NHỮNG ĐẠO SẮC PHONG VÔ GIÁ TẠI DI TÍCH
ĐỀN THỜ NGUYỄN HỮU CẢNH
Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, văn bia, gia phả, công nhận các vị thần linh, thành hoàng được thờ tự tại các ngôi đình, đền, miếu… sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn. Sắc phong thần mang nhiều giá trị quý báu, vì chứa đựng thông tin có giá trị về tín ngưỡng, lịch sử, mỹ thuật, văn bản học, thông tin về các loại ấn của các triều Vua… Hiện các đình, miếu ở Đồng Nai còn lưu giữ khá nhiều đạo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, trong đó đình Bình Kính ở Biên Hòa có tới bốn đạo sắc tôn vinh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là Thượng Đẳng Thần.
1. Công đức của Lễ Thành hầu với vùng đất phương Nam
Theo gia phả dòng họ Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Cảnh ghi chép rằng: Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại nơi sau này là thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình); Quê gốc ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, tộc danh Lễ. Ông là cháu nội quan Tham Chiến Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn, cha ông là Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật là danh tướng thời các chúa Nguyễn.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Hữu Cảnh đã tỏ ra là người có tư chất thông minh, chăm chỉ dùi mài kinh sử, rèn luyện võ thuật. Từng là sư tổ của môn phái võ lâm có danh hiệu “Bạch Hổ Sơn Quân Phái”, lại là con nhà tướng nhiều đời khi lớn lên, ông theo cha tham gia nhiều trận đánh chống quân Trịnh và giành chiến thắng, được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai Cơ khi tuổi mới hai mươi. Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu phong ông chức Thống binh đem quân vào phủ Diên Ninh dẹp loạn biên cương. Năm 1693, ông chỉ huy tướng sĩ dẹp tan vua Kế Bà Tranh, giữ yên bờ cõi, vỗ an dân chúng Chămpa, lập trấn Thuận Thành (sau đổi thành phủ Bình Thuận), được chúa Nguyễn thăng làm Chưởng Cơ, trấn thủ dinh Bình Khương. Xuân Mậu Dần (1698), vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam, lập phủ Gia Định lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; chiêu mộ lưu dân, phát triển kinh tế, củng cố quân sự, đoàn kết các tộc người... Cuối mùa Đông năm ấy, công cuộc kinh lược hoàn thành, ông trở về trấn thủ dinh Bình Khương.
Năm 1699, vùng đất phương Nam bị vua Chân Lạp là Nặc Thu đem quân quấy nhiễu, cướp bóc dân buôn. Tháng 2 năm 1700, Thống Suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đem đại quân vào dẹp yên Chân Lạp, biên giới phía Nam ổn định trở lại. Tháng 4 năm 1700, đại quân rút về đóng ở cù lao Sao Mộc (nay thuộc An Giang), do thời tiết viêm nhiệt ông bị nhiễm bệnh. Ngày tết Đoan Ngọ, ông ra dự tiệc khao thưởng tướng sĩ lại bị trúng gió mà thổ huyết, bệnh tình trở nặng. Ông quyết định kéo binh về dinh Bình Khương để điều trị, nhưng ngày mùng 9 tháng 5 đi đến vùng đất Sầm Giang (Tiền Giang ngày nay) thì ông mất, để lại bao nỗi tiếc thương trong lòng dân Đại Việt. Trên đường chuyển linh cữu về quê nhà Quảng Bình an táng, đến dinh Trấn Biên thì tạm dừng vài ngày để nhân dân Đồng Nai, Gia Định tế lễ, tỏ lòng thành kính tiếc thương. Cũng để ghi nhớ công ơn của Lễ Thành hầu, nhân dân Biên Hòa đã lập miếu thờ và huyền mộ ở Cù lao Phố.
