Trong số các dân tộc bản địa ở Đồng Nai, dân tộc Chơro vẫn còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, tiêu biểu của vùng văn hóa Đông Nam bộ. Người Chơro cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác sinh sống trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S, cũng có những nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Hôn nhân truyền thống của người Chơro là một vợ, một chồng, theo chế độ phụ hệ. Khi người con trai, con gái đến tuổi trưởng thành mà cảm mến nhau và có ý định nên duyên vợ chồng thì chàng trai sẽ chủ động hẹn cô gái cùng ngủ mèo để tìm hiểu kỹ hơn về nhau. Tục ngủ mèo có từ bao giờ thì ngay cả những người già trong buôn làng Chơro cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng ngủ mèo là phong tục lâu đời của dân tộc Chơro, đã được duy trì qua bao mùa nương rẫy và trở thành một phần trong nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Chơro ở Đồng Nai.
Ngủ mèo là tập tục chỉ dành cho các đôi nam nữ gặp nhau trong những đêm trăng sáng, khi làng mở hội cúng SaYangVa (thần Lúa), SaYangBri (thần Rừng) hay trong ngày cưới hỏi của bạn bè… Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng, trong tiếng nhạc vang vọng của cồng chiêng, bên ché rượu cần ngào ngạt hương lúa rẫy, thơm mùi rừng thì cũng là lúc các chàng trai cô gái Chơro gặp gỡ, tìm hiểu và cùng nhau ca hát, nhảy múa, cùng uống rượu cần… Trong những đêm giao lưu ấy, nếu thấy hợp mắt nhau, cảm mến nhau, thấy cái lòng lưu luyến, đôi trai gái sẽ trò chuyện, trao đổi tâm tình và ước mong nên duyên đôi lứa với nhau. Họ cùng bày tỏ những khát vọng về một mái ấm gia đình êm đềm, đủ đầy với những đứa con thơ khỏe mạnh. Để rồi khi men rượu đã ngấm, khi ánh mắt chẳng thể rời nhau, họ sẽ rủ nhau ngủ mèo, chàng trai sẽ hẹn hò và quy ước về giờ giấc, tín hiệu để qua nhà cô gái. Khi đó, cô gái cũng chỉ cho chàng trai biết nơi buồng ngủ của mình, để khi màn đêm buông xuống, chàng trai đi ngủ mèo sẽ tìm đến nhà người yêu, mang theo bên mình một cây đòn cùng với vật làm tín hiệu.
Tín hiệu thường là roi mây, cỏ tranh hay nhánh cây rừng… chàng trai đứng ở dưới sàn dùng cây đòn gõ nhẹ lên vị trí buồng nằm, đồng thời đưa tín hiệu qua khe sàn để báo hiệu cho cô gái. Nếu như nhận được tín hiệu không đúng với quy ước hoặc sau một thời gian suy nghĩ kỹ, cô gái cảm thấy không còn thích chàng trai nữa thì sẽ đẩy tín hiệu xuống, ngụ ý là muốn chàng trai ra về. Nhưng nếu đúng thời điểm đã hẹn ước, cô gái sẽ rút tín hiệu và đưa chàng trai lên nhà để cùng nhau tâm tình đến sáng. Lên nhà chàng trai sẽ dùng chiếc đòn mang theo, đặt xuống sàn và đi vào nhà trên chiếc đòn này. Đây chính là cách để tránh làm các thành viên khác trong nhà thức giấc, và cho dù người lớn trong gia đình có biết thì cũng sẽ làm ngơ vì họ tin vào sự lựa chọn của con mình. Sau những đêm ngủ mèo có nhiều đôi lứa tâm đầu ý hợp đã nên duyên vợ chồng, nhưng nếu sau khi ngủ 1 đến 2 đêm đầu mà không hợp nhau thì nhà gái cũng coi đó là chuyện bình thường. Bởi vì theo luật tục của người Chơro, chàng trai chỉ được ngủ mèo ở nhà cô gái 3 ngày và không được phép ngủ đến sáng mà phải ra về trước khi mọi người trong nhà cô gái thức giấc.
