Xây dựng nông thôn mới với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai
Vũ Hồng Hương
Đồng Nai là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, Đồng Nai luôn trong thế chủ động xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Để xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, còn phải thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố và các huyện trong toàn tỉnh.
Đồng Nai là một trong những vùng đất khai phá đầu tiên của Nam Bộ, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tính đến nay, theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.500 di tích phổ thông. Trong đó, có 61 di tích được xếp hạng gồm: 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp Quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, trên địa bàn tỉnh còn bảo lưu cả một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, tiêu biểu là các lễ hội truyền thống. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2019 trên địa bàn Đồng Nai có hơn 350 lễ hội gồm: 344 lễ hội truyền thống, 01 lễ hội ngành nghề và 24 lễ hội văn hóa được tổ chức; trong đó nhiều lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm như lễ hội Chùa Ông, lễ hội Cúng lúa mới SaYangVa của người Chơ-ro, lễ hội đâm trâu của người S’tiêng ở Tà Lài, lễ hội Kỳ yên ở các đình, lễ hội miếu ông Đá ở di tích mộ Cự thạch Hàng Gòn, lễ hội làm Chay miếu Tổ sư… trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Ngoài ra, ở một số làng, xã của tỉnh Đồng Nai còn lưu giữ những phong tục, tập quán, chuyện kể, diễn xướng dân gian, các làng nghề truyền thống và nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Như vậy, có thể nói hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh nơi nào cũng có di sản văn hóa. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nếu biết khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa và các lễ hội truyền thống sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội ở các địa phương vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
Tuy vậy, trên thực tế nguồn lực tinh thần to lớn đó chưa được phát huy tốt. Ở một số địa phương cán bộ cơ sở chỉ mới quan tâm tới việc xây dựng bộ mặt của nông thôn như nhà cửa, đường xá, cầu cống, trường học, y tế… còn việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Như vậy sẽ khó có một nông thôn mới với đầy đủ ý nghĩa của nó. Để khắc phục nhận thức này, cần phải có cách nhìn đầy đủ và đúng đắn về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Như chúng ta đều biết, làng xã là đơn vị cơ sở của nông thôn, đã tồn tại từ bao đời nay, bền vững trong lao động sản xuất và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Mặc dù có thời gian chúng ta bị ngoại bang thống trị hàng ngàn năm, nhưng ông cha ta vẫn giữ được văn hóa làng xã, cho nên mới còn tồn tại bản sắc văn hóa Việt Nam. Do đó, có thể nói nông thôn là nơi giữ được những truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc như tinh thần đoàn kết trong tình làng nghĩa xóm, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất với những nghề thủ công truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục… Làng còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc được kết tinh từ xưa đến nay. Ở nông thôn Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, làng xã nào hầu như cũng có đình, chùa, miếu mạo tôn thờ các anh hùng dân tộc và những người có công với dân với nước. Địa phương nào cũng có di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh với những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cho nên khi xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn mới, không thể tách rời nền tảng văn hóa truyền thống của từng địa phương. Quá trình xây dựng nông thôn mới cần phải giữ bằng được những di sản văn hóa đó, vì nó là linh hồn của làng xã, là nền tảng tinh thần của nông thôn mới.
Do đó, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, chính là làm sao cho bộ mặt nông thôn mới hiện nay vừa mang dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Để các công trình văn hóa mới ở nông thôn không mất đi dáng vẻ của làng xã văn hóa Việt Nam, vẫn giữ được cái hồn của cốt cách nông thôn Việt Nam. Việc xây dựng các công trình dân sinh ở nông thôn cũng cần có định hướng quy hoạch kiến trúc, đừng biến làng xã thành đô thị với những khối bê tông sừng sững, vô hồn. Các công trình xây dựng mới, hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của nông thôn mới, cũng đều phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc.
Mặt khác, nhằm động viên được sức mạnh của nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới, phải biết phát huy những thuần phong mỹ tục, những truyền thống tốt đẹp của từng làng xã, đồng thời khơi dậy các làng nghề truyền thống, thu hút được các gia đình, dòng họ, nghệ nhân tham gia và tôn vinh các sản phẩm tinh hoa, gia truyền của từng địa phương, để các thế hệ hôm nay và mai sau biết trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Trong xây dựng nông thôn mới cần chú trọng đến việc xây dựng con người mới, đó là một nội dung hết sức cần thiết. Bởi vì, chỉ có xây dựng con người mới, mới làm cho người nông dân vừa biết tiếp thu khoa học kỹ thuật để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; vừa không ngừng học tập nâng cao kiến thức văn hóa, có khả năng làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Họ chính là người phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với những giá trị văn hóa tiên tiến của thời đại.
Khi người dân được quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thì ý thức của mọi người dân được nâng lên rõ rệt. Từ đó nơi nào có di tích, lễ hội đều có nhu cầu tôn tạo di tích và mở lễ hội. Việc tu bổ, tôn tạo di tích hay tổ chức các lễ hội truyền thống, người dân đều tự bàn, tự lo, tự xây dựng chương trình, kế hoạch để có được nơi thờ tự và tổ chức các trò diễn, trò chơi dân gian truyền thống trong các kỳ tổ chức lễ hội ở địa phương. Đối với chính quyền cơ sở lo sao để việc quản lý di sản, quản lý lễ hội theo trách nhiệm của mình và biết tôn trọng dân, định hướng cho dân, để cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là việc làm của dân, do dân và vì dân.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mỗi địa phương cần nhận thức sâu sắc và trân trọng di sản văn hóa do ông cha ta để lại là tài sản vô cùng quý giá. Nếu biết khai thác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cho mỗi làng xã có thể tập hợp được sự đoàn kết cộng đồng để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống, quảng bá hình ảnh của làng xã mình để phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở từng địa phương trong tỉnh Đồng Nai./.
Quang cảnh lễ hội chùa Ông năm 2017 tại di tích cấp quốc gia Chùa Ông.
Lễ hội miếu ông Đá ở di tích cấp quốc gia đặc biệt mộ Cự thạch Hàng Gòn năm 2015.