Tóm tắt
Trong tiến trình định cư của người Hoa ở Nam Bộ, vùng đất Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng. Ngay từ cuối thế kỷ XVII, các di dân Trung Hoa đã có mặt tại Cù Lao Phố và xây dựng nơi đây thành một thương cảng sầm uất. Cùng với quá trình định cư, người Hoa cũng mang đến vùng đất này những phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng. Miếu, hội quán của người Hoa Đồng Nai đã thể hiện sự tiếp nối truyền thống, giữ gìn bản sắc cộng đồng trên vùng đất mới, đồng thời còn góp phần làm đa dạng các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa ở vùng đất phương Nam.
1. Khái lược về người Hoa ở Đồng Nai
Theo số liệu công bố chính thức từ cuộc điều tra dân số cuối năm 2009, Việt Nam có 823.071 người Hoa. Đồng Nai là nơi địa phương có số lượng người Hoa cư trú đông đứng thứ hai cả nước, với 95.162 người (chiếm 11,56% số lượng người Hoa của cả nước và chiếm tỷ lệ 3,83% tổng dân số của tỉnh)[1]. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 48 cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo của người Hoa, trong đó thành phố Biên Hòa có số lượng cao nhất với 9 di tích[2]. Trong loại hình cơ sở tín ngưỡng – tôn giáo của người Hoa, miếu, hội quán chiếm tuyệt đại đa số và có vai trò đặc biệt quan trọng. Các miếu, hội quán của người Hoa ở Đồng Nai tuy có địa bàn phân bố rộng, nhưng tập trung chủ yếu ở Biên Hòa với nhiều di tích cổ có niên đại thuộc loại sớm nhất khu vực Nam Bộ.
Lịch sử hình thành và phát triển các miếu, hội quán ở Đồng Nai gắn liền với lịch sử định cư của người Hoa ở vùng đất phương Nam. Người Hoa ở Nam Bộ nói chung được cấu thành từ 2 bộ phận tương ứng với những thời điểm và lý do di trú khác nhau trong lịch sử.
Bộ phận thứ nhất là những người “phản Thanh phục Minh” qua Việt Nam tị nạn chính trị cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII và hậu duệ của họ, thường vẫn được gọi chung là Minh Hương. Nhóm Hoa này gồm di dân, quan binh trung thành với nhà Minh, sang Việt Nam từ những năm nhà Minh sụp đổ, đỉnh điểm là năm 1679 với nhóm 3000 quan binh trên 50 chiến thuyền của Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch vào Mỹ Tho và Bàn Lân, Biên Hòa. Họ đã góp phần làm nên Đại Phố châu (Cù Lao Phố), Mỹ Tho Đại Phố, Minh Hương Bột Phố (Hà Tiến Trấn) và đặc biệt là Phố chợ Sài Gòn.
Bộ phận thứ hai gồm những người Hoa qua Việt Nam làm ăn sinh sống từ cuối thế kỷ thứ XVIII trở đi. Nhóm Hoa này ban đầu được tổ chức theo đơn vị “phủ” rồi “bang” như phủ Phước Châu, phủ Chương Châu, phủ Triều Châu, phủ Ninh Ba rồi bang Phúc Kiến, bang Triều Châu, bang Hải Nam. Sau đó, Gia Long cải tổ lại các bang, hội người Hoa và cho thành lập bảy bang theo yêu cầu của những người Hoa có công trạng, đó là bang Phúc Kiến, bang Phúc Châu, bang Triều Châu, bang Quảng Châu, bang Quế Châu, bang Lôi Châu, bang Hải Nam[3].
2. Các ngôi miếu sớm của người Hoa ở Đồng Nai qua các tư liệu chính sử
Theo tư liệu lịch sử ghi chép, ngôi miếu cổ nhất được người Hoa xây dựng khi mới đến lập nghiệp ở vùng đất phương Nam nằm ở vùng Biên Hòa ngày nay. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì miếu thờ Quan Đế ở trấn Biên Hòa là miếu có niên đại cổ nhất, vào cuối thế kỷ XVII. Trịnh Hoài Đức có chép khá kỹ về miếu Quan Đế và cho biết lúc đầu ở Cù Lao Phố (trấn Biên Hòa): “…nằm ở phía nam cù lao Đại phố, phía đông giáp ngã ba đường, mặt trông ra Phước Giang, điện vũ nguy nga, tượng đắp cao hơn một trượng, phía sau là điện quán Quan Âm, phía ngoài có tường gạch bao quanh, bốn góc có 4 con lân bằng đá ngồi xổm…”[4]. Ông cũng cho biết khá rõ tên những người đứng ra xây dựng và niên đại miếu. Theo đó, ngôi miếu này do Trịnh Hội và nhóm 8 người Hoa khác đứng ra xây dựng. Niên đại khỏi thủy của miếu Quan Đế này là năm 1684 “…trên cây đòn dông chính có đóng phụ vào một tấm ván, tuy mối mọt đã ăn mòn nhưng chữ khắc vẫn còn rõ…, mặt trước kê tên 8 người chủ hội, trên đó có tên họ ông nội của tôi thần, kỳ dư còn tên nhiều nữa, đều không biết đó là ai, mặt sau khắc ngày tốt tháng 4 năm Giáp Tý, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 5 (1684)…”[5].
