Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất phong phú và giàu bản sắc, đã góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất, từ nhiều năm nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến các địa phương. Để góp phần bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, Bảo tàng Đồng Nai nói riêng, Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với Bảo tàng thành phố Cần Thơ trưng bày chuyên đề “Văn hóa các dân tộc thiểu số Đông Nam Bộ” tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ .
Triển lãm trưng bày trên 200 hình ảnh, hiện vật của các dân tộc thiểu số bản địa ở Đồng Nai: Mạ, X’tiêng, Cơ-ho, Chơ-ro… giới thiệu đến khách tham quan thành phố Cần Thơ những nét đặc trưng tiêu biểu về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số vùng Đông Nam bộ.
1. Về đời sống vật chất:
Giới thiệu đến khách tham quan các bộ sưu tập:
– Bộ sưu tập hiện vật lao động sản xuất: Các dân tộc thiểu số bản địa Đồng Nai trước đây lấy săn bắt hái lượm là nguồn cung cấp thức ăn chủ yếu. Ngày nay việc săn bắn, hái lượm chỉ tập trung vào thời gian nông nhàn (khoảng tháng 6, 7 âm lịch). Một số dụng cụ lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm của đồng bào dân tộc được trưng bày như: Ống tre đựng đũa; đụt đựng cá; lồng nhốt gà; chày và cối giã gạo; giỏ đựng lúa giống; chà gạt dùng để chặt cây và cắt dây leo trong rừng khi làm nương rẫy; dao côi; nỏ, tên, ná, bẫy thú…
– Bộ sưu tập Cây chọc lỗ của dân tộc Chơ-ro: Người Chơ-ro xưa kia có lối sống du canh, du cư nên công cụ, dụng cụ lao động sản xuất trên rẫy hằng ngày của họ thường rất thô sơ. Trong đó, gậy chọc lỗ tra hạt là một công cụ dùng để tra trỉa các loại hạt giống trên rẫy.
Gậy chọc lỗ tra hạt có kết cấu đơn giản, chỉ là một thân gỗ có độ dài từ 2 – 3 m nhỏ hơn cổ tay, một đầu được vót nhọn. Gậy làm từ một cây gỗ rừng mọc ở đầu nguồn các con suối đá, loài cây mọc thẳng thành cụm từ 3 – 4 cây. Họ thường chặt cây mới chết khô mang về đẽo bỏ phần ngoài vỏ và chỉ lấy phần lõi cây, gọt đều, vót trơn. Khi đẽo gậy, họ đẽo từ đầu to đến đầu nhỏ, đầu to gọt nhọn để chọc lỗ, ở phần ngọn đẽo một hình thoi rộng. Gậy do đàn ông sử dụng. Họ cầm mỗi tay một gậy và thường chọn tay phải (tay thuận) chọc trước, tay trái chọc sau, ra lực mạnh và dứt khoát. Điều thú vị là trên đầu gậy thường có treo các lục lạc nhỏ tạo ra nhịp điệu vui tai. Người phụ nữ đi phía sau tra hạt giống bước nhịp nhàng tạo thành một bức tranh lao động đẹp mắt nơi núi rừng.
– Bộ sưu tập gùi: Sinh sống trong điều kiện địa hình rừng núi rậm rạp thì gùi là phương thức vận chuyển phù hợp nhất. Tùy vào dân tộc, mục đích sử dụng mà chiếc gùi được tạo hình khác nhau. Gùi đựng lúa thì đan khít, gùi đựng củi lại đan thưa, gùi cho nam giới thì to hơn gùi nữ giới.
Ðể đan được một chiếc gùi mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người làm. Trước hết phải vào rừng tìm kiếm nguyên vật liệu, chọn những cây mây, lồ ô thật thẳng, đẹp, không quá già cũng không quá non. Sau đó, chặt mây thành từng đoạn, chẻ lạt và vót cho thật nhẵn rồi ngâm trong bùn cho đủ độ dẻo. Quan trọng nhất là công đoạn làm đế, đế có đều, đẹp và chắc chắn, gùi mới sử dụng được lâu. Sau khi làm được đế thì đến công đoạn làm thân gùi, có thể theo hình thoi hoặc tròn. Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi, thường làm bằng vỏ cây rừng hoặc dây mây.
– Bộ sưu tập bình đựng rượu bằng vỏ quả bầu: Sống hòa quyện, gắn bó với thiên nhiên, từ bao đời nay, các dân tộc thiểu số biết tận dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có để làm ra những vật dụng. Với quả bầu họ đã tạo ra đồ đựng, đồ múc, phễu rót, đồ đo lường, nhạc cụ ….