Về phía kinh thành, khi Nguyễn Hữu Cảnh mất, chúa Nguyễn Phúc Chu vô cùng thương tiếc truy tặng ông tước “Hiệp Tán Công Thần, Đặc Tiến Chưởng Dinh, Tráng Hoàng Hầu”, được thờ phụng trang nghiêm trong Thái miếu kinh đô. Các vị vua triều Nguyễn đã nhiều lần ban cấp sắc phong cho Nguyễn Hữu Cảnh làm vị Thần thay mặt nhà vua mà chở che bảo vệ nhân dân ở nhiều nơi.
2. Những đạo sắc Thần vô giá
Sách Đại Phùng Tổng Khoán Ước soạn năm Chính Hoà thứ 5 (1684) đời vua Lê Hy Tông từng ghi chép: “Sắc đưa về đến đình, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn Vua). Sau đó, hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong đình”. Điều đó chứng tỏ, sắc Thần giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng làng xã xưa kia. Sắc Thần vua ban cho Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là bảo vật quý báu, thiêng liêng, có ý nghĩa biểu trưng cho dân tộc; được nhận sắc phong là một ân điển và vinh dự vô cùng to lớn, nên tất cả người dân thôn Bình Kính Đông/Bình Hoành/Hiệp Hòa đều có ý thức trân trọng, bảo vệ, giữ gìn đến ngày nay.
Sắc phong 1: Sắc ban ngày 24 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ ba (năm Nhâm Ngọ, nhuận tháng 3 âm lịch), dương lịch là ngày 17/11/1822.
敕綂率禮成侯護國庇民顯有功德經有社民奉祀奉我
世祖高皇帝統一海宇慶被神人肆今光紹鴻圖緬念神庥宜隆顯號可加封拓境威遠昭應上等神仍準許平安縣平鏡東村依舊奉事神其相佑保我黎民故勅
明命三年九月二十四日
Phiên âm
Sắc Thống Suất Lễ Thành Hầu hộ quốc tí dân, hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng tự phụng ngã. Thế Tổ Cao Hoàng Đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miễn niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia phong “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thượng Đẳng Thần”. Nhưng chuẩn hứa Bình An huyện, Bình Kính Đông thôn, y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Cố sắc! Minh Mệnh tam niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật.
Phỏng dịch:
Sắc ban cho quan Thống Suất Lễ Thành Hầu người bảo vệ đất nước, che chở cho muôn dân. Hiển thị nhiều công đức, được dân trong xã phụng thờ.
Kính phụng công lao của Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Vua Gia Long) thống nhất nước nhà (cả biển đảo và đất liền), ban sự mừng vui cho khắp thần thánh và dân chúng. Nay đây, Trẫm mở mang làm rạng rỡ cơ đồ to lớn, luôn tưởng nhớ đến công ơn của Thần, nên phải long trọng ban cho tước hiệu hiển hách; vậy khả phong tặng thêm chức “Thượng Đẳng Thần Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng” (Khai thác cảnh địa nước nhà, uy đức vang dội phương xa là Cao Miên).
Vẫn chuẩn cho làng Bình Kính Đông, huyện Bình An, y theo lệ cũ tiếp tục phụng sự Thần, hầu Thần giúp đỡ bảo vệ con dân của Trẫm.
Do đó mà ban sắc phong này!
Sắc phong 2: Sắc ban ngày mùng 2 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ ba (năm Quý Mão, tháng bảy âm lịch), dương lịch là ngày 28/07/1843.
敕拓境威遠昭應綂率禮成府君上等神護國庇民稔著靈應節蒙頒給贈敕凖許奉事明命貳拾壹年値我聖祖仁皇帝五旬大慶節欽奉貴詔覃恩禮隆登秩肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈拓境威遠昭應誠感上等神仍凖許愊正縣平衡村依舊奉事神其相祐保我黎民欽哉
紹治叁年柒月初貳日
Phiên âm
Sắc Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thống Suất Lễ Thành Phủ Quân Thượng Đẳng Thần hộ quốc tí dân. Nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp tặng sắc chuẩn hứa phụng sự. Minh Mệnh nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế ngũ tuần đại khánh tiết, khâm phụng quý chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Thượng Đẳng Thần”. Nhưng chuẩn hứa Phước Chánh huyện, Bình Hoành thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm Tai! Thiệu Trị tam niên thất nguyệt sơ nhị nhật.
