Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ, bao gồm đờn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn hát ca sau những giờ lao động. ĐCTT có thể trình diễn bất cứ ở đâu và bất kỳ thời điểm nào. Những người tham gia ĐCTT phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau, họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục, chỉ khi nào diễn ở đình, miếu hoặc tham gia diễn trên sân khấu họ mới lưu ý đến trang phục cho phù hợp. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật ĐCTT luôn khẳng định rõ vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội người Việt, được cộng đồng cư dân ở miệt vườn, sông nước Nam bộ tự nguyện chấp nhận, tự do tham gia thực hành, sáng tạo, góp phần tạo nên sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
So với nhiều tỉnh thành khác ở Nam bộ, sự xuất hiện loại hình nghệ thuật ĐCTT ở Đồng Nai diễn ra muộn hơn do đây chỉ là vùng lan tỏa. Đầu năm 2010, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành văn hóa Đồng Nai đã tổ chức kiểm kê, lập hồ sơ khoa học nghệ thuật ĐCTT, cùng với 20 tỉnh thành khác ở khu vực Nam bộ, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua công tác kiểm kê, lập hồ sơ đã xác định ở Đồng Nai có 31 câu lạc bộ (CLB) với hơn 351 thành viên thực hành loại hình di sản này thường xuyên. Vào năm 2014, tổ chức UNESCO đã công nhận và vinh danh Nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá toàn diện, Đề án đã đưa ra các giải pháp bảo tồn, truyền dạy những bản tổ, đưa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ vào cuộc sống và đóng góp vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư; góp phần vào xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, trong năm 2020, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức kiểm kê Nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn của 11 huyện, thành phố. Việc thực hiện công tác kiểm kê sẽ nhận diện và đánh giá được sức sống của loại hình nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng, về mức độ hiện tồn, xác định được thông tin nghệ nhân am hiểu về các bài bản tổ, các loại nhạc cụ… từ đó sẽ giúp các nhà quản lý xây dựng các chính sách nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Kết quả sau hơn 6 tháng thực hiện, Bảo tàng Đồng Nai đã thống kê trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 54/57 CLB, nhóm ĐCTT (có 3 CLB không liên hệ được), được phân bố như sau: Tp Biên Hòa: 5 CLB; huyện Vĩnh Cửu: 12 CLB, 5 nhóm; huyện Trảng Bom: 1 nhóm; huyện Thống Nhất: 1 CLB; Tp Long Khánh: 5 CLB; huyện Long Thành: 4 CLB; huyện Nhơn Trạch: 10 CLB; huyện Tân Phú: 2 CLB, 1 nhóm; huyện Định Quán: 3 CLB; huyện Cẩm Mỹ: 2 CLB; huyện Xuân Lộc: 3 CLB. Tổng phiếu khảo sát: 380 phiếu lý lịch nghệ nhân, 109 phiếu lý lịch nhạc cụ. Tổng số thành viên hiện đang sinh hoạt tại các CLB, nhóm ĐCTT khoảng 613 nghệ nhân, trong đó có 43 nghệ nhân đờn, 54 nghệ nhân vừa đờn vừa ca và 516 nghệ nhân ca. So với thống kê năm 2010 (tổng cộng 31 CLB có 351 nghệ nhân, trong đó: 53 nghệ nhân đờn; 43 nghệ nhân vừa đờn vừa ca; 232 nghệ nhân ca) thì số lượng các CLB và nghệ nhân hoạt động nghệ thuật ĐCTT ở Đồng Nai hiện nay có sự phát triển.
