Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954 - 1975), đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn với những thủ đoạn thực dân kiểu mới rất tinh vi, xảo quyệt, kết hợp bạo lực phản cách mạng trong những chiến dịch tố cộng, bình định… bày ra nhiều chiêu trò chiến tranh tâm lý “tranh thủ con tim và khối óc người Việt Nam” hòng đánh bại tinh thần cách mạng của quân và dân huyện Thống Nhất, nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại. Kẻ thù đã không thể đánh giá hết được tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, tinh thần đó đã được hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước và đã bao phen làm cho lũ giặc ngoại bang, cướp nước phải khiếp sợ. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Thống Nhất đã kế thừa phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, không chịu khuất phục trước kẻ thù, chiến đấu ngoan cường lập nhiều chiến công, trong đó Chiến thắng Trảng Bom ngày 27/4/1975 có ý nghĩa lịch sử quan trọng, giải phóng quê hương và góp phần lập nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong kháng chiến, địa bàn huyện Thống Nhất có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng trung tuyến tiếp giáp với cửa ngõ Chiến khu Đ, nối thông tuyến hành lang về Long Thành, Bà Rịa, Long Khánh; là cửa ngõ lớn ở phía Đông vào Biên Hòa, Sài Gòn. Địa bàn có quốc lộ I và đường sắt Bắc - Nam xuyên qua, có quốc lộ 20 nối lên Tây Nguyên, là căn cứ đứng chân các lực lượng cách mạng của tỉnh, huyện và quân khu. Do đó, địa bàn huyện Thống Nhất luôn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và chính quyền Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).
Do vị trí quan trọng của huyện Thống Nhất, ngay từ đầu chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã bố trí dân di cư công giáo ở những hướng chiến lược. Trên quốc lộ 1 từ Hố Nai đến Trà Cổ chúng xây dựng 17 trại định cư, trên quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây đến Võ Dõng xây dựng 1 trại lớn với ý đồ xem đây là những “Ốc đảo khép kín, vừa không thể xâm nhập, vừa không thể đánh chiếm”. Đồng bào di cư vào Trảng Bom là dân hầu khắp ở các tỉnh miền Bắc như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… Trong đó có những vùng công giáo toàn tòng như Bùi Chu, Phát Diệm, Kẻ Sặt. Đa số họ những người dân lao động nghèo luôn luôn ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp, bình an cả về thể xác lẫn tinh thần. Thành phần người di cư vào vùng đất Thống Nhất - Trảng Bom cũng rất đa dạng, ngoài linh mục, giáo dân công giáo còn có binh lính, công chức từng làm việc trong bộ máy chính quyền Pháp, những tư sản thành thị, những địa chủ nông thôn miền Bắc. Ngoài ra còn có lực lượng Sư đoàn 5 bộ binh của người dân tộc Nùng do Vòng A Sáng chỉ huy cùng toàn bộ gia đình binh lính được thực dân Pháp sắp xếp đưa từ Quảng Ninh vào Nam từ năm 1954, số này lúc đầu đóng ở Sông Mao (Bình Thuận) đến năm 1955 thì một số chuyển vào định cư ở vùng Sông Mây, Đồng Lách (Trảng Bom). Đến những năm 1958 - 1960 người Nùng từ Long Khánh, Bình Thuận tiếp tục về Trảng Bom lập nghiệp ở khu vực Bàu Hàm.

