logo
 

TỤC NẤU XÔI TRẮNG VÀ NGHI LỄ DỰNG NÊU TRONG LỄ KỲ YÊN TẠI ĐÌNH PHƯỚC THIỀN (XÃ PHƯỚC THIỀN, HUYỆN NHƠN TRẠCH)

04-11-2024 10:23 397

TỤC NẤU XÔI TRẮNG VÀ NGHI LỄ DỰNG NÊU TRONG

 LỄ KỲ YÊN TẠI ĐÌNH PHƯỚC THIỀN (XÃ PHƯỚC THIỀN, HUYỆN NHƠN TRẠCH)

 

Vào ngày 15, 16/11 âm lịch hàng năm người dân xã Phước Thiền và các vùng lân cận cùng nhau tổ chức lễ hội Kỳ yên đình Phước Thiền. Lễ hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa, hội tụ các yếu tố dân gian mang đậm tính cộng đồng, làng xã của người dân huyện Nhơn Trạch với rất nhiều hoạt động nghi lễ truyền thống còn lưu giữ cho đến ngày nay. Nghi lễ dựng cây nêu và tục nấu xôi cúng Thần là một trong những hoạt động văn hóa mang giá trị sâu sắc trong lễ hội Kỳ yên đình Phước Thiền.

Đình Phước Thiền hay còn gọi là đình Ông Cọp tọa lạc tại ấp Trầu, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 3607/QĐ-UBND ngày 07/12/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai. Tương truyền, ban đầu đình Phước Thiền là ngôi miếu nhỏ do dân làng Phước Thiền dựng lên ở Bến Chùa thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Thần Nông, Ngũ Hành Nương Nương. Đến cuối thế kỷ XIX, miếu được dời về ấp Trầu và nâng cấp lên thành đình. Trải qua các lần trùng tu vào các năm 1939, 1989, 1990, 2002, 2022, đình có quy mô và diện mạo như hiện nay.

Đình Phước Thiền nằm trong khuôn viên rộng gần 1,5ha, giữa khu vực dân cư đông đúc, mặt tiền hướng ra sông Đồng Môn đón gió lành. Bố cục mặt bằng tổng thể kiến trúc dạng chữ Công () gồm Tiền đình, Chánh điện và Hậu đình tiếp nối nhau theo trục dọc của ngôi đình. Kết cấu khung sườn bằng các loại gỗ quý như: gõ đỏ, căm xe, dầu… Hệ thống kiến trúc theo kiểu nhà tứ trụ (nhà vuông) với kĩ thuật ghép mộng, đảm bảo tính năng chịu lực; diện tích đình được mở rộng ra bốn phía bằng các bộ kèo đâm, kèo quyết, tạo cho không gian bên trong thoáng rộng. Ngoài kĩ thuật ghép mộng, đình Phước Thiền còn bảo tồn được các giá trị chạm khắc gỗ với đề tài tứ linh, tứ quý, vinh quy bái tổ, cày cấy canh nông, hoa lá triền chi… tinh xảo, sống động trên đầu hồi, đuôi kèo, khuôn bông, hoành phi, liễn đối, bao lam, hương án… mang tính nghệ thuật cao, thể hiện sự tài hoa của người nghệ nhân xưa trong kiến tạo công trình.

Với lịch sử hơn 200 năm, đình Phước Thiền tồn tại, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển xã Phước Thiền và các địa phương trong khu vực. Ngày nay, đình Phước Thiền vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân xã Phước Thiền. Họ đến đình bằng tất cả niềm tin tâm linh, niềm tôn kính vào Thần Thành hoàng của làng - vị thần phù hộ, bảo vệ cho cuộc sống của họ. Khi gia đình có việc, họ thường đến đình khấn nguyện, xong việc đều có lễ tạ Thần. Người dân làng Phước Thiền có lệ, trước khi đi xa đều đến đình cầu mong cho thuận buồm xuôi gió; hoặc khi đi xa về đến đình để tạ ơn Thần. Đình và các nghi lễ cúng đang được lưu truyền nối tiếp nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc.

