GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN MIẾU TRẤN BIÊN
TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Sự hình thành Văn Miếu Trấn Biên gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi phương Nam bằng một thiết chế văn hóa tiên phong, mang đậm tính biểu tượng. Biểu tượng đấy chứa đựng hào khí của vùng đất và con người xứ Đồng Nai. Giá trị của biểu tượng Văn Miếu Trấn Biên là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển bền vững hiện nay.
Gần đây, “phát triển bền vững” được cả thế giới quan tâm và hướng tới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp thu tinh thần của thời đại, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã khẳng định văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội... phải biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển.
Nghị quyết số 12 ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai Khóa XI “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững” xác định rõ tính toàn diện và bền vững trong phát triển. Gắn với thực hiện Nghị quyết, Văn Miếu Trấn Biên được chú trọng đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị không chỉ là một biểu tượng của tri thức, tôn vinh sự học, mà còn là nơi thờ cúng các bậc hiền tài, vĩ nhân có công trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giáo dục cộng đồng và phát triển văn hóa.
Trong nghiên cứu về giá trị biểu tượng Đinh Hồng Hải cho rằng: “Biểu tượng không chỉ đơn thuần là một hiện tượng văn hóa, mà còn là cơ sở để xây dựng nên hệ thống tư duy, ý thức xã hội. Chúng cung cấp khung tham chiếu cho việc hiểu về thế giới và tạo ra các mối liên kết xã hội bền vững”.
Bên cạnh đó, Trần Quốc Vượng cho rằng: “Biểu tượng trong văn hóa không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà còn là công cụ để biểu đạt các giá trị xã hội, tư tưởng triết học và tôn giáo. Những biểu tượng như rồng, phượng, hoa sen... là những hình ảnh sâu sắc phản ánh thế giới quan của người Việt”.
Như vậy, có thể khẳng định biểu tượng không chỉ phản ánh thế giới mà còn định hình thế giới quan của con người, giúp duy trì cấu trúc xã hội và truyền tải các hệ tư tưởng, giá trị văn hóa qua các thế hệ góp phần cho phát triển bền vững.
Áp dụng lý thuyết biểu tượng vào trường hợp nghiên cứu Văn Miếu Trấn Biên cho thấy rằng di tích này không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc lịch sử mà còn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về giáo dục, văn hóa, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Văn Miếu Trấn Biên là biểu tượng sống động của truyền thống hiếu học, lòng tôn trọng tri thức, và sự tiếp nối các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời là nơi cộng đồng tìm thấy sự kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
Lịch sử ghi nhận năm 1698, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Nam Bộ. Chỉ 17 năm sau đó, tức năm Ất Mùi (1715) đời chúa Nguyễn Phúc Chu, tại vùng đất mới này xuất hiện một thiết chế văn hóa đặc biệt, khẳng định vai trò tiên phong của văn hóa trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam. Sau hai lần trùng tu vào năm 1794 và năm 1852, Văn Miếu Trấn Biên ngày càng to đẹp hơn. Tiếc thay vào năm 1861, do ảnh hưởng của chiến tranh, Văn Miếu Trấn Biên đã bị tàn phá hoàn toàn sau 146 năm tồn tại. Đến năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai đã quyết tâm phục dựng lại Văn Miếu Trấn Biên. Lễ khởi công vào ngày 09/12/1998 và khánh thành công trình vào ngày 14/02/2002 (nhằm ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ). Hơn 3 thế kỷ qua, Văn Miếu Trấn Biên vẫn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của bao thế hệ con người xứ Đồng Nai. Di tích này mang trong mình những giá trị biểu tượng được hun đúc và trao truyền:
Thứ nhất, biểu tượng của truyền thống hiếu học
Văn Miếu Trấn Biên là biểu tượng quan trọng của truyền thống hiếu học ở Nam Bộ. Bối cảnh xây dựng vào năm 1715 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu tức là ngay sau khi ổn định hành chính và là văn miếu đầu tiên ở phương Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm đến giáo dục và sự phát triển tri thức trong khu vực đang trong quá trình khai hoang và phát triển. Ngày nay, Văn Miếu Trấn Biên là nơi tôn vinh hiền tài, gương điển hình. Văn Miếu Trấn Biên là nơi tôn vinh các giá trị truyền thống văn hoá giáo dục của dân tộc. Từ khi Văn Miếu Trấn Biên được phục dựng (năm 2002), đây không chỉ là nơi đón tiếp nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan mà còn là nơi tổ chức hoạt động báo công, tuyên dương nhằm khuyến học, khuyến tài, tạo động lực cho một xã hội học tập hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, hoạt động lễ báo công tôn vinh hiền tài tại Văn Miếu Trấn Biên có ý nghĩa hết sức thiêng liêng và quan trọng trong phát huy giá trị văn hóa - giáo dục.
