GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG TẠI VĂN MIẾU TRẤN BIÊN
Văn Miếu Trấn Biên được xem như là “Văn Miếu Quốc Tử Giám” của Nam Bộ. Giá trị về văn hóa - giáo dục của văn miếu không chỉ được các tầng lớp quan lại và sĩ phu phong kiến thời bấy giờ tôn vinh mà còn được nhân dân ngưỡng vọng gọi là “Văn Thánh miếu” thể hiện sự ngưỡng mộ của cư dân Đồng Nai với sự nghiệp trồng người. Ngoài ra, giá trị mang tính biểu trưng về văn hóa của Văn Miếu Trấn Biên là cơ hội để thế hệ ngày nay tìm hiểu, học tập về những giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống của tổ tiên, của địa phương. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, Văn Miếu Trấn Biên đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và chính thức được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2016 (Quyết định số 2894/QĐ - BVHTTDL ngày 18/8/2016). Văn Miếu Trấn Biên là thiết chế văn hóa, giáo dục, khoa học của tỉnh Đồng Nai. Hàng năm, văn miếu tổ chức các hoạt động dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh; các sự kiện, những buổi lễ lớn của tỉnh như Mùng Ba Tết Thầy, lễ tưởng niệm ngày sinh, ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ dâng hương, dâng bánh Giỗ Tổ Hùng Vương... Ngoài ra, nơi đây cũng là nơi tổ chức các lễ báo công, lễ tuyên dương các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao trong nhiều lĩnh vực.
Đứng trước những yêu cầu mới của thời đại, Văn Miếu Trấn Biên cũng cần phải có những bước chuyển mình từ không gian bảo tồn sang không gian sáng tạo để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng và xã hội. Trong đó, vấn đề xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục truyền thống tại di tích tuy không còn là vấn đề mới nhưng vẫn luôn được nhiều chuyên gia, lãnh đạo các Sở, ban ngành và quần chúng nhân dân quan tâm. Từ khi được khởi công phục dựng vào năm 1998, Văn Miếu Trấn Biên luôn là nơi bảo tồn, giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
1. Giáo dục trực quan thông qua các buổi tham quan, dâng hương tại Văn Miếu Trấn Biên
Xuất phát từ thực tiễn cũng như những yêu cầu nâng cao công tác giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng quê hương và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Nhiều địa phương trong đó có tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm và đưa nội dung giáo dục truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa ở các bậc học, đặc biệt là tổ chức những buổi tham quan, dâng hương, học tập… cho các em học sinh, sinh viên tại các di tích đặc biệt là di tích quốc gia Văn Miếu Trấn Biên.
Năm 2023, Văn Miếu Trấn Biên đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách tham quan, trong đó đoàn của các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS - THPT, các trường đại học trong và ngoài tỉnh chiếm phần không nhỏ, theo ước tính thống kê, có khoảng gần 110.000 nghìn lượt khách là các em học sinh, sinh viên. Nửa đầu năm 2024, do thực hiện việc trùng tu nên Văn Miếu Trấn Biên không mở cửa đón tiếp các đoàn khách tham quan, đến tháng 5/2024, văn miếu mới chính thức mở cửa trở lại. Chỉ trong quý II, quý III năm 2024, lượt khách tham quan văn miếu đã đạt gần 18.000 lượt khách, trong đó có hơn 15.000 lượt khách là học sinh, sinh viên đến tham quan di tích, trải nghiệm thực tế những kiến thức trước đó đã được tiếp thu qua trường lớp hoặc mạng internet.
Thông qua việc tham quan trực tiếp tại di tích, các em học sinh, sinh viên sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử vùng đất phương Nam và Văn miếu Trấn Biên, đồng thời kết hợp với việc quan sát những hạng mục công trình kiến trúc và hiện vật trưng bày tại văn miếu. Điều này sẽ giúp các em có trải nghiệm thực tế và hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai; về Văn Miếu Trấn Biên - Trung tâm văn hóa và giáo dục, trường học đầu tiên của vùng đất phương Nam. Từ đó, hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước, sự tự hào về văn hóa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
2. Giáo dục truyền thống thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu các danh nhân văn hóa đang thờ tại Văn Miếu Trấn Biên
Với sự phối hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức trang trọng và hiệu quả các buổi lễ tưởng niệm, các chương trình giáo dục truyền thống như sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về lịch sử vùng đất phương Nam; về di tích quốc gia Văn Miếu Trấn Biên; về những vị quan, nhà giáo, nhà thơ, danh nhân văn hóa đang được thờ tự tại di tích Văn Miếu Trấn Biên cho các em học sinh của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức hai buổi sinh hoạt chuyên đề về danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi. Nối tiếp thành công, năm 2024, tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề về danh nhân Võ Trường Toản và Bùi Hữu Nghĩa. Các buổi sinh hoạt chuyên đề tổ chức tại trường học luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia với số lượng hơn 300 em.
Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề học sinh sẽ được nghe giới thiệu về Văn Miếu Trấn Biên từ thuyết minh viên đang làm việc tại văn miếu. Sau đó, các em sẽ có cơ hội thảo luận, trao đổi trực tiếp với báo cáo viên là nhà nghiên cứu văn hóa. Đồng thời, trong buổi sinh hoạt chuyên đề còn lồng ghép thêm các trò chơi, câu hỏi đố vui, sinh hoạt tập thể vừa tạo được hứng khởi vừa giúp các em học sinh củng cố những kiến thức mới tiếp thu. Nội dung sinh hoạt chuyên đề xoay quanh việc giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai; về Văn Miếu Trấn Biên; trình bày về tiểu sử, sự nghiệp và những đóng góp của các danh nhân văn hóa nhằm bày tỏ lòng tự hào, tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của các bậc danh nhân văn hóa với đất nước; giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Tạo sân chơi lành mạnh giúp cho các em học sinh giao lưu, học hỏi, hiểu biết thêm về văn hóa, lịch sử địa phương, danh nhân của đất nước và giúp các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ và lưu giữ “kho tàng văn hóa” mà ông cha từ thuở dựng nước và giữ nước để lại cho đời sau.
Các buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra tại các trường THCS - THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều đã nhận được những phản hồi, đánh giá tích cực từ Ban Giám hiệu, giáo viên và đặc biệt là các em học sinh. Qua đó, nhanh chóng lan tỏa tinh thần hiếu học; tiếp tục duy trì hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống, tạo nếp sinh hoạt lành mạnh bổ ích, giúp các em học sinh thấy được tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại di tích; động viên các em không ngừng học tập và noi theo tấm gương các bậc tiền nhân; phấn đấu hơn nữa nhằm đạt thành tích cao trong học tập. Đồng thời, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử tại các nhà trường, gắn kết lịch sử với đời sống đương đại bằng những phương pháp giáo dục mới và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ niềm tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc.
3. Những kiến nghị và giải pháp gợi mở
Việc giáo dục truyền thống thông qua các buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại Văn Miếu Trấn Biên hay tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về các danh nhân văn hóa tại các trường học trong địa bàn tỉnh Đồng Nai bước đầu đã đạt được những hiệu quả tích cực. Trong thời gian sắp tới, Bảo tàng Đồng Nai tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai và Phòng Giáo dục ở các huyện, có kế hoạch phối hợp hàng năm đặc biệt với những trường học ở xa trung tâm thành phố, nơi các em học sinh chưa có nhiều điều kiện tham quan di tích, tìm hiểu về các bậc danh nhân. Qua đó, lan tỏa hơn nữa mô hình giáo dục truyền thống này đến mọi nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và nâng cao hình thức tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích quốc gia Văn Miếu Trấn Biên, về những công lao to lớn mà các vị danh nhân đã đóng góp cho nền văn hóa lâu đời của đất nước nói chung và vùng đất phương Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới nội dung chương trình giáo dục di sản phù hợp với từng đối tượng học tập, ngoài việc giới thiệu về Văn Miếu Trấn Biên, về các danh nhân văn hóa, có thể mở rộng thêm chủ đề về lịch sử phương Nam, tham quan và tìm hiểu về các di tích xung quanh văn miếu, về các hiện vật cũng như làng nghề truyền thống ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai để thu hút hơn nữa sự tham gia của các em học sinh, sinh viên; ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; tạo thêm các sản phẩm văn hóa giới thiệu về di tích… Ngoài ra, kết hợp việc dâng hương, tham quan tại di tích với việc tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc cảnh quan, cây xanh, dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh di tích.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng, cần có sự quan tâm đúng mức của các Sở, ban ngành và nhà trường. Hiện nay, nhìn vào những chương trình giáo dục truyền thống, các lễ tưởng niệm và nhiều hoạt động tại Văn Miếu Trấn Biên nói riêng và các di tích khác nói chung, có thể thấy rằng chúng ta đang góp phần xây dựng, bảo vệ và lưu truyền một nền giáo dục, một nền văn hóa vừa tiên tiến, hiện đại mà vẫn giàu bản sắc dân tộc.
Phạm Thị Hồng Tươi