Hằng năm, vào ngày 15 và 16/11 âm lịch, đình Phước Thiền tổ chức lễ Kỳ yên. Ban Quý tế đình tổ chức cúng tế theo nghi thức truyền thống để tạ ơn thần Thành hoàng bổn cảnh, các vị thần phối thờ và các anh hùng liệt sĩ; đồng thời cầu phúc - lộc - thọ cho dân làng. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân tham dự, thể hiện tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết cộng đồng trong mối giao cảm với nhau. Khoảng 10 ngày trước lễ Kỳ yên, Ban Quý tế đình tổ chức họp bàn xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình lễ và thành phần khách mời; đồng thời, phân công nhiệm vụ và dọn dẹp vệ sinh trong, ngoài đình cho sạch sẽ, tươm tất, lên thực đơn, chuẩn bị vật thực cúng tế.

Như bao ngôi đình khác ở Nam Bộ, lễ Kỳ yên ở đình Phước Thiền diễn ra với các nghi thức truyền thống, như lễ Thượng kỳ, lễ Tỉnh sanh, lễ Túc yết, lễ Đàn cả… Đặc biệt, tục nấu xôi trắng và nghi lễ dựng nêu của nhân dân địa phương thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Tục nấu xôi trắng

Trước ngày diễn ra lễ Kỳ yên, tức ngày 14/11 âm lịch, Ban Quý tế đình Phước Thiền và nhân dân địa phương sẽ chuẩn bị cho một công việc rất quan trọng đã được lưu truyền từ khi lập đình cho đến ngày nay, đó là nấu xôi trắng. Để có một chò xôi ngon, mềm, trắng thì phải trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ, cẩn thận từ khâu chuẩn bị, đến khâu nấu, đến bày lên chò, cụ thể:

Công đoạn chuẩn bị nấu xôi: Công đoạn chuẩn bị nước nấu xôi là quan trọng nhất. Nước nấu xôi được lấy lên từ giếng trong làng, lọc một lần qua vải màn sạch và đựng trong những chiếc vại đất lớn để ở hiên nhà. Cho một ít phèn chua vào trong mỗi vại, tùy vào lượng nước trong vại nhiều hay ít mà cho lượng phèn chua tương ứng. Sau đó, đậy nắp lại, để ba ngày cho các tạp chất trong nước giếng lắng kết lại dưới đáy vại và dùng nước này để nấu xôi. Khi lấy nước nấu phải lấy từ từ ở trên, không giục mạnh, tránh tạp chất dưới đáy vại nổi lên. Đây là kinh nghiệm được các bậc cao niên từ xưa truyền lại. Tiếp theo, là chọn loại nếp để nấu xôi. Nếp được chọn hạt phải to, tròn, bóng, đều hạt và không bị sâu mọt. Vo nếp đến khi nước trong, rồi mang đi ngâm từ 30 - 40 phút trước khi nấu.

Công đoạn nấu xôi: Sau khi lọc nước, lựa chọn gạo nếp, ngâm nếp đủ thời gian là đến phần đun nước thật sôi rồi cho nếp vào nồi và đậy nắp lại. Đun lửa đều trong vòng 30 phút, tiếp đến dùng đũa tre cái xới nếp lên, rưới thêm ít nước lắng phèn, đun thêm trong 20 phút, mở nắp, tiếp tục cho thêm ít nước lắng phèn rồi đun trong 10 phút rồi tắt lửa. Thông thường mỗi đợt nấu như vậy cần khoảng 60 phút là xôi chín.

Công đoạn bày trí xôi lên chò: Sau khi xôi trắng chín, đàn ông trong làng sẽ xới trải xôi ra nong tre, dưới có lót lá chuối, chờ xôi bớt nóng tiếp theo là thực hiện công đoạn đồ xôi lên chò. Chò được làm bằng gỗ, đặc ruột, cao khoảng 70cm - 80 cm; chân đế, thân liền nhau. Xôi khi đã nguội được đơm lên chò cẩn thận, dùng đũa tre cái miết cho mặt xôi được bóng, đẹp. Sau đó, dùng vải màn sạch màu trắng phủ bên trên mỗi chò xôi để dâng lên cúng Thần.