Thứ hai, biểu tượng của lòng biết ơn đối với các bậc hiền tài
Văn Miếu Trấn Biên đóng vai trò tôn vinh và ghi nhận công lao của các danh nhân, nhà trí thức lớn, không chỉ ở khu vực Nam Bộ mà trên cả nước. Những bia đá, tượng thờ trong văn miếu ghi tên tuổi của các bậc hiền tài, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Biết ơn tiền nhân còn được thể hiện ở việc tổ chức các hoạt động văn hoá, tưởng niệm các danh nhân văn hoá. Hoạt động tưởng niệm các danh nhân văn hoá được tổ chức ở Văn Miếu Trấn Biên nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những cống hiến to lớn của các vị anh hùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Hoạt động này có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng. Qua đó, khuyến khích học tập và phát triển nhân cách, tri thức cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, biểu tượng của sự tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc
Văn Miếu Trấn Biên là biểu tượng quan trọng trong việc tiếp nối truyền thống văn hóa Nho học nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Với kiến trúc được phục dựng kế thừa các văn miếu cổ của cả nước, Văn Miếu Trấn Biên thể hiện sự nối tiếp các giá trị văn hóa và giáo dục trong quá trình Nam tiến của người Việt. Ngày nay, Văn Miếu Trấn Biên là nơi lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là nơi tôn vinh tri thức, văn miếu còn là biểu tượng của sự liên kết giữa các thế hệ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua các hoạt động văn hóa, hội thảo khoa học và các sự kiện nhằm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa, tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận và hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Tựu trung lại, như Phan Ngọc đã viết: “Biểu tượng văn hóa là một phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển bản sắc dân tộc”. Văn Miếu Trấn Biên là biểu tượng của nhiều giá trị văn hóa và tinh thần, từ truyền thống hiếu học, lòng tôn kính hiền tài cho đến sự tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc. Với vai trò là một trung tâm giáo dục và văn hóa quan trọng, Văn Miếu Trấn Biên không chỉ có ý nghĩa đối với lịch sử của vùng đất Nam Bộ mà còn đối với sự phát triển văn hóa và giáo dục của cả nước. Nơi đây không chỉ khẳng định tầm quan trọng của tri thức và giáo dục trong đời sống xã hội mà còn là minh chứng cho sự phát triển và truyền thừa các giá trị văn hóa qua các thế hệ. Những giá trị đó có sự tiếp biến theo dòng chảy của lịch sử và văn hóa. Từ biểu tượng “ngọn cờ văn hóa tiên phong” vào vùng đất mới trong bối cảnh Nho giáo và chế độ phong kiến phát triển rực rỡ ở Việt Nam thế kỷ XVIII; đến nơi khuyến học, khuyến tài, tôn vinh sự học; và nay là trung tâm sinh hoạt văn hóa - giáo dục - chính trị, nơi tôn vinh hiền tài. Tuy những giai đoạn lịch sử có khác nhau nhưng giá trị biểu tượng Văn Miếu Trấn Biên được khẳng định và đúc kết lại bằng chữ “Văn”. Chữ “Văn” hướng con người ta tới cái “Chân - Thiện - Mỹ” thông qua “Học”. “Học” ở đây không dừng lại ở việc học kiến thức trên ghế nhà trường, mà là học để hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng tới “xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Muốn làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm lan tỏa giá trị cốt lõi (tầng nghĩa thứ 2 trong lý thuyết biểu tượng) của biểu tượng Văn Miếu Trấn Biên sâu rộng trong toàn xã hội. Để khi nhắc tới Văn Miếu Trấn Biên là nói đến “việc học - người học - sự học”. Giá trị của những “hiền tài” đã - đang - sẽ là nguồn lực nội sinh quan trọng, tạo ra “sức mạnh mềm” của địa phương Đồng Nai trong nhiều lĩnh vực và góp phần đưa “văn hóa ngang bằng với kinh tế, chính trị, xã hội” và phát triển bền vững.
Trương Lê Thành Trung
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Phú Trọng (2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản.
2. Nghị quyết số 12, ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai Khóa XI “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững”.
3. Đinh Hồng Hải (2013), Văn hóa và Biểu tượng: Nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin.
4. Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng một số hướng tiếp cận lý thuyết, NXB Thế Giới.
5. Trần Quốc Vượng (1996), Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hóa Dân tộc.