Câu lạc bộ có nhiều nghệ nhân nhất là CLB của xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh với 27 nghệ nhân (2 đờn, 2 vừa đờn vừa ca, 23 ca). Câu lạc bộ có ít nghệ nhân nhất là CLB của ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, với 3 nghệ nhân (2 vừa đờn vừa ca, 1 ca). Phần lớn các nghệ nhân tham gia trong các CLB đều ở độ tuổi từ 50 đến 60 tuổi chiếm khoảng 75%, nghệ nhân từ 40 đến 50 tuổi chiếm khoảng 20%, các nghệ nhân cao tuổi và các nghệ nhân trẻ tuổi số lượng rất ít chiếm khoảng 5%. Nghệ nhân cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Văn Bằng, sinh năm 1936, là nghệ nhân của CLB ĐCTT Người Cao tuổi ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Nghệ nhân trẻ tuổi nhất là Huỳnh Văn Trung, sinh năm 2003, là nghệ nhân của CLB ĐCTT phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa.
Qua số liệu, có thể thấy loại hình nghệ thuật ĐCTT đang dần bị mai một, các lớp kế cận, nhất là thế hệ trẻ ít quan tâm và ngày càng xa lạ với bộ môn nghệ thuật này. Bên cạnh đó là việc ĐCTT bị vọng cổ hóa, cải lương hóa, nhiều nghệ nhân có sự nhầm lẫn giữa vọng cổ; cải lương với nghệ thuật ĐCTT. Các nghệ nhân ca và đờn được nguyên gốc 20 bài bản tổ chỉ được khoảng 25 người chiếm 6,57%; phần lớn các nghệ nhân chỉ biết một số bản tổ phổ biến như 6 bản Bắc, 3 bản Nam và một vài lớp cơ bản. Phần lớn các thành viên trong CLB chỉ biết ca vọng cổ, cải lương, tân nhạc không biết ca tài tử vì thiếu người hướng dẫn. Số lượng các cuộc thi liên quan đến loại hình nghệ thuật ĐCTT ở Đồng Nai còn khá khiêm tốn. Các huyện, thành phố không tổ chức các liên hoan, hội thi ĐCTT riêng mà lồng ghép vào các chương trình văn nghệ khác. Hiện nay, chỉ có Liên hoan ĐCTT tỉnh Đồng Nai được duy trì tổ chức với chu kỳ 2 năm/lần.
Hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhạc cụ của các CLB ĐCTT ở Đồng Nai còn thiếu và lạc hậu. Nhiều CLB ĐCTT chỉ có duy nhất một cây Guitar phím lõm cũ, một số CLB muốn sinh hoạt phải đi thuê nhạc cụ, trang thiết bị, mới có thể trình diễn. Bên cạnh đó, địa điểm sinh hoạt của các CLB, nhóm ĐCTT thường xuyên là ở nhà riêng của các thành viên nhưng phải thay đổi luân phiên với nhau. Kinh phí hoạt động của các CLB ĐCTT ở Đồng Nai chủ yếu từ sự đóng góp của các nghệ nhân. Mặc dù trong Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ 200,000đ/tháng/CLB x 36 tháng, song cho đến thời điểm hiện nay chỉ có huyện Nhơn Trạch thực hiện, các địa phương còn lại đều không triển khai hỗ trợ cho các CLB trên địa bàn do mình quản lý. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song vì niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, các nghệ nhân vẫn sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Các CLB ĐCTT thường xuyên tổ chức cuộc giao lưu văn nghệ với nhau, để trao đổi chuyện nghề, chuyện đời, qua đó mang lời ca tiếng hát đến cho người, cho đời những niềm vui giữa cuộc sống bộn bề, lo toan.
ĐCTT là một loại hình nghệ thuật đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, những giá trị tinh túy cần được tiếp tục đúc kết và gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Do đó việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này bằng các giải pháp đúng đắn và hiệu quả là một việc làm cấp bách. Điều này sẽ giúp tạo ra một nền móng vững chắc trong việc bảo tồn và phát triển bền vững của nghệ thuật ĐCTT trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Trong thời gian tới, thiết nghĩ các ngành, các cấp, các chủ thể sở hữu di sản văn hóa này cần tiếp tục thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, thực hành di sản, để loại hình nghệ thuật ĐCTT trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam./.
Thái Thị Mai