– Bộ sưu tập trang phục: Trước đây nam giới thường cởi trần hoặc mặc áo chui đầu, đóng khố. Nữ giới mặc bộ váy áo thổ cẩm. Về hoa văn trang trí có khác biệt ở từng dân tộc:
+ Trang phục người Chơ-ro: Trang phục cổ truyền của người Chơro là đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc váy, phần bụng trở lên để trần. Các mảng màu, hoa văn, đường viền, đường kẻ đều chạy theo chiều ngang của tấm thổ cẩm. Người Chơ-ro xưa kia còn quấn khăn trên đầu. Cái khăn ngoài công dụng giữ ấm còn có tác dụng nhặt hạt thóc rơi, họ rất kiêng dùng chổi quét gom thóc vì sợ làm thần lúa giận. Để giữ thân vào mùa lạnh, người Chơ-ro thường khoác lên một tấm chăn có lỗ chui đầu.
+ Trang phục người Mạ: Kiểu áo truyền thống là áo chui đầu, được làm từ một tấm thổ cẩm, không ống tay, không có ve cổ, màu chủ đạo là trắng, thường ngắn đến thắt lưng. Áo nữ cổ thuyền, kín tà, vạt sau và vạt trước bằng nhau đi chung với váy. Áo nam cổ tròn, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước, nam thường mặc áo đóng khố. Màu chủ đạo của khố, váy thường là màu đen và đen chàm.
+ Trang phục người X’tiêng: Trang phục của người X’tiêng khá đơn giản, đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố. Mùa đông người ta choàng một tấm vải để chống rét. Người X’tiêng để tóc dài búi sau gáy, dái tai xâu lỗ để đeo hoa tai bằng gỗ hay ngà voi và xăm mặt, xăm mình với những hoa văn giản đơn. Hoa văn trên thổ cẩm chủ yếu là hình học như: ô vuông, hình thoi, tam giác…
+ Trang phục người Cơ-ho: Trang phục của đàn ông là đóng khố bằng vải bản rộng, dài khoảng 1,5 – 2 m, có hoa văn theo dải dọc. Phụ nữ thường dùng váy bằng một tấm vải quấn quanh người rồi giắt cạp. Trên các bộ áo váy thổ cẩm của phụ nữ Cơ-ho màu nền là màu tối đặc biệt là hai màu xanh và xanh đen, hoa văn chủ yếu là các hình kỷ hà, hình học cách điệu. Nếu thời tiết lạnh, họ khoác thêm chăn bên ngoài.
– Bộ sưu tập khuyên tai bằng ngà voi, bằng gỗ: Dân tộc Mạ và X’tiêng có tập tục “cà răng, căng tai” theo quan niệm của đồng bào đây là nghi thức đánh dấu sự trưởng thành. Khi người con trai thực hiện tục này sẽ cho thấy lòng dũng cảm, còn đối với phụ nữ là sự chịu thương chịu khó bên cạnh đó họ quan niệm dái tai càng dài sẽ càng đẹp. Từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được xâu lỗ tai. Căng tai phải mất thời gian rất dài, khi mới xâu tai, đứa trẻ chỉ đeo một mẩu tre nhỏ. Mẩu tre này sẽ được thay bằng những đôi khuyên tai chất liệu khác và kích thước to dần lên cho đến khi dái tai ngày càng căng rộng. Gia đình giàu có đeo tai bằng ngà voi, khá giả thì đeo vòng bạc, còn bình thường đeo tre nứa, lồ ô…. Nếu lỗ xâu tai căng to đến mức làm cho dái tai bị rách hẳn thì người đó và cả làng của họ sẽ gặp may mắn.
2. Về đời sống tinh thần
Tại gian trưng bày giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như: Tổ hợp cúng Yang trong lễ hội Sa Yang Va của người Chơ-ro. Lễ cúng được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm với mục đích tạ ơn thần lúa đã ban phúc cho gia đình một mùa bội thu. Trong lễ hội Sa Yang Va, đồng bào dựng cây nêu trước sân nhà, đây được xem là cây thông thiên, mời thần linh về dự lễ hội. Đồng bào chuẩn bị bàn thờ nhang, trên bàn thờ nhang có bày: hàm thú, đầu heo, bánh dầy, cau….