Để xây dựng cơ sở xã hội, hậu thuẫn chính trị cho chế độ, nhất là trong bà con giáo dân di cư, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập đảng Cần lao nhân vị làm nòng cốt cho cái gọi là phong trào cách mạng quốc gia, bộ máy tề xã ở những làng công giáo di cư đều là đảng viên Đảng cần lao, ngoài ra chúng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu cách mạng, tổ chức học tập chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và rêu rao: “Cộng sản là vô thần hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của công giáo”, tạo nên thành kiến giữa bà con với giáo dân với cách mạng. Vì vậy, từ năm 1954 đến năm 1960 các vùng giáo dân như Hố Nai, Gia Kiệm đối với cách mạng hoàn toàn là vùng trắng, (không có cơ sở cách mạng). Đồng thời với việc xây dựng hệ thống bộ máy tề ngụy ở cơ sở, chính quyền Sài Gòn còn duy trì một lực lượng quân đội đóng thường trực tại Chi khu Trảng Bom, Kiệm Tân để kìm kẹp nhân dân và phong trào cách mạng ở địa phương, khi cần thiết còn tăng viện lực lượng từ Long Khánh và Biên Hòa... Bởi vì, chúng tin tưởng rằng nếu bình định được địa bàn Thống Nhất - Trảng Bom, có thể kiểm soát an toàn đoạn quốc lộ I (Bàu Hàm - Dâu Giây - Hưng Lộc), khống chế được đường giao liên của kháng chiến từ chiến khu Đ qua, cắt đứt giữa chiến khu Đ và Long Thành xuống Bà Rịa (căn cứ Minh Đạm), ngăn chặn sự ủng hộ của nhân dân với cách mạng.
Về phía chính quyền cách mạng, ngay từ đầu cuộc kháng chiến đã nhận rõ những âm mưu của kẻ thù trong việc bố trí dân di cư để xây dựng hậu thuẫn chính trị, bảo vệ giao thông và các cơ quan quân sự đầu não ở Biên Hòa. Từ đó, Tỉnh ủy Biên Hòa cho rằng việc xây dựng cơ sở cách mạng tại vùng dân công giáo, vùng đồng bào các dân tộc ở địa bàn Thống Nhất là rất quan trọng, không những giữ được địa bàn trung tuyến mà còn làm bàn đạp quan trọng tiến công vào Biên Hòa, Sài Gòn và khả năng đáp ứng hậu cần cho cách mạng cũng rất lớn. Tỉnh ủy Biên Hòa đã quyết định thành lập Ban công tác di cư gồm các đồng chí: Văn Công Văn (Năm Văn), Bảy Chặng, Lê Văn Triết phụ trách, lấy địa bàn trọng tâm là vùng Đồng Lách, Sông Mây, Hố Nai, Bàu Hàm (thuộc huyện Trảng Bom hiện nay), chú trọng công tác vận động, tập hợp quần chúng trên địa bàn. Công tác vận động quần chúng trên cơ sở đoàn kết các dân tộc theo chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đoàn kết để kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Ban Công tác di cư xác định đây là địa bàn khó khăn phức tạp vì đối tượng công tác mới, lại thường xuyên bị kẻ thù tác động gây nghi ngờ giữa nhân dân với cách mạng, gần được dân đã khó, để nhân dân hiểu được chính sách của cách mạng và xây dựng được cơ sở lại càng khó hơn. Nhưng với ý chí kiên trì, các đồng chí đã bám sát đồng bào, giúp đỡ đồng bào trong sản xuất, tạo điều kiện gần gũi, gây cảm tình với đồng bào các dân tộc Hoa, Nùng và đồng bào công giáo để tuyên truyền vận động đồng bào tin và theo cách mạng, từng bước gây dựng các cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc. Mặt khác, Tỉnh ủy Biên Hòa cũng chỉ đạo Chi bộ Đảng xã Trảng Bom do đồng chí Năm Lợi phụ trách tổ chức xây dựng được một mạng lưới cơ sở trong công nhân cao su và nông dân địa phương ấp Vườn Ngô làm cơ sở hậu cần cung cấp nguồn lương thực phục vụ cho các cơ quan của tỉnh và các đơn vị bộ đội của tỉnh Biên Hòa trong thời gian đóng quân ở căn cứ Sông Buông, Suối Cả.
