NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆN VẬT VÀ PHƯƠNG PHÁP BẢO QUẢN PHÒNG NGỪA TẠI BẢO TÀNG ĐỒNG NAI
1. Bảo tàng Đồng Nai là một thiết chế văn hóa quan trọng; là nơi lưu giữ, bảo tồn, tuyên truyền những giá trị lịch sử văn hóa của địa phương, đất nước nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước đến với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Hơn 40 năm thành lập, 26 năm hoàn chỉnh trưng bày và đưa vào hoạt động để giới thiệu đến công chúng, Bảo tàng Đồng Nai đạt được những thành tựu đáng tự hào. Có được kết quả đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Tỉnh, Sở Văn hóa qua các thời kỳ, Ban Giám đốc và sự chung tay của tất cả cán bộ viên chức, người lao động trong toàn đơn vị.
Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai có hơn 22.000 hiện vật gốc lưu giữ trong kho, 3.000 hiện vật trưng bày cố định và 13 hiện vật trưng bày ngoài trời thuộc đủ loại hình từ lịch sử tự nhiên đến lịch sử xã hội, được sắp xếp theo chủ đề hoặc chất liệu hiện vật… Trải qua thời gian dài, mặc dù đã làm tốt công tác bảo quản hiện vật nhưng dưới sự tác động của môi trường tự nhiên và xã hội, một số hiện vật trưng bày bị xuống cấp. Xác định rõ nguyên nhân và đưa ra những biện pháp bảo quản, phòng ngừa là việc làm quan trọng và cấp thiết nhất.
2. Thông qua nghiên cứu, tổng hợp chúng tôi nhận thấy một số tác nhân ảnh hưởng đến sự xuống cấp của hiện vật sau đây:
Ánh sáng: Ánh sáng tác động lên hiện vật làm xuất hiện phản ứng quang hóa phức tạp (phản ứng oxy hóa, phân hóa, tổng hợp...) và phá hủy cấu trúc hiện vật, phai mờ các chi tiết hoa văn.
Nhiệt độ: Sự thay đổi nhiệt độ của môi trường làm cho hiện vật bị co dãn. Lớp màu của các bức tranh, các lớp men tráng kim loại... bị nứt vỡ, đồ gỗ bị cong vênh, nứt nẻ. Nhiệt độ không khí lên cao rồi giảm xuống gây ra sự ngưng tụ hơi nước làm cho những hiện vật có tính hút nước sẽ hút nước và nở ra. Khi nhiệt độ tăng lên thì nhả hơi nước và co lại. Hiện tượng này làm cho hiện vật nhanh chóng bị hư hỏng, không giữ được nguyên vẹn hình dạng ban đầu.
Độ ẩm: Không khí quá khô hoặc quá ẩm đều có hại cho hiện vật. Quá khô thì những loại hiện vật có tính hút nước sẽ bị sấy khô và trở nên dòn (sự rút nước) rất dễ dàng bị phá hủy do những rung động, va chạm nhỏ. Quá ẩm thì hiện vật sẽ hút nước trương phồng lên trở thành bở xốp ảnh hưởng đến hình dáng và tính bền của hiện vật. Độ ẩm tăng giảm liên tục sẽ làm cho hiện vật phải chịu một sự thử thách vô cùng lớn lao. Độ ẩm cao còn là điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động và phát triển của nấm mốc và côn trùng.
Không khí ô nhiễm: Trong không khí, ngoài hai chất khí chính là oxy, nitơ và hydro mà còn có các chất khí khác và các tạp chất. Tùy theo môi trường thành phần khí có thay đổi. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm lên cao, các chất khí này sẽ gây tác hại đối với hiện vật làm han rỉ các hiện vật làm bằng kim loại, trong không khí còn chứa bụi và bồ hóng là những vật chất nhỏ li ti cũng làm hư hỏng hiện vật. Bụi có thể làm trầy trụa bề mặt hiện vật, kết hợp với độ ẩm cao sẽ trở thành một lớp bụi bám dính bên ngoài hiện vật rất khó tẩy rửa và là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc và côn trùng phá hoại hiện vật.
Nấm mốc: Là loại vi sinh vật nguy hiểm nhất vì chúng rất dễ phát triển trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm của nước ta và chúng tấn công mạnh mẽ các hiện vật. Tác hại do nấm mốc gây ra rất phức tạp, các chất liệu là nguồn thức ăn của nấm mốc thường bị chúng làm hư hỏng, tan rã. Nếu không tiêu hóa được, chúng vẫn làm cho tan rã do tác động cơ học đơn giản là sự thâm nhập len lỏi phát triển vào bên trong hiện vật. Sau cùng là những tác hại về mặt hóa học gây ra bởi trong quá trình sinh sống, nấm mốc thải ra các acid hữu cơ, amoniac, muối và các sắc tố là các chất phá hoại hiện vật.
Vi khuẩn: Thường phát triển trên các hiện vật trưng bày ngoài trời có chất liệu bằng đá, bê tông, kim loại, gây tổn thất lớn, ví dụ loại vi khuẩn khử sulfate phát triển trên các tượng kim loại ngoài trời sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình ăn mòn (rỉ, sét). Đó là vì để phát triển, vi khuẩn đòi hỏi độ ẩm tương đối rất cao, độ ẩm như vậy trên bề mặt hiện vật thường chỉ có khi độ ẩm không khí lên tới 90%.
