000 | 1.200 | 1.500 |
7 | Đình Bình Quan | 1.000 | 1.200 | 1.500 |
8 | Tòa hành chính tỉnh Long Khánh | 3.000 | 3.100 | 3.500 |
9 | Đình Xuân Lộc – Chùa Xuân Hòa | 2.500 | 3.000 | 4.000 |
10 | Địa điểm Căn cứ Thị ủy Long Khánh | |||
11 | Địa điểm ghi dấu trận tập kích đồn Hoàng Diệu (ngày 18/5/1969) | 7.000 | ||
12 | Đền thờ Trần Hưng Đạo | 1.500 | 1.600 | 2.000 |
13 | Địa đạo Nhơn Trạch | 2.500 | 2.700 | 3.000 |
14 | Địa điểm diễn ra trận đánh giữa Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4, Sư đoàn 5) và Đại đội 240 Biên Hòa với Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan vào ngày 20/12/1967. | 780 | 1.000 | 1.300 |
15 | Địa điểm ngã ba Giồng Sắn
(Địa điểm Vụ thảm sát Giồng Sắn) |
1.000 | 1.200 | 1.300 |
16 | Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc khu Quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác | 1.000 | 1.230 | 1.500 |
17 | Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (Chiến khu Đ) | 8.000 | 8.700 | 9.000 |
18 | Địa đạo Suối Linh | |||
19 | Địa điểm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) | 7.300 | 7.650 | 8.000 |
20 | Địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản Bình Phước, Tân Triều và Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa | 1.500 | 1.600 | 1.800 |
21 | Đình Long Chiến | 1.000 | 1.200 | 1.500 |
22 | Đình Cẩm Vinh | 1.000 | 1.200 | 1.300 |
23 | Địa điểm chiến thắng La Ngà | 2.000 | 12.000 | 19.000 |
24 | Địa điểm Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (1961-1975) | 8.000 | 10.000 | 12.000 |
25 | Địa điểm Chiến thắng Yếu khu Quân sự Trảng Bom | 1.000 | 1.230 | 1.400 |
26 | Căn cứ Rừng Lá | 1.000 | ||
27 | Đình Hưng Lộc | 1.000 | 1.100 | 1.200 |
28 | Đình Dầu Giây | 1.000 | 1.800 | 2.000 |
Tổng | 52.310 | 70.710 | 93.860 |