Phỏng dịch :
Sắc ban cho vị Thượng Đẳng Thần là Ngài phủ quân “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thống Suất Lễ Thành”, là người bảo vệ, che chở cho dân. Từng thể hiện nhiều điều linh ứng đã được ban sắc phong trước kia, chuẩn cho phụng sự sắc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) nhằm dịp lễ lớn chúc mừng Thọ 50 tuổi của Đức Thánh tổ Nhân Hoàng Đế (Vua Minh Mệnh), khâm phụng chiếu chỉ quý báu ở lễ đàm ân long đăng trật (gia tăng cấp bậc).
Trẫm nay nhận mệnh lớn của trời, luôn tưởng niệm công ơn giúp đỡ của Thần, khá tặng thêm là “Thần Thượng Đẳng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm”.
Vẫn chuẩn cho thôn Bình Hoành, huyện Phước Chánh, y theo lệ cũ, tiếp tục phụng sự Thần, hầu Thần giúp đỡ bảo vệ con dân của Trẫm.
Khá tuân hành sắc chỉ này!
Sắc phong 3: Sắc ban ngày mùng 2 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ ba (năm Quý Mão, nhuận tháng bảy âm lịch), dương lịch là ngày 26/08/1843.
敕拓境威遠昭應綂率禮成府君上等神護國庇民稔著靈應節蒙頒給贈敕凖許奉事肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈拓境威遠昭應誠感顯靈上等神仍凖許愊正縣平衡村依舊奉事神其相祐保我黎民欽哉
紹治叁年柒閏月初貳日
Phiên âm
Sắc Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Thống Suất Lễ Thành Phủ Quân Thượng Đẳng Thần hộ quốc tí dân. Nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp tặng sắc chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu, khả gia tặng “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh Thượng Đẳng Thần”. Nhưng chuẩn hứa Phước Chánh huyện, Bình Hoành thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm Tai! Thiệu Trị tam niên nhuận thất nguyệt sơ nhị nhật.
Phỏng dịch :
Sắc ban cho vị Thượng đẳng Thần là Ngài phủ quân “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Thống Suất Lễ Thành”, là người bảo vệ, che chở cho dân. Từng thể hiện nhiều điều linh ứng đã được ban tặng sắc phong trước đây, nay chuẩn cho tiếp tục phụng sự.
Trẫm nay nhận mệnh lớn của trời, luôn tưởng niệm công ơn giúp đỡ của Thần, khá tặng thêm tước hiệu “Thần Thượng Đẳng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh”.
Vẫn chuẩn cho thôn Bình Hoành, huyện Phước Chánh, y theo lệ cũ, tiếp tục phụng sự Thần, hầu Thần giúp đỡ bảo vệ con dân của Trẫm.
Khá tuân hành sắc chỉ này!
Sắc phong 4: Sắc ban ngày mùng 8 tháng 11 năm Tự Đức thứ ba (năm Canh Tuất, dương lịch là ngày 15/08/1850).
敕綂率禮成府君原贈拓境威遠昭應誠感顯靈上等神護國庇民稔著靈應節蒙頒給贈敕凖許奉事肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈拓境威遠昭應誠感顯靈卓偉上等神仍凖許愊正縣平衡村依舊奉事神其相祐保我黎民欽哉
紹治叁年柒閏月初貳日
Phiên âm
Sắc Thống Suất Lễ Thành Phủ Quân nguyên tặng “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh Thượng Đẳng Thần” hộ quốc tí dân. Nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp tặng sắc chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh Trác Vĩ Thượng Đẳng Thần”. Nhưng chuẩn hứa Phước Chánh huyện, Bình Hoành thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm Tai! Tự Đức tam niên thập nhất nguyệt sơ bát nhật.