Vào cuối thế kỷ XVIII, ngay trước khi xảy ra chiến tranh chúa Nguyễn – Tây Sơn, tại Biên Hòa, nhiều miếu và hội quán tiếp tục ra đời như: hội quán Quảng Đông, Phước Châu…
Gia Định thành thông chí miêu tả gần miếu Quan Đế còn có hội quán Phúc Châu và hội quán Quảng Đông, tạo thành ba miếu lớn ở trấn Biên Hòa: “Cùng với hội quán Phúc Châu đầu phía tây đường lớn và hội quán Quảng Đông ở dưới phía đông là 3 cái đền lớn”[6].
Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán biên soạn ở triều vua Tự Đức (khoảng năm 1864 – 1875) có ghi chép về địa điểm tọa lạc cũng như điển tích một số đền thờ Quan Công và Thiên Hậu do người Hoa hoặc các xã Minh Hương thờ tự ở một số tỉnh như: Lạng Sơn, Hướng Hóa, Tuyên Quang, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Kinh sư, Phủ Thừa Thiên, Quảng Nam, Hà Tiên, Biên Hòa. “Đền Quan Công: ở phía đông các đường phố, về phía nam cù lao Phố, thuộc huyện Phước Chính, trông ra sông Phước Giang, đền đài rộng đẹp, có tượng cao hơn trượng. Phía sau là quán Quan Âm cùng với Hội quán Phúc Châu ở đầu phía tây, Hội quán Quảng Đông ở phía đông là ba ngôi đền lớn”.[7]
3. Quá trình trùng tu, bảo tồn của các ngôi miếu sớm
Cũng theo các tài liệu chính sử biên chép, ngoài việc đề cập sự thành lập và hoạt động của các miếu người Hoa, Trịnh Hoài Đức còn cho biết chính ông cùng dòng họ của mình (người Hoa gốc Phúc Kiến) cũng là những người trực tiếp tham gia xây dựng và trùng tu một số ngôi miếu của người Hoa thời kỳ đầu.
Trước nhất, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, năm 1743, nhóm Trịnh Khánh và 11 người Hoa khác đứng ra trùng tu “Cây đòn đông bên trái có một tấm ván khắc tên 11 người chủ họ, trong đó có tên họ cha tôi thần, mặt sau khắc: ngày tốt tháng 2 năm Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743)” . Sau khi bị ảnh hưởng bởi trận lụt lớn ở Trấn Biên vào mùa thu năm Kỷ Mùi (1799), tượng trong miếu bị nước ngâm rã, rường cột, mái ngói bị hư mục… . Trước tình hình đó, bấy giờ cha ông Trịnh Hoài Đức đã có công lao đứng ra trùng tu lần thứ hai với quy mô rộng đẹp hơn trước: “…Năm Đinh Sửu (1817) niên hiệu Gia Long thứ 16, người làng họp bàn trùng tu nhưng không đủ sức, nhờ tôi thần đây đứng ra làm chủ việc ấy, vì cho thần là người sở tại của bản quán này. Ban đầu tôi thần cũng vì người mà miễn cưỡng nhận lời cho họ vui lòng, mà lòng thì vẫn chưa quả quyết…”[8].
Vào giai đoạn lịch sử đầy biến động của vùng đất phía Nam, sự tranh giành quyền lực, thôn tính nhau giữa các thế lực mà các miếu, hội quán cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó có ảnh hưởng trực tiếp của các cuộc chiến tranh, tàn phá từ nhà Tây Sơn và chính sách đô hộ của công cuộc khai thác thuộc địa từ người Pháp trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX.
Theo Đại Nam nhất thống chí, trong phần biên chép về tỉnh Biên Hòa có nhắc lại nội dung xây dựng các miếu, hội quán như ghi trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, nhưng cho biết thêm hai hội quán Phúc Châu và Quảng Đông bị hủy hoại trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn: “Trải qua loạn Tây Sơn, hai ngôi kia bị phá huỷ, duy đền này vẫn còn, do người Thanh và người Minh Hương trong tỉnh đèn hương thờ tự; miếu mạo vẫn như cũ”[9]. Gia Định thành thông chí cũng chép: “Từ loạn Tây Sơn nhân dân ly tán, 2 đền kia (Phúc Châu và Quảng Đông) bị hoang phế, duy miếu này (Quan Đế) là của chung phố nên riêng được giữ gìn tồn tại”.