Những điều kiêng kỵ khi tham gia nấu xôi dâng cúng Thần: Trong tất cả các công đoạn để nấu được món xôi trắng dâng cúng Thần thì công đoạn đồ xôi, phủ khăn màn sạch màu trắng lên chò xôi dâng cúng Thần là công việc do nam giới phụ trách, nữ giới không được làm. Họ quan niệm rằng, đàn ông là đại diện cho phần dương, sự mạnh mẽ, gánh vác việc làng nước, gia đình; phụ nữ là biểu hiện của phần âm, sự yếu đuối, mang trọng trách sinh con… Nên lễ vật dâng cúng Thần phải là do đàn ông đảm trách.

Xôi là lễ vật trọng, xưa kia, nhà nào cũng mang một mâm xôi ra đình để tế Thần nhằm bày tỏ tấm lòng tri ân của gia đình đối với Thần đã phù hộ cho họ được mùa, sức khỏe dồi dào, gia đình bình yên. Ngày nay, chỉ còn ít gia đình mang xôi ra đình để cúng, chủ yếu họ mang heo quay, bánh, trái cây… Nét văn hóa tập trung tại đình trước ngày lễ Kỳ yên để nấu xôi, cùng thức trắng đêm để canh xôi, bày xôi lên chò cần bảo tồn và lưu truyền thể hiện tinh thần đoàn kết, tình nghĩa xóm làng trong văn hóa Việt.

Nghi lễ dựng nêu

Hiện nay rất ít đình ở Nam Bộ còn duy trì và thực hiện nghi lễ dựng nêu. Ở đình Phước Thiền, nghi lễ dựng nêu được giữ gìn và phát huy.

Sáng sớm ngày 15/11 âm lịch các vị bô lão, chức sắc trong xã, đình thắp hương báo cáo Thần Thành hoàng bổn cảnh của làng sau đó tập trung phía trước đình để bắt đầu dựng nêu. Cây nêu được chọn từ cây tre dài, vót sạch gai, lá ở thân, chỉ để ít lá trên chóp ngọn, phía trên thân treo một lá cờ hội, một chiếc quạt mo cau và một cái chuông đồng nhỏ. Khi cây nêu được dựng lên thì công việc bày trí hoa, quả, hương, đèn trên các ban thờ phía trong đình mới được phép bắt đầu. Cây nêu được hạ xuống khi lễ Kỳ yên kết thúc. Tục dựng nêu trong dịp lễ Kỳ yên là một phong tục có từ xưa và được giữ gìn đến hôm nay với mục đích ngăn trừ tà ma quấy phá trong những ngày lễ diễn ra.

Di tích đình Phước Thiền hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Những giá trị ấy phản ánh tâm tư, tình cảm, phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa của cộng đồng cư dân Phước Thiền - Nhơn Trạch nói riêng, Đồng Nai nói chung trong suốt chặng đường lịch sử hình thành, phát triển. Lễ hội Kỳ yên gắn với các nghi lễ truyền thống được lưu giữ, đặc biệt tục nấu xôi trắng và dựng cây nêu của người dân nơi đây thể hiện những khát vọng, ước mơ của mình về một xã hội thanh bình, no ấm, yên vui, giàu lòng nhân ái, cũng là dịp để gắn kết cộng đồng ngày càng thêm bền chặt.

Trần Thị Châu Hà

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thanh Lợi, Phan Đình Dũng (2010), Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

2. Trần Quang Toại (Chủ biên) (2013), Địa danh Hành chính - Văn hóa - Lịch sử Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

3. Hồ sơ khoa học di tích đình Phước Thiền hiện lưu trữ tại Bảo tàng Đồng Nai.