Phỏng dịch :
Sắc ban cho Ngài phủ quân Thống Suất Lễ Thành, nguyên trước đây được ban tặng là “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh Thượng Đẳng Thần”, là người bảo vệ, che chở cho dân. Từng thể hiện nhiều điều linh ứng đã được ban tặng sắc phong trước đây, nay chuẩn cho tiếp tục phụng sự .
Trẫm nay nhận mệnh lớn của trời, luôn tưởng niệm công ơn giúp đỡ của Thần, khá tặng thêm tước hiệu “Thần Thượng Đẳng Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng Thành Cảm Hiển Linh Trác Vĩ”.
Vẫn chuẩn cho làng Bình Hoành, huyện Phước Chánh y theo lệ cũ, tiếp tục phụng sự Thần, hầu Thần giúp đỡ bảo vệ con dân của Trẫm.
Khá tuân hành theo sắc chỉ này!
Như vậy, có thể nói từ vua Minh Mệnh đến vua Tự Đức đều phong cho Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh phẩm trật là Thượng Đẳng Thần và dùng các mỹ từ “Thác Cảnh Uy Viễn Chiêu Ứng”, “Thành Cảm” và “Hiển Linh”, “Trác Vĩ”, để tưởng nhớ và ca ngợi công đức hiển hách của Thần; đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của Thần đối với vùng đất mà Thần thay mặt nhà vua cai quản. Đặc biệt, những đạo sắc phong Thượng Đẳng Thần cho nhân thần là hạn hữu và thật hiếm có đình miếu Nam Bộ nào còn lưu giữ được bốn đạo sắc như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Nghiên cứu sắc phong giúp chúng ta hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian. Sắc phong cũng thể hiện đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Ðồng thời một nét quan trọng khác là giấy sắc - một sản phẩm đặc biệt của nghề làm giấy truyền thống đến nay hầu như đã mai một. Bảo tồn giấy sắc là một cách bảo tồn chứng tích của nghề thủ công truyền thống này” - nhà văn hóa Hữu Ngọc nói. Mặc dù sắc phong Thần ở đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được làm từ chất liệu giấy Long đằng/giấy sắc vàng đặc biệt của làng Lại Nghè - Phủ Hoài Đức, Hà Nội, nhưng do tồn tại đã hàng trăm năm và phương pháp bảo quản thủ công (cất trong hộp gỗ), nên hiện nay các đạo sắc bị ẩm mốc, chữ mờ, phần giấy trên đầu bị mối, mọt ăn mòn mất hoa văn và đôi nét chữ Hán. Do đó, các đạo sắc này rất cần được phục hồi, bảo quản, xử lý bằng phương pháp khoa học bảo tàng - bảo tồn để kéo dài tuổi thọ.
Các đạo sắc Thần ở đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là cổ vật vô giá, cùng với hệ thống hoành phi, câu đối… trở thành tư liệu quan trọng, đáng tin cậy, phục vụ đắc lực cho nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa hơn 325 năm.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) (1998), Cù Lao Phố lịch sử và văn hóa, Nxb Đồng Nai.
2. Trần Quang Toại (chủ biên) (2004), Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.
3. Trịnh Hoài Đức (2005): "Gia Định thành thông chí" (Lý Việt Dũng, Huỳnh Văn Tới chú giải, hiệu đính), NXB Tổng Hợp Đồng Nai.
4. Theo https://baobinhdinh.vn/datnuoc-connguoi.
5. Bảo tàng Đồng Nai (2013), Nghi và văn cúng chữ Hán ở thành phố Biên Hòa, Nxb Đồng Nai.
Lê Văn Đức