4. Giá trị của các miếu Hoa sớm đối với phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh hiện nay
Như vậy, từ cuối thế kỷ XVII, các di dân Trung Hoa đã có mặt tại Cù Lao Phố. Theo chân các đoàn di dân là những phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của họ. Tại vùng đất Biên Hòa, nhiều miếu, hội quán của người Hoa đã được xây dựng. Tuy nhiên, như một quy luật tự nhiên, lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Đồng Nai cũng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: thời gian, chiến tranh, sự phá hủy có chủ đích của con người… mà đến nay một số di tích đã không còn hoặc ngay cả đối với các ngôi miếu hiện còn tồn tại thì cũng không còn nhiều những hiện vật cổ thời kỳ đầu mới thành lập. Điển hình nhất phải kể đến là trường hợp của Hội Quán Quảng Đông và Hội quán Phúc Châu ở Biên Hòa. Hai hội quán này đã được phản ánh trong Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí nhưng nay đã hoàn toàn mất dấu, chỉ còn miếu Quan đế còn hiện hữu cho đến ngày nay.
Có thể thấy, hơn 3 thế kỷ qua tụ cư tại vùng đất mới Đồng Nai, các di sản kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa nói chung, trong đó có các miếu, hội quán – thiết chế tín ngưỡng và xã hội đặc biệt đã giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Hoa. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Chùa Ông được Bộ VHTT xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa, quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT, ngày 19/01/2001[10]. Với những giá trị di sản đặc biệt và thuộc loại sớm của cộng đồng người Hoa lưu dấu trên vùng đất phương Nam, miếu Quan Đế (Thất phủ cổ miếu hay Chùa Ông) đã và đang trở thành địa chỉ thực hành tín ngưỡng, tham quan, thưởng ngoạn… của đông đảo bà con tín hữu và cả khách du lịch xa gần trong hành trình khám phá Đồng Nai.
Tóm lại, để phát triển bền vững kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói chung và thành phố Biên Hòa nói riêng, vừa hiện đại vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống quý giá của mình, nhất thiết phải có chiến lược trong quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng, trong đó các di sản miếu, hội quán của người Hoa. Những chính sách linh hoạt của các cấp chính quyền đối với cộng đồng người Hoa nói chung và các di sản văn hóa mà họ để lại nói riêng, đã và đang góp phần tạo điều kiện để chủ nhân di sản – những người Hoa tha hương hội nhập và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
ThS. NCS. Đào Vĩnh Hợp
Giảng viên Trường ĐH Sài Gòn.
ThS. NCS. Võ Thị Ánh Tuyết
Giảng viên Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG HCM.
Tài liệu tham khảo
- Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2010, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb. Thống kê.
- Ban dân vận thỉnh Đồng Nai (2009), Người Hoa ở Đồng Nai, Nxb. Đồng Nai.
- Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Phan Xuân Biên (2005), Văn hóa Đồng Nai sơ thảo, Nxb. Đồng Nai.
- Nguyễn Cẩm Thúy (chủ biên) (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 20-21.
- Nguyễn Thị Nguyệt (2015), Miếu thờ và Lễ hội Làm chay ở Biên Hòa, Nxb Đồng Nai.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam nhất thống chí, Tập 5. (Tái bản lần thứ 2, Viện Sử học biên dịch). Huế: Thuận Hóa.
- Trần Hồng Liên, 2005, Văn hóa người Hoa ở Nam bộ tín ngưỡng và tôn giáo, Nxb. Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.
- http://svhttdl.dongnai.gov.vn (truy cập lúc 18g00 ngày 19/08/2019).
PHỤ LỤC HÌNH ẢNH
(Nguồn: nhóm nghiên cứu, 2018)
Mặt tiền sân trước Thất phủ cổ miếu (chùa Ông Cù Lao Phố, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai)
Gian thờ Thiên Hậu và gian thờ Kim Hoa nương nương tại miếu Quan Đế (chùa Ông Cù Lao Phố)
[1]Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb. Thống kê, tr.208, 209.
[2]Ban dân vận thỉnh Đồng Nai (2009), Người Hoa ở Đồng Nai, Nxb. Đồng Nai, tr.142.
[3] Theo Nguyễn Cẩm Thúy (chủ biên) (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 20-21.
[4] Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định Thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr. 236.
[5] Trịnh Hoài Đức (2005), Sđd, tr.236.
[6] Trịnh Hoài Đức (2005), Sđd, tr.236.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006). Đại Nam nhất thống chí, Tập 5. (Tái bản lần thứ 2, Viện Sử học biên dịch). Huế: Thuận Hóa, tr.87.
[8] Trịnh Hoài Đức (2005), Sđd, tr.236.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Sđd, tr.87.
[10]http://svhttdl.dongnai.gov.vn (truy cập lúc 18g00 ngày 19/08/2019)