Sau 3 ngày, chàng trai phải để lại một vật làm tin như là khăn, áo, vòng đeo tay… và trình diện bố mẹ vợ tương lai, xin phép được cưới cô gái làm vợ. Còn gia đình cô gái sẽ báo cáo với các bậc cao niên trong dòng tộc, để xem mối quan hệ ấy nếu tiến đến hôn nhân thì có vi phạm nguyên tắc trùng huyết thống hay không? có loạn luân hay không? Nếu được đồng ý sẽ tiếp tục xét đến tính nết, ngoại hình, sức khỏe của chàng trai… Lúc đó, nhà gái mới qua bên nhà chàng trai để dò hỏi tế nhị:“Hồi tối không biết con trâu nhà ai bị lạc qua chuồng nhà tui. Ông bà qua coi thử có phải con trâu của ông bà không?”. Nghe như vậy gia đình chàng trai hiểu ngay ý tứ của gia đình cô gái và nhờ bạn bè, láng giềng qua nhà cô gái thăm dò xem sự thật con trai của mình có ngủ ở đó không. Khi chắc chắn con mình ở đó, nhà chàng trai mang rượu và gà qua nhà cô gái, đáp lời hỏi của nhà gái: “Đúng rồi, trâu nhà tôi bị lạc ở đây, thôi bây giờ gia đình tôi chịu phạt, chúng tôi giao con trâu nhà chúng tôi cho gia đình anh chị luôn, anh chị chăm lo cho nó giúp tôi” và nhà trai tiến hành các thủ tục cho đôi trai gái cưới nhau.1 Đến ngày cưới, họ hàng nhà trai qua nhà gái mang theo rượu, heo, gà, vịt, bánh và các vật dụng sinh hoạt… Đám cưới được tổ chức với đầy đủ lễ ghi truyền thống, đôi trẻ sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống mới nhất, đẹp nhất của mình, cô dâu thì đeo thêm nhiều vòng đồng, vòng kết bằng hạt cườm… Khi mọi nghi lễ đã xong, hai họ cùng rót rượu làm quen từng thành viên trong gia đình và tổ chức liên hoan. Buổi liên hoan thường kéo dài cả ngày đêm, thậm chí đến hai ba ngày, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Luật tục trong hôn nhân của người Chơro thường rất nghiêm ngặt, cho nên nếu trường hợp ngủ mèo diễn ra quá ba ngày mà chàng trai không nói gì đến chuyện cưới xin, gia đình cô gái sẽ giữ chàng trai lại để làm rõ lý do tại sao chàng trai đã ngủ mèo với con gái họ 3 đêm rồi mà ko thấy nói gì? Sau cuộc nói chuyện, chàng trai phải để lại vật làm tin và trở về gia đình báo với cha mẹ chuẩn bị lễ vật qua nhà cô gái tạ lỗi và bàn chuyện xin cưới. Trường hợp, chàng trai vẫn không muốn cưới cô gái thì bên gia đình của chàng trai phải chịu nộp phạt trâu, bò, heo, cồng chiêng… tùy theo sự đòi hỏi của nhà gái. Khi ngủ mèo mà lỡ cô gái có bầu, nếu đôi trẻ tự nguyện lấy nhau làm vợ chồng, thì hai gia đình sẽ bàn bạc và cùng tổ chức đám cưới “chạy bầu” để dòng tộc và dân làng không quở trách hay bàn tán. Nếu cô gái không muốn khai ra tên bố của đứa trẻ là ai thì khi em bé chào đời, gia đình cô gái sẽ nhận trách nhiệm nuôi dưỡng em bé. Nếu chàng trai cố tình không chịu cưới hay không chịu nhận trách nhiệm thì gia đình cũng sẽ phải chịu phạt rất nặng.
Với người Chơro, tục ngủ mèo không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái tìm hiểu nhau trước hôn nhân, mà nó đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong phong tục hôn nhân của đồng bào Chơro ở Đồng Nai. Nhưng theo chia sẻ của những bậc cao niên trong làng thì từ những năm 1980 đến nay, tục ngủ mèo của người Chơro hầu như không còn nữa. Những năm sau này, trước sự giao lưu tiếp biến văn hóa của các tộc người cùng sinh sống cộng cư, những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Chơro dần mai một, để rồi tục ngủ mèo nay chỉ còn lại trong ký ức và sự hồi tưởng của những người Chơro thuở trước./.
Ninh Thị Vui
Tài liệu tham khảo
- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Văn hóa người Chơro, Nxb Văn hóa Thông tin năm 2013
- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Về văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Nxb Đồng Nai, 2009.
- Nguồn tham khảo: hcmuc.edu.vn
1 Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Văn hóa người Chơro, Nxb Văn hóa Thông tin năm 2013