Vấn đề thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế xã hội luôn luôn được đặt ra với bất kỳ quốc gia nào. Và nếu xử lý không khéo, không đảm bảo quy trình theo luật định chắc chắn sẽ diễn ra tình trạng di sản văn hóa bị xâm hại, bị biến dạng và cao hơn nữa là biến mất. Trong khi đó ai cũng biết cái còn lại sau khi tất cả mất đi đó là văn hóa, và Nhà thơ Gamzatov từng viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Đặc biệt với những di sản nằm trong lòng đất, thì càng rất dễ bị mất đi khi thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu tứ giác động lực kinh tế như Chính phủ xác định thuộc khu vực trọng điểm phía Nam; có tốc độ phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa rất nhanh, do vậy có thể nói Đồng Nai là khu vực những “của báu” cả trên mặt đất và trong lòng đất rất đễ mất, đó chính là những di chỉ khảo cổ, những vốn văn hóa mà tiền nhân, cha ông chúng ta đã để lại.
Đồng Nai theo số liệu hiện có 37 khu công nghiệp đã được quy hoạch và 32 khu công nghiệp đã đưa vào sử dụng sau khi hoàn thành hạ tầng với hàng ngàn những nhà máy, doanh nghiệp, công ty sản xuất hàng hóa. Những khu công nghiệp mọc lên theo quy hoạch chung phát triển kinh tế của tỉnh (quy hoạch tỉnh, huyện, quy hoạch công nghiệp…), nhưng hầu như không có một chỉ đạo nào, mặc dù chỉ đạo đó là thực hiện đúng khuyến nghị của Bộ Văn hóa (trước đây) là những dự án công trình trước khi khởi công cần được điều tra, thám sát hoặc khai quật khảo cổ để tránh sự mất mát di chỉ khảo cổ trong lòng đất.
Thực tế, những doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, xây dựng khu đô thị mới thường chỉ trình dự án cho những cơ quan quản lý nhà nước. Nếu khảo cổ “vào trước”, những nhà đầu tư sợ công trình triển khai chậm. Thực tế cho thấy, những nhà khoa học về khảo cổ, Bảo tàng thường là những người đến sau khi người dân phát hiện hiện vật, hoặc các hiện vật phát lộ khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thi công bằng cơ giới. Và cũng không ít những di chỉ đã khai quật nhiều lần, được giới khoa học đánh giá cao về giá trị lịch sử văn hóa hiện đã mọc lên những công trình, đô thị (Bình Đa), hoặc phải khai quật khảo cổ chữa cháy cho kịp tuyến độ triển khai công trình (như khai quật lòng hồ Trị An những năm 80 thế kỷ 20). Đó là chưa nói tâm lý những nhà đầu tư thường muốn đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án để thu hồi vốn…Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên chính là vì chúng ta chưa có một quy hoạch về khảo cổ theo đúng nghĩa của nó.
Ngày 11/07/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2412/QĐ-UBND về việc “phê duyệt quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Tuy là chậm, nhưng đây chính là văn bản thể hiện tầm nhìn của Chính quyền địa phương với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, nhất là văn hóa khảo cổ trên địa bàn, để phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương. Quy hoạch nêu ra được bước đi cần thiết (trong đó có vấn đề nhân lực khoa học và quản lý) khảo sát lại giá trị những di chỉ khảo cổ đã khai quật, xác định vị trí tọa độ và giá trị của di chỉ và những địa điểm di chỉ khảo cổ cần khai quật trong các năm 2018, 2019, 2020 đến năm 2025. Nhưng đã một năm qua, các ngành chức năng vẫn chưa có một kế hoạch hay chương trình triển khai thực hiện Quyết định này.
