1. Văn miếu Trấn Biên – Văn miếu đầu tiên của phương Nam
Dân tộc Việt Nam có truyền thống trọng học và trọng dụng nhân tài, chính vì thế năm 1070, Văn miếu Quốc Tử Giám đã được xây dựng góp phần tạo dựng nên nền quốc học Việt Nam rạng rỡ, vẻ vang, đào tạo biết bao nhân tài phụng sự Tổ quốc.
Đối với vùng đất phương Nam, năm 1698, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu kinh lược phương Nam, thiết lập vùng đất mới phương Nam vào bản đồ Đại Việt. Theo Gia Định thành thông chí (quyển Địa chí đầu tiên của Nam Bộ) của Trịnh Hoài Đức ghi chép: “Năm 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược phương Nam lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Để có nơi bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục của dân tộc, chỉ một thời gian ngắn – 17 năm sau, (tức năm Ất Mùi 1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Phan Long – Trấn thủ dinh Trấn Biên và Ký lục Phạm Khánh Đức chọn lựa vị trí, thế đất đẹp, non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình để xây dựng Văn miếu Trấn Biên “Ở địa phận thôn Tân Lại, huyện Phước Chính, cách tỉnh thành 2 dặm về phía Tây Bắc. Năm Ất Mùi, Hiến Tông thứ 25 (1715), Trấn thủ Dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long và viên ký lục là Phạm Khánh Đức tìm đất để dựng, phía Nam trông ra sông Phước Giang (Đồng Nai), phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên”.
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Văn miếu Trấn Biên tuy ra đời sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Thăng Long – Hà Nội), nhưng là Văn miếu được xây dựng sớm nhất ở phương Nam trước các Văn miếu Vĩnh Long, Gia Định. Việc xây dựng Văn miếu trên mảnh đất “Trấn Biên” đối với chúa Nguyễn, không chỉ cho thấy sự sáng suốt của người đứng đầu xứ Đàng Trong; mà còn cho thấy nguyên lý xuyên suốt của sự nghiệp dựng nước luôn coi trọng việc kế thừa truyền thống văn hiến; không chỉ trên chiều dài của thời gian, mà cả trên chiều rộng của không gian gắn với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc.
Văn miếu Trấn Biên được đại trùng tu hai lần. Lần trùng tu thứ nhất năm Giáp Dần (1794), đời Thế Tổ Cao hoàng đế (Nguyễn Phúc Ánh) đã sai Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô phụng mệnh tu bổ Văn miếu Trấn Biên. Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý – 1852), với quy mô lớn lớn hơn trước, theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì “Văn miếu chính đường và tiền đường đều 5 gian, dựng thêm hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian; đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, một tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước một gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn các 2 tầng, ba gian hai chái; phía trước biển “Đại thành điện” đổi thành “Văn Miếu điện” và “Khải Khánh điện” đổi thành “Khải Thánh từ””.
2. Văn miếu Trấn Biên – nối dài những mạch nguồn văn hóa
Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử – người được xem là “khai sáng” của Nho giáo và Nho học. Ở Việt Nam Văn miếu được xây dựng đầu tiên vào năm 1070 tại Thăng Long (Hà Nội), gắn với Văn miếu là sự ra đời của Quốc Tử Giám (1076). Đây có thể được xem là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Do những biến thiên của lịch sử, tính chất, vai trò của Văn miếu ở Hà Nội bị tác động bởi vị thế khác nhau. Thời Lý, Trần, Lê, Văn miếu ở Hà Nội được gọi là Văn miếu Kinh sư, từ đầu thời Nguyễn Văn miếu ở Hà Nội được gọi là Văn miếu Bắc thành. Tuy trải qua những thăng trầm lịch sử, nhưng sự hình thành các Văn miếu đã biểu thị của tư tưởng chủ đạo trong việc tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội với lịch sử lâu đời và quy mô của chính nó đã khẳng định nơi đầu tiên phát xuất cho mạch nguồn của vùng đất không chỉ có địa thế “rồng bay, hổ cuộn” còn khẳng định vai trò và vị trí kẻ sĩ bởi “ Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Vận nước thịnh suy đều bắt nguồn từ đó, bởi vậy ngay từ thời Lý buổi đầu các đế vương dốc tâm mở rộng việc học để bồi dưỡng nhân tài, kén chọn nghĩa sĩ.
