1. Đặt vấn đề
Vấn đề sở hữu trí tuệ (viết tắt SHTT) được quy định trong pháp luật của Việt Nam qua nhiều văn bản nhưng Luật SHTT chính thức được ban hành năm 2005[i]. Năm 2009, luật SHTT được sửa đổi và bổ sung và đến năm 2019 tiếp tục được sửa đổi bổ sung[ii]. Điều 3 Luật SHTT phân loại quyền sở hữu trí tuệ thành 3 nhóm:
– Nhóm 1: đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (gọi tắt là chương trình phát sóng).
– Nhóm 2: đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
– Nhóm 3: đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Luật SHTT được ban hành và sửa chữa, bổ sung đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu trong sự phát triển của đất nước hiện nay, thích ứng và phù hợp với môi trường, điều kiện hội nhập quốc tế với những quy định được thể hiện gồm 4 phần, 222 điều và các khoản, mục cụ thể.
2. Đôi điều về Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hoạt động của Bảo tàng
Bảo tàng là thiết chế văn hóa có mặt ở các tỉnh, thành của Việt Nam. Số lượng bảo tàng hiện nay rất phong phú; trong đó có hai loại hình: Bảo tàng công lập và Bảo tàng ngoài công lập. Theo Luật Di sản văn hóa, hệ thống Bảo tàng công lập được xác định: Bảo tàng Quốc gia; Bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; Bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; Bảo tàng cấp tỉnh. Hoạt động của Bảo tàng thể hiện ở các nhiệm vụ: Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật; Nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội; Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của bảo tàng; Quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật; Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật[iii].
Trong hoạt động bảo tàng, thực thi những quy định liên quan, trong Luật SHTT có những quy định gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ. Đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Trong đó, quyền tác giả bao gồm:
Quyền nhân thân: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh.
Đồng thời, Luật SHTT quy định về chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản. Đó là các chủ thể gồm: Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm có các quyền nhân thân và các quyền tài sản; Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm có chung các quyền quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với tác phẩm đó; Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền tài sản và công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm theo quyền nhân thân; Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm theo quyền nhân thân theo thỏa thuận trong hợp đồng; Tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả được xác định.
Công tác sưu tầm, trưng bày của bảo tàng liên quan đến hiện vật, hình ảnh hay các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật dân gian… đều có quy định trong quyền tác giả của Luật SHTT. Hiện nay, một số trưng bày trong các bảo tàng thường quên đến quyền tác giả của tác phẩm nhiếp ảnh đang sử dụng. Đây là đối tượng được luật quy định rõ ràng. Trong đó, nhiều nguồn ảnh được sưu tầm thường ít chú ý đến quyền tác giả trong chú dẫn hoặc đặt tên sai. Ngoại trừ những trường hợp tác phẩm được sự đồng ý của tác giả, vượt qua thời gian bảo hộ, được sử dụng trong những mục đích mà luật quy định không cần xin phép, trả nhuận bút thì phải thực hiện quyền tác giả. Một số thực hiện trưng bày theo chuyên đề, những tác phẩm ảnh thường rơi vào tình trạng “đặt tên lại cho phù hợp”. Việc làm này vô hình trung lại vi phạm quyền đặt tên của quyền nhân thân của quyền tác giả dù chưa gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ với nhiều phương tiện, nguồn tài liệu ảnh của Việt Nam, của văn hóa địa phương đã đăng tải khá nhiều. Đây cũng là nguồn tài liệu được một số bảo tàng sưu tầm để nghiên cứu, trưng bày. Tuy nhiên, một số quyền tác giả đã được công bố trên đây vẫn còn một số bảo lưu quyền tác giả hay chủ sở hữu trí tuệ liên quan. Vì vậy, khi sử dụng, các bảo tàng chú ý những quy định liên quan về quyền SHTT này, nếu không, sẽ vi phạm luật trong quyền nhân thân, quyền tài sản trong quyền tác giả. Một số tư liệu ảnh hay các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình được phép khai thác trong mục đích phi lợi nhuận nhưng kèm theo nội dung không được sử dụng phát hành trong một số trường hợp như làm tác phẩm phái sinh, phát hành, xuất bản mà chưa được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Một số nhận thức về quyền SHTT hiện nay chưa được quan tâm trong các hoạt động liên quan. Luật SHTT quy định khá rõ quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cụ thể nhưng hiểu và thực hiện hiện nay trong hoạt động trưng bày, công bố tác phẩm chưa thấu đáo. Tác phẩm ảnh thuộc chủ sở hữu quyền tác giả là bảo tàng (là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản) được quy định nhưng quyền tác giả cần được tôn trọng xuyên suốt trong sử dụng. Một số cá nhân, tổ chức khai thác từ chủ sở hữu quyền tác giả ở các bảo tàng nhưng bỏ qua quyền nhân thân của quyền tác giả. Đồng thời, có nhiều bảo tàng cũng quên đi quyền lợi khi chính cơ quan, đơn vị chính là chủ thể sở hữu quyền tác giả của tài sản trí tuệ mà không thực hiện hoặc phát huy khi có những yếu tố liên quan.
