logo
 

Tượng phật A Di Đà - bảo vật chùa Đại Giác

21-02-2024 14:16 42

Tượng phật A Di Đà - bảo vật chùa Đại Giác

Di tích chùa Đại Giác (còn gọi là chùa Phật Lớn, chùa Tượng) thuộc phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Tỉnh Đồng Nai. Theo tác giả Nguyễn Hiền Đức viết trong cuốn “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”, chùa Đại Giác được kiến lập thế kỷ XVII. Đến năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, nhớ ơn trú ngụ ở chùa ngày trước, đã lệnh cho quan quân ở Trấn Biên tiến hành tu sửa lại chùa khang trang và cúng chùa một pho tượng phật A Di Đà bằng gỗ mít rừng cao 2,25m, sơn son thếp vàng, đặt an vị trên ngôi Tam bảo Chánh điện.

Tượng A Di Đà ở chùa Đại Giác được tạo hình trong tư thế ngồi tọa thiền, để lộ đôi bàn chân trên lòng đùi. Tượng ngồi trên đài sen hình bán cầu dẹp, trang trí bằng những cánh hoa sen úp và ngửa. Tượng được tạc theo một khối tam giác đóng kín, hai khuỷu tay hơi khuỳnh ra rồi thu vào trong lòng, kết ấn tam muội tạo cho toàn thân đăng đối qua trục đối xứng. Đầu tượng dài bằng 1/3 chiều cao pho tượng, trán nở không có nhục khảo mà chỉ có bạch ngọc hào. Khuôn mặt tượng hình trái xoan rất phù hợp với thân hình thon thả, thanh thoát. Thân tượng mặc áo khoác, chảy nuột để tạo nhịp dọc trang trí cho toàn khối điêu khắc. Có thể nói, tượng phật A Di Đà được nghệ nhân dân gian dụng công chạm khắc tỉ mỉ, đường nét tạo hình mềm mại toát lên năng lượng màu nhiệm của Đức phật giáo chủ ở cõi cực lạc.

Mặc dù không phải là pho tượng phật A Di Đà cổ xưa bằng gỗ lớn nhất Việt Nam như pho tượng A Di Đà chùa Côn Sơn (cao 2,58m). Nhưng đây là pho tượng A Di Đà bằng gỗ được cho là lớn nhất miền Đông Nam Bộ dưới thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) còn lưu giữ, thờ phụng đến nay. Pho tượng không chỉ có giá trị về mặt tâm linh mà còn có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Bảo vật vô giá này cùng với các thành tố văn hóa khác đem đến cho di tích chùa Đại Giác vẻ đẹp độc đáo và hấp dẫn.     

Nam Nguyễn