Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã góp phần quan trọng vào việc sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu đến công chúng một kho tàng vô giá về văn hóa, lịch sử… của dân tộc cũng như vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
40 năm kể từ ngày thành lập là khoảng thời gian không dài nếu so với lịch sử hơn 310 năm của vùng đất Trấn Biên xưa – Biên Hòa nay. Song bấy nhiêu năm cũng là một chặng đường đối với những người làm công tác bảo tàng, bảo tồn. Nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên của đơn vị đã làm nên không ít điều lớn lao, ý nghĩa.
Nhiều hiện vật quý
Trong 40 năm qua, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện công tác khảo cổ; sưu tập hiện vật – tư liệu lịch sử; sưu tầm văn hóa các dân tộc (vật thể – phi vật thể); sưu tầm – phục dựng nhà cổ truyền thống và nghề thủ công truyền thống; thực hiện chuyên đề phụ nữ trong nhà tù Mỹ – ngụy; trưng bày hình ảnh – máy móc, mô phỏng sa bàn về cụm khu công nghiệp trong tỉnh; trưng bày mô hình tự nhiên về động, thực vật… Hiện Bảo tàng Đồng Nai đang nắm giữ đến gần 20 ngàn hiện vật rất quý hiếm, có giá trị cả về văn hóa, lịch sử, như: tượng tê tê bằng đồng, bộ sưu tập hiện vật “vũ khí chống giặc ngoại xâm của nhân dân Đồng Nai”, 70 bức tranh ký họa chiến trường ghi lại những phút giây chiến đấu cũng như sinh hoạt đời thường của cán bộ, chiến sĩ, bộ sưu tập thủy sản; gốm mỹ nghệ Biên Hòa, công cụ đá cũ, thực hiện không gian trưng bày hệ sinh thái rừng Đồng Nai; mô phỏng một số nghề truyền thống của vùng đất Biên Hòa, sa bàn mô tả các khu – cụm công nghiệp trong tỉnh… Có thể nói đến Bảo tàng Đồng Nai là về với một Đồng Nai thu nhỏ trong khuôn viên gần 13 ngàn m2.
Và để có những bộ sưu tập hiện vật, tài liệu kể trên giới thiệu đến công chúng, những người trực tiếp làm công tác bào tàng, bảo tồn của Bảo tàng Đồng Nai phải trải qua nhiều vất vả.
Với đặc thù của công việc nên những di sản viên của Bảo tàng Đồng Nai thường rong ruổi bằng xe gắn máy đến khắp các xóm làng, ngõ ngách để gặp nhân chứng, vận động thuyết phục nhân dân hiến tặng các hiện vật có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa… Theo chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, di sản viên Phòng Di sản, Bảo tàng Đồng Nai: “Lo nhất là những ngày đi công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, khi qua đoạn đường vắng mà thân gái một mình nên tôi sợ lắm. Đó là chưa kể thời gian làm việc tại cơ sở kéo dài từ 3-5 ngày/đợt nên khá bất tiện đối với cán bộ nữ, đặc biệt là những người đã có gia đình, con nhỏ. Tuần nào tôi đi công tác xa nhà, chuyện chăm sóc con đành phó mặc cho người thân”. Mặc dù công việc vất vả nhưng mỗi lần tìm được những thông tin có giá trị lịch sử hoặc thuyết phục được người dân hiến tặng các hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày là bao mệt nhọc của những di sản viên bỗng chốc tan biến.