Trong khuôn khổ dự án đào tạo quyền SHTT trong ngành văn hóa, du lịch, một số ý kiến về quyền tác giả trong hoạt động bảo tàng được nêu lên khá lý thú[iv]. Từ hoạt động khá đa dạng trong trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh của bảo tàng từ ảnh tư liệu của tác giả là người nước ngoài đã đặt ra những tình huống cần quan tâm đến quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài sự khó khăn là một số quy định trong luật SHTT của Việt Nam vẫn còn có những điểm khác biệt với SHTT của các quốc gia, thì khó khăn về kinh phí, thủ tục hành chính trong xử lý quyền tác giả cũng là rào cản cho bảo tàng thực hiện các công việc có liên quan đến SHTT.
Từ thực tế trong hoạt động của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trước đây, bà Huỳnh Ngọc Vân cho rằng: “Trong các Bảo tàng hiện nay, đôi khi có ý thức hoặc không có ý thức về SHTT diễn ra rất nhiều. Quyền tác giả và quyền sở hữu còn rất lằng nhằng. Nhiều người nghĩ rằng khi được tặng thì muốn làm gì thì làm” và “ trong khi thu nhập ở các bảo tàng rất thấp thì không biết tạo nguồn thu từ SHTT của mình cho nên thường “biếu không, cho không” vì nhiệm vụ chính trị, điều này làm cho bảo tàng trở nên hết sức thụ động trong việc tìm các nguồn thu hợp pháp cũng như không đánh giá tối đa được tài sản vô hình mà bảo tàng đang có, coi đó là vốn liếng để mình phát triển được…”. Một thực tế, nhiều bảo tàng đã đầu tư nguồn kinh phí để hình thành các sưu tập, các tư liệu khoa học nhưng chưa biết cách khai thác theo luật một cách hợp lý. Như vậy, chúng ta có thể thấy, khi nhận thức được SHTT trong hoạt động Bảo tàng sẽ đem lại lợi ích thiết thực khi thực hiện đúng luật quy định về quyền tác giả cũng như sở hữu quyền tác giả. Một số bản ghi âm, ghi hình (tư liệu) bảo tàng giữ quyền sở hữu nhưng khi các cơ quan, đơn vị – đặc biệt là truyền thông đề nghị sử dụng thường được “tặng cho” quyền sử dụng khá lỏng lẻo dù đơn vị sử dụng để khai thác có lợi nhuận.
3. Tạm kết
Có nhiều nguyên do, yếu tố mà quyền SHTT trong ngành văn hóa nói chung, trong đó có hoạt động của bảo tàng chưa quan tâm đúng mực trong thời gian vừa qua. Vì vậy, trong thời đại mà công nghệ phát triển và việc sử dụng những quyền theo luật quy định được phổ quát thì vấn đề này được nhận thức sâu sắc trong nhân lực của bảo tàng. Bên cạnh những quy định, thủ tục hiện hành, đã thực hiện, hoạt động sưu tầm, trưng bày, giám định… của Bảo tàng cần chú ý đến những quy định SHTT, đặc biệt là quyền tác giả, quyền sở hữu với tư liệu, hiện vật, tác phẩm… của mình. Nguồn nhân lực của bảo tàng cần được tập huấn về kiến thức SHTT và có sự hỗ trợ pháp lý về những vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ bởi bảo tàng lưu giữ, bảo quản nguồn tài sản văn hóa khá phong phú. Sự nhận thức và thực hiện đầy đủ trong cả những thỏa thuận sử dụng quyền tác giả, quyền sở hữu khi tiếp nhận hiến tặng, sưu tầm, trưng bày hiện vật, tư liệu, hình ảnh cần có những thỏa thuận cụ thể để thuận lợi trong việc khai thác sau này, đem lại lợi ích trong chuyên môn và cả lợi ích khai thác theo quy định. Những bảo tàng cũng cần rà soát về quyền tác giả, quyền sở hữu trong danh mục lưu giữ, trưng bày để chỉnh lý và cả khai thác phù hợp cho những hoạt động khác mà Luật SHTT đề cập. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Chiến lược SHTT đến năm 2030[v]: Phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đối tượng chung của SHTT, chính sách SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực./.
Ths. Phan Đình Dũng
Ths. Hà Vân Khánh
Trường Đại học Văn hóa TPHCM
Tài liệu tham khảo
[i]Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam được Quốc hội Việt Nam khóa XI trong kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2006.
[ii] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
[iii] Điều 47, 48 luật Di sản văn hóa (Ngày 29/06/2001, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Di sản văn hóa; năm 2009, ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật Di sản văn hóa luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2010.
[iv]Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn hóa TPHCM (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học: Sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch, Thùy Trang lược ghi trên báo Văn hóa.
[v]Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về sở hữu trí tuệ, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.