Từ năm 1965, trên cơ sở những người dân tộc Hoa, Nùng, lực lượng công nhân cao su và những người yêu nước, lực lượng cách mạng đã vận động giác ngộ và tổ chức xây dựng được nhiều cơ sở mật, cốt cán cho cách mạng; xây dựng được hầu hết các chi bộ xã trên địa bàn huyện Trảng Bom, thực lực cách mạng lớn mạnh cả bên trong lẫn bên ngoài. Riêng với khu vực Bàu Hàm được xây dựng trở thành một cửa khẩu hậu cần phục vụ cho kháng chiến. Đoàn hậu cần 81 của Miền, các đoàn hậu cần của Quân khu Miền Đông, của tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tỉnh, huyện… đều có lực lượng đứng chân ở Bàu Hàm để làm nhiệm vụ thu mua lương thực, vải vóc, thuốc men và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác phục vụ cho đơn vị. Bằng mọi phương tiện, mọi hình thức mua chuộc, che mắt địch, người dân đã thu mua lương thực, hàng hóa đưa về phục vụ cho kháng chiến. Đây được xem là một thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng của cách mạng, xuất phát từ nhận định đúng về tính chất đặc điểm của địa bàn Thống Nhất, sử dụng nhiều hình thức, biện pháp công tác linh hoạt, thích hợp gắn liền với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân; sự kiên trì của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã từng bước tạo được niềm tin trong nhân dân từ đó gây dựng và phát triển phong trào đấu tranh của nhân dân trên địa bàn huyện đạt được thắng lợi nhất định qua từng giai đoạn cách mạng.
Trong kháng chiến, địa bàn Thống Nhất - Trảng Bom cũng là chiến trường thử thách, nơi đào tạo, cung cấp nhiều cán bộ ưu tú cho cách mạng như các đồng chí: Văn Công Văn, Ba Rịch, Bảy Chặng, Lê Văn Triết, Tám Huệ, Năm Toàn, Hai Lộc, Sáu Mỹ, Ba Quang, Ba Vỹ... nhân dân Trảng Bom luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ tương ái trong đời sống và lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong đấu tranh cách mạng. Đặc biệt trong thời điểm ác liệt, khó khăn nhất của cách mạng (như sau Mậu Thân 1968), dưới sự đùm bọc che chở của nhân dân và các cơ sở cách mạng trên địa bàn Thống Nhất chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp các lực lượng kháng chiến địa phương (tỉnh, huyện, xã) trụ vững và tiếp tục chiến đấu cho đến ngày thắng lợi cuối cùng với đỉnh cao là chiến thắng Trảng Bom ngày 27/4/1975.
Sau chiến thắng Xuân Lộc ngày 21/4/1975 của quân ta, tuyến phòng thủ của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, Sư đoàn 18 quân đội Việt Nam cộng hòa tháo chạy về Trảng Bom và được củng cố lại 3 Chiến đoàn án ngữ quốc lộ 1. Chiến đoàn 48 đóng tại Trảng Bom, chiến đoàn 52 đóng tại Suối Đĩa, chiến đoàn 43 đóng ở phía tây nam Trảng Bom. Lực lượng bảo an ở Xuân Lộc cũng chạy về Trảng Bom phối hợp với lực lượng bảo an tại chỗ tổ chức thành 2 liên đoàn 933 và 318. Lữ đoàn 3 thiết giáp và biệt động quân án ngữ khu vực Hố Nai, Tam Hiệp. Với việc xây dựng củng cố lực lượng của địch đã thể hiện rõ ý đồ, sau khi mất Xuân Lộc chúng đã xây dựng địa bàn Trảng Bom thành tuyến phòng thủ cuối cùng để giữ cửa ngõ vào Biên Hòa và Sài Gòn.