Lịch sử tạo dựng vương triều Nguyễn ở xứ Đàng Trong xuất phát từ nhiều nguyên nhân và công lao đầu tiên phải kể đến tầm nhìn chiến lược của chúa Nguyễn Hoàng. Các đời chúa Nguyễn đã tiếp nối tạo dựng nên một Đàng Trong vững mạnh, một vương triều của riêng mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh chế độ phong kiến Việt Nam đã trải qua thời cực thịnh, chuyển sang suy thoái, lạc hậu. Hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn đang ra sức tập hợp lực lượng để tranh giành quyền lực. Sau này, trong công cuộc Nam tiến, buổi đầu xây dựng ở vùng đất phương Nam, các chúa Nguyễn dựa trên cơ sở Nho học để tạo nguồn “nguyên khí quốc gia”. Trước đó, giáo dục và khoa cử dưới thời các chúa Nguyễn về cơ bản không có gì khác so với các triều đại phong kiến trước đó. Ở một số mặt, lại không bài bản và quy cũ như Đàng Ngoài. Việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên chắc hẳn không tách rời ý đồ chính trị của chúa Nguyễn. Thế nhưng đó là sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa, truyền thống trọng học của dân tộc, đánh dấu một bước quan trọng trong việc hình thành nền quốc học ở vùng đất mới (dù bấy giờ người dạy và người học đều theo tư tưởng Nho giáo và Nho học phương Đông), thường được nhân dân địa phương gọi một cách trân trọng là Văn thánh miếu, thể hiện lòng thành và sự ngưỡng mộ của người phương Nam với sự nghiệp vun trồng con người; thể hiện tinh thần trọng học của nhân dân vùng đất mới Biên Hòa – Đồng Nai. Sự ra đời của Văn miếu Trấn Biên còn có ý nghĩa khuyến học, khuyến tài trong bối cảnh đầu thế kỷ XVIII, xây dựng đội ngũ nhân sĩ, trí thức địa phương phục vụ cho sự nghiệp phát triển ở vùng đất mới phương Nam. Năm 1861, Văn miếu Trấn Biên bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn.
3. Văn miếu Trấn Biên trong đời sống xã hội hiện đại
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh, phụng thờ các bậc vĩ nhân, danh nhân tiêu biểu về văn hóa, giáo dục của dân tộc và của quê hương đã tạo nên nhân cách, nhân bản của mỗi con người Biên Hòa – Đồng Nai trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1698 – 1998), tỉnh Đồng Nai phục dựng lại Văn miếu Trấn Biên. Qua đó tư tưởng khai phóng về văn hóa – giáo dục song song với phát triển kinh tế đã được thống nhất và tiếp nối từ giai đoạn mở cõi đến hôm nay. Văn miếu Trấn Biên được phục dựng với các hạng mục: Văn miếu môn, Nhà Bia, Khuê Văn Các, Thiên quang Tỉnh, Đại Thành môn, Nhà bia Khổng Tử, Nhà Bái đường, Thư khố, Văn vật khố. Bên trong nhà Bái đường Văn miếu Trấn Biên, không chỉ tôn vinh Gia Định Tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh), mà còn tôn vinh nhiều danh nhân văn hóa của cả nước, của Nam bộ như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh sĩ – nhà giáo dục Chu Văn An, nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà giáo Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, nhà văn hóa Nguyễn Du, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt nhà giáo dục, nhà văn hóa kiệt xuất – Anh hùng giải phóng dân tộc – Danh nhân Văn hóa thế giới – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xưa kia, Văn miếu Trấn Biên chỉ thờ Khổng tử, bậc khai sáng nền Nho học và Nho giáo để thể hiện tinh thần trọng học. Đến nay, tinh thần trọng học đó vẫn còn được nhìn ngắm với tư tưởng Hồ Chí Minh, và trong thời đại Hồ Chí Minh, lấy chữ Văn với ý nghĩa là văn hóa – làm gốc. Bên cạnh các đối tượng thờ, trong Nhà Bái đường có những hiện vật thể hiện những giá trị có tính chất tiếp nối mạch nguồn của dân tộc kể từ khi Văn miếu Trấn Biên được phục dựng. Đó là tủ thờ 18 ký đất và 18 ký nước từ Đền Hùng, Văn bia Tiến sĩ năm 1442 (phục chế) và Trống hội Thăng Long. Giá trị truyền thống của Văn miếu Trấn Biên cho tới nay rất đáng trân trọng và đã sáng tạo những hình thức hoạt động đa dạng, đáp ứng được sự hưởng thụ của người dân địa phương.
4. Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghiên cứu
Văn miếu Trấn Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử theo Quyết định số 2894/QĐ-BVHTTDL ngày 18/8/2016, đã vun đắp thành thiết chế văn hóa thiêng liêng mà vẫn thân thiện, gần gũi với mọi người, trở thành điểm hẹn văn hóa kết tinh và lan tỏa sâu rộng ở xứ Đồng Nai. Là nơi tôn vinh những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, khoa học truyền thống và các giá trị văn hóa, khoa học hiện đại mang hơi thở của cuộc sống; tôn vinh những cá nhân, tập thể đạt những danh hiệu cao quý cấp quốc gia, quốc tế trên các lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục đào tạo, Nghệ thuật, Y tế, Khoa học…; nơi diễn ra các hoạt động về văn hóa, giáo dục, khoa học; định hướng thế hệ trẻ không chỉ tự hào về truyền thống của dân tộc, mà còn nỗ lực vươn lên trong học tập lao động, cống hiến tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong tiến trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã không ngừng đổi mới trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức nhiều hoạt động khá phong phú, và từng bước thực hiện quy hoạch đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt, nỗ lực để đưa Văn miếu Trấn Biên thành một Trung tâm Văn hóa, Khoa học với nhiều hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, cập nhật và phổ biến những tri thức văn hóa, khoa học, giáo dục. Đồng thời, cũng là nơi giới thiệu giao lưu văn hóa truyền thống ở địa phương cùng các tỉnh bạn; nơi tham quan học tập của sinh viên, học sinh, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài tỉnh với Đường hoa Trấn Biên những dịp Xuân về, Tết đến.
Hàng năm, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên còn tổ chức các hoạt động dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động về nguồn, triển lãm, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp các danh nhân văn hóa được thờ trong Văn miếu… Đây là một trong các hoạt động truyền thống nhằm giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương. Đồng thời, thông qua các buổi sinh hoạt, tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh các trường giao lưu, học hỏi hiểu biết thêm về danh nhân văn hóa dân tộc; động viên, khuyến khích học sinh noi gương các bậc tiền nhân phấn đấu hơn nữa trong việc rèn luyện nhằm đạt thành tích cao trong học tập. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức lễ báo công, tuyên dương, khen thưởng, kết nạp Đoàn viên…
Văn miếu Trấn Biên mãi mãi là vẻ đẹp huyền diệu của xứ xở Đồng Nai. Hồn thiêng từ đất mẹ mà ra, hồn thiêng từ trầm tích của dòng sông bồi đắp, hồn thiêng từ sâu thẳm lòng người, tất cả cùng hội tụ về tạo nên sức mạnh cội nguồn truyền thống thâm sâu, một nền văn hóa rực rỡ được kết tinh từ ngàn năm lịch sử của dân tộc./.
Nguyễn Thanh Hiên