Côn trùng: Là những động vật không xương sống thuộc ngành chân khớp, chúng sinh sống rộng rãi nhất trên trái đất, những loài côn trùng gây hại đối với hiện vật phải kể đến đó là: mối, mọt, gián, ruồi, bọ cánh cứng, kiến, ong…
Con người: Trong quá trình bảo quản và di chuyển hiện vật không tuân thủ các nguyên tắc bảo quản dẫn đến hư hỏng hiện vật hoặc làm biến đổi hình dạng hiện vật, bất cẩn để xảy ra cháy nổ, trộm cắp, phá hoại di sản, một số khách tham quan thiếu ý thức như: sờ, leo trèo, vẽ bậy lên hiện vật…
3. Trên cơ sở xác định rõ những tác nhân gây ra sự xuống cấp của hiện vật bảo tàng. Để thực hiện tốt việc bảo quản phòng ngừa sự xuống cấp của hiện vật, xin đưa ra một số biện pháp cụ thể sau:
Trong số hơn 22.000 hiện vật bảo tàng bao gồm nhiều chất liệu như: thổ cẩm, gỗ, giấy, kim loại, đá - đá quý, gốm - sứ, thạch cao, phim nhựa, ảnh, băng đĩa ghi hình, ghi tiếng… Hiện vật được sắp xếp từng tủ, ngăn thuận tiện cho việc bảo quản và phục vụ nghiên cứu, việc tìm kiếm hiện vật, tài liệu cũng trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Đơn vị cũng được trang bị các thiết bị bảo quản như: máy điều hòa không khí, máy hút ẩm, tủ hút ẩm, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các vật dụng khác phục vụ công tác bảo quản...
Để đảm bảo hiện vật, tài liệu không bị xuống cấp cán bộ bảo tàng luôn quan tâm đến từng hiện vật. Đối với những hiện vật dễ bị tổn thương sẽ được bảo quản trong tủ riêng với các ngăn và hộp riêng biệt. Các hiện vật được sắp xếp ổn định và lót phía dưới, phủ lên trên một lớp sợi tổng hợp (hoặc vải cotton) giúp ngăn chặn bụi bẩn bám vào, đồng thời tránh để hiện vật tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Những tấm phủ như vùng đệm chống lại sự dao động của môi trường. Hiện vật được cung cấp đầy đủ giá đỡ nhằm giảm thiểu những va chạm vật lý, góp phần nâng cao tuổi thọ cho hiện vật.
Lối ra vào kho luôn đảm bảo thông thoáng để việc di chuyển trong kho luôn dễ dàng, đủ rộng để tiếp cận với hiện vật, tài liệu trong quá trình kiểm tra, vận chuyển đảm bảo hạn chế tối đa sự xếp chồng. Các hiện vật, tài liệu rất dễ bị “tổn thương” và hư hại trong quá trình cầm nắm, vận chuyển, vì vậy nhân viên bộ phận kho quan tâm và thực hiện theo đúng quy định.
Tất cả yếu tố môi trường được ghi chép, nghiên cứu, tổng hợp trước khi xác định các biện pháp thích hợp. Độ ẩm tương đối, nhiệt độ và ánh sáng là những tác nhân góp phần làm nguy hại tới hiện vật, tài liệu. Nếu nhiệt độ và độ ẩm có sự dao động mạnh sẽ dẫn tới một loạt vấn đề như: các nguy cơ hư hại về mặt vật lý như: cong vênh, rạn, vỡ, nứt nẻ, chia tách...; sự hư hại về mặt hóa học (oxi hóa); sự tấn công từ côn trùng hoặc nấm mốc... Để hạn chế những tác nhân hư hại kể trên kho phải ổn định độ ẩm tương đối và nhiệt độ ở mức an toàn nhất. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, viên chức thực hiện công tác bảo quản thường xuyên kiểm tra, theo dõi, điều chỉnh các thiết bị điện tử. Các thiết bị vận hành 24/24 giờ nhằm đảm bảo nhiệt độ kho luôn được duy trì ổn định ở mức 22 - 24 độ C, độ ẩm 45 - 55%. Đối với ánh sáng được hạn chế một cách tối đa, chỉ bật đèn khi cần thiết trong quá trình làm việc và kiểm tra kho.
Hàng ngày, luôn theo dõi tất cả các hiện vật, tài liệu dễ phát sinh nấm mốc, phát hiện dấu vết của nấm mốc, côn trùng động vật gây hại thì xử lý ngay. Nếu cần thiết phải cách ly hiện vật, tài liệu và thực hiện phương pháp tối ưu và thích hợp nhất để loại bỏ nấm mốc, côn trùng động vật gây hại.
Đối với hiện vật ngoài trời: Đây là những hiện vật chịu tác động mạnh mẽ nhất của môi trường tự nhiên: mưa, gió, nhiệt độ, ánh sáng… làm cho hiện vật phai màu sơn, rỉ sét, nứt nẻ, cong vênh… Để bảo quản những hiện vật, Bảo tàng Đồng Nai đã cho xây dựng hệ thống mái che, sử dụng hàng rào bảo vệ để người dân không leo trèo lên hiện vật, hàng ngày thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời khi hiện vật có dấu hiệu hư hại.
Hiện vật là “linh hồn” của bảo tàng. Vì vậy chúng ta cần làm tốt công tác bảo quản nhằm ngăn ngừa tối đa quá trình gây hại của yếu tố tự nhiên và con người góp phần gìn giữ ổn định tình trạng hiện vật. Thực hiện tốt các phương pháp bảo quản kéo dài tuổi thọ của hiện vật ở hiện tại và tương lai.
Nguyễn Văn Dũng