Do chủ động theo dõi, đánh giá đúng tình hình, diễn biến trên chiến trường, ngay từ đầu mùa khô năm 1974 - 1975, Tỉnh ủy Biên Hòa đã chỉ đạo các địa phương chủ động tăng cường xây dựng và bổ sung lực lượng, chú trọng huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu cho các lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, từng bước làm tan rã sự kềm kẹp của địch ở các địa phương, tích cực chuẩn bị cho các đơn vị chủ lực về đứng chân hoạt động, xây dựng tốt kế hoạch bảo vệ nhân dân. Chủ động triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, ngay sau chiến thắng Xuân Lộc, trong khí thế tiến công sôi nổi, Huyện ủy Thống Nhất đã đề ra quyết tâm: “bằng lực lượng 3 mũi, dùng các đội xung kích của các ngành, giới với lực lượng chính trị và binh vận xây dựng khí thế khởi nghĩa rầm rộ, sôi nổi áp đảo kẻ thù, giải phóng ấp mình”[1]. Chỉ đạo các lực lượng địa phương và nhân dân phối hợp đóng góp lương thực, thực phẩm và dẫn đường cho các đơn vị chủ lực về đứng chân, triển khai lực lượng chuẩn bị tấn công vào những căn cứ đóng quân quan trọng của địch trên địa bàn.
Ngày 26/4/1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định của ta được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch đúng sáng ngày 27/4/1975, các tiểu đoàn 5, 6, 3 của Sư đoàn 341 (Quân Đoàn 4) mở màn bằng loạt tiến công vào yếu khu Trảng Bom, sau đó lực lượng của tiểu đoàn 5 đã đánh thẳng sở chỉ huy yếu khu Trảng Bom, tiêu diệt toàn bộ ban chỉ huy của địch. Đến 8 giờ 30 phút ngày 27/4, toàn bộ quân địch ở khu vực yếu khu Trảng Bom bị tiêu diệt, quân ta giải phóng được khu vực từ ngã ba Sông Thao đến thị trấn Trảng Bom. Cùng thời gian ở hướng Bắc Trảng Bom, lực lượng của tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 226) tấn công khu vực Bàu Cá, chiếm ấp Hưng Nghĩa, đập tan các cụm chốt của địch ở Bàu Cá diệt và bắt sống 300 tên địch, phá 7 xe tăng và 1 khẩu pháo 105 ly[2]. Các đội du kích và bộ đội của huyện dưới sự hỗ trợ của các lực lượng chủ lực cũng đã tiến công đánh chiếm các bót Lò Than, Sông Thao, Bàu Xéo giải phóng các ấp. Đúng 9 giờ sáng ngày 27/4, tàn quân địch ở Trảng Bom và các nơi hoảng loạn chạy về Suối Đĩa, lúc này tiểu đoàn 4 (sư 341) đã bố trí lực lượng chờ địch, quân ta diệt và bắt sống 2.000 tên, phá hủy 100 xe quân sự[3], cơ bản xóa sổ toàn bộ Sư đoàn 18 của quân đội Việt Nam cộng hòa.
Ở mặt trận phía Nam Trảng Bom, Bộ Tư lệnh sư đoàn 6 được sự hỗ trợ tích cực của các đoàn thể, ban ngành của huyện, trong đêm ngày 27/4 rạng sáng ngày 28/4 sư đoàn nổ súng tiến công quân địch ở nam Trà Cổ, quân địch tháo chạy về Xóm Mới, đến ngày 29/4 sư đoàn 6 tiếp tục tấn công địch ở khu vực phòng thủ suối Ông Hoàng tiêu diệt và làm tan rã Trung đoàn 5 thiết giáp của địch ở ngã ba Yên Thế và phát triển đội hình hướng về Hố Nai, Biên Hòa.
Sau chiến thắng của quân ta trên các mặt trận, tuyến phòng phủ duy nhất còn lại của địch là Hố Nai với lực lượng gồm lữ 258 lính thủy đánh bộ giữ trục lộ Hố Nai - Biên Hòa, một số lực lượng còn lại của sư 18 án ngữ Hố Nai, Long Bình, Chiến đoàn 318 bảo an giữ ngã ba Hố Nai - Tam Hiệp. Sáng ngày 28/4, các Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 4 với sự chi viện mạnh của hỏa lực Lữ đoàn 24 pháo binh (Quân đoàn 4) tiến công vào các tuyến phòng thủ Hố Nai, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra trong từng khu phố, từng góc nhà của người dân, đến chiều ngày 28/4 quân ta mới tiến được vào ấp đầu tiên của Hố Nai. Ngày 29/4 quân ta giải phóng được khu vực Hố Nai, lực lượng Quân đoàn 4 đã bàn giao địa bàn lại cho huyện Thống Nhất để nhanh chóng tuyên truyền chính sách 7 điểm của mặt trận, kêu gọi đồng bào đã đi di tản trở về xã ổn định đời sống và sản xuất.