Với Quyết định quy hoạch khảo cổ này, để triển khai thực hiện cụ thể, theo tôi cần lưu ý những vấn đề như sau:
1. Cần đối chiếu quy hoạch khảo cổ này với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Quy hoạch khảo cổ dựa trên quy hoạch tổng thể của tỉnh, nhưng triển khai thực hiện quy hoạch khảo cổ cần đi trước một bước thực hiện quy hoạch tổng thể của địa phương. Và như vậy, ngành văn hóa, trong đó có nhà Bảo tàng Đồng Nai, đơn vị có chức năng bảo tồn phát huy giá trị di sản cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể (dựa trên quy hoạch của UBND theo quyết định 2412/QĐ-UBND ngày 11/07/2018 để triển khai thực hiện.
2. Để thực hiện quy hoạch cụ thể về khảo cổ, cần thiết phải có kế hoạch khai quật mở rộng các di chỉ khảo cổ (có giá trị được thẩm định) đã khai quật trước đó. Đồng thời dựa trên quy hoạch tổng thể của tỉnh xác lập kế hoạch điều tra, thám sát, khai quật…những địa điểm, khu vực sẽ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng, dự án kinh tế, phát triển đô thị…. Qua kết quả điều tra, thám sát, khai quật cần báo cáo các cấp thẩm quyền về những phát hiện, giá trị di chỉ khảo cổ; những đề xuất cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị của di chỉ khảo cổ, và có thể cần phải khoanh vùng bảo vệ, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, phát triển đô thị hoặc dự án đã đệ trình hoặc phê duyệt. Vấn đề là sự thống nhất đồng bộ khi thực hiện hai quy hoạch khảo cổ và quy hoạch phát triển kinh tế, trong đó có phát triển đô thị, sẽ giảm thiểu những tiếng nói trái chiều giữa các nhà khoa học khảo cổ với những nhà đầu tư.
3. Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế địa phương, vùng cần thiết làm rõ phạm vi không gian, vị trí địa lý, nghiên cứu đặc điểm lịch sử, văn hóa; thì quy hoạch khảo cổ cần xác định giá trị của từng di tích khảo cổ (nếu đã xác định cụ thể). Trên cơ sở kết quả đã nghiên cứu và công bố như khảo cổ học Đồng Nai thời kỳ sơ sở, khảo cổ học Đồng Nai thời đại kim khí, khảo cổ học Đồng Nai vùng ngập mặn…cần xác định vùng khảo cổ trong tương lai gắn với quy hoạch tổng thể, dự báo về khả năng khai quật di chỉ, dự báo trong tương lai về giá trị và khả năng phát huy trong tương lai để khoanh vùng. Trên kết quả điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ, cần xây dựng bản đồ khảo cổ học mang tính cảnh báo về khả năng có di sản văn hóa khảo cổ trong vùng đất phát triển hạ tầng kinh tế, phát triển đô thị.
4. Bản đồ khảo cổ được thẩm định hoàn thành, cần được những cơ quan quản lý nhà nước địa phương công bố, giới thiệu với những nhà đầu tư chuẩn bị đầu tư ở địa bàn; đồng thời chỉ đạo, tạo điều kiện để những cơ quan có trách nhiệm thực hiện các công đoạn điều tra thám sát, khai quật khảo cổ trước khi thực hiện dự án.
5. Nhà nước cần xây dựng quỹ bảo tồn di sản văn hóa (trong đó có khảo cổ) để các cơ quan khoa học chủ động trong thực thi nhiệm vụ. Về triển khai, ngành văn hóa (cụ thể Bảo tàng Đồng Nai) có kế hoạch cụ thể đề xuất kinh phí, hợp đồng liên kết với các trường, Viện khoa học (khoa khảo cổ trường Khoa học xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Viện khảo cổ…) để tăng cường nguồn nhân lực thực hiện các công đoạn khai quật khảo cổ học.
Quy hoạch khảo cổ và triển khai vẽ bản đồ khảo cổ trên cơ sở điều tra, thám sát khai quật các di chỉ khảo cổ, xác định được gía trị của di chỉ khảo cổ; giới thiệu bản đồ khảo cổ với những cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các nhà đầu tư các dự án là cần thiết và là một trong những phương thức tránh “sự xung đột” giữa phát triển kinh tế với việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa trong tương lai hội nhập và phát triển kinh tế./.
Ths Trần Quang Toại
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội KH Đồng Nai