Buổi sáng những người phụ nữ Chơ-ro đi rước hồn lúa, vốn là chùm lúa rẫy được bó để dành sau mùa thu hoạch trên nương. Rước về, họ chia bông lúa trang trí trên bàn thờ, làm thịt gà, heo bôi huyết trên cây nhang và chuẩn bị rượu cần, các lễ vật để cúng thần. Nghi thức cúng chính là cúng thần nhà trước, sau đến cúng ông bà tổ tiên, thần lúa. Già làng hoặc chủ nhà đảm trách việc đọc lời khấn, trình bày tấm lòng thành của gia chủ, cầu mong được thần linh phù hộ độ trì cho sức khỏe ban cho mùa màng tươi tốt, cây lắm trái, lúa nhiều hạt. Sau khi cúng thần nhà, người Chơro đem lễ vật ra kho lúa. Tại đây diễn ra những nghi tế và khấn riêng cho thần lúa.
Ở bàn thờ trước cây nêu người Chơ-ro khấn trình lòng thành của mình và cầu xin thần linh ban cho vụ mùa với những bông lúa nặng trĩu, chắc hạt. Đó cũng chính là ước vọng chung của những cư dân làm nông nghiệp.
Khi mọi nghi thức tế lễ hoàn tất, người Chơ-ro vui mừng tụ tập quanh gốc cây nêu. Nhất là khi đêm xuống, bên đống lửa bập bùng, dưới ánh trăng dìu dặt vùng rừng núi, âm thanh trầm bổng của cồng chiêng, nhịp khoan thả của đàn tre và tha thiết của kèn môi… lại thêm hơi men chếnh choáng của rượu cần, người Chơ-ro cuồng nhiệt thả sức cho các điệu múa theo nhịp cồng chiêng, đi vòng tròn quanh đống lửa hay cây nêu, thả hồn theo những lời ca của dân tộc mình. Người Chơ-ro sử dụng toàn thân cho động tác múa, nhưng những nhịp múa chủ yếu từ đôi tay và chân. Tất cả các động tác lấy thân làm trục chính và thể hiện nét tạo hình qua hai bên và theo hướng lên xuống, trong khoảnh khắc đó, những nỗi lo toan thường nhật tan biến.
– Bộ sưu tập chiêng: Bộ có 7 chiếc, gồm 4 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn. Khi biểu diễn các nghệ nhân điều khiển đều phải đứng, tay trái úp mở đều đặn để phối khí nhịp nhàng nơi núm chiêng, tay phải nắm thành quả đấm đánh vào núm chiêng tạo nên giai điệu trầm bổng, dập dìu, huyên náo…
– Bộ sưu tập chiêng tre nhạc cụ của dân tộc X’tiêng: Loại nhạc cụ này làm bằng tre do một người diễn tấu với bài bản phong thái. Chiêng tre được tướt thành các sợi trên thân tạo ra âm thanh khi dùng các ngón tay để khảy.
– Bộ sưu tập ché đựng rượu cần: Đây là loại rượu được chế biến từ các nguyên liệu như gạo, ngô, sắn… trộn với men. Rượu cần dùng mời khách quý, dùng trong các nghi thức cúng thần linh.
– Tổ hợp mỹ thuật dệt vải truyền thống dân tộc Mạ: Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Mạ là chăn, váy, khố, dây quấn đầu…. Qua bàn tay khéo léo của người dệt, thổ cẩm của người Mạ có nhiều loại hoa văn trang trí đa dạng. Nó không chỉ là sự kết hợp khéo léo của màu sắc mà còn là biểu tượng cho cảm nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới vốn phong phú của cộng đồng người Mạ. Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, công dụng của nó mà người Mạ trang trí các loại hoa văn có ý nghĩa khác nhau. Các họa tiết thường thấy trên thổ cẩm Mạ như: cây đèn cầy, con bướm, hình người giã gạo, cái cối, con mắt…
Nét tương đồng trong nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ với X’tiêng, Cơ-ho, Chơ-ro là dệt bằng tay với khung dệt gồm nhiều bộ phận rời nhau. Khi dệt, người dệt dùng chân và lưng căng giàn sợi, một tay đập go, một tay luồn thoi sợi. Nghề dệt thổ cẩm rất được quan tâm để giữ gìn những bản sắc riêng của đồng bào.
Qua chuyên đề được triển lãm góp phần quảng bá đến khách tham quan vùng đất Cần Thơ hiểu hơn nét đẹp trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa Đồng Nai, từ đó thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 04/8/2020 đến ngày 20/12/2020, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ./.
Trần Thị Thu Thủy
Tài liệu tham khảo
– Hồ sơ các hiện vật về dân tộc bản địa – Bảo tàng Đồng Nai
– Đề cương trưng bày phòng Văn hóa các dân tộc tỉnh Đồng Nai – Bảo tàng Đồng Nai
– Đề cương trưng bày triển lãm “Văn hóa các dân tộc thiểu số Đông Nam Bộ” – Bảo tàng Đồng Nai