Với chiến thắng Trảng Bom ta đã giải phóng hoàn toàn huyện Thống Nhất, đây cũng là chiến thắng mở màn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử quân ta giải phóng Sài Gòn. Thắng lợi đó đánh dấu sự suy sụp tinh thần của chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa, bởi huyện Thống Nhất chính là vùng đất mà chính quyền Việt Nam cộng hòa luôn xem là “huyện hậu phương”, một huyện mà cách mạng không thể trụ lại và chiến đấu. Ngược lại, Đảng bộ, quân và dân trong huyện vẫn kiên trì bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở từ không thành có, từ ít thành nhiều, phát triển từng bước phong trào cách mạng địa phương, mở rộng mạng lưới cơ sở trong các khu vực đồng bào có đạo và đỉnh cao của phong trào cách mạng trong huyện đã diễn ra ác liệt và gian khổ, không ngừng tiến công và phát động nhân dân vùng lên giải phóng quê hương.
Quân và dân huyện Thống Nhất đã nêu cao ý chí và tinh thần quyết tâm giải phóng quê hương, đồng thời có sự đóng góp nhiều sức của, sức người cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hàng trăm thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội, dân công phục vụ chiến dịch, góp phần quan trọng giải quyết vấn đề lương thực, vận chuyển vũ khí, tổ chức dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Các tuyến vận tải quan trọng bảo đảm cho các hướng tiến công vào Sài Gòn đều xuất phát hoặc đi qua địa bàn huyện. Huyện Thống Nhất cũng là địa bàn đứng chân của các lực lượng chủ lực Quân đoàn 4 với tinh thần tiến công thần tốc về giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng Trảng Bom không chỉ giải phóng huyện Thống Nhất mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng tỉnh Biên Hòa, vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Trảng Bom là kết quả của sự kết hợp 3 thứ quân, 3 mũi tiến công và tinh thần cách mạng triệt để của toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thống Nhất tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng và tinh thần chủ động, sáng tạo trong đấu tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh; từng bước đẩy lùi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn liền với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh; từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống chính trị và cương quyết đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, chia rẻ dân tộc của các thế lực thù địch, phản động bảo vệ và giữ vững được chính quyền, thành quả của cách mạng góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của địa phương và của đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thống Nhất (1995), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Thống Nhất, Nxb Đồng Nai.
2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai (1999), Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Nai, NXB Quân đội Nhân dân.
3. Bộ Tư lệnh Quân khu VII, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Tỉnh ủy Đồng Nai (2003), Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Nxb tổng hợp Đồng Nai.
4. Bộ Tham mưu Quân khu VII (1993), Pháo binh Biên Hòa Pháo binh Miền, Nhà in Bộ Tham mưu QK7.
5. Bộ quốc phòng - Tỉnh ủy Đồng Nai (2012), Mặt Trận hướng Đông từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nxb Quân đội Nhân dân.
6. Hồ Sơn Đài (cb),(1990), Miền Đông Chiến công, Nxb Đồng Nai.
7. Nguyễn Việt Trân (cb),(1985), Những chặng đường đấu tranh cách mạng của công nhân cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Đồng Nai xuất bản.
8. Trần Quang Toại (cb),(2004), Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
9. Trần Quang Toại (cb),(2013), Địa danh Hành chính - Văn hóa - Lịch sử Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.
10. Ca Văn Thỉnh (1993), Hào khí Đồng Nai, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trần Kiệt - Sở VHTT&DL
[1] Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thống Nhất (1995), NXB Đồng Nai, tr 173.
[2] Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thống Nhất (1995), NXB Đồng Nai, tr 174.